Món quê so tài

HOÀNG OANH 14/11/2014 02:11 GMT+7

TTCT - “Thật khó để chỉ ra món nào… ít ngon”, một chuyên gia ẩm thực buột miệng nói về ẩm thực khu vực phía Bắc.

Gỏi ngỗng miền quê - Ảnh: chiecthiavang.com
Gỏi ngỗng miền quê - Ảnh: chiecthiavang.com

Bởi chìa khóa ẩm thực ở đây chính là sự hòa hợp dễ chịu của nguyên liệu quê nhà, gia vị đồng nội và bàn tay tuyệt kỹ của người nấu, tạo nên những món ăn thanh đạm, đơn giản mà thanh lịch, tinh tế.

15 đội lọt vào vòng bán kết cuộc thi Chiếc thìa vàng 2014 khu vực miền Bắc (diễn ra ngày 5-11) tại Hà Nội đã dùng chiếc chìa khóa đó để giải bài toán “Món ăn vàng”, tức món sở trường của các đội - chủ đề của vòng thi bán kết lần này. 

Cá suối, gà đồi, lợn bản

Trên những cung đường khám phá vùng núi phía Bắc, qua bất cứ quán ăn nào dù là quán nhỏ ven đường hay nhà hàng sang trọng, lữ khách đều có thể dễ dàng bắt gặp những bảng hiệu ghi “Cá suối, gà đồi, lợn bản”. 

Cá đủ loại lớn nhỏ được bắt lên từ những con suối nước ngọt nên có vị ngọt trong khó lẫn. Đặc biệt, ở Sa Pa còn có cá hồi, cá tầm được nuôi trong vùng nước mát lạnh đã trở thành thứ đặc sản địa phương sang trọng. 

Các đầu bếp của nhà hàng Thác Bạc Sapa từng dùng cá hồi để làm… nem và cá tầm để làm… bánh chưng trong cuộc đua vào vòng bán kết cuộc thi Chiếc thìa vàng 2014, tạo nên một sự kết hợp hương vị độc đáo khó quên. 

Ở vòng bán kết, họ tiếp tục mang đến món cá hồi Sa Pa xông khói đặc trưng với màu vàng cánh gián bên ngoài, khi cắn vào bên trong lại thấy có màu hồng, rất thơm và béo. Ngoài ra còn có món khá độc đáo là thịt lợn muối ăn kèm cơm Séng Cù độn hạt dẻ. 

Thịt lợn bản da dày bụng ỏng được muối lên mằn mặn, dọn kèm với cơm được nấu từ gạo Séng Cù đặc sản của vùng Mường Khương, Tây Bắc với hạt thơm, dẻo, ngọt hòa quyện cùng hạt dẻ vùng cao béo bùi. 

Lợn cắp nách nướng thảo quả
Lợn cắp nách nướng thảo quả
Vịt nướng riềng mẻ - Ảnh: chiecthiavang.com
Vịt nướng riềng mẻ - Ảnh: chiecthiavang.com

Trong khi đó, đội Sapaly Lào Cai gây ấn tượng với món ức vịt nhồi gia vị miền núi. Cũng giống như gà, vịt ở Lào Cai được chăn thả tự do trên đồi nên thịt chắc và dai, được thái xéo thớ và ướp chút rượu gừng để khử mùi trước khi chế biến. 

Để “đồng hành” cùng với cá suối, gà đồi, lợn bản, người ta cũng chọn những thứ gia vị độc đáo của núi rừng như mắt khén, mắt mật, hạt dổi, thảo quả, hồi, quế tẩm ướp để tạo nên mùi thơm hấp dẫn cho thịt cá; dùng lá cẩm, lá dứa, dành dành để đồ xôi nếp trong những gùi lá chuối tạo nên những màu sắc đẹp mắt theo triết lý ngũ hành.

Món ăn vì thế vừa trở thành một bài thuốc cân bằng âm dương và tiêu hóa, giúp thực khách không bị ngấy và đầy hơi khi ăn nhiều đạm, vừa được ví như một bản nhạc rừng với những thanh âm trầm bổng đầy đặn say mê.

Ăn hải sản ở… đồng bằng 

Ở lưu vực châu thổ sông Hồng, hai thành phố Hạ Long và Hải Phòng đã giành vé đi tiếp ở vòng bán kết miền Bắc. Điều thú vị là cả hai thành phố này được xếp trong nhóm đồng bằng nhưng lại trình làng toàn món ăn miền biển.

Cũng bởi nếu xét vị trí địa lý thì cả Hạ Long và Hải Phòng đều có cảng biển tấp nập với đủ loại hải sản tươi ngon.

Ở vòng loại, đội Khách sạn Sài Gòn - Hạ Long (Quảng Ninh) giới thiệu món cù kỳ xốt me, nhìn giống như con cua đá nhưng thịt rất ngọt và càng rất to, những thớ thịt cua chắc mịn và nước xốt me chua ngọt bóng bẩy. 

Bước vào bán kết, đội tiếp tục dùng hải sản làm món tủ của mình khi chọn sá sùng làm nguyên liệu.

Sá sùng là một đặc sản của vùng biển Quảng Ninh, có nhiều nhất ở vùng Vân Đồn, Quan Lạn được đội Khách sạn Sài Gòn - Hạ Long nấu với lá lốt trở thành một món khai vị có khả năng kích thích vị giác cho toàn bộ bữa ăn. 

Vịnh Hạ Long - Ảnh: Hoàng Hà
Vịnh Hạ Long - Ảnh: Hoàng Hà
Cá hồi xông khói - Ảnh: H.Oanh
Cá hồi xông khói - Ảnh: H.Oanh

Món quê lên bàn tiệc

Không như Hạ Long hay Hải Phòng dùng hải sản làm thế mạnh trong ẩm thực địa phương, những đơn vị ở khu vực duyên hải Bắc Trung bộ như tỉnh Quảng Nam hay thành phố Đà Nẵng lại chọn những “món ăn trên bờ” để thi thố.

Cao lầu Hội An, mì quảng tôm thịt hay bê thui Cầu Mống đã trở thành linh hồn không thể thiếu trong ẩm thực vùng đất này.

Dù mang tiếng là khu nghỉ dưỡng cao cấp nhưng đội Palm Garden Quảng Nam lại toàn dùng những món ăn dân dã của vùng đất Quảng đem ra thi thố như: bê Cầu Mống nướng quê hay chè mè đen Hội An. Thăn bê mềm được ướp với sả, tỏi, nước mắm, tiêu xanh, bọc lá chuối rồi nướng trên lửa than theo kiểu đồng quê.

Chè mè đen hay còn gọi là “xí mà” vốn là món ăn vặt quen thuộc của người dân phố Hội, với cách nấu đơn giản là rang mè rồi trộn với bột củ năng, khi ăn thì quậy với nước rau má đun sôi, chỉ vậy thôi mà làm nên một nỗi nhớ nhỏ xinh mỗi buổi chiều bên bờ sông Hoài. 

Nói đến món Bắc, không thể không nhắc tới Hà Nội, nơi có lẽ được xem là cái nôi gốc của ẩm thực xứ kinh kỳ. Người Hà Nội nổi tiếng tinh tế và thanh lịch, họ đem những điều này vào nếp ăn uống hằng ngày tạo nên một nền ẩm thực nhẹ nhàng, dễ chịu và thanh đạm.

Nem cua bể - Ảnh: Phi Nguyễn
Nem cua bể - Ảnh: Phi Nguyễn

Một bát bún ốc với nước dùng sóng sánh những ốc, đậu, rau, bún hay một đĩa nem rán vàng rộm thơm phức ăn kèm với ít tương cay trên con phố nhỏ Hà Nội đã trở thành ký ức không thể quên của nhiều người khi đi xa. 

Đội của khách sạn Sunway kết hợp các loại hải sản như tôm biển tươi, hải sâm, sò điệp với hạt sen, nấm hương để nấu xúp. Tuy nhiên đó không chỉ là một bát xúp hải sản bình thường, mà kết hợp với những hạt cốm Làng Vòng chiên giòn rụm được rắc lên trên bề mặt tạo nên sự độc đáo.

Đội Khách sạn Công Đoàn dùng các loại lá dân gian như đinh lăng, mơ, sung để dọn ăn kèm với thịt dê nướng chạo, rồi lại dùng tôm khô rắc lên bát bánh đúc nóng hổi đủ khiến những ai từng mê bánh đúc Hà Nội đều muốn nếm thử….

Thành viên ban giám khảo - Chuyên gia ẩm thực Chiêm Thành Long: 

Giữ lấy hương đồng gió nội!

 

* Theo dõi các vòng thi từ sơ kết đến bán kết, theo ông, hương vị đặc trưng của món ăn miền Bắc là gì?

- Nếu như miền Nam là mùi của nước dừa và hành tỏi phi, miền Trung là mùi của ớt xanh và tiêu đen thì miền Bắc sẽ là mùi của thì là và lá chanh. Thật vậy, một bát bún nóng hổi với nước dùng trong vắt được rắc lên ít thì là the nồng sẽ rất tuyệt trong một ngày đông lạnh đất Bắc.

Lá chanh là thứ không thể thiếu trong các món gà hay ốc, kết hợp cùng sả, gừng tạo nên một hương vị vô cùng hấp dẫn. Ngoài ra món Bắc còn có mùi của sấu, riềng, mẻ.

Các đội thi của khu vực miền Bắc tuy có ít nhiều cải biên, biến tấu trong cách chế biến và trình bày món ăn nhưng đều cố gắng thể hiện đúng hương vị đặc trưng này từ bao đời nay trong những căn bếp đất Bắc.

* Nguyên tắc nào là quan trọng nhất trong cách chế biến món ăn ở vùng này, thưa ông?

- Người ngoài Bắc luôn cố gắng giữ lấy hương vị tự nhiên vốn có của các nguyên liệu nên trong cách nấu họ không dùng nhiều gia vị, không nêm nếm nhiều để đảm bảo món ăn có vị thanh, không nồng, không gắt.

Tuy tôn trọng tính tự nhiên của thực phẩm nhưng không vì thế mà cách nấu trở nên đơn giản, xuề xòa, ngược lại món ăn Bắc đòi hỏi sự tinh tế, kỹ lưỡng trong chế biến.

Ví dụ có đội khi nấu món bún ốc thì họ dùng chính nước luộc ốc để làm nước dùng mà không nêm thêm nhiều gia vị, hay có đội ở khu vực duyên hải Bắc bộ dùng con sá sùng để nấu cho ngọt nước. Khi nấu xong thì phải đáp ứng được nhu cầu “ăn bằng mắt” của người sành ăn với các loại rau củ được cắt tỉa đẹp đẽ.

Chẳng hạn như có đội thi làm món nem rán nhưng lại sáng tạo cách gói độc đáo thành những hình vuông nhỏ rất vừa đũa gắp, dùng dây hành buộc lại và để bên cạnh bún trắng, rau xanh, nước chấm tỏi ớt rất hài hòa, đẹp mắt.

Nói chung họ cố gắng giữ lấy hương đồng gió nội của quê hương trong cách nấu và dùng những gia vị ăn kèm, đề cao sự tự nhiên, đơn giản, dễ chịu và hài hòa trong phong cách ẩm thực nơi đây.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận