Những dự án tâm linh thật sự

NGUYỄN THỊ THỦY 17/06/2016 02:06 GMT+7

TTCT - Giật mình trước thông tin Việt Nam sẽ có tháp chùa cao nhất thế giới, lại được gọi là một “dự án tâm linh”! Dự án tâm linh có phải là cái gì ghê gớm và tốn kém thế không?

Tranh: Lê Thiết Cương
Tranh: Lê Thiết Cương


Những dòng truyền thống tâm linh tốt đẹp có thật sự cần được chứa đựng trong những chùa cao tháp lớn hay không? Xin nói rõ, khi chuyện xây tháp cao nhất thế giới là của công ty tư nhân, không dùng tiền thuế của dân thì tôi không bàn đến. Ở đây chỉ xin chia sẻ về những dự án tâm linh thực và ảo.

Ngày xưa, mỗi làng Việt Nam thường có một ngôi chùa. Trong chùa có ông thầy chùa, có chú tiểu, có ông bà sãi, có người dân trong làng lên cúng dường và dọn dẹp. Theo lời của một quý sư thầy đáng kính: “Chùa ngày xưa hay lắm. Chùa có là gì đâu. Đó là cái thùng rác của cả làng thôi”.

Thầy kể chuyện: Trong nhà có chuyện gì bực dọc, vợ chồng không giải quyết được thì ông chồng lên chùa thưa với sư thầy. Sư thầy sẽ ngồi nghe ông chồng, rồi cho uống ly nước trà. Ông chồng về rồi, bà vợ lại lên thưa với sư thầy.

Thầy cũng sẽ ngồi nghe, rồi cho uống ly nước trà. Hai ông bà thi nhau kể tội của mỗi bên xong, rồi cũng đến lúc hạ hỏa. Thầy chùa khi ấy mới làm nhiệm vụ hòa giải, bớt lửa bên này, tưới mát bên kia.

Rồi chuyện anh em họ hàng giận nhau, chuyện con gái lỡ thì muốn quyên sinh, chuyện làng chuyện nước chưa yên..., người ta lên chùa để “nghỉ giữa hiệp” và được tiếp sức về tinh thần. Cứ như vậy, ngôi chùa là cái thùng rác cảm xúc của cả làng.

Và cũng là cái bệ đỡ tâm linh vững chắc nhất. Ngôi chùa trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống làng xã. Người ta góp công góp của xây chùa cũng như để tu sửa nhà mình.

Cách vận hành đó đẹp đẽ cho đến khi người ta nảy ra ý nghĩ ganh đua, xây chùa làng mình hoành tráng hơn làng khác để lấy uy, khi người ta quên mất ông Phật cũng từng là một con người bằng xương bằng thịt, để biến chùa thành nơi bán thánh buôn thần.

Thế là nhiều ngôi chùa trở thành cái bình hoa. Các làng thi nhau tô điểm cho bình hoa sặc sỡ, đẹp đẽ, thêm tượng, thêm chậu cảnh, thêm lễ lạt. Những phiền muộn lo lắng của người làng không có chỗ để được hóa giải nữa, người ta đem đổ lên đầu nhau, lên cả những đứa trẻ để tiếp tục di truyền và đổ ra cho toàn xã hội.

Có chùa được coi như nhà cái đặt cược. Người dân mang lễ lên chùa - lễ vật thật, tiền thật - khấn vái sì sụp một hồi, đổi lại là xin có con trai/con gái, xin được ăn nên làm ra, xin được tai qua nạn khỏi, xin tăng lương tiến chức. Chùa đã sắm vai nhà cái, đã nhận kèo rồi, thành ra phải ráng cho được. Nếu chùa không ráng được thì bị coi là không thiêng, ít người viếng.

Giống như bác sĩ ở các bệnh viện công, có chùa còn có thêm “phòng mạch” ngoài giờ, nhưng không phải để khám chữa bệnh như các bác sĩ, mà để làm dịch vụ hương khói, cầu hồn, giải hạn. Giống như các bác sĩ có quyền ưu tiên khách VIP phí cao, chùa cũng có đặc phái viên hoặc chi nhánh phục vụ riêng cho những vị chịu chi, có xe đưa đón.

Nhưng bác sĩ thì cứu người khỏi cơn đau bệnh, những dịch vụ cao cấp của chùa nhấn sâu người ta vào vòng lo lắng bất an luẩn quẩn.

Ông Phật hơn 2.500 năm trước bên nước Ấn Độ chỉ có một cái bình bát và ba manh áo vải, đạt được hạnh phúc và tự do. Tổ Lâm Tế của Việt Nam khoác trên vai cái nón lá đi hành đạo. Phật Hoàng Trần Nhân Tông lên núi dựng lều để tìm sự thanh tịnh cũng đâu có nhiều hơn thế. Tất cả các ngài đi đâu, tìm kiếm cái gì sau khi đã bỏ lại hết vàng son phía sau?

Những dự án tâm linh thật sự cho người Việt mình, nếu chúng ta có ý muốn làm, liệu có phải là chùa to tháp lớn? Hay ta bắt đầu từ những góc nhỏ thanh tịnh để được bồi đắp tâm hồn, hòa giải gia đình, nối lại tình anh em?

May mắn lắm, bây giờ vẫn còn hiếm hoi những ngôi chùa như vậy trên đất Việt, khuất sâu trong những hẻm nhỏ trên phố, hoặc vùng ngoại thành xa xa. Nếu có nhiều người Việt mình cùng nhau làm lại dự án tâm linh đó, cùng sắp lại các “thùng rác” đó thì chắc sẽ ít khổ đau đổ tội lẫn nhau hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận