​Nói chuyện lẽ thường

CHÂU SA 10/08/2015 18:08 GMT+7

Lẽ thường là những điều mà con người ta có thể cùng nhận thức, cùng đồng ý với nhau, chỉ bằng các lý luận thông thường.

 

Những “lẽ thường” hình thành nên những nguyên tắc cơ bản chi phối hoạt động của con người và xã hội. Common sense (Lẽ thường) cũng là tên một tác phẩm của Thomas Paine, cuốn sách đóng góp một phần quan trọng giúp Cách mạng Mỹ thành công, nước Mỹ giành được độc lập.

Cuốn truyện Bố Già đến tay tôi lần đầu tiên vào cuối những năm 1980. Lúc đấy đầu óc tôi còn non nớt, xã hội Hà Nội lúc đó còn đơn sắc và nghèo nàn, nhưng tôi đã lờ mờ nhận ra nhiều chuyện đời đã được viết sẵn, thậm chí còn được giải thích, trong cuốn sách về thế giới mafia của những người Ý nhập cư ở New York.

Nếu Ngũ luân thư là một “binh pháp” để rèn giũa con người trong cuộc đời và dạy chiến binh trong quyết đấu thì Bố Già có thể dùng để “học” cách suy nghĩ, phán đoán và ra quyết định trong hoàn cảnh khắc nghiệt bằng cách sử dụng các nguyên tắc bảo vệ giá trị cốt lõi.

Bố Già dễ học hơn Ngũ luân thư vì nó “dạy” bạn đọc bằng cách kể một câu chuyện ly kỳ, tô điểm bằng những câu thoại bình dân với triết lý giang hồ về cuộc đời, về cách đối nhân xử thế, về hành vi của mỗi con người. Bạn có thể học và áp dụng, hoặc hiểu hơn những chuyện xảy ra trong cuộc đời này, từ chuyện nhân sự trong cơ quan, chuyện cạnh tranh của các doanh nghiệp, chuyện đấu đá chính trường, và phần nào cả chuyện chính trị quốc tế.

Cuối đời, Don Vito dạy Michael rằng sai lầm là cái phụ nữ, trẻ em được phép mắc phải, đàn ông thì không. Vụ án cảnh sát Phan Lê Sơn bị giết ở Hải Triều

(TP.HCM) đã dẫn đến sự sụp đổ của đế chế tội phạm Năm Cam. Nó cũng giống như ông trùm Vito Corlenone mười năm liền sống trong “hòa bình” và thịnh vượng đã để mất bản năng thận trọng của mình, suýt nữa đưa đại gia đình mafia này vào vực thẳm.

Chính trị gia đỉnh cao cũng không được phép sai lầm, ngay cả khi ở đỉnh cao quyền lực. Ông trùm trẻ Don Michael học được điều ấy rồi ứng dụng nó trong bối cảnh mà ngôn ngữ quản trị ngày nay gọi là môi trường “coopetition“ vừa hợp tác vừa cạnh tranh giữa các đại gia đình mafia bị đẩy đến giới hạn siêu cạnh tranh (super competition). Để chiến thắng, Don Michael tàn nhẫn không chỉ với đối thủ mà còn với người trong chính tổ chức của mình. Để làm được như vậy, Michael tuân thủ sắt đá nguyên tắc bảo vệ các giá trị cốt lõi của tổ chức (the family) và nguyên tắc bảo mật “không để ai biết suy nghĩ của mình”.

Có lần đi dự đám cưới, bỗng nhiên cả phòng tiệc xôn xao rồi phụ nữ ào về một bàn để chụp ảnh chung với một khách đến trễ. Đó là một ngôi sao ca nhạc được giới bình dân ưa chuộng và phong chức “ông hoàng”.

Thật thú vị khi một việc như vậy truyện Bố Già cũng nói đến. Bố Già gọi ngôi sao ca nhạc Johnny vào phòng để hỏi về điều mà Bố Già quan tâm, đó là gã đàn ông nổi tiếng và đào hoa kia có dành thời gian cho gia đình không. Giá trị cốt lõi mà ông trùm xây dựng thành nguyên tắc: đàn ông phải dành thời gian lo cho gia đình. Lo cho gia đình theo nghĩa hẹp và gia đình (tổ chức) theo nghĩa rộng. Để lo cho tổ chức, người đàn ông ấy phải có năng lực điều hành một bộ máy, giám sát được mọi cá nhân liên quan đến tổ chức của mình.

Chỉ sau khi bị đại úy McCloskey đấm vỡ mặt, Michael tự nguyện tham gia công việc của “gia đình”, một công việc mà một cựu chiến binh như anh vốn không chấp nhận. Đây cũng là một triết lý mà các nhân vật ưa lịch sử La Mã và châu Âu hiện đại trong Bố Già luôn lấp lửng nói đến: phải đặt cá nhân mình vào mọi cuộc đối đầu, ngay cả Hitler và các đối thủ của ông ta cũng thành hay bại nhờ việc đặt cá nhân mình (personal) vào trong công việc (business). Đây là một triết lý giản đơn nhưng không phải ai cũng để ý, việc có thành hay không chỉ khi ta coi đó là việc của riêng mình chứ không phải việc của chung, hay của người khác.

Khi đã đặt cá nhân mình vào mọi cuộc đối đầu thì ngay cả việc rất khó nhằn như thương thuyết cũng trở nên đơn giản hơn nhờ đưa lý trí cá nhân vào trong việc nói chuyện lý lẽ (mà Ngọc Thứ Lang dịch rất hay là nói chuyện phải quấy). Đúc kết từ kinh nghiệm đặt cá nhân mình vào mọi cuộc đối đầu, Don Michael dạy cháu ruột mình: đừng căm ghét kẻ thù, vì điều ấy ảnh hưởng đến phán đoán của mình. Ngay cả lúc căng thẳng nhất, cãi nhau nổ trời với vợ, Michael lúc này đã là ông trùm cũng nói với vợ: mình sẽ nói mấy chuyện lẽ đời (commone sense) với nhau.

Sống và đối xử với nhau bằng lý lẽ thông thường có lẽ là cách sống đơn giản và lành mạnh nhất.   

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận