Những "cây ATM" chạy bằng cơm

HOA KIM 15/06/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Tại những vùng nghèo nhất của thế giới, nơi phần lớn dân số không biết đến ngân hàng, dịch vụ rút, gửi và chuyển tiền từ những “cây ATM chạy bằng cơm” đang giúp đánh thức kinh tế và đưa hàng triệu người thoát nghèo.

 

Đấy thật ra là các đại lý giao dịch của mobile money (tiền di động), mô hình cho phép người không có tài khoản ngân hàng truy cập vào các chức năng cơ bản của hệ thống tài chính chỉ với một chiếc điện thoại cơ bản nhất.

Những người này hoạt động không khác một máy ATM: bạn có thể gặp họ để nạp tiền mặt vào tài khoản di động hoặc rút tiền ra để chi tiêu. Ở những nơi không có ngân hàng, các “ATM người” này là nguồn cung tiền mặt quý giá, đồng thời là chỗ an toàn nhất để gửi tiền nhàn rỗi.

Những “ATM người”

Ra mắt lần đầu ở Kenya vào đầu những năm 2000, dịch vụ tiền di động M-Pesa chỉ mất hơn 10 năm để đưa nước này vượt nhiều nước phát triển về khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân. Năm 2017, khoảng 72% dân số trưởng thành ở Kenya đã có tài khoản tiền di động so với chỉ 29% sở hữu một tài khoản ngân hàng, theo số liệu gần nhất của Financial Inclusion Insights.

Thành tích này là công sức không nhỏ của mạng lưới hàng trăm ngàn người đóng vai trò như các điểm giao dịch tỏa đi đến những vùng xa xôi hẻo lánh nhất mà hệ thống ngân hàng chính quy không thể với tới.

Một người nội trợ vừa bước ra khỏi nhà để đi chợ thì nhớ ra trong người hết nhẵn tiền mặt. Thay vì lặn lội đến chi nhánh ngân hàng gần nhất cách đó vài tiếng chạy xe, người này mở điện thoại, gửi tin nhắn với nội dung là số tiền cần rút cùng mã xác thực, rồi đi bộ đến “cây ATM chạy bằng cơm” gần nhất. Tại đây, số tiền được trao tận tay từ một giao dịch viên sau khi làm các bước xác minh cần thiết, cũng trên một chiếc điện thoại “cục gạch” như người nội trợ. Tất cả chỉ mất 2 phút.

Tạp chí Forbes ngày 19-5-2021 đưa tin Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới vừa công bố khoản hợp tác trị giá 2 triệu USD với MTN - nhà mạng lớn nhất châu Phi - để phát triển mạng lưới tiền di động MoMo ở Nam Phi, nơi có hàng triệu người chưa được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống.

Sự hợp tác này nhằm tuyển dụng 10.000 “ATM người” cho MoMo trong năm 2021. Nói với Forbes, Felix Kamenga, giám đốc dịch vụ tài chính di động của MTN Nam Phi, cho rằng dự án này “không chỉ mang lại lợi ích cho cộng đồng và nền kinh tế địa phương, mà còn có tác động dây chuyền khiến nhiều người dân Nam Phi đang không được tiếp cận hoặc tiếp cận không đầy đủ các dịch vụ ngân hàng có cơ hội quản lý tiền của họ bằng phương tiện kỹ thuật số, dù ở bất cứ đâu”.

Để trở thành đại lý MoMo, ứng viên cần phải sẵn có một cơ sở làm ăn cố định, chẳng hạn hiệu thuốc hay tiệm tạp hóa, có đăng ký kinh doanh và đóng tiền ký quỹ. Các yêu cầu này nhằm đảm bảo trong các tình huống bất trắc thì đại lý có khả năng và trách nhiệm chi trả nợ cho bản thân cũng như cho khách hàng của mình, theo trang Mfidie.com.

Các đại lý kiếm tiền bằng cách ăn hoa hồng trên các giao dịch của người dùng. Theo đó, khi rút tiền mặt tại các “ATM người” hoặc chuyển tiền cho người khác, người dùng MoMo phải trả khoản phí và một phần trong số này sẽ được dùng để chi trả cho các đại lý (với Nam Phi là từ 1-50 rand tùy giá trị giao dịch, 1 rand tương đương 1.700 đồng).

Công việc của một đại lý tiền di động nhìn chung khá giống nhau dù làm cho MoMo hay một nền tảng nào khác. Trong một số trường hợp, một người có thể đăng ký làm đại lý cho nhiều dịch vụ tiền di động khác nhau cùng lúc nhằm cải thiện thu nhập.

Như anh William đang làm đại lý cho M-Pesa nhờ có cửa hàng tạp hóa nhỏ của một người cậu tại một thị trấn nhỏ nằm cách thủ đô Nairobi của Kenya khoảng 80 cây số. Mỗi ngày William thu vào khoảng 300 USD tiền mặt và “nhả” 500 USD cho những người đến rút tiền, theo trang BCG. Tất cả giao dịch được anh xử lý trên chiếc điện thoại nhỏ gọn thông qua một tài khoản dành cho đại lý.

William đã xây dựng cho mình một nhóm khách hàng trung thành, chủ yếu là những người lao động phổ thông và nông dân dựa vào anh để gửi tiết kiệm số tiền họ kiếm được, nạp tiền điện thoại và thanh toán các hóa đơn điện nước. Ngoài ra, anh còn cung cấp dịch vụ sạc điện thoại cho những người không có chỗ cắm điện.

Cứ 2 lần/tuần, anh nhờ một người hàng xóm chở 20km bằng xe máy đến ngân hàng gần nhất để cân đối số tiền mặt và số dư trong tài khoản M-Pesa vừa đủ cho những ngày tiếp theo. Một số nhà mạng có chính sách hỗ trợ đại lý tốt còn cử người đến tận nơi để “nạp tiền” thay vì bắt họ lặn lội đường xa.

Con người hay hơn máy móc

Mô hình “ATM người” đơn giản này đã làm thay đổi cuộc sống các hộ nghèo ở châu Phi. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy nếu một gia đình ở Kenya tình cờ sống gần đại lý M-Pesa từ lúc chương trình khởi động vào năm 2007, khả năng sống dưới chuẩn nghèo (thu nhập dưới 2 USD/ngày) của họ sau 7 năm là thấp hơn hẳn so với những gia đình không ở gần một đại lý nào.

Trong khi các hộ nghèo thường mất khả năng đáp ứng các nhu cầu cơ bản khi thu nhập đột ngột bị giảm thì các hộ có sử dụng tiền di động lại có xu hướng ổn định hơn trước những biến động của sinh kế nhờ “tấm lưới bảo hộ” là tiền gửi tiết kiệm và hỗ trợ từ xa của bạn bè và gia đình trong tình huống khẩn cấp. Tại những nơi nó được sử dụng rộng rãi, tiền di động đã đánh thức kinh tế nông thôn và làm lột xác cuộc sống của người dân.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science năm 2016 cho thấy 96% hộ gia đình ở Kenya có ít nhất một thành viên sử dụng M-Pesa. Theo các tác giả, ước tính sự thành công của M-Pesa đã đưa 194.000 hộ gia đình thoát nghèo dù tác động vật chất thực tế là khá nhỏ - chỉ khoảng 0,1 USD thu nhập tăng thêm/ngày.

Một nghiên cứu năm 2016 nhận thấy mức tiêu dùng các hộ gia đình có tiếp cận với tiền di động ở nông thôn Uganda tăng đáng kể, chủ yếu nhờ dòng tiền do người thân sống và làm việc ở nơi khác gửi về. Tiền di động còn kích thích hoạt động khởi nghiệp và làm giảm tỉ lệ hộ gia đình có an ninh lương thực rất thấp ở Uganda từ 62,9% xuống còn 47,2%.

Tiền di động cũng giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, theo trang Vox. Khi được cung cấp một công cụ thuận tiện và an toàn để lưu giữ tiền, người dân có nhiều khả năng gửi tiết kiệm hơn và vì vậy có thể chi trả viện phí khi một thành viên trong gia đình gặp vấn đề sức khỏe.

Mô hình đại lý còn có nhiều ưu thế so với những cây ATM vô tri. Những đại lý này làm việc theo mô hình nhượng quyền và được khuyến khích tận dụng các mối quan hệ cá nhân và uy tín của họ trong cộng đồng địa phương để thúc đẩy nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính.

Đặt một cây ATM ở giữa làng có thể không đủ sức thuyết phục cụ già mang tiền dành dụm cả đời đi gửi tiết kiệm, nhưng nếu được một người cùng thôn giải thích các ưu điểm của giao dịch không tiền mặt và hướng dẫn các bước đăng ký sử dụng tiền di động thì khả năng mở rộng khách hàng là cao hơn nhiều. Ưu điểm này đặc biệt có giá trị trong các cộng đồng có tỉ lệ hiểu biết công nghệ thấp.

 
 Giao dịch tại một "cây ATM người" ở Kenya. Ảnh: Forbes

Thành công ở Kenya và một số nước không đồng nghĩa mô hình tiền di động phù hợp cho tất cả. Không nước nào giống nước nào, và việc thuyết phục toàn xã hội áp dụng một phương thức mới để thực hiện các giao dịch tài chính không phải là một điều dễ dàng.

Trong một số trường hợp, quá trình này lại là việc đi giải bài toán con gà - quả trứng: mạng lưới “ATM người” cần có độ phủ lớn để dịch vụ tiền di động phát huy tính hữu ích, nhưng việc tuyển đại lý số lượng lớn để đặt ở khắp nơi là không khả thi về mặt tài chính cho đến khi dịch vụ được sử dụng phổ biến trong toàn dân. Ở một số nước, tiền di động không thể vượt qua rào cản pháp lý và bị chính phủ buộc đóng cửa theo yêu cầu từ ngân hàng trung ương.

Dù sao đi nữa, theo Vox, tiền di động và mô hình “ATM người” cho dù không phải là thuốc tiên để giải quyết mọi vấn đề của đói nghèo toàn cầu thì chí ít nó cũng vẫn là “một công cụ cực kỳ đơn giản (nhưng) hoạt động cực kỳ xuất sắc”.■

Không như ngân hàng được bảo vệ nghiêm ngặt, các đại lý tiền di động thường là mô hình kết hợp tiệm tạp hóa và không được trang bị các phương tiện cần thiết chống lại các mối đe dọa an ninh khi cất giữ số tiền lớn.

Thời gian gần đây, hơn 300.000 người làm đại lý tiền di động ở Ghana đang cảm thấy bất an và lo sợ cho tính mạng của mình khi truyền thông tràn ngập những câu chuyện về các vụ trộm, xả súng và tạt axit nhắm vào những đại lý này.

Thương tâm nhất là vụ việc xảy ra hôm 14-8-2020 khi một người đàn ông làm việc trong một đại lý ở thị trấn Techiman bị các tên cướp vũ trang bắn chết trong lúc chống trả, theo trang MyJoyOnline.com. Dù các đại lý được nhà mạng mua bảo hiểm rủi ro đầy đủ, đây sẽ là vấn đề nhiều người phải cân nhắc trước khi bước chân vào nghề.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận