Ngăn chặn những cái chết cô đơn

NGỌC ĐÔNG tổng hợp 10/08/2016 20:08 GMT+7

TTCT - Trong nỗ lực ngăn chặn làn sóng tự tử ở giới trẻ, Nhật Bản có hàng nghìn tình nguyện viên làm “người gác cổng cuộc đời”, Hàn Quốc cho các bạn trẻ trải nghiệm cảm giác “chết giả” trong... quan tài.

Chính quyền Hàn Quốc dùng nhiều hình ảnh vui tươi tuyên truyền trên hành lang cầu Mapo nhằm ngăn chặn tự tử  -AFP
Chính quyền Hàn Quốc dùng nhiều hình ảnh vui tươi tuyên truyền trên hành lang cầu Mapo nhằm ngăn chặn tự tử -AFP


Nếu như ở Nhật giới trẻ bị hội chứng “hikikomori”, thì ở Hàn Quốc áp lực cuộc sống và hôn nhân khiến không ít thanh niên tìm đến cái chết như một cách giải thoát. Rất nhiều giải pháp từ chính quyền, phụ huynh và các hội đoàn đã phần nào ngăn chặn làn sóng này.

Áp lực công việc là nguyên nhân

“Sự cô độc là điềm báo số 1 cho bệnh trầm cảm và tự tử” - chuyên gia tâm lý Wataru Nishida của Đại học Temple ở Tokyo nhận định. Áp lực cuộc sống, quan niệm tự tử là lối thoát và nhận trách nhiệm, cộng với chính sách bảo hiểm có lợi cho thân nhân của người tự tử càng khiến nhiều người tìm đến cái chết.

Theo Sách trắng 2015 về phòng chống tự tử do Văn phòng Nội các Nhật công bố, nguyên nhân lớn nhất khiến nhiều người tự tử ở Nhật trong giai đoạn 2007-2014 là các vấn đề về sức khỏe, trong đó có trầm cảm với hơn 12.900 người trên tổng số hơn 25.000 ca tự tử ở đất nước mặt trời mọc năm 2014, tương đương hơn 50,7%.

Ngoài ra, các vấn đề về sức khỏe khiến người ta tự tử còn bao gồm bệnh thể chất, tâm thần phân liệt, nghiện rượu, lạm dụng chất gây nghiện, rối loạn thần kinh, căng thẳng do khuyết tật thể chất...

Nguyên nhân tiếp theo đẩy người Nhật đến ý định tự tử trong giai đoạn này là các vấn đề về kinh tế và sinh kế với hơn 4.100 ca tự tử, các vấn đề gia đình với hơn 3.600 ca, và các vấn đề liên quan đến công việc với hơn 2.200 ca.

Thêm vào đó, văn hóa “không than phiền” của người Nhật còn khiến tình trạng nặng nề hơn, đặc biệt là đối với người trẻ. “Không có nhiều cách để bày tỏ sự tức giận hoặc thất vọng tại Nhật Bản” - nhà tâm lý Wataru Nishida nói. “Đây là một xã hội được định hướng bằng quy tắc.

Người trẻ nhét mình vào những chiếc hộp rất nhỏ, họ không có cách để thể hiện cảm xúc thật của mình. Nếu họ bị áp lực từ ông chủ của mình và cảm thấy tuyệt vọng, một số cảm thấy lối thoát duy nhất là cái chết” - vị này nói tiếp.

Nhật Bản là nơi nổi tiếng với hội chứng “hikikomori”, một dạng xa lánh xã hội đến mức cực đoan. Bộ Y tế - lao động và phúc lợi Nhật Bản định nghĩa hikikomori là những người tách mình ra khỏi xã hội và ở lì trong nhà từ sáu tháng trở lên.

Người mắc chứng hikikomori thậm chí có thể ở lì trong nhà đến hàng năm trời. Không chỉ riêng Nhật Bản, người dân ở Hàn Quốc, đất nước có tỉ lệ người tự tử cao nhất nhì khối nước phát triển, vẫn rất miễn cưỡng trong việc tìm kiếm trợ giúp y tế cho chứng trầm cảm của mình.

Nguyên nhân vẫn là vì định kiến xã hội, dù nhiều nghiên cứu cho thấy người trầm cảm có khuynh hướng tự tử cao hơn gấp 40 lần người bình thường. Ở Hàn Quốc, số lượng người được chẩn đoán trầm cảm ngày càng tăng. Điều tra của chính phủ cho thấy trong năm 2011 có 6,7% dân số bị trầm cảm ít nhất một lần trong đời, trước đó năm năm, tỉ lệ này là 5,6%.

Có ý kiến cho rằng việc Hàn Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đã khiến người dân nước này phải chịu nhiều áp lực hơn với các mục tiêu như thành công trong học tập, năng suất làm việc trong công ty, thậm chí gây thiệt hại cho sức khỏe tâm thần của họ.

1/4 người đi làm ở Hàn Quốc bị stress nặng, theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Thần kinh Hàn Quốc (Korean Neuropsychiatric Association). Thống kê của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc Statistics Korea năm 2014 cũng cho thấy tự tử là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người độ tuổi từ 10-39 với khoảng 40 người tự tử mỗi ngày.

Người gác cổng cuộc đời

Tháng 3 năm ngoái, AFP đưa tin Bộ Giáo dục Hàn Quốc công bố kế hoạch thực hiện một ứng dụng trên điện thoại thông minh có khả năng “quét” bài đăng trên mạng xã hội, tin nhắn và lịch sử tìm kiếm web của học sinh và sinh viên nước này. Nếu phát hiện những từ ngữ có liên quan đến tự tử, ứng dụng này sẽ xác định rằng người sử dụng đó có nguy cơ tự tử và gửi báo động đến phụ huynh. Kế hoạch ra đời trong nỗ lực làm giảm số lượng học sinh, sinh viên tự tử ở nước này vì căng thẳng, lo âu dẫn đến trầm cảm do áp lực học tập và thi cử.

Đầu năm nay, Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản công bố nước này có tổng cộng 23.971 người tự tử trong năm 2015.

Nếu tính trung bình, mỗi ngày Nhật có khoảng 65 người tự kết liễu đời mình. Tuy nhiên, đây lại được xem là tín hiệu khá tích cực vì lần đầu tiên trong vòng 18 năm qua, Nhật có số người tử vong vì tự tử dưới 25.000, theo Japan Times.

So với năm 2014, con số này cũng thấp hơn 6%, và đánh dấu năm thứ sáu liên tiếp Nhật có số lượng người tự tử giảm nhờ hàng loạt giải pháp được đưa ra. Năm 2006, đạo luật cơ bản về phòng chống tự tử ra đời và có hiệu lực ngay trong năm đó.

“Thề” đến trước năm 2016, Nhật cắt giảm tỉ lệ tự tử của nước này ít nhất 20% so với năm 2005, Chính phủ Nhật chi 220 triệu USD cho các biện pháp cải thiện dịch vụ tư vấn và quản lý chặt chẽ các trang web kêu gọi tự tử tập thể. Bên cạnh đó, chính quyền còn đấu tranh chống lại nạn kỳ thị việc chữa trị các chứng bệnh về tâm thần.

Đáp lại những nỗ lực của chính phủ, chính quyền các địa phương và tổ chức tư nhân cũng đẩy mạnh biện pháp phòng chống “nạn” tự tử, trong đó có mô hình “inochi no monban” (người gác cổng cuộc đời).

Những “người gác cổng” này xuất thân từ mọi ngành nghề, mọi tầng lớp xã hội, được huấn luyện để phát hiện người thân, bạn bè hay đồng nghiệp của mình khi có ý định tự tử. Phường Arakawa ở Tokyo là một ví dụ cho những địa phương đã thực hiện khá thành công mô hình này.

Năm 2009, thị trưởng Taichiro Nishikawa nhận thấy tự tử là nguyên nhân thứ năm dẫn đến tử vong ở địa phương mình. Ông tiến hành huấn luyện nhân viên văn phòng, tổ chức các buổi nói chuyện, mời những người có người thân tự tử về nói chuyện nhằm tuyên truyền tầm quan trọng của việc phòng chống tự tử và lên kế hoạch giúp đỡ những người gặp vấn đề.

Cứ thế, có hơn 1.200 tình nguyện viên trở thành “người gác cổng cuộc đời”. Ngoài ra, địa phương này cũng giúp đỡ những người từng tự tử không thành công có được sự hỗ trợ sinh kế công cộng và tìm việc làm cho họ. Hai năm sau, tỉ lệ người tử vong vì tự tử đã giảm đáng kể.

“Chết giả” để tránh chết thật

Ở phường Adachi tại Tokyo, nơi có số người tự tử nhiều nhất thành phố, cũng đẩy mạnh các biện pháp chống tự tử từ năm 2008. Sau khi điều tra ra nguyên nhân chính khiến người dân tự tử là do khó khăn tài chính và bệnh tật, địa phương này triển khai các dịch vụ tư vấn miễn phí cho người thất nghiệp, bố trí người hỗ trợ riêng cho những cá nhân đang có nguy cơ tự tử, đưa đi khám chữa bệnh, hỗ trợ họ tìm việc hay thuê nhà. Số người tự tử năm 2013 ở địa phương này đã giảm 23,3% so với năm 1998 (thời điểm nhiều người tự tử nhất).

Tháng 12 năm ngoái, một số công ty ở Hàn Quốc thực hiện đám tang giả cho nhân viên của mình với mong muốn những người tham gia trân quý cuộc sống của họ hơn và giảm tỉ lệ tự tử ở đất nước này.

Người tham gia sẽ được mặc đồ khâm liệm, viết thư tuyệt mệnh cho những người mình thương yêu, sau đó chui vào quan tài. Một người sẽ đóng vai thần chết đến đóng nắp hòm lại, để những người nằm trong đó chiêm nghiệm về cuộc sống của mình.

Họ còn được cho xem video về những người kém may mắn nhưng luôn khát vọng được sống, như một phụ nữ trải qua những ngày cuối cùng của đời mình với căn bệnh ung thư, hay như một người sinh ra không có tay chân nhưng nỗ lực học bơi.

“Tôi nhận ra rằng mình phải sống một cuộc sống thật mới mẻ, hi vọng sẽ thêm đam mê với mọi việc mình làm, dành nhiều thời gian cho gia đình hơn” - nhân viên Cho Yong Tae phát biểu sau khi trải nghiệm đám tang của chính mình.

Hàn Quốc cũng đặt khá nhiều nỗ lực vào công tác phòng chống tự tử. Năm 2011, chính phủ thông qua dự luật tăng mức đầu tư vào việc phòng chống tự tử, trong đó nhấn mạnh lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Các trang web khuyến khích tự tử bị đóng cửa và nhà nước cũng cấm bán Gramoxone - một loại thuốc trừ sâu được nhiều người dùng để tự tử. Lương hưu được tăng lên nhằm làm giảm tình trạng người già tự tử vì khó khăn kinh tế.

Ở Seoul, tính đến năm 2013 chính quyền thành phố đã tuyển hơn 6.000 tình nguyện viên hỗ trợ người già và người có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, chính quyền cũng hoan nghênh đóng góp của doanh nghiệp, như là các hoạt động chống tự tử tại cầu Mapo của Công ty bảo hiểm Samsung Life Insurance.

Tại cây cầu được xem là điểm nóng với tình trạng nhảy cầu tự tử, công ty này cho lắp đặt các thiết bị cảm ứng sẽ sáng đèn và hiện ra những dòng chữ mang ý nghĩa tích cực như “Ngày mai mặt trời sẽ mọc”, hay “Bạn có vẻ lo lắng, bạn ổn không” khi có người đi ngang.

Giữa cầu trưng bày nhiều hình ảnh vui tươi như ảnh trẻ em cười, cặp tình nhân hạnh phúc… và những bức tượng hai người bạn đang an ủi nhau, nhằm động viên những người tuyệt vọng có ý định tự tử. Bên cạnh đó, đường dây nóng chống tự tử được thiết lập và hoạt động 24/24 giờ.■

Theo WHO, khoảng 800.000 người chọn kết liễu cuộc sống của mình mỗi năm, cứ mỗi 40 giây lại có một người chết vì tự tử. Khoảng 75% các vụ tự tử xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình. WHO khẳng định tự tử là hiện tượng toàn cầu, xảy ra khắp nơi trên thế giới và ở hầu hết mọi lứa tuổi. Số liệu năm 2012 cho thấy tự tử là nguyên nhân thứ hai dẫn đến cái chết ở những người trẻ trong độ tuổi 15-29 trên toàn thế giới, sau tai nạn giao thông.

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận