Một ngôi chợ kinh doanh tên tuổi

TS LÊ THANH HẢI 07/11/2013 10:11 GMT+7

TTCT - Đã từ lâu rồi tôi không còn dùng Facebook cho cuộc sống cá nhân nữa, chỉ giữ để liên lạc công việc với những ai thường xuyên có mặt trên Facebook. Không ít người cũng rời Facebook với nhiều lý do khác nhau.

Cũng như dịch vụ chat Messenger của Yahoo!, hay mạng IRC một thời nổi tiếng, sau mỗi giai đoạn nếu không còn phù hợp với nhịp bước của thời đại thì các phương tiện liên lạc cũng dần bị đào thải.

Thời gian của bạn: tiền cho người kinh doanh Facebook

Chắc bạn còn nhớ có một thời chiếc máy điện thoại bàn là vật không thể thiếu trong mỗi hộ gia đình, nhưng nay ngay cả thợ gặt thợ cấy cũng chờ gọi công bằng điện thoại cầm tay, và bản thân tôi từ nhiều năm nay không hề có điện thoại cố định trong nhà.

Điện thoại cầm tay làm thay đổi rất nhiều thói quen trong cuộc sống hằng ngày của người sử dụng và có những loại điện thoại không hề thích hợp cho người xài Facebook, cũng như các phần mềm Facebook mới can thiệp quá nhiều vào cuộc sống riêng tư của người ta.

Vừa mới quen một đối tác làm ăn, nạp số vào máy, thế là Facebook tự động tích hợp với hệ thống email và friends trên mạng, khiến đối tác biết hết không chỉ về cuộc sống riêng tư của bạn mà cả đường đi nước bước, hay thậm chí cảm giác của bạn sau khi gặp họ nữa.

Xuất phát từ một phần mềm kết nối cho sinh viên từ các trường đại học hàng đầu ở Mỹ, Facebook liên tục đi trước thời đại đến mức khiến không ít người khó chịu, và không phải cải tiến nào cũng là cùng chiều với nhịp bước của xã hội. Đó chính là lý do khiến nhiều người rời bỏ mạng Facebook.

Mà bản thân người Anh cũng không hạp lắm với dịch vụ này và thích sử dụng Twitter hơn. Nếu Đàm Vĩnh Hưng và nhiều sao Việt lên Facebook kết nối với người hâm mộ và chia sẻ hình ảnh, thì các ngôi sao của Anh thường kín đáo “tâm sự” trên Twitter. Họ chỉ lên Facebook khi cần quảng bá thương hiệu nào đó.

Facebook, suy cho cùng, cũng giống như một cái chợ mà để có thể kinh doanh tên tuổi bạn sẽ phải đầu tư thời gian, còn nếu chỉ để chơi thì bạn đang lãng phí thời gian - mà thời gian là tiền bạc - tức là đóng góp tiền bạc cho những người kinh doanh trên đó.

Deactivate - chiêu thức bán hàng

Nhìn từ góc cạnh tâm lý con người, chuyện rời bỏ Facebook không phải là đơn giản. Khi bạn đóng cửa tài khoản Facebook thì phần mềm này không chia tay vĩnh viễn với bạn, chỉ tạm ngưng hoạt động (deactivate) để bất kỳ khi nào bạn thích chỉ cần log-in vào như bình thường là khởi động trở lại.

Đây là chiêu thức thường gặp trong bán hàng, và cái mà Facebook cần để biến thành tiền chính là sự có mặt và thời gian tham gia của bạn (để họ bán quảng cáo cho các tập đoàn lớn và lấy con số về lượng người truy cập).

Rất nhiều người sử dụng Facebook mô tả mối quan hệ của mình với mạng xã hội này giống như một cơn nghiện không dễ gì cắt bỏ. Đi đến chỗ nào đẹp là muốn chụp ảnh hay viết vài câu cảm xúc để chia sẻ. Xong rồi là cứ bồn chồn lại vào xem có ai bấm nút like cái status của mình hay không. Khi có người “ném đá” thì không chỉ đáp trả mà còn mất ngủ vào canh xem kẻ đó đối đáp lại như thế nào, và thiên hạ đàm tiếu ra sao.

Có bạn còn dồn hết tâm trí để vận động bạn bè xông vào “tẩn” cho kẻ kia một trận. Thôi thì hỉ nộ ái ố trong cuộc đời có dịp xả ra hết chỉ trong vòng một đêm thức trắng trên mạng. Mỗi lần như vậy cảm giác nghiện lại ăn sâu vào trong con người ta, như Immanuel Kant từng phân tích trong quyển sách nổi tiếng mở đường cho ngành nghiên cứu nhân học, khi nói về ảnh hưởng gây nghiện của cảm xúc trái chiều (vui - buồn, ngọt - đắng, yêu - ghét...) đi cùng nhau.

Cũng giống như là bỏ thuốc lá, phải là một người rất vững vàng và được sự trợ giúp của ngoại cảnh mới có thể dễ dàng từ chối sự cám dỗ của Facebook.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận