Niềm vui hái lượm từ ... vườn người khác

LÊ TẤN (THEO WSI) 27/01/2011 14:01 GMT+7

TTCT - Trong thời kinh tế khó khăn, chuyện hái lượm trái cây từ những cây trồng trong công viên hoặc vườn cây bị chủ bỏ bê đang thu hút nhiều người ở Anh tham gia.


Scrumping thu hút cả gia đình cùng tham gia như một hoạt động tình nguyện - Ảnh: coventrytelegraph.net

Lúc 9g ngày thứ bảy, Sarah Cruz gọi điện hẹn một người bạn lái xe mang theo dụng cụ hái trái cây đến khu vườn của căn nhà bỏ hoang mà cô vừa phát hiện ở một khu phố có cây xanh thuộc phía tây London. Đúng giữa trưa, cô đạp xe đến điểm hẹn và dẫn bạn bè len lỏi vào khu vườn vứt đầy vật dụng để đến tận năm gốc cây táo đầy trái chín.

 “Thời kinh tế khó khăn, thật ngu xuẩn khi để trái cây chín thối trên cành mà lại đi tiêu tiền ở cửa hàng thực phẩm”

Chuyến phiêu lưu bí mật

Trẻ em cũng như người lớn đều cảm thấy như bước vào cuộc phiêu lưu kỳ thú khi đi hái lượm trái cây gần nhà họ. Người Anh gọi đây là scrumping, tức hái lượm trái cây không phải do mình trồng, một hoạt động đang phổ biến ở London và cả Vương quốc Anh.

Thông tin về địa điểm hái được lan truyền theo kiểu rỉ tai. Mùa xuân năm ngoái, Sarah đã đi hái anh đào trong một công viên ngoại ô. “Người ta nhìn tôi như kẻ trộm, dù trong thực tế chúng tôi giúp chính quyền thành phố bằng cách đi hái trái cây mà nếu không làm thế thì chúng sẽ chín thối” - cô kể. 

Chính vì thấu hiểu ý nghĩa của hoạt động này mà chính quyền quận Hounslow ở London, nơi có mảng xanh lớn nhất thủ đô, đã để cho những người hái lượm tình nguyện được làm công việc mong muốn.

Những tín đồ của scrumping sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn - từ những miểng chai gắn trên hàng rào đến bụi gai, chó dữ và cả lũ chuột cống tìm cách bảo vệ lãnh thổ của chúng - để hái lượm trái cây ở những địa điểm khó nghĩ đến. Họ có cả tổ chức của mình với tên gọi là Abundance, tập hợp mọi thành viên trên cả nước. Tại London, Abundance được thừa nhận như một hiệp hội từ thiện.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của Sở cảnh sát London không có bình luận nào về tính hợp pháp của scrumping và chỉ tuyên bố rằng gần đây họ chẳng nhận được lời than phiền hoặc chất vấn nào liên quan đến hoạt động này. 

Cũng cần nhắc lại rằng hồ sơ hình sự của Anh và Xứ Wales cho biết trong thời gian từ 1791-1892, hàng trăm người bị đày sang Úc vì tội ăn cắp, gian lận hoặc scrumping. Về mặt chuyên môn, hồ sơ lưu trữ quốc gia ghi rằng scrumping là một dạng vi phạm, nhưng vụ xử gần đây nhất là vào năm 1829.

Lấy lại phần tự do bị mất

Scrumping đã bùng nổ trong năm 2010, theo Anne-Marie Culhane, đồng sáng lập của Abundance ở Sheffield. Mạng lưới tình nguyện viên của cô từ 30 thành viên trước thời điểm khủng hoảng kinh tế nay tăng lên gần 200. 

“Chúng tôi đã mang đến tính hợp pháp cho hoạt động này” - cô nói. Thậm chí một số chủ vườn không thể hái trái cây trong vườn nhà mình đã gọi người của Abundance đến giúp.

Trong mùa vừa rồi, nhóm của Sarah đã thu hoạch hơn 1 tấn trái cây bán lại cho các nhà hàng địa phương và dùng số tiền giúp các trường học. Karen Liebreich, đồng tác giả của quyển The family kitchen garden, được mời đến nhiều trường học để hướng dẫn trẻ em làm quen với chuyện hái lượm, trong đó cô giải thích những trái táo đến từ đâu, hái như thế nào và làm nước ép ra sao.

“Vào thời buổi giá thực phẩm gia tăng và suy thoái buộc mọi người phải cân nhắc chi tiêu, thật ngu xuẩn khi để trái cây chín thối trên cành mà lại đi tiêu tiền ở cửa hàng thực phẩm. Và tôi cũng rất muốn các con mình biết thực phẩm đến từ đâu” - Debra Morall, một bà mẹ đang hái lê từ một nhánh cây chìa ra ngoài đường, chia sẻ.

Simon O’Grady, một giáo viên vừa mới khám phá scrumping cùng với con mình, giải thích: “Scrumping là một hình thức lấy lại phần tự do mà xã hội tiêu thụ đã đánh mất”. 

Một số tín đồ đẩy khái niệm này đi xa hơn, như Richard Reynolds, người được mệnh danh là “chiến binh nhà vườn”. Ông đi trồng cây ăn trái và rau trên những miếng đất không thuộc sở hữu của mình. Nhờ đó Richard đã thu hoạch khá nhiều dâu tươi trên một cái gò bao quanh một chân cầu. 

Ông nhớ lại: “Thời chiến tranh, người ta làm vườn để có cái ăn. Ngày nay, chúng tôi đối mặt với giới chủ ngân hàng, khủng hoảng kinh tế toàn cầu và biến đổi khí hậu. Người ta cần nhìn thấy những gì họ có thể làm được trước những chuyện như vậy”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận