Nỗi lo “rác” trên youtube

TỊNH ANH 22/11/2018 02:11 GMT+7

TTCT - Sẽ là phiến diện khi nói YouTube, dù là YouTube Kids, có hại cho trẻ và nên cấm cửa không cho các con tiếp xúc với “bảo mẫu kỹ thuật số”. Nhưng rõ ràng không thể coi thường chuyện cho trẻ xem YouTube.

Những hình ảnh không phù hợp với trẻ em.
Những hình ảnh không phù hợp với trẻ em.

 

Bài viết trên TTCT số trước có nhắc đến “vấn nạn” các video nhái nhân vật hoạt hình tràn lan trên YouTube và chỉ cần vài cú bấm là trẻ nào cũng có thể xem.

Những video đáng sợ

Trong bài viết “Những video đáng sợ khiến tôi muốn ngưng ngay việc để con cái xem YouTube một mình” gửi Đài ABC (Úc) tháng 11-2017, một bà mẹ Úc kể lại mình đã kinh hãi khi phát hiện em bé 3 tuổi nhà mình - vốn chỉ dùng tablet lên YouTube xem video các bài hát ru, đồng dao - ngày nọ đã “khám phá” ra thế giới video độc hại đó.

“Con tôi bắt đầu đến với YouTube để xem video các bài hát, nhưng bằng cách nào đó YouTube mở lối cho cháu khám phá ra các video đáng sợ, nhái nhân vật người nhện và tôi thất kinh khi biết rằng có hàng ngàn video như vậy tồn tại trên YouTube” - bà mẹ tên Cameron Williams tâm tình.

Williams cho biết đã đọc một số bài viết cảnh báo về khoảng tối của YouTube đối với trẻ em và khi chứng kiến chính con trai mình đã xem những nội dung không phù hợp, bà quyết định: “Tôi không thể rời con dù chỉ một giây mỗi khi cháu vào YouTube”.

Bài học mà Williams muốn chia sẻ với các phụ huynh qua câu chuyện này rõ ràng rất đáng lưu tâm: “Dù phòng sinh hoạt trong mỗi gia đình thời nay đã khác trước với nhiều thiết bị khác nhau thay thế chiếc tivi truyền thống, song “nội quy” rằng cha mẹ phải xem mọi thứ cùng con phải được coi là quan trọng hơn bao giờ hết”.

Ngay cả khi con trẻ không xem những video nhái nhảm nhí, nhiều bậc phụ huynh cũng đau đầu vì một dạng nội dung vô vị nhưng cực kỳ thu hút trẻ, có thể khiến chúng xem hàng giờ liền nhưng lại không kích thích sáng tạo hay khám phá.

Như lời kể của Williams trong câu chuyện trên: “Đó là các video quay cảnh người ta mở quà - thường là các quả trứng mà bên trong có đồ chơi. Các video này trông chẳng có gì đáng nguy hại, nhưng chúng lại khiến lũ trẻ mất thời gian chỉ để nhìn người ta bóc từng lớp giấy gói, rồi mở xem bên trong từng quả trứng là gì”.

Đây hóa ra là vấn đề đau đầu không chỉ ở Úc. James Breakwell, ông bố có 4 con gái và là tác giả sách về cách nuôi dạy con cái người Mỹ, kể với trang IndyStar các “công chúa” bé nhỏ nhà mình cũng nghiện xem video mở quà. “Các clip này đều bắt đầu với cảnh hai bàn tay mở các món đồ chơi, trong khi người dẫn chuyện hết lời ca ngợi sẽ tuyệt làm sao nếu lũ trẻ sở hữu bất kỳ món nào nằm dưới 16 lớp giấy gói” - Breakwell nói.

Ông bố này bực bội cho rằng “các con gái tôi đang xem quảng cáo chứ còn gì nữa” và điều khó hiểu chính là lũ trẻ khoái coi video mở quà không phải vì mê có đồ chơi mới. “Chúng cũng hào hứng xem các video mở ra các món đồ chơi mà chúng đã có” - Breakwell nói. Các video như vậy có hàng chục triệu view và thật khó để cấm lũ trẻ xem chúng, vì rõ ràng chúng không có nội dung độc hại.

Một câu chuyện đáng lưu tâm khác. Shona Hendley, cây bút của tờ Mamamia (Úc), hồi tháng 6-2018 có bài viết “Những điều khó chịu mà các con tôi bắt đầu làm kể từ khi chúng bị YouTube ám ảnh”, kể chuyện các con bà bắt chước ngôn ngữ, điệu bộ, cử chỉ và cả thái độ của các nhân vật trẻ con mà chúng xem trên YouTube.

“Có thể các mẹ chưa biết, nhưng lũ trẻ trong nhiều video trên YouTube rất hư hỏng” - Hendley viết. Chẳng hạn, Hendley đã thất vọng khi thấy con gái lớn của mình bắt đầu tự gọi mình là Audrey - một trong các ngôi sao YouTube nhí mà bé yêu thích - và còn hô “ôi trời ơi” bất cứ khi nào.

Và không ngạc nhiên khi Hendley cũng than trời khi các con bà cũng mê đắm đuối những video mở quà trên YouTube. “Vì thấy lũ trẻ coi say sưa quá nên tôi đã cố ngồi xuống và ráng xem trọn một tập với chúng - Handley viết - Cuối cùng tôi phải nói là các video này là thứ khó chịu, tào lao nhất từng được chiếu trên màn hình nhà tôi”.

“Miền tây hoang dã”

Vậy các video “thịnh hành nhất” trên YouTube ngày nay tác động đến trẻ như thế nào? Chúng có vai trò gì trong việc hình thành nhân cách của các khán giả nhí, vốn bắt đầu xem từ khi mới một hai tuổi?

Theo tiến sĩ Colleen Russo Johnson - người từng nghiên cứu tác động của truyền thông lên trẻ con và hiện là cố vấn của nhiều nhà sản xuất chương trình trẻ em, với các lợi thế công nghệ hiện có, các video trên YouTube lại rực rỡ, nhịp nhanh và có quá nhiều yếu tố khiến chúng không thực sự tốt cho trẻ.

Chẳng hạn một video hoạt hình dạy trẻ các bộ phận trên cơ thể (đầu, vai, gối, ngón chân) gồm một bé trai, một đàn bò là nhân vật chính nhưng hậu cảnh có đủ thứ, nào là ánh đèn pin, ánh sao và một đám đông vẫy vẫy tay. “Các yếu tố chuyển động này sẽ khiến trẻ phân tâm khỏi thành phần mang tính giáo dục của video này” - Johnson nhận xét. Trẻ quen với việc xem các video vui nhộn, hoành tráng có thể dễ chán và kém tập trung nếu phải xem các video có nội dung giáo dục sau này.

Chuyên gia này gợi ý video cho trẻ cần có nhịp chậm hơn, như cách cha mẹ từ tốn đọc một quyển sách cho con mình. Trở lại trường hợp video dạy bộ phận cơ thể, càng ít yếu tố thừa thì trẻ mới tập trung vào chuyển động chính - em bé chỉ tay vào đầu, vai... từ đó mới hiểu và học được từ video đó.

Cũng cần lưu ý rất khó có thể tạo ra video mang tính giáo dục cho trẻ dưới 2 tuổi, do lẽ các bé chưa phân biệt được thế giới trên tivi và ngoài đời. Ở tuổi này, trẻ cần tương tác với người thật và môi trường thật xung quanh mình. Trẻ lớn hơn mới có thể học được từ các video mà chúng xem, thay vì chỉ giải trí hay giết thời giờ.

Cụm từ “bảo mẫu số” thường được dùng như một lời phê phán phụ huynh, những người thích đưa iPad cho trẻ xem video để chúng chịu ngồi yên. Tác giả Stuart Dredge của The Guardian cho rằng không thể đổ hết cho YouTube.

Thứ nhất, dù trẻ có xem YouTube cả tiếng liền thì trong ngày vẫn còn rất nhiều thời gian cho các hoạt động khác như đọc sách, đạp xe, vẽ tranh, cha mẹ có thể tận dụng thay vì “buộc tội” YouTube chiếm hết thời gian. Thứ hai, theo Dredge, cha mẹ hoàn toàn có thể cùng xem YouTube với con và đó lại là sinh hoạt gia đình vui vẻ, có ý nghĩa, đâu nhất thiết để con xem một mình rồi ta thán nội dung xấu? Và cuối cùng là chính phụ huynh lạm dụng tablet để “mua” thời gian rảnh cho mình.

Làm sao kiểm soát trẻ xem những nội dung không phù hợp?
Làm sao kiểm soát trẻ xem những nội dung không phù hợp?

 

Vậy về phần mình, YouTube có thể làm gì?

Adam Clark Estes, tác giả bài viết “Chớ bao giờ để YouTube trông trẻ cho bạn” trên Gizmodo, khẳng định luôn là cha mẹ nên “để con cái tránh xa YouTube - nơi vẫn còn là miền Tây hoang dã mà thuật toán sàng lọc, gợi ý nội dung của nền tảng này là viên cảnh sát trưởng duy nhất”.

Alexis Madrigal của The Atlantic thì ít cực đoan hơn khi cho rằng “có vài việc YouTube có thể làm ngay để cải thiện tình hình”. Theo tác giả, YouTube biết rõ hàng chục triệu người đã xem video dành riêng cho trẻ em trên nền tảng của mình nhưng chẳng thấy mời gọi, khuyến khích người dùng chuyển sang dùng YouTube Kids.

Lấy ví dụ Facebook luôn ra sức dụ người dùng tham gia Instagram (và ngược lại), Madrigal cho rằng YouTube nên “cố gắng thu hút thêm nhiều gia đình tham gia YouTube Kids”.

Tác giả đã đặt vấn đề với Malik Ducard, giám đốc phụ trách toàn cầu bộ phận học tập và gia đình của YouTube, và được trả lời là YouTube thật ra có chạy nhiều chương trình quảng bá để giới thiệu YouTube Kids với người dùng. Các chiến dịch này thực sự có hiệu quả khi YouTube Kids hiện có hơn 14 triệu người xem thường xuyên và 70 tỉ lượt view hằng tuần.

Một cách giải quyết vấn đề khác là YouTube chuyển hẳn toàn bộ video dành cho trẻ em sang YouTube Kids và “cấm cửa” loại nội dung này trên nền tảng chính. Điều này có thể giảm nguy cơ các video không phù hợp được thuật toán của YouTube “gợi ý xem thêm”, sau khi trẻ vừa xem một video hoàn toàn bình thường và phù hợp.■

Hướng dẫn hạn chế việc trẻ xem video của Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ:

- Trẻ dưới 18 tháng cần tránh tiếp xúc với mọi hình thức giao tiếp thông qua màn hình, trừ gọi điện video.

- Trẻ 18-24 tháng chỉ được xem video với cha mẹ và phụ huynh phải lựa chọn nội dung có chất lượng cho trẻ.

- Trẻ 2-5 tuổi chỉ nên xem video có nội dung phù hợp do cha mẹ lựa chọn mỗi ngày một giờ.

- Trẻ 6 tuổi trở lên cần được cho xem video với thời lượng giới hạn, ưu tiên giấc ngủ và các hoạt động khác hơn là xem video.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận