Người Mường ngại ở nhà sàn?

PHAN CẨM THƯỢNG 30/11/2011 23:11 GMT+7

TTCT - Suy thoái bản sắc văn hóa đã là một hiện tượng có tính toàn cầu trong thế giới phẳng và tác động của lối sống công nghiệp.

Tất nhiên con người dù ở đâu vẫn tồn tại, nhưng những hình ảnh riêng biệt, những nhóm sắc tộc riêng biệt sẽ dần hòa tan vào các cộng đồng lớn hơn, cộng đồng quyết định bước đi của từng quốc gia. Nhà cửa và phục trang thay đổi trước, ngôn ngữ và tập tục thay đổi hằng ngày với sự gia tăng của từ ngữ mới và tập tục đơn giản mới. Ở đâu tốc độ công nghiệp hóa nhanh cũng như kém phát triển về dân chủ, ở đó mất bản sắc nhanh.

Phóng to
Nhà sàn người Mường ở vùng Bá Thước, Thanh Hóa. Những ngôi nhà sàn ở đây rất lớn, thường dài 15-20m, cho một đại gia đình sinh sống đến vài chục năm - Ảnh: Nguyễn Văn Tuấn

Hôm nay chúng tôi vào một bản Mường ăn cưới. Một đám cưới đã tân thời hoàn toàn, chỉ còn vài món ăn truyền thống, diễn ra trong một ngôi nhà bêtông. Người ta, cả nam lẫn nữ, uống rượu rất nhiều, một đợt chúc tụng nhau lại uống một lượt, tính ra mỗi người ít nhất uống hàng chục chén, chưa kịp về đến nhà nhiều người đã say nghiêng ngả ngoài đường.

Vài thanh niên mời chúng tôi về nhà chơi sau đó, một bình rượu cần lại được lấy ra. Rượu cần nhẹ hơn, giống như một loại nước có gas, và rượu cần Mường có thể nói rất đặc sắc, tôi thấy hơn hẳn mọi thứ rượu nhẹ trên đời. Câu chuyện rồi cũng đến bản sắc văn hóa, tất nhiên người dân không dùng chữ nghĩa như vậy. Họ nói luôn: “Người Mường gắn với cái nhà sàn, không còn nhà sàn tức là không còn người Mường”.

Như vậy nhà sàn chính là cốt lõi của bản sắc văn hóa ở đây. Chúng tôi hỏi vậy xây nhà gạch làm gì? Trả lời xây thì cứ xây, nhưng đâu có ở, chỉ lúc nào mưa bão lớn mới sang đó. Có cả một phong trào quay lại nhà sàn. Đây là vấn đề ý thức.

Song những mái nhà cổ truyền không còn tốt như trước. Gỗ lớn không còn khi rừng bị tàn phá. Lối vì kèo không đục mộng chỉ gác lên nhau không thực hiện được nữa, người Mường đành dùng lối vì kèo giá chiêng hay chồng giường của người Kinh, cây gỗ nhỏ hơn, có đục mộng lắp vào nhau cho chặt.

Mái nhà luôn là chuyện lớn, cỏ gianh rất hiếm, và chính vì không kiếm được cỏ gianh mà nhiều nhà Mường, Thái phải chuyển sang nhà đất và gạch. Nhân Nhà nước có chính sách xóa đói giảm nghèo, khắp nơi xóa nhà tranh tre nứa lá - coi đó là một tiêu chí nghèo. Bộ mái lợp tôn ximăng được cấp miễn phí cho bà con. Cho đến nay, người ta mới thấy cái nghèo không nhất thiết là tranh tre nứa lá. Vấn đề chính là vật liệu phù hợp với kiểu thức xây dựng.

Bộ mái gianh vẫn đắt hơn đến mười lần so với tôn ximăng - một vật liệu lợp giữ nhiệt nóng vô cùng vào mùa hè. Hầu như trong ngày nắng, người ta chỉ có thể chui xuống gầm sàn. Và khi được hỏi tại sao không dùng lá cọ, rơm lợp thay thế thì không ai đáp, được cấp không mất tiền chả nhẽ lại từ chối.

Phóng to
Bếp lò chính bên trong một ngôi nhà sàn Mường. Ảnh chụp trong nhà sàn Quan lang tại khu bảo tồn nhà sàn Mường cổ của Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (tỉnh Hòa Bình) - Ảnh: Nguyễn Văn Tuấn

Một câu chuyện khác nảy sinh. Những nhà sàn cổ truyền thường rất lớn, có khi tới 160m2. Hiện tại những ai ở ngôi nhà sàn lớn phải có trách nhiệm đóng thuế, làm giỗ chạp, đóng góp cho làng bản, họ hàng… số tiền hằng năm không phải ít và đè lên vai các ông bà già. Thế là nếu như ở dưới xuôi người ta tranh nhau đất rộng nhà to, thì ở bản Mường người ta đùn nhau ở nhà to, còn mình ra đồng làm những nhà sàn nhỏ ở tạm.

Hàng trăm ngôi nhà sàn tre nứa chỉ như những cái chòi mọc ngoài làng và ngoài đồng khắp các bản Mường. Câu chuyện này còn dài, còn nhiều vui buồn, dù người Mường luôn cố giữ nét thanh bình vốn có.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận