Người bạn đồng hành "thực tế ảo"

VIỆT PHƯƠNG 27/03/2013 10:03 GMT+7

TTCT - Nhiều công ty, bệnh viện, viện nghiên cứu đang hướng đến việc sử dụng một robot thực tế ảo để giao tiếp với nhân viên từ xa mà không cần dùng đến hệ thống hội nghị truyền hình vốn vô cùng đắt đỏ.

Bác sĩ trò chuyện với bệnh nhân thông qua robot RP-VITA của Công ty InTouch Health - Ảnh: InTouch Health

Hãy tưởng tượng người ta có thể thoát ra khỏi không gian ngột ngạt và nghiêm túc của phòng họp nhưng vẫn có thể bàn công việc một cách thoải mái với đối tác hay đồng nghiệp từ xa. Robot thực tế ảo là một giải pháp đang được hướng tới.

Hiện đại nhưng giá mềm

Tuy rằng robot thực tế ảo này chưa đồng bộ tốt lắm âm thanh với hình ảnh như trên các hệ thống hội nghị truyền hình với màn ảnh rộng, nhưng chi phí của nó lại thấp hơn và linh động hơn. Robot có thể giúp người ta trò chuyện với nhau từ khoảng cách xa, lăn trên bàn của một đồng nghiệp hay thậm chí đi theo “tháp tùng” một bà chủ bận rộn đến một cuộc họp.

Nhiều công ty đã giới thiệu các mẫu robot thực tế ảo trong những năm qua. Như Công ty Robo Dynamics ở Santa Minica, California (Mỹ), đã bán được hơn 100 robot TiLR từ năm 2008 với giá 10.000 USD mỗi thiết bị. 

Mẫu Luna bóng bẩy hơn được bán từ tháng 1 với giá 3.000 USD và công ty này dự định đưa ra thị trường mẫu robot còn rẻ hơn nữa vào năm 2015 với mức giá 1.000 USD.

Đến cuối năm nay, Công ty Bossa Nova Robotics ở Pennsylvania sẽ bán ra thị trường robot mObi cao 1,37m có thể chạy vòng quanh sân bóng. Loại robot này được thiết kế để có thể đi len lỏi qua các văn phòng bừa bộn. 

Đa ứng dụng

Robot hiện thực ảo không chỉ dành cho giới văn phòng vốn suốt ngày bận rộn với những cuộc họp. Thiết bị này cũng giúp người mua nhà có thể xem được mọi ngóc ngách của căn nhà mình đang tìm mua từ xa, hoặc có thể giúp bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân từ xa hay thậm chí là giúp tuần tra nơi làm việc từ xa vào ban đêm.

Oculus của Công ty Xaxxon ở Vancouver (Canada) có giá bán chỉ 290 USD là một con robot như vậy. Nó được dùng chủ yếu làm nhiệm vụ tuần tra với một khung có bánh xe và có thể đặt một máy tính xách tay đang mở Skype trên đó. 

Robot này có thể được điều khiển thông qua điện thoại thông minh. Một số phụ huynh thường xuyên đi công tác đã bắt đầu sử dụng các hệ thống robot truyền hình như thế này để luôn gần gũi và canh chừng con cái ở nhà.

Robot thực tế ảo trong các bệnh viện cũng hoạt động khá tốt. Ngồi trong phòng từ Bệnh viện Jackson Memorial ở Miami (Mỹ), bác sĩ Antonio Marttos thăm bệnh các bệnh nhân là nạn nhân của các vụ bắn súng hay bom mìn ở Brazil, Haiti, Iraq và những nơi khác thông qua robot thực tế ảo RP-VITA.

Nhưng robot trong y tế kiểu này lại hơi đắt. RP-VITA có giá thuê tới 5.000 USD/tháng. Dù vậy, nhu cầu về robot hiện thực ảo trong y tế vẫn rất cao. Công ty InTouch Health ở California đã bán được hơn 700 thiết bị. Hồi tháng 1, RP-VITA đã được phê chuẩn để vận hành trong các bệnh viện ở Mỹ.

Ủy ban tổ chức Olympic Brazil cũng sẽ sử dụng robot hiện thực ảo trong các phòng phẫu thuật của Olympic 2016 ở Rio de Janeiro. Theo ông João Grangeiro - trưởng bộ phận y tế của Olympic 2016, điều này có nghĩa rằng các bác sĩ không thể tháp tùng vận động viên của mình có thể đưa ra lời khuyên đến các bác sĩ phẫu thuật ở Brazil thông qua robot trong quá trình phẫu thuật.

Từ những bệnh viện ở Đông Âu hay Nga cho tới các bệnh viện ở London (Anh) giờ đây đều có nhu cầu về robot hiện thực ảo. Các bệnh viện đôi khi cần những robot như thế này để các bác sĩ thăm bệnh vào ban đêm và cũng để nhân viên bệnh viện không lơ là, ngủ gật vào buổi tối khi có bác sĩ thăm bệnh từ xa. 

Ở những nơi khác, trong trường hợp bác sĩ bị kẹt xe, họ có thể hướng dẫn việc cứu chữa bệnh nhân thông qua robot thực tế ảo.

Tuy nhiên, điều tuyệt vời nhất của robot hiện thực ảo lại nằm ở việc nâng cao hiệu suất nơi làm việc. Theo giám đốc chiến lược Tim Lenihan của Công ty Anybots, các sếp đang ngồi ở nhà hay di chuyển trên đường đều có thể để mắt đến nhân viên của mình. Loại robot cho văn phòng này có giá đến 9.700 USD.

Robot Oculus của Công ty Xaxxon có thể đặt máy tính lên trên - Ảnh: Xaxxon

Làm quen với robot

Bên cạnh giá cả, rào cản chính cho công nghệ hiện thực ảo này chính là sự chấp nhận rộng rãi. Một nhân viên bực dọc có thể đá văng con robot đáng ghét khi bị nó kè kè bên cạnh. Trên thực tế, vấn đề đáng lo ngại hơn là an ninh. 

Đơn cử như việc một con robot được điều khiển từ xa với camera và microphone chạy loanh quanh trong các ngân hàng hay phòng thí nghiệm, vấn đề an toàn thông tin được nêu lên. Vì vậy, việc thiết lập tường lửa để bảo vệ thông tin được truyền đi và đến robot qua mạng là điều cần thiết.

Ngoài ra, bề ngoài của một con robot hiện thực ảo đôi khi bị coi là ngu ngốc. Các nhà phát triển đang hoàn thiện vẻ ngoài của robot sao cho chúng trông thân thiện hơn khi “đối thoại” với người đối diện. 

Các nhà phát triển cũng tính tới chiều cao của robot sao cho chúng có thể điều chỉnh độ cao của mình để nói chuyện với con người một cách thân thiện nhất, kể cả khi người đó đứng hay ngồi.

Một số công ty đang tìm cách chế tạo ra các mẫu robot đơn giản hơn, rẻ hơn, giá từ 149-300 USD, với chỉ bánh lăn và khung đỡ, trên đó có gắn các điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android hay iPhone và truyền hình ảnh, âm thanh thông qua phần mềm hội thoại trực tuyến Skype.

Robot hiện thực ảo ngày càng thông minh hơn. Như mẫu Oculus có thể tự động đến một điểm sạc pin gần nhất khi nó sắp hết điện. Một số khác thì tự động đồng bộ hóa lịch hoạt động, tự động đi đến những cuộc họp theo giờ đã định trước. Tuy nhiên, loại robot tự động này sẽ rất đắt, như PeopleBot của Công ty Adept có giá tới 32.000 USD.

Theo The Economist

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận