Ngắm Sài Gòn tuổi hoa Xuân ngày ấy

PHÚC TIẾN 02/02/2017 16:02 GMT+7

TTCT - Ngắm hai bức tranh cách nay hơn 100 năm miêu tả chân dung Sài Gòn tuổi hoa niên, nghĩ về quy hoạch tương lai TP.HCM

Bức tranh Sài Gòn 1900  -Hiếu Minh
Bức tranh Sài Gòn 1900 -Hiếu Minh


Cách nhau 20 năm, hai bức tranh vẽ toàn cảnh thành phố Sài Gòn xưa đều là những bức họa đầy hình ảnh sống động và rộn rã, miêu tả chân dung Sài Gòn tuổi hoa niên khi mới trở thành một đô thị tân tiến theo kiểu châu Âu. Cả hai đều xứng đáng là hai bức tranh xuân đầy điều kỳ thú với người xem đương đại.

Bức đầu tiên trắng đen được in trên báo Le Monde Illustré (Họa Hình Thế Giới) năm 1881. Bức thứ hai vẽ màu năm 1900, được trình bày trong một khung tranh lớn, hiện vẫn đặt tại phòng tiếp khách quốc tế ở lầu 1 trụ sở UBND TP.HCM.

Bức tranh Sài Gòn 1880 trên báo Le Monde Illustré -Ảnh: tư liệu
Bức tranh Sài Gòn 1880 trên báo Le Monde Illustré -Ảnh: tư liệu

 

Thành phố Vườn, công nghiệp không khói

Cả hai bức tranh cách nhau 20 năm, nhưng người vẽ đều chọn một góc độ là nhìn Sài Gòn từ phía bán đảo Thủ Thiêm, từ hướng biển trở vào.

Đó cũng là khung cảnh Sài Gòn hiện lên đầu tiên khi những con tàu phương xa từ cửa biển Cần Giờ tiến đến gần.

Thời ấy chưa có máy bay, ở Thủ Thiêm không có ngọn đồi nào, vậy mà các tác giả đã phác họa được toàn cảnh Sài Gòn từ trên cao, như làm ra một bức không ảnh rõ ràng.

Trong tranh, từ cây cối, dòng sông đến đường phố, nhà cửa, dinh thự, tàu thuyền và người đi bộ, xe ngựa... đều được vẽ rất cụ thể.

Ngắm nhìn kỹ, người xem có thể nhận ra cả hai bức tranh thật sự không phải là tranh nghệ thuật đơn thuần, cũng không phải họa đồ thực tế, mà chính là bản vẽ 3D phối cảnh quy hoạch thành phố bao gồm những gì đã có và những gì dự tính sẽ có.

Nó giống một sa bàn không gian đô thị được trình bày bằng tranh, rất công phu và giá trị từ hơn 100 năm trước.

Hai bức tranh cho thấy Sài Gòn cuối thế kỷ 19 không còn là một thành phố chỉ có thành quách và phố chợ vây quanh, như thuở còn là thành Gia Định.

Sài Gòn ngày đó đã trở thành một đô thị phong phú có những đường phố dọc ngang thẳng tắp, những ô phố đầy đặn, những quảng trường, tượng đài và nhiều công viên lớn nhỏ.

Trong đó điểm nổi bật là các dãy phố đều được viền cây xanh đều đặn, trông như khung cảnh đang có ở các đường phố Paris.

Nhìn từ trên cao, quả thật Sài Gòn được định hình rất rõ là một Garden city hay City of garden (Thành phố vườn hay Thành phố trong vườn) như mô hình mà Singapore tự hào từ những năm 1970, mà thật ra Sài Gòn từng làm và làm được từ đầu thế kỷ 20.

Trên cái nền xanh tươi ấy, cả hai bức tranh miêu tả khu vực bờ sông Sài Gòn là nơi nhộn nhịp nhất thành phố với hàng loạt tàu thuyền, trải dài từ xưởng Ba Son đến cảng Khánh Hội. Cảnh trên bến dưới thuyền đông đúc còn kéo dài dọc rạch Bến Nghé, hướng vào Chợ Lớn.

Đáng chú ý, trên cả hai bức tranh, ngoại trừ khu vực xưởng Ba Son, khu vực “có ống khói” duy nhất là Khánh Hội.

Có lẽ đó là các nhà máy đường, nhà máy thuốc lá sẽ ra đời tại đây nhiều thập niên sau. Và cả hai bức tranh cho thấy một loạt khối nhà đồ sộ được đặt dọc bờ rạch Bến Nghé từ cột cờ Thủ Ngữ đến chợ Cầu Ông Lãnh.

Các khối nhà này chính là khu vực tài chính - ngân hàng, sẽ nảy nở nhanh chóng vào hai thập niên đầu thế kỷ 20.

Phải chăng với việc quy hoạch như trên, ngay từ cuối thế kỷ 19 người làm quy hoạch lúc đó đã mong muốn Sài Gòn phải là một thành phố tập trung cho các dịch vụ thương mại, hàng hải, tài chính và du lịch - những ngành “công nghiệp không có khói” như cách nói của thế kỷ 20?

Sài Gòn thuở đó đã có thương cảng dễ ra vào, có vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long kề bên, có cộng đồng thương nhân tứ xứ và bản xứ đang hình thành. Sài Gòn lại có thêm mưa gió thuận hòa, văn hóa Á - Âu rộng mở.

Cho nên để có một tầm nhìn trăm năm như thế cho Sài Gòn đâu phải là điều viển vông! Đáng tiếc, do những lợi ích nhóm tinh vi - thời nào cũng có và rồi 30 năm chiến tranh triền miên và những rối loạn sau đấy, Sài Gòn vẫn chưa thực hiện được định hướng phát triển tiên tiến và độc đáo này.

 

 

Một đô thị xinh xắn và hoàn chỉnh

So với bây giờ, ngày ấy Sài Gòn chỉ gồm quận 1, một phần quận 3 và vùng Khánh Hội hiện nay. Các khu vực giáp ranh còn là ao đầm, vườn cây, đồng ruộng.

Tuy nhiên, dù ở quy mô nhỏ (4km2) nhưng Sài Gòn vẫn được thiết kế là đô thị hoàn chỉnh với đầy đủ phân khu chức năng.

Khu vực Thành Xưa, từ dinh Toàn quyền (dinh Thống nhất) đến rạch Thị Nghè, được giữ làm trục thể hiện quyền lực chính trị và quân sự. Bên dưới khu vực Thành Xưa là khu vực phố phường thương mại và công sở hành chính.

Ranh giới giữa hai khu vực này là nhà thờ Đức Bà và đường Taberd (Nguyễn Du). Từ ranh giới ấy, cùng lúc có bốn con đường lớn được thiết kế chạy thẳng ra bờ sông là Charner (Nguyễn Huệ), Catinat (Đồng Khởi), Imperiale (Hai Bà Trưng) và Citadelle (Tôn Đức Thắng). Từ đó tạo nên những khu phố kinh doanh đa dạng.

Hai bức tranh 1880 và 1900 phác họa phố phường Sài Gòn, ngoại trừ các dinh thự, đều là các dãy nhà phố mái ngói chỉ có 2-3 tầng. Tất cả kiến trúc đều được thiết kế thấp hơn chiều cao của nhà thờ Đức Bà - kiến trúc cao nhất của Sài Gòn thời ấy (hơn 50m).

Điều lý thú, trong bức tranh 1880, nhà thờ đã có hai tháp nhọn, ở ngoài đời chúng chỉ xuất hiện vào 15 năm sau đấy. Cũng không phải ngẫu nhiên, trên bức tranh 1900, tòa nhà dinh Xã Tây (trụ sở UBND thành phố) đã hiện diện nổi bật với màu vôi trắng.

Trong thực tế, tòa nhà này chỉ hoàn thành vào năm 1909 sau 11 năm xây dựng. Thêm một điều thú vị, bức tranh 1880 vẽ nơi dự kiến đặt dinh Xã Tây và Nhà hát lớn (ra đời năm 1900) đều là đất trống, đang trồng cây xanh.

Như vậy, chính quyền thành phố ngay từ lúc “hàn vi” vẫn “để dành” hai khu đất đẹp nhất cho hai công trình quan trọng.

 

 

Thành phố không đóng kín

Bức tranh 1880 còn cho thấy đại lộ Lê Lợi khi đó chỉ mới từ Nhà hát lớn chạy đến ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Từ ô phố này trở đi là một vùng lau sậy khá lớn, người Pháp đặt tên là đầm Boresse.

Chính quyền thành phố ngay từ năm 1878 đã lên kế hoạch lấp đầm Boresse để làm khu thương mại mới. Thể hiện dự phóng đó, bức tranh 1900 miêu tả khu vực đầm lầy được biến đổi thành nhiều ô phố khang trang.

Trong đó có để sẵn một khu đất lớn chạy giữa ba dãy phố hình chữ U, dường như chính là khu đất dự trữ sẽ làm chợ Bến Thành mới vào năm 1914.

Bức tranh Sài Gòn năm 1900 vẽ đại lộ Canton (sau năm 1920 đổi tên là La Somme, nay là Hàm Nghi) chạy thẳng từ bờ sông đến một khu vực lớn để trống, chính là nhà ga xe lửa tương lai (công viên 23-9 hiện giờ).

Con đường xuyên qua khu nhà ga còn chạy đến một ngã năm lớn, sau này là khu vực ngã bảy giáp ranh quận 3, 5 và 10. Đây là vùng đất trống nằm giữa Sài Gòn và Chợ Lớn, sẽ đưa vào khai thác từ sau năm 1920.

Người Pháp thiết kế Sài Gòn và Chợ Lớn là hai thành phố song sinh, liên thông và có những mặt mạnh bổ túc cho nhau.

Có thể thấy Sài Gòn với quy mô như kể trên được giữ vai trò của trung tâm hành chính - thương mại - tài chính và du lịch; còn Chợ Lớn chính là trung tâm công nghiệp (chế biến nông sản) - thủ công nghiệp và chợ đầu mối giao thương với vựa lúa miền Tây.

Đó là một quy hoạch chủ trương phát triển thành phố theo hai trục giao nhau như một chữ thập lớn. Trong đó trục chính thứ nhất của Sài Gòn là từ nhà thờ Đức Bà và Tòa thị chính, qua đường Đồng Khởi và Nguyễn Huệ chạy ra bờ sông, tuy ngắn (800-900m) nhưng tượng trưng hướng ngoại - hướng ra thế giới.

Trục còn lại, từ Nhà hát lớn qua đường Lê Lợi hướng về Chợ Lớn và đồng bằng sông Cửu Long, mang hình ảnh và thông điệp hướng nội.■

Có lẽ người xem ngày nay khi ngắm nhìn hai bức tranh Sài Gòn 1880 và 1900 sẽ ít nhiều kinh ngạc và thán phục các thế hệ đi trước - những người từng mơ ước và thực thi bằng được một đô thị diễm lệ và đáng sống.

Vậy nên càng cần chân thành học hỏi các thế hệ đi trước trong chỉnh trang và xây dựng thành phố, để đừng vướng vào những cách tân hào nhoáng hay tính toán bó hẹp. Mong hai bức tranh Sài Gòn tuổi hoa xuân ngày ấy sẽ mau chóng được đưa ra công chúng thưởng lãm, với nhiều cách thức phù hợp mà bài viết này trên TTCT là lời giới thiệu khởi đầu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận