​Mỗi người hãy diễn tròn vai

BẢO LINH 31/01/2015 22:01 GMT+7

LTS: Tham gia Câu chuyện cuộc sống về Những người già “mắc nợ” (xem TTCT từ số ra ngày 11-1) là ý kiến của hai độc giả, một ở “thế hệ sandwich” và một thanh niên vừa bước vào đời sau khi tốt nghiệp đại học. Cả hai gặp nhau ở góc nhìn về vai trò của mỗi thế hệ đối với chữ hiếu.

Minh họa: BÍCH KHOA

1. Đọc loạt Những người già “mắc nợ”, tôi liên tưởng đến vở kịch Dạ cổ hoài lang vừa xem ở sân khấu Võ Văn Tần nhân kỷ niệm 20 năm vở diễn.

Khi ông Tư của Dạ cổ hoài lang đau đớn nhận ra nỗi đau khổ của đứa con trai phải đứng giữa gia đình, vợ con và nghĩa vụ hiếu thảo với mình, thì những mâu thuẫn đã không thể vãn hồi.

Nhân vật “người con trai” kia tuy không diễn xuất trên sân khấu, song nhân diện anh ẩn hiện qua từng lớp kịch: anh vất vả mưu sinh giữa hai bờ nuôi dưỡng và phụng dưỡng đến vắt kiệt sức lực, thời gian; anh gần như là biểu tượng cho những kẻ - ở - giữa với hai chiều trách nhiệm, chiều nào cũng nặng nề, cũng thiêng liêng như nhau.

Họ vừa làm cha/làm mẹ, vừa vẫn đang là một người con, họ gánh vác trên vai hai tầng thế hệ, cộng thêm bản thân đang già đi từng ngày.

Rồi tôi nhận ra bóng dáng cha mẹ mình thấp thoáng trong mẫu nhân vật đó, cũng như nó phóng chiếu sang bao nhiêu người cha, người mẹ của bạn bè tôi, của những đứa con trong thế - hệ - tôi.

Họ cũng thế, trong khi tuổi trung niên đang oằn đi trên tấm thân thì từng ngày chính họ lại chìm trong hai chiều suy tư và hành động: làm gì cho cha mẹ (ông bà) già yếu, làm gì cho những đứa con tuy đang độ trưởng thành nhưng vẫn chưa đủ sức và đủ an tâm độc lập giữa cuộc đời.

 

2. Lớp người đó - mà một tờ báo nước ngoài gọi là “thế hệ sandwich” (the sandwich generation) - với hai lớp trách nhiệm, nghĩa vụ luôn “kẹp giữa” thân phận. Theo một số nhà nghiên cứu, sự gia tăng tuổi thọ của lớp người già, cộng với khuynh hướng sinh con trễ hoặc việc bảo bọc, chăm lo con cái quá kỹ lưỡng sẽ nảy sinh trạng thái lưỡng cực trong đời sống, hình thành nên lớp trung - niên - vất - vả này.

Một đồng nghiệp nữ lớn tuổi trong cơ quan tôi vài năm gần đây đều đến cơ quan bằng dáng vẻ kiệt quệ, xơ xác.

Làm sao khác được: cô vừa chăm lo, phụng dưỡng mẹ già lớn tuổi, yếu sức; vừa tất bật giúp săn sóc đứa cháu mới sinh vì con gái cô vốn quá bận bịu và không giỏi... kỹ năng nuôi con trẻ. Một mình cô căng sức ra đóng thế bao nhiêu vai xung quanh, và lắm khi chính từ đó cô đã quên mất cả vai diễn thật sự - cuộc đời riêng của mình.

Thế hệ trẻ tuổi như chúng tôi, tuy là nhân chứng thật sự cho hiện tượng “vắt kiệt” kia, song chúng tôi cũng chính là một động cơ tích cực và vô tâm, chúng tôi nhiều bận đã lờ đi cảm tưởng về những sức ép tinh thần và vật chất đang đè nặng lên cha mẹ.

Ý tưởng về việc phải chịu trách nhiệm (thật sự) cho chính cuộc đời mình và bắt tay vào chung sức, gánh vác phần nào có thể của đời sống gia đình với tất cả niềm âu lo và nỗi nặng nhọc của nó đủ khiến chúng tôi rùng mình, hoang mang, nhất là khi đã quen với quyền miễn trừ đương nhiên.

Hơn thế nữa, chữ “hiếu” ngày nay đã lung lay biến đổi lắm phần, không còn những biểu hiện truyền thống phổ quát xưa nay. Chưa kể chúng tôi phải đối mặt một thực tế khác.

Đó là áp lực dữ dội của xã hội đương đại, áp lực chứng tỏ mình, áp lực nhịp độ sống, của hằng hà sa số các lựa chọn, các kết quả và các cách biểu đạt đã kéo bao nhiêu đứa con trẻ tuổi khỏi mối bận tâm riêng dành cho gia đình. Muốn thành đạt, muốn mưu sinh, muốn tiếp cận những chân trời mới, tuổi trẻ cần không gian - thời gian để trải nghiệm và hành động.

Từ đây, mái nhà chung vắng đi phần nào sự hỗ trợ của một thế hệ và kéo theo đó, tiếp tục, là hiện tượng cộng dồn trách nhiệm. Vòng quay bổn phận - khát vọng - áp lực - lựa chọn dường như ngày càng khắc nghiệt hơn.

 

3. Trong bài viết “Thế hệ “sandwich”: Ai sẽ chăm lo cho bạn?” trên tờ The Huffington Post (*), tác giả Ruth Tarantine cho rằng ngay chính bản thân lớp người - ở - giữa ấy cần phải tự điều hòa và cân bằng lại cuộc sống của mình, từ những việc nhỏ nhất như cách thức phân chia công việc và các khoản đóng góp tài chính, đến ý thức tự thân về lối sống lạc quan, tâm thế tự giữ gìn sức khỏe, tự tích cực chăm sóc bản thân mình, đừng bao giờ lãng quên chính mình.

Tuy nhiên, nền tảng cho việc cân bằng kia, theo tôi, có lẽ nằm ở sự chia sẻ và vai trò độc lập của từng thành viên trong đại gia đình. Những vị thế độc lập đó sẽ cộng hưởng thành trách nhiệm chung, theo từng hình thức khác nhau, phù hợp với từng thế hệ khác nhau.

Ở góc độ một người trẻ, tôi tin rằng bản thân sự tích cực và chủ động từ phía thế hệ con cháu cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong việc hóa giải sức ép của cơ chế “vắt kiệt” nọ. Các bậc cha mẹ hãy giáo dục và trao quyền tự lập cho con cái, từ điều nhỏ đến điều lớn, hãy để cho mỗi người tự diễn tròn vai cuộc đời mình, như thế nên chăng?

(*): www.huffingtonpost.com/ruth-tarantine-dnp-rn/baby-boomers-caregivers_b_5733782.html

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận