Những người trẻ tập làm kinh tế xanh

TTCT - Một trong những “đại sứ” ấn tượng nhất tại chuyến du khảo sinh thái ở thành phố Leverkusen, Đức là anh chàng người Chile Oscar Muñoz Cofré - 22 tuổi.

Là bởi hành lý lỉnh kỉnh của anh: nào là bình hoa, ly uống rượu, ống cắm bút, gạt tàn thuốc... làm từ chai thủy tinh đã qua sử dụng.

Đặng Huỳnh Mai Anh (SV ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM) trình bày dự án “Cẩm nang xanh cho bà nội trợ” trước hội đồng giám khảo. Cuộc thi có sự tham dự của 19 “đại sứ môi trường” từ 19 nước - Ảnh: Trung Uyên

Khi vài thành viên của chuyến du khảo tỏ ý muốn giữ lại vài món làm quà lưu niệm thì nhận được ngay nụ cười cùng... lời từ chối của Oscar: “Tôi rất tiếc. Đây là sản phẩm sẽ giao cho khách hàng ở Đức”.

Thật bất ngờ khi biết đây là “mẻ hàng” xuất ngoại đầu tiên của công ty mà Oscar làm CEO. Những sản phẩm ấy được chào đời từ một “ý tưởng xanh”, một dự án môi trường khởi động cách đây ba năm.

Hàng phế thải và lợi nhuận kép

Oscar kể: “Ngày nọ, khi tôi là sinh viên năm nhất, có người bạn bất chợt hỏi tôi: Cậu cắt được chai thủy tinh không? Trong đầu tôi lóe lên suy nghĩ: Tại sao không thu gom chai thủy tinh cũ và biến chúng thành những sản phẩm thủ công xinh xắn?”.

Dự án “Thủy tinh xanh” (Green glass) ra đời từ phút ngẫu hứng như thế. Trụ sở công ty nhanh chóng được thiết lập tại tầng trệt ngôi nhà của gia đình Oscar ở thủ đô Santiago (Chile) với vốn đầu tư ban đầu 400 USD từ tiền tiết kiệm. Hiện công ty của Oscar có bốn nhân viên.

Oscar nói: “Tôi và đồng nghiệp thường xuyên đến các nhà hàng, quán bar để mua chai cũ. Với 1 USD, tôi mua được khoảng ba chai thủy tinh. Sau đó chúng tôi cắt, ghép, vẽ, sơn, khắc... để biến chúng thành những sản phẩm thật bắt mắt, có giá dao động từ 5-40 USD. Ba năm qua, với lợi nhuận từ công ty, tôi tự lo các chi phí cá nhân, tạo việc làm cho vài người và cũng có thể khiến ai đó cảm thấy phân vân khi vứt chai thủy tinh vào thùng rác. Những điều này làm bố mẹ tôi rất hài lòng”.

Ba đại sứ môi trường Bayer đoạt Giải thưởng lãnh đạo môi trường trẻ tuổi Bayer toàn cầu. Từ trái sang: Mwanyuma Hope Mugambi (Kenya), Đặng Huỳnh Mai Anh (Việt Nam), Adriana Maria Villalobos Delgado (Costa Rica) - Ảnh: Trung Uyên

Chuyến du khảo sinh thái tại thành phố Leverkusen (do Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) và Tập đoàn Bayer tổ chức từ ngày 3 đến 9-11, gồm 50 “đại sứ môi trường Bayer” đến từ 19 nước) thật sự thú vị bởi nhiều dự án môi trường sinh lợi nhuận khác.

Chẳng hạn dự án “Thời trang trách nhiệm” (Responsible fashion) của cô sinh viên Elisa Altuna (người Argentina) khởi sự cách đây ba năm để tạo việc làm cho những phụ nữ thất nghiệp. 

Băn khoăn khi thấy nhiều poster cũ bằng nhựa vinyl bị vứt đi và “ám ảnh” bởi con số phải mất 200 năm chúng mới phân hủy, Elisa Altuna và cộng sự quyết định thu gom poster và dạy những phụ nữ thất nghiệp dùng chúng may thành balô, túi xách... Tiền bán sản phẩm được dùng để mở rộng dự án. 

Hay dự án của cậu sinh viên Indonesia Vincentius Dito Krista Holanda. Cậu lập một doanh nghiệp hướng dẫn những phụ nữ thất nghiệp ở làng Ciparay, Tây Java, Indonesia cách dùng vải vụn may quần áo và nhiều sản phẩm dùng trong gia đình. “Mũi tên tình yêu môi trường” của Vincentius đã bắn trúng hai mục đích: tạo việc làm và truyền đi tinh thần tái chế.

Có tuổi đời ngắn hơn các dự án khác nhưng dự án “Tái chế túi nhựa” của cô sinh viên Kenya năm 3 Mwanyuma Hope Mugambi không kém tươi sáng. 

Từ tháng 5-2012, sau giờ học Mwanyuma chăm chỉ đi nhặt túi nhựa ở các bãi rác, thùng rác, mang về cùng mẹ giặt sạch rồi tỉ mỉ cắt, bện thành sợi rồi đan hoặc móc thành túi xách, thảm chùi chân, tấm lót bình hoa... vừa bền, vừa khá bắt mắt. 

Sản phẩm được cô mang ra chợ bán với giá 3-5 euro (khoảng 81.000-135.000 đồng). Lợi nhuận được cô dùng làm chi phí đi lại để dạy cho nhiều bạn trẻ, nhiều phụ nữ khác cách làm các sản phẩm tái chế này.

Mwanyuma nói: “Tôi không sợ nhiều người biết cách làm sản phẩm sẽ cạnh tranh với tôi vì mục đích chính của tôi là chia sẻ thông điệp tái chế để bảo vệ môi trường. Tôi cũng rất hài lòng khi dự án có thể sinh lợi nhuận, không phải bị động phụ thuộc vào bất cứ nguồn tài trợ nào. Thêm nữa, tôi cũng nghĩ cách kinh doanh của mình rất xanh, rất thân thiện với môi trường”.

Trong số các dự án môi trường sinh lợi nhuận, có lẽ dự án “GiveO2” (tạm dịch: Mang đến oxy) của anh chàng Joaquín Dufeu Aguirre đến từ Chile mang màu sắc công nghệ nhất. 

“GiveO2” - một ứng dụng cho điện thoại di động (mobile app) - cho phép người dùng dễ dàng đo được lượng phát thải carbon do mình tạo ra trong quá trình di chuyển. Những hành động thân thiện với môi trường như đi bộ, đạp xe... sẽ được hệ thống thưởng bằng điểm hay các biểu tượng và những phần thưởng này cho phép người dùng mua hàng hóa với giá ưu đãi.

Oscar Muñoz Cofré (trái) chia sẻ về dự án “Thủy tinh xanh” (Green glass) với Phan Khương - Ảnh: Trung Uyên

Tạo thay đổi, hãy bắt đầu từ người mẹ!

Hai “đại sứ Bayer” Việt Nam tham dự chuyến đi là Phan Khương (SV Học viện Hành chính quốc gia khu vực phía Nam, TP.HCM) và Đặng Huỳnh Mai Anh (SV ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM).

Phan Khương giới thiệu dự án “Mảng xanh thảo dược” với ý tưởng trồng thảo dược nơi công cộng và phát miễn phí “Cẩm nang sức khỏe” hướng dẫn cách dùng loại thảo dược phổ biến.

Dự án “Cẩm nang xanh cho bà nội trợ” của Đặng Huỳnh Mai Anh thu hút nhiều sự chú ý trong buổi triển lãm các dự án vì cách chọn đối tượng bà nội trợ và bản in tiếng Anh cuốn cẩm nang (gồm bí quyết tiết kiệm nước, điện, gas, làm sản phẩm tái chế...) được Mai Anh trao tặng.

Cẩm nang nhận được sự quan tâm của truyền thông các nước. Nữ phóng viên Amanda Putri của nhật báo buổi sáng Kompas (Indonesia) không quên nhận một cuốn cẩm nang sau khi hoàn thành phần phỏng vấn Mai Anh.

Amanda cho biết: “Tôi ấn tượng với cuốn cẩm nang vì trước hết tôi là bà nội trợ và rất quan tâm việc tiết kiệm chi phí. Tôi nghĩ rằng việc bảo vệ môi trường nên bắt đầu từ mỗi hộ gia đình và tất nhiên bà nội trợ sẽ đóng vai trò trung tâm”.

Chee Zhun Yu Joyce, người Singapore, sinh viên Trường ĐH Công nghệ Nanyang, nói: “Ý tưởng chọn đối tượng bà nội trợ rất tốt vì hầu như gia đình nào cũng có bà nội trợ. Họ là người quyết định con số trên hóa đơn điện, nước lớn hay nhỏ và nhiều vấn đề khác liên quan đến môi trường. Tôi sẽ đọc cuốn cẩm nang này và chia sẻ với mẹ tôi những bí quyết tiết kiệm. Cũng như Mai Anh, tôi rất hi vọng có thể thay đổi được thái độ của mẹ - người gần gũi tôi nhất”.

 “Người trẻ sẽ là động lực, đồng thời là chất xúc tác của quá trình chuyển đổi hướng đến một nền kinh tế xanh ít carbon, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên. Trách nhiệm của các chính phủ và những lãnh đạo doanh nghiệp là trang bị kiến thức, kỹ năng và trao cho người trẻ cơ hội để họ thực hiện sứ mệnh này”

Ông NICK NUTTALL- giám đốc truyền thông và đại diện phát ngôn Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận