Món quà mùa thu

HỒNG VÂN 14/12/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Hái nấm phải đúng thời điểm, lúc nấm búp dai và ngon nhất. Hái trễ thì nấm nở hoặc sẽ tàn. Những năm gần đây, người Đà Lạt tự đi hái nấm vào mùa mưa, cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới, trong một thời điểm mà con người hòa mình vào thiên nhiên với những hoạt động thu hái hoa trái thú vị.

 
 Nhóm bạn của Lê Kiều Chinh ngồi gọt gốc nấm tại chỗ, nếu để cả gốc sẽ khó rửa nấm vì đất và lá khô sẽ dính lên mũ nấm. -Ảnh: Lê Kiều Chinh

 

Hái nấm rừng mùa mưa

Lên gần khu vực hồ Tuyền Lâm, anh Nguyễn Thiện Nhơn, 50 tuổi, cùng một người bạn đi hái nấm và mang về khoảng 10kg nấm đủ loại. Những nhóm hái nấm rừng mùa này không thiếu, có cả những nhóm hái nấm bán đi bằng xe hơi tới.

Mùa mưa Đà Lạt kéo dài khoảng 6 tháng. Từ tháng thứ 2, thứ 3, các loại nấm gan, nấm gạch, nấm mỡ, nấm hột gà, nấm thông xanh, thông đỏ… bắt đầu lên rộ. Từ tháng thứ 4 bắt đầu có nấm sữa, rộ đến tháng thứ 5, tháng thứ 6 cuối mùa mưa thì hết nấm.

Đi hái nấm cũng phải “dắt túi” kinh nghiệm...Theo anh Nhơn, nếu không muốn trở về tay không thì nên đi sau khi trời mưa dầm, nắng lên. Ở rừng, loại mọc trên thân cây, trừ nấm mèo thì các loại khác không nên hái.

Mỗi loại nấm một vị, chỉ giống nhau ở chỗ không cần chế biến cầu kỳ. “Tôi thích nấm đổ bánh xèo, cháo nấm, nấm kho sả ớt, nấu lẩu hoặc nướng”, anh Nhơn kể tên hàng loạt món nấm mình yêu thích.

Ở Đà Lạt, kinh nghiệm hái nấm bị “thất truyền” nên một thế hệ người Đà Lạt sau này không biết hái nấm. 

Khoảng 3-4 năm nay, xu hướng thích đi tìm hiểu thiên nhiên, hái nấm thư giãn và sự xuất hiện của những người bán nấm rừng trên mạng, các clip trải nghiệm của YouTuber khiến người ta tò mò. Phong trào hái nấm rừng trở lại.

“Trước đây, trong chục người ở Đà Lạt thì chỉ có 1 người biết ăn nấm rừng, nhưng 1-2 năm gần đây, số người đi hái nấm nhiều lên. 

Có cả người ở xa, từ TP.HCM lên rừng Đà Lạt hái nấm. Để hái được nhiều nấm tôi phải đi xa hơn, đến các khu rừng ở xã Xuân Thọ hay hồ Tuyền Lâm”, anh Nhơn cho biết.   

Lê Kiều Chinh, 30 tuổi, người Quảng  Nam, cho biết vì yêu thích khí hậu và nhịp sống ở Đà Lạt nên đã lên phố núi sống hơn 6 năm. Chinh thích đi rừng tìm hiểu về cây cối bản địa. 

Trong những chuyến đi rừng mùa mưa, cô gặp rất nhiều loại nấm mọc từ mặt đất hay thân gỗ mục. Bị cuốn hút nên Chinh chụp hình và hái về để tìm hiểu. 

Là người thích ăn nấm nên Chinh chịu khó học hỏi những kinh nghiệm hái nấm rừng của người Đà Lạt, tự hái các loại nấm ăn được mang về, tìm kiếm tài liệu tham khảo trên Internet. 

Mùa mưa năm nay được nhiều người nhận định là một mùa nấm dồi dào. Hồi giữa tháng 5, Chinh đi cùng 3 người bạn xuất phát từ 7h sáng, họ đi xe máy vào con đường nhỏ cạnh đồi thông rồi dừng xe đi bộ lên đồi. 

Chuyến đó cả ba hái được 10kg nấm kaki đỏ (còn gọi là nấm gan bò đỏ - tên tiếng anh là Boletus). Trong các loại nấm ăn được của rừng thông Đà Lạt, nấm gan bò là loại đặc biệt ngon vì thân to, dày; thịt nấm chắc, ngọt, thơm, chế biến được nhiều món ngon. 

Chinh chỉ hái đủ dùng, hái những cây nấm đến kỳ thu hoạch, nấm nhỏ để lại cho lớn lên. Hái nấm là cái cớ để Chinh được vào rừng, ở giữa thiên nhiên để nạp lại năng lượng.

Lê Kiều Chinh phát hiện một cái nấm gan bò đỏ khổng lồ. Ảnh: Lê Kiều Chinh

 

Niềm vui hái lượm

Hái lượm quả, trái theo mùa như hạt dẻ, nấm hay quả mọng là món quà thiên nhiên ban tặng bình đẳng cho mọi người dù giàu hay nghèo, già hay trẻ. 

Darlene Patey, 63 tuổi, một bà nội trợ sống ở tỉnh bang Newfoundland và Labrador (Canada), tự hào quê hương của mình có rất nhiều loại dâu dại như squash berries, bakeapples (còn gọi là cloudberries - dâu mây), raspberries (mâm xôi), dâu tây dại, blueberries (việt quất), blackberries (mâm xôi đen) và partridgeberries. 

Tất cả các loại dâu dại này năm nhiều năm ít tùy thuộc thời tiết. Năm nay, bà Darlene cho biết họ được thiên nhiên hào phóng trao tặng một vụ bội thu quả blueberries.

Blueberries bắt đầu chín từ tháng 8, tháng 9 hằng năm. Năm nay, trái bắt đầu chín từ giữa tháng 8, người dân có nhiều tuần liền để hái quả với độ chín theo ý thích. 

Đài truyền hình CBC Canada cho biết khí hậu khắc nghiệt của Newfoundland góp phần tạo nên những phẩm chất độc đáo của các loại quả mọng ở Newfoundland. 

Nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên, không có thuốc trừ sâu khiến quả mọng hoang dại có hương vị ngon hơn chính quả cùng loại được trồng từ các trang trại hoặc ở các nơi khác.

Blueberries được các nhà nghiên cứu xác nhận là có tác dụng bảo vệ hệ thần kinh. Loại quả này giàu các chất chống oxy hóa và các vitamin như vitamin C, B2, B6, E, K và chất xơ. Nhưng không chỉ ăn quả này mới có lợi cho sức khỏe, nhiều người cảm thấy việc đi hái quả là một điều kỳ diệu với họ. 

Một chuyến đi ra ngoài thiên nhiên chính là một liều thuốc tinh thần. Đi hái quả dại cũng là cách con người kết nối với thiên nhiên, là một hoạt động gắn kết các thành viên trong gia đình, giúp những người trẻ hoặc người mới đến hiểu thêm về kiến thức địa lý, truyền thống với văn hóa vật chất, ẩm thực và phong tục của địa phương. 

“Hái quả mọng là một truyền thống trong văn hóa của bang chúng tôi. Ông bà, cha mẹ và tất cả những thế hệ trước chúng tôi đều đi hái quả dại. Chúng được cấp đông, làm nguyên liệu nướng bánh, làm rượu và có mặt trong nhiều công thức nấu ăn đã truyền qua nhiều thế kỷ đến nay”, bà Darlence kể.

Bà cho biết mình biết hái quả mọng khi còn bé, đi hái thường xuyên hơn khi lớn lên và hiện nay khi tuổi đã về chiều thì đi hái cho vui, cho khỏe người khi trời đẹp. 

Chồng bà, ông Tony, thì ngược lại. Khi còn bé, ông thường đi hái quả dại để bán cho các cửa hàng trong vùng lấy tiền tiêu vặt, giờ thì đi tháp tùng vợ. Cách đây vài chục năm, trai gái có tình ý với nhau ở Newfoundland còn lấy cớ rủ nhau đi hái quả mọng để tìm hiểu nhau.

Khu vực có blueberries dại. Ảnh: Darlene Patey

 

Vợ chồng ông bà Darlence hái blueberries để dùng trong gia đình, nhưng có rất nhiều người đi hái để bán vì quả blueberries rất được yêu thích ở khắp Canada. 

Nhờ có mạng xã hội, người ta có thể rao bán chúng dễ dàng. Với những người hái cho gia đình, họ chỉ hái đủ dùng, khoảng 6-10kg. Số quả mang về được đông lạnh để dành làm mứt, làm bánh. Bà Darlence cho biết các trảng cây blueberries hoang dại rất dễ tiếp cận. 

Cây blueberries thấp nên dễ hái. Việc bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng cũng giúp cho những khu vực có cây blueberries được gìn giữ. Bà Darlene Patey hy vọng mọi thứ được duy trì theo cách hiện nay vì quả mọng là một “điều kỳ diệu” của địa phương.

Tiềm năng du lịch

Mặc dù quả mọng không hề thiếu trong các cửa hàng thực phẩm ở Canada, nhiều người tìm đến Newfoundland vào cuối mùa hè và đầu mùa thu để trải nghiệm việc hái quả dại bên cạnh các trải nghiệm du lịch khác. 

Hái quả mọng mang đến cho du khách một cơ hội tiếp cận văn hóa địa phương và quả mọng cũng trở thành một hình ảnh biểu tượng cho một vùng đất giàu có, được thiên nhiên hào phóng ban tặng nhiều loại quả ngọt.

Hằng năm, tại Newfoundland, du khách có thể đến thăm lễ hội Blueberry ở thị trấn Brigus. Cái tên nói lên tất cả, các hoạt động trong lễ hội nhằm tôn vinh blueberry. 

Du khách sẽ thưởng thức bánh nướng blueberries, thi ăn bánh từ blueberries, xem cuộc thi người đẹp blueberry và cắt chiếc bánh trung tâm - là một chiếc bánh nướng blueberry khổng lồ. Năm 2021 lễ hội bị hủy do dịch COVID-19, nhưng lễ hội năm sau dự kiến tổ chức từ ngày 12-14 tháng 8-2022.

Thành quả của bà Darlene sau một buổi sáng đi thư giãn kết hợp hái quả. -Ảnh: Darlene Patey

 

Một địa phương khác trong tỉnh là Forteau thì có lễ hội Bakeapple, cũng vào tháng 8 hằng năm để tôn vinh quả dâu mây - cloudberries, một loại quả dại mọc dọc theo bờ biển. 

Có lịch sử từ năm 1980, lễ hội là dịp để du khách thỏa thích trải nghiệm hái dâu mây, tham gia hoặc làm cổ động viên cho cuộc thi nướng bánh từ quả dâu mây, dự buổi biểu diễn âm nhạc và điệu nhảy truyền thống, dự đêm lửa trại, ngắm pháo hoa và các hoạt động vui tươi bên bờ biển.

Người địa phương cho biết hầu hết mọi người đều mua về một hũ mứt dâu mây làm quà. Quả mọng hoang dại là một đại sứ du lịch thực sự kết nối du khách với văn hóa địa phương và cũng mang lại nguồn thu đáng kể. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận