Nỗi ăn năn của tôi...

NGUYỄN XUÂN VŨ (QUẢNG NGÃI) 29/06/2014 07:06 GMT+7

TTCT - Đọc lá thư của cháu M.T. trên TTCT số 22-2014, là một ông bố đã trải qua chuyện này, tôi muốn viết ngay để chia sẻ với cháu và bố mẹ cháu về trường hợp của mình.

LTS: Như một nhắc nhở cho tất cả chúng ta nhân Ngày gia đình Việt Nam (28-6), hầu hết các thư bạn đọc gửi về tham gia Câu chuyện cuộc sống “Cuộc chiến của con” đều có chung một đề nghị với M.T.: Đối thoại cùng cha mẹ.

“Cuộc chiến của con”: Biết rõ tố chất của chính mình

Minh họa: Bích Khoa

Hi vọng câu chuyện thất bại, ăn năn, hối hận của vợ chồng tôi dưới đây sẽ giúp cháu và bố mẹ có quyết định đúng trong trường hợp này của cháu.

Ước mơ của mẹ cha

"Bố mẹ đã tước đoạt ước mơ của con!"

Vợ chồng tôi làm việc trong một ngành thuộc lĩnh vực năng lượng. Theo chính sách của ngành, hằng năm ngành sẽ tuyển chọn con em của cán bộ trong ngành để tham gia các khóa đào tạo đại học và sau đại học ở nước ngoài. Tất nhiên, học bổng này kèm theo các điều kiện về học lực, các cam kết trong thời gian học và sau khi tốt nghiệp. Khi con trai tôi học cấp II, chúng tôi hoàn toàn không nghĩ đến điều này. Nhưng khi cháu bắt đầu vào lớp 10, tôi nhận thấy cháu có thể phấn đấu để giành được suất học bổng danh giá này.

Vậy là vợ chồng tôi vạch ra kế hoạch để cháu đạt được ước mơ và mong đợi của bố mẹ. Bên cạnh việc kiếm cho cháu các giáo viên giỏi, tìm gia sư nước ngoài để rèn tiếng Anh, chúng tôi tranh thủ các mối quan hệ trong và ngoài ngành để cháu có được học bổng bằng mọi giá. Chúng tôi mải mê theo đuổi ước mơ của mình mà không quan tâm cháu nghĩ gì và mong muốn gì. Cháu vẫn đi học, vẫn học thầy mà bố mẹ mời đến, kết quả học tập vẫn rất tốt. Nhưng hình như cháu biết được mong đợi và kế hoạch của bố mẹ.

Cuối năm lớp 11, cả gia đình đi nghỉ hè. Trong lúc hai bố con bơi ở biển, đột nhiên cháu nói với tôi cháu muốn trở thành bác sĩ và cháu sẽ cố gắng ôn luyện để thi vào Đại học Y Huế. Cháu còn nói thêm cháu sẽ làm được, bố mẹ hãy tin và đừng lo lắng nhiều. Thật sự vợ chồng tôi như muốn quỵ ngã. Bao nhiêu mong đợi, bao ước mơ, bao cố gắng, bao thứ chuẩn bị tưởng như sắp đạt được thì bỗng tan tành.

Vợ chồng tôi quyết định nói với cháu về ước mơ, kế hoạch của bố mẹ, những gì bố mẹ đã bỏ ra, tại sao bố mẹ mong con giành suất học bổng này. Cháu yên lặng, không nói gì. Cuối bữa ăn, cháu nói: “Thật sự con mong muốn trở thành bác sĩ, nhưng bố mẹ muốn vậy thì con sẽ làm theo ý bố mẹ”.

Gánh nặng được trút bỏ, nhưng thật sự chúng tôi không thấy thoải mái. Làm hồ sơ, cháu cũng làm. Đến ngày đi thi, cháu cũng thi và đạt kết quả cực tốt, nằm trong top 5 của các suất học bổng ở Mỹ. Chúng tôi hạnh phúc, vui sướng không sao diễn tả hết. Còn cháu thì ít nói với bố mẹ hơn. Trong thời gian ở nhà chờ đi học, cháu chỉ chơi với em, giúp bố mẹ việc nhà. Chúng tôi hạnh phúc, tự hào, hãnh diện đến nỗi quên đi nỗi buồn hiển hiện trên gương mặt, nụ cười của con.

Nước mắt của con

Chúng tôi chỉ hết hạnh phúc và ăn năn tột cùng khi nhận ra nỗi buồn thật sự của con trong buổi tiệc con chia tay bạn bè. Vợ chồng tôi dự định làm một bữa tiệc thật to để cháu chia tay bạn bè, và tôi sẽ “công bố” điều này với bạn bè, đồng nghiệp của hai vợ chồng. Nói với cháu về buổi tiệc, cháu chỉ nói bố mẹ muốn mời bao nhiêu cũng được, con chỉ mời ba đứa bạn thân của con. Một chút hụt hẫng nhưng tôi làm theo ý cháu (đây là lần đầu tiên tôi làm theo ý cháu).

Mẹ chuẩn bị các món ăn thật sự “hảo hạng” để đãi con trai. Đúng như đã hứa, cháu chỉ mời thêm ba người bạn thân cùng khóa đến chơi. Bạn cháu đến dự tiệc nhưng mặt đứa nào cũng không thấy vui. Chào chúng tôi xong, mấy đứa kéo lên sân thượng, mà theo con trai là bố mẹ để chúng con được vui vẻ với nhau. Chúng tôi đồng ý để các cháu uống rượu vang.

Chúng vui chơi trên sân thượng, tôi nghĩ là chúng sẽ đàn hát vui vẻ (trong nhóm có một bạn chơi guitar rất hay). Nhưng rất im lặng. Chỉ nghe thấy tiếng cụng ly. Gần 21g, sốt ruột, tôi rón rén lên xem tụi nhỏ làm gì. Những gì diễn ra đập vào mắt làm tim tôi thắt lại. Con trai tôi úp mặt vào lưng một đứa bạn khóc tức tưởi. Hai đứa còn lại ngồi bên cạnh không nói gì. Trên bàn, ba chai rượu vang không còn một giọt.

Với sự lo lắng của người cha, tôi nhào tới. Bạn của con nói với tôi rất nhiều, rất nhiều. Nhưng trong cái cảm giác lo sợ, ân hận ập đến, tôi chỉ nghe được loáng thoáng rằng bác không hiểu bạn, bác buộc bạn phải từ bỏ ước mơ của mình. Bạn đang rất thất vọng về bác, bác đã làm những điều không nên làm để bạn ấy tổn thương...

Đêm đó, ngồi trước mặt con, vợ chồng chúng tôi mới thật sự hiểu được con mình đã buồn như thế nào khi bị bố mẹ tước đi ước mơ là bác sĩ để trở thành kỹ sư theo ý bố mẹ. Con tôi nói con biết tất cả việc bố mẹ làm, kể cả việc bố mẹ chạy chọt chỗ này chỗ khác (trong khi học bổng này rất minh bạch), bố mẹ đã mất tiền không cần thiết... Bố mẹ đã tước đoạt ước mơ của con. Nhưng thấy bố mẹ đã quá vất vả, con phải làm theo, thật sự con không muốn chút nào.

Nhìn những giọt nước mắt lăn trên gương mặt của đứa con trai 18 tuổi, tôi như muốn vứt tất cả. Không cần gì nữa. Tôi giận mình, cháu đã nói, đã chia sẻ nhưng tôi không chịu nghe con mình, mải mê với ước mơ của mình mà không hiểu con.

Con tôi vẫn lên đường đi học. Hơn ba tháng, cháu nói cháu muốn về. Dù có nuối tiếc thật sự nhưng chúng tôi đành phải để cháu về và phải bồi thường một khoản tiền không nhỏ do vi phạm hợp đồng đào tạo. Hiện cháu đang là sinh viên năm 3 Đại học Y khoa Huế.

Nói với M.T.

Qua câu chuyện của mình, tôi muốn nói với cháu M.T. các điều sau:

- Cháu hãy nói với bố mẹ những nội dung như trong bức thư cháu viết với chuyên gia tâm lý. Cũng như chú, bố mẹ cháu sẽ rất sốc. Nếu bố mẹ cháu là người không bình tĩnh có thể sẽ la mắng, từ bỏ cháu. Nhưng cháu đừng cố gắng chịu đựng. Hãy nói với bố mẹ ước mơ của mình, mong đợi của mình. Cháu hãy quyết tâm. Vì dù có giận cháu, nhưng trong sâu thẳm trái tim của bố mẹ là một tình yêu vô bờ bến. Với những gì bố mẹ đã làm cho cháu, chú hi vọng bố mẹ cháu sẽ hiểu và chia sẻ với cháu.

- Cháu hãy cho bố mẹ biết lựa chọn là của cháu chứ không phải a dua theo bạn bè. Người lớn nhiều khi cứ cho trẻ con là trẻ con. Nhưng trẻ con trong thế giới phẳng hôm nay có những điều mà người lớn phải tôn trọng và lắng nghe.

- Cháu nên hiểu, người lớn bằng các trải nghiệm của mình có thể tư vấn cho cháu nên lựa chọn thế nào cho đúng. Và cháu, bằng những hiểu biết về bản thân mình, bằng lòng tự trọng, sự tự tin, hãy chia sẻ ước mơ, khát vọng của mình và hãy quyết định.

Chúc cháu vượt qua được “cuộc chiến” này.

____________________

Chúng ta phải lớn lên

Câu chuyện của bạn M.T. “Cuộc chiến của con” là điều tôi liên tưởng ngay sau khi xem bộ phim Hollywood tuần trước The angriest man in Brooklyn (tạm dịch: Người đàn ông giận dữ nhất Brooklyn, tên phim tiếng Việt: Giờ phút sinh tử).

Môtip phim không mới. Không chỉ vì đây là bộ phim được làm lại từ một bộ phim Israel năm 1997: 92 phút của ngài Baum, mà còn là ở tuyến đề tài chính: những lầm lạc và giận dữ của con người, xung đột thế hệ... Nhưng dẫu sao chủ đề phim vẫn khá thời sự, dường như chúng ta luôn gặp nó đâu đó trong cuộc sống của mỗi gia đình.

Nhân vật chính, luật gia Brooklyn Henry Altmann (Robin William đóng) đang gặp rắc rối với gia đình, được một bác sĩ (cũng trong một “tai nạn” nghề nghiệp) thông báo ông chỉ còn sống 90 phút nữa. Henry quyết định làm những việc cần làm ở cuối đời: giảng hòa với vợ (mà quan hệ bị trục trặc từ sau cái chết của người con trai đầu) và làm lành với người con trai út Tommy Altmann (Hamish Linklater diễn).

Tommy tốt nghiệp trường luật theo ý cha, nhưng cuối cùng không hành nghề luật mà trở thành thầy giáo dạy nhảy. Chính vì thương yêu con trai mà Henry Altmann đã làm tổn thương con khi Tommy quyết định sống cuộc đời theo ý mình. Chỉ đến khi sắp vĩnh viễn chia lìa người thân, ông mới nhận ra mình đã yêu thương không đúng cách, trong khi gia đình là điều quan trọng nhất của mỗi con người.

Giữ mối dây gắn kết và những tình cảm yêu thương đó mới làm đời người có ý nghĩa, thay vì đuổi bắt vinh quang phù phiếm làm ta giận dữ, mệt nhoài.

Ở góc độ nào đó, những rắc rối của Tommy Altmann cũng giống câu chuyện của bạn M.T.. Tommy Altmann không đủ can đảm, ngay từ đầu, chọn nghề nghiệp theo ý mình, nhưng cuối cùng cậu cũng đã quyết định sống cho điều mình đam mê, dẫn tới rạn nứt trong quan hệ với cha. Nếu người cha không phát hiện mình sắp chết, liệu ông sẽ nhìn lại để làm lành với con trai?

Có nghĩa nếu không có sự cố trong cuộc đời của người cha, có lẽ Tommy Altmann phải chấp nhận sự rạn nứt là vĩnh viễn? Bạn M.T. có muốn một quan hệ rạn nứt như thế với gia đình mình hay không? Tôi chắc chắn là không.

Ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống. Tôi mong bạn bước qua nỗi sợ hãi hoặc rụt rè của riêng mình để đối thoại trực tiếp với ba mẹ. Biết đâu, ba mẹ bạn sẽ nhượng bộ, hoặc bạn và gia đình sẽ tìm ra được một phương án thỏa mãn cho cả đôi bên.

Tôi thích ý tưởng của tác giả Lan Hương trong bài viết “Công bằng của T. và sự chông chênh của xã hội” (xem TTCT số ra ngày 21-6): bạn khó tìm được một giải pháp tuyệt đối trong câu chuyện quan trọng này của đời mình. Nên tôi cho rằng hoặc là bạn hoặc là gia đình bạn phải chấp nhận thỏa hiệp. Nhưng nếu bạn không nói ra thì sự “chịu đựng” của bạn sẽ là vô nghĩa. Và có bậc cha mẹ nào lại muốn con mình không hạnh phúc?

Tôi nhớ một trong những hình ảnh cuối bộ phim nói trên, khi Tommy Altmann hay tin cha bị bệnh nan y và quỹ thời gian sống của ông cũng mong manh như ngọn đèn lắt lay trước gió. Từ một người con luôn lẩn tránh cha, anh đã ngồi lì ở sàn nhảy sau giờ dạy để chỉ chờ hú họa cha sẽ ghé qua, có thể là lần cuối, bởi ông không trả lời điện thoại và cũng không ai biết ông ở đâu.

Chắc chắn chúng ta không muốn cuộc đời đẩy mình tới những tình huống đớn đau như thế. Vậy thì, hãy đối thoại đi. Suy cho cùng, chẳng phải với tuổi trẻ chúng ta, mỗi ngày sống là mỗi ngày chúng ta phải chiến đấu để lớn lên?

HỒNG PHẨM

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận