Người mẹ Quơn Long

BINH NGUYÊN - VÂN TRƯỜNG 14/09/2003 22:09 GMT+7

TTCN - Những người đàn ông trong nhà cứ nối tiếp nhau ra đi, hết chồng rồi lại con, có những năm tháng dài một mình mẹ cày cấy ra những hạt lúa để âm thầm mang ra rừng nuôi chồng, nuôi con. Rồi hòa bình lập lại, những người đàn ông vẫn biền biệt không về... Mẹ lại âm thầm lấy đất nhà xây nghĩa trang, không chỉ cho chồng, cho con...


Căn nhà mẹ Yến nằm cạnh đường lộ đỏ, trông tồi tàn, xập xệ, cửa cũng không có  then cài bởi “bên  trong có gì đáng giá đâu mà sợ mất”. Bác Hai hàng xóm nói vọng sang: “Bả đi làm rồi, mấy chú ngồi chơi, tui đi gọi bả về. À mà mấy chú ở đâu về đây, bên thương binh đi tìm mộ phải không?...”. 

Mẹ Yến tất tả đi về, dáng đi đã liêu xiêu lắm rồi nhưng vẫn bươn chải làm đồng, làm vườn kiếm cơm ở tuổi 83: “Mẹ cứ tưởng mấy chú trên huyện đưa người ngoài Bắc vào đi tìm mộ...”. Mồ hôi ướt đẫm chiếc áo bạc màu của người mẹ mà lưng đã còng vì gánh nặng một đời dành cho những người đàn ông đi chinh chiến vì nợ nước.

Mẹ Yến bảo quê mẹ không phải ở đất Quơn Long, Chợ Gạo, Tiền Giang này mà ở miệt Long Trì, Long An, nhưng vì cảm thương người đàn ông can trường chỉ với tầm vông vạt nhọn mà dám đứng lên đánh Tây mà mẹ khăn gói theo ông về làm dâu đất Quơn Long khi vừa tròn 20 tuổi. 

Ông là Phạm Hữu Hùng - Thiết Hùng. Ông hết đánh Pháp rồi lại đánh Mỹ, hết làm cán bộ xã rồi lên làm cán bộ huyện, sống ở bưng biền nhiều hơn bên cạnh mẹ. Những đứa con trai của mẹ ra đời trong những lần mẹ vào thăm ông và đều được mẹ sinh ra ở bưng biền suốt hai cuộc kháng chiến, và rồi những người con trai lớn lên trong bom đạn lại nối nghiệp cha cùng cầm súng đánh giặc. Be Lớn, Be Nhỏ đi du kích xã, anh Trừ vào bộ đội địa phương D.514.


Mẹ Yến bên mộ phần của người con trai lớn Be Lớn

Ngày đó, Quơn Long còn hoang sơ lắm, ngày giặc càn, đêm pháo kích, những người kiên trì bám trụ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lắm lúc giặc vào, nắm tóc mẹ lôi ra đầu mương hỏi: “Bộ ở đây đặng tiếp tế cho Việt cộng hả, sao không vô ấp chiến lược?”. Mẹ chỉ nói: “Việt cộng nào mấy chú ơi, chỉ tiếc mấy công ruộng bỏ không mà ở lại trồng tỉa kiếm sống thôi, vô đó tui mần gì để sống”. 


Hàng trăm lần mẹ bị đánh đập, hành hạ như vậy, có lúc chúng mang ra sông đòi bắn mẹ nếu không chỉ tín hiệu và đường vào bưng biền... Vậy mà khi giặc rút rồi, mẹ âm thầm nấu ba nồi cơm to ém lá chuối cẩn thận, hôm nào có mắm thì thêm mắm, có cua thêm cua, không thì cũng túi muối hột mà lặn lội ra bưng tiếp tế cho chồng con và đồng đội...

Năm 1961, ông Thiết Hùng sa vào tay giặc, đó là những năm tháng vô cùng khốn khổ của mẹ Yến. Mẹ vừa chạy khắp nơi từ Mỹ Tho lên Tân An, từ Sài Gòn đi khắp các quân lao để tìm tin tức chồng, trở về Quơn Long lại lặn lội ra bưng tiếp tế cho các con. Mảnh ruộng còm cõi đầy mảnh pháo phải oằn lưng cùng mẹ mà làm ra hạt gạo nuôi chồng tù đày, nuôi con chiến đấu. 

Năm 1968, sau bảy năm tra tấn dã man không lấy được một lời khai của ông Thiết Hùng, giặc trả ông về nhà, lúc đó ông đã là một cái xác không hồn, ông đã chết trên tay mẹ Yến. Chưa kịp ráo nước mắt chồng thì hai tháng sau mẹ lại đưa tiễn con: Be Nhỏ hi sinh, rồi Trừ, Be Lớn cũng hi sinh trong hai năm 1968, 1969. 

Bốn cái tang lớn ập tới, mẹ không còn nước mắt để khóc chồng, khóc con, có lúc mẹ như đang nằm mộng: “Chắc có sự lầm lẫn gì đây, không lẽ tất cả những người đàn ông thân yêu nhất của mẹ lại ra đi gần như cùng một lúc, không thể có chuyện như thế được...”. Mẹ vẫn trông chờ, mảnh ruộng cằn cỗi vẫn cho ra những hạt lúa, những nồi cơm khuya vẫn chờ tín hiệu từ cánh rừng xa xa...

oOo

Mẹ lò dò đứng dậy đi đến bàn thờ thắp nén hương, nhiều ngọn đèn dầu bám đầy bụi nhưng không có một di ảnh nào cả. Mẹ run run nói: “Trong bưng, trong biền làm gì có ảnh, hầu hết liệt sĩ ngoài nghĩa trang Quơn Long cũng như vậy - đều không có lấy một di ảnh, mỗi một linh hồn là một ngọn đèn vậy thôi!”.

Hòa bình lập lại, những người đàn ông vẫn không về, giấy báo tử gửi về tận nhà. Mẹ và đứa con gái của Be Nhỏ, tên Loan, sống bám vào nhau trên mảnh ruộng cằn cỗi mà một thời là hậu phương vững chắc cho chồng, cho con và đồng đội của họ. 

Quơn Long nghèo xơ xác mà anh hùng: hàng trăm hài cốt liệt sĩ đã được đưa về đây nhưng không lấy đâu ra đất làm nghĩa trang liệt sĩ. Mẹ Yến thấy vậy bèn lặn lội lên xã gặp chủ tịch: “Ngày trước đám ruộng sau nhà là để nuôi sống người đàn ông của gia đình này, nhưng giờ thì đâu còn ai về để cày bừa, thôi để mẹ hiến để có đất làm nghĩa trang cho tụi nó về mà yên nghỉ”.


Mẹ Yến trước bàn thờ chồng con mà không có một di ảnh nào

Hài cốt liệt sĩ được lần lượt mang về nghĩa trang Quơn Long, mẹ Yến ra đếm từng chiếc quách: “Thằng Be Lớn đây, thằng Be Nhỏ đây... một trăm, hai trăm, ba trăm...”. Khi người ta thông báo là đủ hài cốt thì mẹ giật mình hỏi: “Thế còn thằng Trừ của mẹ đâu?”.

Những đồng đội cũ của Phạm Văn Trừ nói trong nước mắt: “Anh Trừ hi sinh năm 1969 tại Long Định trong một trận công đồn, nhưng đã bao lần đơn vị đào bới, tìm kiếm vẫn không tìm được dù chỉ là một lóng xương hay một di vật nào của liệt sĩ Trừ. Đơn vị có đến hàng trăm trường hợp như vậy, mong mẹ thông cảm...”. Mẹ chỉ nói: “Mẹ hỏi vậy thôi, không lẽ mẹ làm nghĩa trang chỉ cho con mẹ thôi sao, còn con của nhiều người cũng đâu tìm được hài cốt...”.

Mẹ Yến không chỉ hiến đất để xã làm nghĩa trang liệt sĩ mà còn nhận luôn chân làm quản trang với “mức lương” 10.000 đồng/tháng. Ngày ngày mẹ đội nắng sang nghĩa trang dọn cỏ, quét sân, lau chùi từng mộ phần. Đêm nào trời mưa gió, mẹ cũng lò dò đội bạt nilông sang để mở ngọn đèn điện mà mẹ bảo: “Mưa lạnh lắm, có cái đèn để tụi nó sưởi và trò chuyện với nhau cho đỡ buồn chớ”. Làm ra được đồng nào mẹ cũng dành mua nhang, mua đèn để sớm chiều hai buổi sang nghĩa trang thắp cho từng nấm mộ.

Một lần, có người mẹ từ Hà Nội vào tận Tiền Giang để tìm mộ con. Khi biết con mình đang nằm tại Quơn Long, người mẹ xứ Bắc liền tìm vào. Mẹ Yến âm thầm đưa ra nghĩa trang và hướng dẫn đúng ngay ngôi mộ. Người mẹ xứ Bắc ngạc nhiên vì sự am tường đến từng ngôi mộ của mẹ. Mẹ chỉ nhỏ nhẹ giới thiệu: “Tôi là người quản trang nơi này nên phải biết để hướng dẫn thân nhân tìm mộ thôi”. 

Nhưng khi thấy người mẹ xứ Bắc thắp cho con mình nén nhang trên phần mộ, mẹ đã bật khóc: “Người ta từ ngoài Bắc còn tìm được mộ phần con để nhang đèn, vậy mà mẹ vẫn chưa tìm ra phần nào di cốt của con để tròn bổn phận người mẹ...”. Mẹ cũng đã nhiều lần nhờ người dẫn đường đi Long Định để tìm Trừ, nhưng...

Năm 2000, thấy mẹ đã bước sang tuổi 80, sức đã quá yếu, nên trên xã xuống bảo mẹ thôi làm quản trang, mà chuyển giao cho cô cháu gái làm thay, mẹ giận lắm: “Chắc tụi nó tiếc tiền nên không muốn cho mẹ làm nữa chứ gì, thôi thì làm không công vậy. Mẹ làm cho tới khi nào người ta đưa thằng Trừ về được thì mẹ nghỉ cũng không muộn”. 

Cho đến giờ chìa khóa nghĩa trang mẹ cũng quyết giữ lấy một mình. Nhưng khi chúng tôi muốn sang thăm nghĩa trang, mẹ tìm rất lâu mới ra được chùm chìa khóa, mẹ vừa cười vừa mếu: “Già rồi, sợ mất nên giấu kỹ vậy mà”.

Mẹ Phan Thị Yến cứ lầm lũi đi dọc theo những mộ phần mà đọc tên từng liệt sĩ, có những mộ mẹ đã nhầm lẫn vì trí nhớ không còn minh mẫn. Đến dãy mộ phần của Be Lớn, Be Nhỏ, mẹ dừng lại thật lâu, bằng bàn tay chai sần của mình lau chùi những vết ố trên bia, mẹ nói: “Sắp tới ngày giỗ của ổng rồi, nhưng mẹ không còn sức để làm lụng, chỉ đủ tiền mua một con gà, nên chắc gộp chung cả bốn cha con làm một lần...”. 

Bóng người mẹ Quơn Long ngả dài trên hàng mộ như muốn che ánh nắng chiều cho những hương hồn liệt sĩ...                

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận