Netizen, những cái lưng gù và những thành phố biến đổi

LÊ QUANG 31/07/2019 02:07 GMT+7

TTCT - Tôi từng có bạn gái, lâu lâu rồi, tạm gọi là cô X. Không có chuyện gì đáng kể, ngoài việc cô ấy mỗi khi ngồi xuống là rút điện thoại di động ra đặt lên bàn. Thoạt tiên tôi tưởng vì vướng víu do cô ưa mặc đồ bó sát người, té ra không phải. Mấy tuần nay tôi làm quen cô Y, cô không bao giờ để điện thoại lên bàn, nhưng... cô mang tới một bất ngờ còn hơn bất ngờ từ cô X.

Ảnh
Ảnh

TRỞ VỀ TƯƠNG LAI

Otis Johnson không được sống nhiều theo đúng ý nghĩa của khái niệm ấy, năm 25 tuổi ông bị tù vì toan giết một cảnh sát New York. Sau song sắt, Johnson không biết gì mấy về xã hội bên ngoài, 44 năm ròng.

Ông được thả tự do khi đã 69 tuổi và choáng váng khi bước chân ra phố.

Ông Otis Johnson
Ông Otis Johnson

“Tôi đứng rất lâu ở quảng trường Times và quan sát một diễn biến điên rồ. Hầu hết mọi người đang độc thoại với chính mình”. Johnson nhận ra họ gắn gì đó trong tai. “Bây giờ ai cũng là nhân viên CIA chăng? Lắm người không nhìn chân mình bước đi đâu nữa, lạ thật”. Vài hôm sau thì ông được giải thích là ai cũng dùng điện thoại thông minh.

Chúng ta may mắn không bị sốc như Johnson, bởi được những Bill Gates hay Steve Jobs của thế giới này chầm chậm và ma mãnh dắt tay vào thời đại mới. Song bên cạnh các tiện nghi không thể chối cãi, ít ai dám tự thú nhận với chính mình là ngày càng bị phụ thuộc vào cái điện thoại nhỏ trong tay hoặc trong túi quần.

Điện thoại ngày nay thay thế đồng hồ và bản tin dự báo thời tiết, chỉ cho ta giờ và điểm đỗ xe buýt, đặt vé máy bay, gọi pizza về tận nhà… Và quan trọng nhất, rốt cuộc là bây giờ nó đã cột chặt mỗi chúng ta vào hàng trăm mối quan hệ với các mạng xã hội mà đa phần thành viên trong đó ta chưa thấy mặt, cũng có thể sẽ chẳng bao giờ thấy mặt.

Cách đây hai chục năm mà nghe ai bảo sẽ có ngày sinh ra chứng nghiện điện thoại thì tôi sẽ nghĩ cái tay tuyên bố câu ấy mắc chứng hoang tưởng. Thế nhưng hôm nay đã có hàng loạt bệnh viện mở cửa đón bệnh nhân bị “vật smartphone” - những người ngơ ngác thất thần khi ra đường mà bỏ quên điện thoại ở nhà, tay chân như thừa vì không có dịp quẹt quẹt hay nhấn phím, hoặc như cô bạn gái cũ của tôi - người lúc nào cũng phải để di động trong tầm mắt vì lo bỏ lỡ tin nhắn hay post nào đó trên Facebook...

TỰ NGUYỆN SA BẪY

Liên tục ngó vào điện thoại và lên mạng - thuật ngữ chuyên ngành cày net là “check” - đã trở thành một hành vi mặc định của netizen (hay netcitizen), những người không thể sống thiếu mạng.

Các nhà phát minh ra mạng và điện thoại di động đã đánh hơi được điều đó từ rất sớm. Năm 2007, nhóm quân sư của Mark Zuckerberg sáng tạo ra nút “like” nổi tiếng.

Từ năm 2009 trở đi, cộng đồng con nghiện câu “like” có hộ khẩu trên mạng nhưng thiếu các mối quan hệ ngoài đời liên tục phải cắm mắt vào màn hình để đợi một ngón tay trỏ ngoắc lên, một quả tim hay ngôi sao nhấp nháy. Nút “like” ấy thực sự đã củng cố sự tương tác giữa các thành viên mạng xã hội, tạo ra một cuộc đua với post và pic mà chẳng mấy chốc các mạng xã hội khác như Instagram, Twitter, Linkedin hay YouTube đều học mót của Facebook.

Ảnh
Ảnh

Một cuộc nghiên cứu với 86.000 người dùng Facebook cho biết: với 70 “like” thì người tung post được nhiều người trong cộng đồng biết rõ hơn bạn bè của chính người đó biết, 150 “like” là đủ cung cấp nhiều dữ liệu về người ấy hơn những gì chính gia đình người đó biết. Mạng xã hội liên tục tận dụng số lượng “like” để hướng quảng cáo đến đúng người đúng chỗ, vì họ kiếm tiền từ các doanh nghiệp quảng cáo dựa theo số người click vào. Lập tức sinh ra một loạt công ty chuyên viết thư xin thành viên toàn cầu nhấn nút “like” rồi bán cho mạng xã hội.

Người dùng có biết không? Có lẽ ai cũng từng nghe, nhưng không quan tâm.

CÔ X

Cộng đồng này đông lắm, nếu không phải là 100% nhân loại. Cứ ngồi xuống là họ đặt di động lên mặt bàn. Đáp lại cái nhìn dò hỏi của tôi, tất cả có chung một giải thích đại để là họ sợ lỡ một tin quan trọng nào đó. Hừm, giờ thì bên bàn cà phê của chúng tôi không chỉ có nhà thơ Thành, danh ca Diệp, cô X, mà cả Trump, Kim và đại gia điếu cày Lê Thanh Thản.

Vài người nói là họ cần di động để xem giờ. Té ra thông điệp ngấm ngầm gửi đến những bạn ngồi chung bàn là họ đang tìm cách thoát khỏi cái nhóm tuy có thực nhưng tẻ nhạt này nhanh nhất có thể?

À, họ còn muốn chụp ảnh nữa. Tài khoản Instagram còn thiếu 87 follower nữa mới đủ con số mong muốn. Cô X giải thích lọt tai hơn hẳn, cô nói, cô chỉ ngó điện thoại khi tôi vào nhà vệ sinh hay làm gì khác. Nhưng giải thích ấy thậm chí còn làm tôi rầu hơn. Trời ơi, chẳng lẽ cô không biết trân trọng và tận dụng mấy phút cô đơn đang ngày càng quý hiếm trong cuộc đời này?

Vì có mạng xã hội mà hôm nay ta rất khó kiếm được một phút giây yên tĩnh. Bất cứ giờ nào cũng có thể bị cơ quan gọi, bạn nhậu tìm, đối tác săn, và khi ta vừa rảnh được chiều chúa nhật (ngày mà Đấng Sáng Thế cũng muốn nghỉ ngơi), đang lim dim mê mẩn nghe đĩa than cũ của Leonard Cohen thì điện thoại réo vang, đầu dây bên kia ngân lên một giọng ngọt ngào mời mua chung cư cao cấp...

Lạ thế, con người hiện đại dễ chấp nhận sự quấy quả digital hơn mọi phiền hà analog. Ban đầu tôi không thấy hề hấn gì khi vừa châm nến thì cô X nhận được tin nhắn, song nếu cô mở báo ra đọc thì mọi chuyện hẳn đã khác. Viết nhanh một tin trên Messenger thì ổn, chứ lấy bút máy ra viết thư thì khó quá.

Một nghiên cứu nghiêm túc cho thấy con người có thể tập trung tinh thần làm việc tốt nhất khi tắt điện thoại hoặc không để nó trong cùng phòng - thì ra nó không chỉ làm ta sao nhãng người đối diện, mà sao nhãng cả tư duy, ngay cả khi nó không réo chuông hoặc báo có tin nhắn.

CÔ Y

Tôi gặp cô Y, ban đầu để bàn về một dự án truyền thông. Lần gặp đầu diễn ra khá nhanh, chúng tôi thống nhất các gạch đầu dòng quan trọng nhất để về nhà nghĩ thêm. Hai tuần kế tiếp trao đổi qua điện thoại và email vì ai cũng bận. Lần hẹn sau, tôi bố trí ở một quán cà phê yên tĩnh, không nhạc, róc rách thác nước nhân tạo giữa cây xanh và thoang thoảng hương trầm.

Không phải tôi không có tình ý gì. Cô Y thông minh, hoạt bát, tự nhiên, yêu sách vở, bắt mắt và gọn gàng ở tuổi đã chững chạc, trang điểm lịch lãm. Nhưng cái làm tôi ấn tượng sâu sắc là, ở hai lần gặp, sau năm phút vẫn chưa thấy cô đặt di động lên bàn. Rốt cuộc tôi đã tìm được người đồng minh, đồng điệu, đồng cảm. Tôi thấy nhẹ lâng lâng, tính bàn nốt công chuyện để rảnh rang chuyển qua tâm sự. Cô Y khẽ gật đầu, có vẻ hơi lơ đãng. Cô thoáng nhìn đồng hồ một cách đăm chiêu. Tôi định hỏi thăm cô vài chuyện riêng tư, song vì không thân nên lại thôi. Cô lại nhìn đồng hồ, dù vẫn nghiêm túc trò chuyện. Rồi lại nhìn đồng hồ. “Chẳng lẽ mình làm cô ngán ngẩm đến thế?” - tôi hoang mang nghĩ thầm.

Rồi, phút thứ sáu định mệnh, cô nâng cổ tay lên ngang đôi môi mọng màu son trầm và nói chuyện với nó. Giờ thì tôi mới chú ý thấy cô đeo cái Apple Watch. Cho đến lúc đó tôi cứ tưởng để di động lên bàn là tệ nhất trong mọi thứ tệ. ■

 

 


Trong một bài viết trên Medium, “Don’t Be a Phonehead”, tác giả Tim Wu dựng lên một chân dung con người trong xã hội hiện đại khi tất cả đều nhìn vào điện thoại ở mọi lúc, mọi nơi: những người cúi đầu xuống điện thoại và bước đi, lưng cổ bị uốn cong, headphone trong tai, không thể tránh khỏi việc va chạm nhau ở khắp nơi trên đường phố. Một giống loài zombie mới. “Họ diễu hành khắp nơi trên thế giới, có thể chính bạn cũng ở trong đó, phá hủy hoàn toàn cuộc sống thành phố như chúng ta từng biết” - anh viết.

Đó là loại cuộc sống từng như thế nào? Tim Wu diễn giải: “Diện mạo đường phố đã thay đổi. Đó không còn là vở ballet của những vỉa hè tuyệt vời, nó đã trở thành trận derby của những cái lưng gù va đập vào nhau”. Và ngay cả khi bỏ chuyện va đập vào nhau hay đâm đầu vào cột điện qua một bên, thứ chủ nghĩa điện thoại đó giờ đây thành một bệnh dịch lây lan: khi thấy một người khác nhìn chằm chằm vào điện thoại của họ, bạn bắt đầu tự hỏi có phải họ nhìn thấy thứ gì đó mà bạn không thấy. Và rồi, một sự ngứa ngáy thúc đẩy bạn cũng rút điện thoại của mình ra để xem có gì đang diễn ra. Chẳng mấy chốc, toàn bộ vỉa hè được biến thành nơi chốn của một đám zombie chúc đầu vào điện thoại đi dật dờ lộn xộn.

Khi con người như thế, hiện diện ở đó mà dường như không thật sự ở đó, các thành phố cũng biến đổi theo. Tim Wu nhận định rằng các thành phố như đang ở trong một cuộc chiến tranh lạnh với màn hình điện thoại, chính xác hơn là với các thế giới đằng sau màn hình. Anh giải thích: “Các thành phố và điện thoại đang cạnh tranh để trở thành nơi diễn ra mọi thứ, nơi thương mại, quảng cáo và thiết kế xuất hiện, nơi diễn ra các kết nối của con người”.

Về mặt kinh tế, Tim Wu cho rằng những cái đầu cúi xuống điện thoại là cuộc thị uy hình thể đại diện cho sự đối mặt của chủ nghĩa tư bản cũ được xây dựng trên các cửa hàng thực với các đối thủ trực tuyến của nó. Những chiếc điện thoại dẫu có thể giúp đưa khách bước chân đến tận một cửa hàng thật, như cách mà Instagram đưa đám đông đến một cửa hàng bánh burger với những món đồ uống đầy màu sắc, nhưng rồi thành phố bạn sống vẫn chỉ đơn thuần là một phòng trưng bày, một nơi để suy nghĩ về các giao dịch mua bán mà rồi bạn sẽ thực hiện trực tuyến sau này. Anh than thở, kiểu cách mà không ít người đứng trong một cửa hàng thật (xem hàng) rồi lên Amazon đặt chính món hàng đó là một phiên bản ăn cắp vặt trong cửa hàng (shoplifting) của thế kỷ 21.

Tính ưu việt của thành phố trong thiết kế và thời trang cũng bị thách thức. Các thiết kế nội thất sẽ không theo hướng cho bạn thấy mình như thế nào khi bạn ở đó mà theo hướng nó sẽ trông như thế nào, sau này, trên Instagram? 

Kết quả là chúng ta trong cuộc sống thường nhật của chính mình cũng chẳng khác gì các khán giả trong trường quay, sống cuộc sống như thể nó sẽ là một chương trình được phát sóng sau đó.

Tim Wu nhắc lại những dự đoán trong quá khứ, hồi những năm 1980-1990, của vài nhà văn chuyên viết về khoa học giả tưởng, về thế giới thực và thế giới ảo, theo đó, họ hình dung thế giới thực ở đây, thế giới ảo là một nơi hoàn toàn khác ở đâu đó cách biệt. Bạn có một nhân dạng ở đây và một thế thân ở thế giới ảo nọ, nơi bạn có thể là bất cứ ai bạn muốn trở thành. 

Nhưng hóa ra giờ đây không phải thế, thế giới ảo đã xâm chiếm, ký sinh, ăn ruỗng thế giới thật, tạo ra một chủng loài người luôn có hai nửa: một trong hai nửa ấy nằm trong thế giới trực tuyến. Trong khi có vẻ như chúng ta đang sống ở đây, trong thành phố, thực ra ta lại đang trở thành những cư dân cư trú lửng lơ, không sống trọn vẹn ở thế giới nào.

Con người trong thành phố đang gắn chặt với điện thoại di động.
Con người trong thành phố đang gắn chặt với điện thoại di động.

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận