Những hòn đảo xanh mộng mơ

ĐẶNG THÁI 06/09/2016 01:09 GMT+7

TTCT - Vanuatu là một quần đảo được tập hợp bởi hơn 80 hòn đảo lớn nhỏ ở Nam Thái Bình Dương, cách bờ biển phía đông bắc nước Úc hơn hai giờ bay.

Màu xanh rất đặc trưng của lagoon-Đăng Thái
Màu xanh rất đặc trưng của lagoon-Đăng Thái


Nơi đây là một điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng, được coi như một thiên đường nhiệt đới của người dân Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Màu xanh bất tận

Giá trị đã lôi cuốn khách du lịch đến với Vanuatu nằm ở chính vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ. Màu xanh dần hiện lên qua cửa sổ máy bay và rồi trải dài dưới muôn vàn sắc độ khác nhau.

Con mắt người lữ khách được thỏa mãn bởi tấm thảm xanh ngập tràn, mịn màng và dịu mát: trời xanh, biển xanh, đồng cỏ xanh và núi rừng xanh. Khi máy bay chao liệng chuẩn bị hạ cánh, mọi hành khách đều trầm trồ trước những mảng màu như tranh vẽ đang hiện ra trước mắt.

Thời điểm đến Vanuatu vào cuối tháng 6 là khoảng thời gian đẹp nhất trong năm, không bão, ít mưa, vừa nắng và chưa nhiều khách du lịch. Người Vanuatu cũng gọi mùa này là mùa đông dù nhiệt độ không bao giờ thấp hơn 22°C, chiều tối khá mát mẻ và có thể mặc quần áo ngắn tay cả ngày.

Những người thổ dân chuẩn bị múa chào đón du khách-Đặng Thái
Những người thổ dân chuẩn bị múa chào đón du khách-Đặng Thái

 

Trời không mưa và có nắng nhẹ, rất thích hợp để đi lặn biển. Nhiều người chỉ lặn đơn thuần bằng cách đeo mặt nạ có ống thở và bơi ngay gần bờ là cũng có thể thấy san hô và các loài cá bơi lội vì nước rất trong.

Có thể lặn với bộ đồ chuyên nghiệp gắn bình dưỡng khí ở độ sâu từ 10m trở lên. Con người dường như còn biết về vũ trụ bao la trên kia nhiều hơn là những gì đang nằm trong lòng đại đương của chúng ta. Cả một thế giới hoàn toàn khác hiện ra, bí ẩn và quyến rũ. Chẳng trách Vanuatu được mệnh danh là thánh địa của lặn biển.

Ngoài những bãi tắm cát trắng mịn trải dài đặc trưng của các hòn đảo Thái Bình Dương nói chung thì nơi đây còn một cảnh quan đặc biệt, đó là “blue lagoon”.

Lagoon tiếng Việt là “đầm phá”, loại địa hình ven bờ biển, gần giống như một hồ nước mặn hoặc lợ, ngăn với biển bởi một dải cát nhưng có cửa thông với biển. Khác với đầm phá ở Việt Nam, mặt nước các lagoon ở đây rất tĩnh và có màu xanh ngọc lam (blue) đẹp đến nao lòng.

Khu chợ trung tâm-Đặng Thái
Khu chợ trung tâm-Đặng Thái

 

Nụ cười... đặc sản

Những người dân nơi đây đã cho tôi một khái niệm hoàn toàn mới về “thân thiện”. Từ anh nhân viên cửa khẩu cho đến chị bán hàng ở cây xăng, dù là lễ tân khách sạn hay người lạ trên đường, họ luôn sẵn lòng giúp đỡ tôi hết khả năng của mình mặc dù nhiều khi không hiểu tôi đang muốn gì.

Đất nước họ còn rất nghèo, khách du lịch là nguồn thu lớn nhưng rõ ràng thái độ đó không xuất phát từ mục đích vụ lợi. Chỉ cần tiếp xúc ta sẽ thấy ngay thương hiệu du lịch Vanuatu tồn tại một cách tự nhiên như thế nào.

Những đồn điền dừa ngút tầm mắt-Đặng Thái
Những đồn điền dừa ngút tầm mắt-Đặng Thái

 

Ấn tượng nhất là những nụ cười luôn rạng rỡ và đầy niềm hứng khởi, lan cả sang người đối diện cho dù bạn chỉ đơn thuần chào buổi sáng một người không quen biết trên đường. Trong vòng mấy ngày tôi tự hình thành một “nếp sống văn minh” mới là cười thật tươi và giơ tay chào bất kỳ ai trên vỉa hè đang đi bộ ngược chiều với mình.

Đặc biệt là đi khỏi thành phố về vùng nông thôn thì mọi người còn tự nhiên hơn nữa, mình chỉ ngồi trong xe nhìn qua cửa sổ mà ai ai cũng vẫy tay và cười tươi để chào. Đám trẻ con thì cứ tủm tỉm cười, liếc mắt nhìn trộm, e dè đứng nép cả vào nhau dưới gốc đa dễ thương vô cùng...

Chỉ cách thủ đô tầm 30km là khung cảnh đã hoàn toàn thay đổi, những đồng cỏ mênh mông và núi non trùng điệp hiện ra. Bên đường là những cây đa cổ thụ khổng lồ cả trăm năm tuổi, có khi rễ phụ to bằng thân cây dừa.

Anh lái xe người bản địa giải thích rằng gốc đa là nơi tập hợp của một bộ lạc khi cần họp bàn chuyện gì, người thổ dân tin rằng cây đa là nơi trú ngụ của những linh hồn có sức mạnh bảo vệ dân làng cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Tôi đã vào một gốc đa như thế, nó lớn đến mức gần như có cả một hệ sinh thái thu nhỏ dưới gốc cây. Có một loài cua dừa (coconut crab), con trưởng thành có thể lớn đến 4kg, thịt ăn rất ngon, hay đào hang dưới gốc đa. Anh lái xe nói rằng các nhà hàng ra sức bắt để phục vụ du lịch đến nỗi trên đảo này đã hết sạch cua dừa, cua đang chế biến trong nhà hàng đều là chở từ các đảo khác về...

Ngay trên đảo chính Efate mà nhiều nơi vẫn chưa có điện và nước máy. Người làng vẫn tắm gội, giặt giũ và lấy nước sinh hoạt từ những con sông nhỏ.

Bán hàng cho du khách-Đăng Thái
Bán hàng cho du khách-Đăng Thái

 

Nguồn nước tự nhiên sạch vô cùng, không nhà máy, không chất thải nên có thể múc lên là uống được. Anh lái xe nói mấy năm gần đây nước sông suối đang ngày càng ít đi, nhiều suối nhỏ đã cạn.

Thác nước Mele vốn là cảnh quan nổi tiếng nhất vùng này, khi trước người ta còn tổ chức chương trình du lịch mạo hiểm bám dây leo ngược lên thác nhưng giờ thì đã tạm dừng vì thác không còn nhiều nước.

Tôi buồn bã bỏ qua điểm tham quan này vì đứng từ trên cao nhìn xuống, thác nước chỉ còn các dòng nước yếu ớt, không phải những dòng chảy trắng xóa như trong ảnh quảng cáo. Tất cả đều do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Nhưng điều ấn tượng nhất vẫn là tinh thần của con người nơi đây, họ luôn lạc quan và tận hưởng từng giây phút được sống hạnh phúc trên đời một cách đáng kinh ngạc.■

Lịch sử độc đáo

Xe dừng lại bên một vách đá, có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát một vịnh nhỏ. Phía sát biển là một dãy nhà lớn lợp tôn đã han gỉ, xác xơ. Đó là nhà máy tuyển quặng mangan cũ của người Pháp bỏ lại sau khi Vanuatu giành độc lập vào năm 1980.

Những người châu Âu đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này vào năm 1606, nhưng rồi quần đảo trôi vào quên lãng cho đến khi thuyền trưởng James Cook nổi tiếng quay lại vào năm 1774 và đặt tên là New Hebrides.

Cuối thế kỷ 19, người Anh và người Pháp đến tranh chấp những vùng đất canh tác màu mỡ ở xứ này. Và rồi một hình thức nhà nước độc nhất vô nhị được hình thành vào năm 1906 bởi thỏa thuận giữa hai đế quốc: nhà nước cộng quản Anh - Pháp (British - French Condominium).

Một chế độ mà hai quyền lực ngoại bang cùng cai trị một vùng lãnh thổ không phải là không từng có trong lịch sử thế giới, nhưng hình thức của chính quyền ở New Hebrides lại rất đặc biệt. Người Anh có hệ thống riêng của họ với đầy đủ: tòa án, cảnh sát, nhà tù, bệnh viện, bưu điện, trường học (dạy tiếng Anh) và thậm chí cả tiền tệ (bảng Anh và bảng Úc).

Người Pháp cũng có một hệ thống riêng biệt của họ hoạt động bằng tiếng Pháp. Tội phạm khi đưa ra xét xử có quyền được lựa chọn bị xử theo luật common law của Anh hoặc civil law của Pháp. Người nước ngoài nhập cảnh có thể chọn một trong hai hệ thống xuất nhập cảnh của Anh hoặc Pháp.

Chiến tranh Thế giới thứ hai đã khiến Hoa Kỳ đến đây lựa chọn New Hebrides làm căn cứ chính để xây dựng tuyến phòng thủ chống phát xít Nhật trên mặt trận Thái Bình Dương.

Người Mỹ đã tiêu nhiều triệu đôla vào New Hebrides để làm quân cảng, xây sân bay, đường sá và chuẩn bị vô số súng ống, xe tăng, xe bọc thép, đại pháo sẵn sàng trên các đảo. Nhưng người Nhật đã thua trước cả khi vươn được tới nơi này.

Chiến tranh kết thúc, người Mỹ để lại số lượng khổng lồ thiết bị và vũ khí hạng nặng. Ngày nay khắp nơi vẫn còn những “di tích” với dấu ấn của người Mỹ, ngay cả những chai Coca - Cola mà lính Mỹ vứt lại cũng được người địa phương thu gom làm thành khu trưng bày.

Một điểm lặn biển du lịch ở đảo Santo còn được gọi là bãi Triệu đô (Million dollar point) vì dưới đáy biển là rất nhiều khí tài quân sự của Mỹ đã han gỉ, bám đầy rong rêu và san hô.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận