Người "sóc" trong thung lũng Nam Trân

TẤN VŨ - HỮU KHÁ 23/03/2013 19:03 GMT+7

TTCT - Đó là những người Cơ Tu kỳ lạ nhất trên dãy Trường Sơn. Không du canh du cư, họ ở thượng nguồn sông Đỗ (một nhánh sông Vu Gia theo cách gọi của người Cơ Tu) nhiều đời nay và quần tụ trong một thung lũng đầy cây trái ngọt lành.

Phóng to
Đan giỏ tre và mây để chuẩn bị mùa thu hoạch - Ảnh: Tấn Vũ

Nhánh rẽ nhỏ của dòng Vu Gia chạy ngược về phía tây dãy Trường Sơn thâm u đầy hiểm trở. Cung đường đất đỏ độc đạo cứ cắt dọc, xẻ ngang rồi vòng từ đỉnh đồi qua thung lũng theo nhánh sông hẹp dần về thượng nguồn. Những cành hoa Pơ Long kiêu hãnh phơi sắc đỏ tươi trong nắng mai vẫy gọi chim rừng về sum tụ. Thi thoảng vài chiếc xe Minks chở cây trái, măng rừng từ các bản làng rú ga lao vút về xuôi.

Khu làng của người “sóc”

Làng Hiệp, thuộc xã Cà Dăng, huyện Đông Giang (Quảng Nam) nằm sát mé con sông Đỗ, bên kia là dãy núi đá vôi Bôi Chư Phiêng sừng sững đầy vách tai mèo như ở vùng Tây Bắc xa xôi. Nhà của ông Hạ Văn Bạch sát đầu cầu, ngay mé sông. Ông đang vót tre nứa giúp vợ đan những chiếc gùi xinh xắn. Sau khi đan xong, gùi được buộc bằng các dây mây, trên đầu mỗi chiếc có cái móc nhỏ bằng ngón tay đeo nhẫn để móc lên cành cây.

Vỗ vỗ tay vào chiếc gùi vừa hoàn thành, ông Bạch cười bảo: “Năm nào cũng chuẩn bị trước cho mùa thu hoạch tò bon. Tháng 8, nhà nhà lên núi, cả làng lên núi hái tò bon, đan gùi không kịp”. Tò bon là cách gọi của người Cơ Tu cho một loại cây trái ngọt trong một thung lũng núi đá vôi cách làng nửa ngày đi bộ. Ở miền xuôi, người kinh ở Quảng Nam gọi là trái loòng boong (có nơi còn gọi là bòn bon hoặc lòn bon). Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định trong mục lục Châu bản triều Nguyễn, tập III, đời vua Khải Định, loòng boong còn có tên quý phái khác là trái Nam Trân, tức trái quý ở phương Nam.

Ông Bạch không biết trái quý phương Nam, cũng chẳng quan tâm ai đã tiến vua loại trái ngọt này. Ông chỉ lo chăm bón những vườn cây rừng như vườn nhà của mình chờ đến ngày thu hoạch. Vườn cây mà tổ tiên ông để lại đã từ rất lâu không biết mấy đời. “Ở đây ai cũng phải biết trèo cây, ai cũng phải học bơi lội trước, sau đó mới bắn cung, săn thú, vượt rừng và học gài bẫy sau cùng. Thành thạo những thứ ấy rồi mới được lấy vợ, sinh con” - ông Bạch khẳng định.

Vừa nói vừa biểu diễn, nhanh như chớp ông Bạch chụp lấy chiếc gùi, trong nháy mắt đã leo thoăn thoắt lên ngọn cây cao hơn chục mét đong đưa. Hai tay chụp rồi chuyền từ cành này đu sang cành khác, từ ngọn cây cao qua ngọn cây thấp, ông lao đi như bầy sóc trong khu vườn quen thuộc. Đôi bàn tay của người đàn ông này như có chất keo dính chặt vào thân cây. Đôi chân bước trên các cành nhánh thoăn thoắt như người quê quen đi trên con đường làng của mình.

Ông Bạch cho biết khu làng mình có rất nhiều người biết trèo cây như sóc. Tháng 8, mùa thu hoạch loòng boong bắt đầu, trừ trẻ em và người già, đa số người của làng đều ở trên cây. Từ đồi Hầm qua đồi Heo, nơi bạt ngàn những cánh rừng loòng boong hàng trăm người í ới. “Ở đây con gái cũng trèo cây, leo hái như đàn ông vậy. Có hôm trèo cả ngày chẳng cần cơm nước. Ăn thứ trái cây mọng nước ngọt này no rồi, không cần cơm nước đâu. Hái đầy gùi thì leo xuống mang về” - A Lăng Tâm, vợ Bạch, cười nói.

Bà Tâm kể rằng cô bé A Lăng Linh ở làng Mèn ngày trước trèo cây rất giỏi. Sau khi đi học rồi ra trường, Linh đi làm cô giáo ở Trường tiểu học Jơ Ngây (Đông Giang) nhưng thi thoảng cuối tuần về quê vẫn cùng cha leo cây hái trái. Linh hái trái cây một mùa bán rồi gom góp mua được cả chiếc xe máy cũ để đi làm. Bà Tâm nói đầy tự hào: “Linh leo giỏi lắm, con gái mà hái trái cây nhanh như thanh niên. Là cô giáo rồi nên ít theo cha đi núi. Nhớ mùa loòng boong cô ấy cũng về đi núi với dân làng này đấy”.

Có những cây to, thân cây đến vài người ôm, người dân sẽ lấy dây buộc quanh thân cây, chặt gỗ đóng thành những chiếc thang leo lên ngọn. “Đến trên ngọn, khi gặp trái thì mình hái, chuyền từ cành này qua cành khác hái đầy thì leo xuống. Chuyền miết thành quen. Dân làng đây có ai bị rơi rớt bao giờ đâu, quen từ nhỏ rồi!” - ông Bạch cười nói.

Phóng to
Phóng to
Phóng to
Phóng to
Phóng to
Đàn ông ở thung lũng Nam Trân có khả năng trèo cây, chuyền cành như sóc - Ảnh: Tấn Vũ

Chia cho muôn thú

Hôm chúng tôi đến, người dân ở làng Hiền, làng Mèn của xã Cà Dâng đi phát dọn những cành khô, chặt dây leo, chăm sóc vườn loòng boong của mình. Như một chiến binh nhớ trận mạc, già Bhnước Vui đã 72 tuổi nhưng vẫn theo con cháu đi thăm cánh rừng. Với trai tráng trong làng, thuật trèo cây của già Vui đã trở thành huyền thoại. Nhiều người kể rằng lúc đôi mươi, già Vui một mình sống trong rừng cả tuần không cần cơm nước, ông chuyền từ cánh rừng này qua cánh rừng khác bằng dây leo, chuyền cành như con sóc chúa.

Quệt mồ hôi sau khi vượt con dốc, già Vui kể rằng khi đồn Pháp đóng quân ở đầu làng đã tiến hành những trận càn quét thảm khốc. Nhưng với người dân Cơ Tu nơi đây, mọi thứ chẳng thấm tháp. Có lẽ bản năng sinh tồn với đá núi, mưa rừng và thú hoang đã biến người dân thành những chiến binh cô đơn. “Họ đuổi mình chạy. Mình chạy nhanh hơn họ. Họ có súng mình có cung tên. Cây trái, rau rừng, cá suối… nuôi sống cả làng ai chết gì đâu!?” - già Vui kể. Chinh chiến qua đi, bom đạn không còn, người Cơ Tu trong thung lũng Nam Trân lại quần tụ sống bình yên dưới tán cây rừng rợp bóng.

Mặc dù bản năng sinh tồn mạnh mẽ nhưng người dân nơi đây đều tuân thủ những điều cấm kỵ như một khế ước của bản làng với núi rừng và thần linh. Khi mùa thu hoạch trái loòng boong bắt đầu, người ta hái chùm loòng boong chín để trong một hang đá, chờ đến khi những chùm trái được sóc rừng tha đi ăn thì việc thu hoạch mới bắt đầu. “Sóc chưa ăn thì không ai dám hái đâu. Trèo cây, cây gãy người rơi, năm sau cây giận không cho trái đâu” - già Vui nói. Người Cơ Tu nơi đây khẳng định chính những chú sóc rừng ăn trái loòng boong rồi tha đi khắp chốn để hạt của loài cây này nảy nở, sinh rừng và lại cho trái.

Ngồi dưới cội cây cười sảng khoái, già Vui “bật mí”: “Phân của sóc thải đến đâu cây loòng boong con mọc lên ở đó. Cứ thế khu rừng rộng ra mà chẳng ai trồng”. Và đã thành thông lệ, không ai nhắc nhưng khi hái quả, người dân vẫn chừa lại những chùm trái ngọt đong đưa trên cành để chia đều thức ăn cho loài sóc như một lời tri ân.

Nhà của ông Hạ Văn Bạch nuôi rất nhiều sóc. Đứng trưa, ba đứa con nhỏ của ông mang hai cái lồng sóc xuống khúc sông nhỏ trước nhà, những chú sóc được tắm thỏa thích rồi được lũ trẻ mang về. Người Cơ Tu ở làng Hiền, làng Mèn có thể ăn thịt chuột rừng, nhưng với loài sóc họ dành cho một đặc ân. Có lẽ bản năng sinh tồn giúp con người và loài sóc nơi đây xích lại gần nhau.

Loòng boong là cây trái mà nhiều người Quảng đi xa thường nhắc đến. Quảng Nam có rất nhiều cây này và Đại Lộc được xem là thủ phủ. Riêng ông Bạch quả quyết thủ phủ của loòng boong là ở làng Mèn, làng Hiền thuộc xã Cà Dâng quê ông. Do địa hình cách trở, sông núi cách ngăn, từ khi loòng boong trở thành thứ thương phẩm hảo hạng, người buôn chuyến ở miền xuôi tìm đến Cà Dâng (Đông Giang) qua cung đường độc đạo xuyên qua Đại Lộc, lên ngõ trại giam An Điềm.

“Mùa loòng boong cây trái ở đâu ùn ùn về xuôi, chảy đều ra phố, tất cả đều xuất phát từ đây chứ không phải dưới Đại Lộc. Chỉ nhìn trái loòng boong vỏ mọng, sẫm màu thì biết đó là cây trái làng mình. Khi ăn đầu lưỡi ngọt đến tê người thì đích thực loòng boong được mọc trên vùng núi đá vôi này” - ông Bạch nói cười hả hê.

Phóng to

Theo một số truyền thuyết, trái loòng boong (tên khoa học Lausium domestium Corr., thuộc họ xoan) gắn với thời của các triều Nguyễn. Tương truyền lúc công tử Nguyễn Phúc Ánh chạy theo chúa Nguyễn Phúc Thuần vào Quảng Nam, không may bị quân Tây Sơn phát hiện, phải trốn lên thượng nguồn Ô Gia. Nhiều ngày lẩn trốn, lương thực cạn, may thay giữa lúc đó gặp ở rừng có loại trái cây rất ngon ngọt làm dịu cơn khát và đỡ đói, nhờ vậy Nguyễn Phúc Ánh thoát chết để chạy tiếp vào miền Nam.

Sau này khi lên ngôi vua lấy niên hiệu Gia Long, Nguyễn Phúc Ánh ban cho loại trái cây rừng từng cứu ông và quân sĩ là Nam Trân.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận