Người trẻ là người trẻ nào??

NGỌC MINH 23/07/2015 21:07 GMT+7

LTS: Người trẻ có thật sự cần được “nhường bước”, hay hãy lao tới phía trước, chứng tỏ mình bằng sự sáng tạo và khác biệt? TTCT giới thiệu ý kiến của hai độc giả tham gia loạt “Tôn trọng người trẻ” (mời đọc từ số ra ngày 5-7).

Minh họa: Bích Khoa

Khi nói đến tuổi trẻ, người ta thường hình dung đó là những con người phơi phới tuổi thanh xuân, tràn đầy sức sống, giàu tính sáng tạo, nhiều hoài bão cống hiến và là niềm kỳ vọng của thế hệ đi trước. Nhưng thử nhìn vào những người trẻ của chúng ta hiện nay...

Những người trẻ chưa lớn

Không phải tự dưng có những thuật ngữ như “thế hệ gấu bông”, “thế hệ gối ôm” hay “thế hệ tự yêu mình”. Là bởi những đại diện của thế hệ này thích hưởng thụ, không muốn chịu trách nhiệm kể cả với bản thân mình, sẵn sàng đánh đổi tương lai lâu dài bằng những thói vui nông cạn trước mắt, từ chối học tập rèn luyện, không muốn phấn đấu vì mục đích trưởng thành, quay lưng với gia đình và xã hội.

Đừng mong họ sẽ tư duy cái gì đó có liên quan đến đạo đức hay nghĩa vụ, bổn phận, cũng không nên trông chờ họ sẽ là rường cột quốc gia vì điều đó quá cao siêu đối với họ.

Điều đáng lo là những đánh giá tiêu cực đó chẳng làm họ giận dỗi hay ít ra là tự ái để họ phải làm gì đó chứng minh ngược lại. Sự thất vọng của người lớn giờ đây không khiến giới trẻ bận tâm lo lắng, họ còn mãi chạy theo các trào lưu “tự sướng” và dán mắt vào những thiết bị thông tin cầm tay vì sợ lỡ mất những sự kiện giật gân.

Việc họ đổ thừa cho hoàn cảnh và oán giận người lớn bảo thủ không biết lắng nghe, “xí hết phần” của họ lại một lần nữa chứng minh họ giống đứa trẻ hờn lẫy, ấu trĩ, đòi hỏi người khác phải cho mình một chỗ ngồi mà không nghĩ mình đã làm gì để xứng đáng có một chiếc ghế.

Những đôi mắt đờ đẫn vì lướt web, những thân hình mảnh khảnh ốm yếu, thái độ hờ hững vô cảm là hình ảnh quen thuộc quanh ta. Rất hiếm khi có một sinh viên tranh luận ra trò tại giảng đường đại học, cũng chẳng thường thấy họ phát biểu mạnh dạn ở nơi làm việc.

Nếu nhìn vào hình thức, giới trẻ Việt Nam hiện nay không hề lạc hậu khi cập nhật các mốt mới nhất dưới tác động của xu thế toàn cầu hóa, nhưng về mặt nhận thức tư duy hay kỹ năng sống thì chúng ta có gì để tự hào? Ở mặt bằng cao, du học sinh của ta hầu hết đều bỡ ngỡ trong việc thích nghi với lối sinh hoạt và học tập độc lập của nước ngoài.

Ở mặt bằng thấp, các cô dâu Việt rất vất vả, đơn độc khi phải giải quyết mâu thuẫn gia đình, ngôn ngữ, văn hóa, lối sống với nhà chồng. Hầu hết đều bị động trong việc nhận thức, chuẩn bị và xử lý tình huống. Họ cũng rất lúng túng không biết làm thế nào để vừa giải quyết được sự cố vừa đảm bảo giữ được lòng tự trọng hay phẩm giá cá nhân, nói gì đến việc giữ gìn hình ảnh con người Việt ở nước ngoài.

Những ngày vừa qua cả nước vào đợt thi tốt nghiệp THPT, chúng ta lại bắt gặp hình ảnh quen thuộc của hàng triệu sĩ tử có bố mẹ, anh chị tận tình chăm sóc, từ đưa đón đến tìm chỗ trọ và nơi ăn uống, thí sinh chỉ cần tập trung làm bài.

Đó là sự hỗ trợ đáng quý của gia đình, nhưng nhìn ở góc độ giáo dục nhận thức, nó bất ngờ để lộ điểm yếu của thế hệ trẻ ngày nay, phần lớn họ thuận theo sự sắp xếp của phụ huynh, đón nhận sự chăm sóc thái quá của bố mẹ một cách tự nhiên như nó phải thế.

Lỗi của người lớn

Lớp trẻ chúng ta vụng về phải chăng do chính người lớn chúng ta không biết dạy dỗ đúng cách? Chúng ta không phủ nhận xã hội ngày càng có nhiều tác động với giới trẻ hơn gia đình, nhưng không phải bỗng nhiên các xã hội phát triển đều cố gắng xây dựng giá trị gia đình như một cách tương tác, điều chỉnh cần thiết đối với xã hội.

Việc yêu chiều con quá mức, kỳ vọng quá mức, hi sinh quá mức, che chở quá mức, và cả đàn áp quá mức, xem chúng như những đứa trẻ mãi cần được bảo vệ đã khiến lớp trẻ chúng ta ỷ lại, vô cảm và yếu đuối.

Chúng không được thể hiện ý kiến riêng, không được phép tự giải quyết rắc rối, bị cấm tiệt mọi khám phá, bị triệt tiêu tính tự giác và trách nhiệm, không được khuyến khích sống phục vụ hay thực hiện bổn phận đối với gia đình, người thân.

Đó là kết quả của việc người lớn muốn con trẻ luôn nghe lời, chụp những cái mũ hỗn láo hay “trứng mà đòi khôn hơn vịt” cho con cái, che đậy những sai lầm của chúng với biện bộ đó là tình yêu bao la của đấng sinh thành, lấy tinh thần “mũi dại lái chịu đòn” để đứng ra chịu thay trách nhiệm cho con.

Rất nhiều người lớn chúng ta tự hào là chuyên gia trong việc chăm bẵm con từ khi chúng nằm nôi đến lúc đi làm, kết hôn nhưng vô cùng nghiệp dư khi phải nghiêm khắc với chúng. Chúng ta đã làm gì lớp trẻ vậy?...

Sự trưởng thành của con cái phản ánh năng lực làm cha mẹ của người lớn. Trên thực tế, sự khác biệt về yêu cầu xã hội ở mỗi thời kỳ đối với mỗi thế hệ đều xảy ra ở các quốc gia, nhưng quan trọng hơn chính là di sản của người đi trước và năng lực phát triển của người thừa kế.

Xã hội Việt Nam đang chứng kiến sự đứt đoạn trong việc chuyển giao giữa các thế hệ, khi lớp già không chuyển hóa kinh nghiệm thành giá trị tinh thần mà là sự bảo lưu cái cũ trước yêu cầu của thời đại mới, còn lớp trẻ từ chối cầm lấy bó đuốc và thắp lên ngọn lửa của thế hệ mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận