Nhỡ một ngày cổ tích

HÀ PHẠM 10/06/2016 22:06 GMT+7

TTCT- Nếu có ai hỏi trên dải đất hình chữ S này, nơi nào người ta say đắm nhất với những câu chuyện cổ tích thì tôi lập tức cam đoan với bạn rằng đấy chính là Hà Nội. Có đến 90% dân số thủ đô hễ cứ bắt đầu nói về một câu chuyện bất kỳ là dùng hai chữ: Ngày xưa. Ngày xửa ngày xưa...

Tranh: Lê Thiết Cương
Tranh: Lê Thiết Cương


Ngày xưa có thể rất xa, cũng có thể chưa xa lắm. Thật ra không có gì lạ. Nghìn năm văn hiến mà. Ngày xưa là cái thứ dày đặc trên và trong mỗi mét vuông đất kinh thành Thăng Long.

Cứ tiến hành khai quật khảo cổ chỗ nào có lẽ cũng tìm thấy dấu tích thời từ thượng cổ đến Lý Trần Lê và về sau, hàng nghìn hàng trăm năm lịch sử. Góc phố nào cũng có vô số câu chuyện về từng thời Hà Nội: thời thuộc Pháp, thời chiến tranh, thời bao cấp...

Cứ phá một cái nhà nào đi để xây mới cũng có nguy cơ xâm phạm di tích. Cứ chặt đi một cái cây to là dễ bị phản ứng bởi động vào ký ức thành phố. Mỗi người đều có những “Chuyện cũ Hà Nội” của riêng mình theo cách nhà văn Tô Hoài.

Tốc độ đô thị hóa (song hành với nông thôn hóa) thủ đô vùn vụt già nửa thế kỷ nay khiến Hà Nội mở rộng gấp mấy lần, dân số tăng gấp mấy lần, gọi là Hà Nội gốc cũng chẳng có bao lăm, nhưng dù thế nào, cái tâm trạng “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” vẫn cứ phổ biến ngay cả khi người ta chẳng đi đâu xa Hà Nội. Hễ cứ có chuyện gì xảy ra là người ta lại nhận thấy tình yêu Hà Nội, một Hà Nội cũ xưa, bỗng cuồn cuộn dâng tràn trong lòng mà chẳng hiểu tại sao...

Chẳng hạn, cái vụ biển hàng biển hiệu kiểu mẫu ở phố Lê Trọng Tấn mới đây, xanh đỏ cùng cỡ, làm rộ lên nỗi nhớ Thạch Lam, nhớ Hà Nội ba sáu phố phường của ông với chuyện những biển hiệu cửa hàng đủ làm nên... một gánh xiếc.

“Trước hết có hiệu trâu vàng, hẳn thế. Ấy là câu chuyện huyền thoại của ông Khổng Minh Không đã được hình tượng ra bằng hai cái biển. Rồi đến hiệu bò vàng, cá chép vàng (cá chép hóa long thì đúng hơn và con cá này đã trái tật chạy lên Hàng Ngang rồi), con lạc đà không biết đến đây để làm gì?, con gà sống kim kê hẳn thôi, con hươu sao, con kỳ lân, con phượng (lai hoàng), con rùa rùa (kim quy), con rùa rùa này về núi rồi, con vịt che ô, con voi (con này cũng về rừng) và con tê giác. Các nhà hàng còn lâu mới dùng hết được tên các loài vật. Và chúng ta nên nhận rằng trong các con vật đã dùng, không có con nào dữ cả...

Không có hổ vàng hay sư tử vàng, chẳng hạn... Vào nhà con trâu, con hươu mua vải, lụa, chắc không bị hớ, chắc sẽ được nhà hàng tiếp đãi niềm nở và tử tế (như các bà bán hàng Việt Nam biết tiếp khi khách chỉ mặc cả mà không mua, hay muốn mua mà trả rẻ), và nếu họ có bị dại như một con bò thì cũng được an ủi rằng ít ra cũng là một con bò vàng...”.

Và hơn thế nữa, “Ngày xưa, cái biển hàng còn là một cái gì hơn không chỉ là một cái biển hàng mà thôi. Đó là một bộ phận gì liền với cơ nghiệp và số vận của người buôn, cái biển hiệu thực hiện của những cố công nhẫn nại và những đức tính ngay thật của chủ hàng.

Đề biển phải chọn ngày tốt, phải xin chữ của những người viết giỏi có tiếng và người ta thận trọng giữ gìn như một thứ của gia bảo ở những cái biển cũ đã tróc sơn, mà gió mưa bao nhiêu năm đã làm lạt cả vàng sơn, những nét chữ mạnh mẽ và rắn rỏi vẫn còn như nguyên mới”...

Đồng ý là biển hiệu biển hàng ở Hà Nội bây giờ cực kỳ lộn xộn và sai chính tả thậm tệ. Nhưng Hà Nội là thế, lộn xộn một cách mến thương. Vả lại, muốn làm cho thành phố trở nên ngăn nắp và sạch sẽ thì việc phải thay đổi đầu tiên không phải những biển hiệu, mà là khai thông những cống rãnh bẩn thỉu tù đọng và dọn hết rác rưởi lưu cữu làm ô nhiễm không gian một cách nặng nề từ nhiều năm nay.

Nhưng mà, cái vụ biển hàng này, trước là nhớ Thạch Lam, sau lại nhớ Andersen. Andersen thì đương nhiên là cổ tích, như chúng ta vẫn nghĩ thế. Nhà văn Đan Mạch có câu chuyện rất hay về các biển hiệu - Gió tháo tung các biển hàng. Chuyện đại khái là ở kinh thành có nhiều biển hiệu, một đêm dông tố dữ dội, sáng hôm sau các biển hiệu bị dỡ tung và đặt vào những chỗ khác.

Tấm biển của đồn cứu hỏa bay sang nhà bác phó mộc, người vừa cứu được mấy nạn nhân trong một đám cháy. Tấm biển bằng đồng của bác phó cạo bắn sang nhà quan hội thẩm, nơi có bà vợ ác khẩu mang biệt danh “dao cạo”. Tấm biển “Trường cao đẳng” ngoắc vào cửa quán cà phê có bàn chơi bi-a, còn nhà trường thì thừa hưởng cái biển “nhận nuôi trẻ đang bú”...

Cứ giả sử có một đêm dông tố như thế ở Hà Nội, chúng ta chẳng có gì phải lo, vì những biển xanh đỏ cùng cỡ có bay lẫn đi đâu cũng vẫn thế. Chỉ có gió là hoang mang, nếu chuyện đó xảy ra.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận