Nơi vải lanh đi muôn phương

THÁI LỘC - NGỌC HIỂN 18/07/2017 03:07 GMT+7

TTCT - “Lanh gắn với dân tộc Mông như vợ với chồng. Lanh là sự kết tinh của tri thức, của bản sắc, là tinh hoa văn hóa dân tộc Mông trên núi cao... Còn công việc của chúng tôi là cố gắng đưa lanh của dân tộc mình tỏa khắp năm châu!”.

Nghệ nhân Vàng Thị Mai (đội mũ) cùng làm việc với các vị khách quốc tế và trẻ em Mông ở Lùng Tám -NGỌC HIỂN
Nghệ nhân Vàng Thị Mai (đội mũ) cùng làm việc với các vị khách quốc tế và trẻ em Mông ở Lùng Tám -NGỌC HIỂN

 

Nghệ nhân dệt lanh Vàng Thị Mai (55 tuổi) tự tin giới thiệu về Hợp tác xã (HTX) lanh Lùng Tám do bà sáng lập và làm chủ nhiệm.

Xã Lùng Tám nằm giữa một thung lũng được bao bọc bởi hai dãy núi đá hùng vĩ của huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, quanh năm sương mù vây phủ. Nơi ở của gia đình bà Vàng Thị Mai cũng là homestay gần với xưởng sản xuất lanh, nằm ngay ngã ba trung tâm của xã Lùng Tám, chỉ cách dòng sông Miện hiền hòa vài bước chân.

Người phụ nữ này là cánh chim đầu đàn đưa dệt lanh truyền thống từ chỗ chỉ dành riêng cho người Mông, bước ra khỏi ranh giới dân tộc, quốc gia trong diện mạo những bộ trang phục có giá hàng trăm đôla.

Ngoài việc quản lý, bà Vàng Thị Mai còn là một nghệ nhân giỏi trong hầu hết các công đoạn nghề lanh -NGỌC HIỂN
Ngoài việc quản lý, bà Vàng Thị Mai còn là một nghệ nhân giỏi trong hầu hết các công đoạn nghề lanh -NGỌC HIỂN

 

Luật chơi dân chủ

Trở về từ Hà Nội sau chuyến làm việc với các đối tác quốc tế, “chủ soái” Vàng Thị Mai báo với 130 thành viên HTX rằng chiều mai sẽ tổ chức lấy ý kiến về hai mẫu túi xách và một mẫu khăn bàn mới. Cả ba mẫu này do bà Mai phác thảo, với “phom” thiết kế khá lạ: màu sắc dùng những mảng “cực đoan” xen kẽ giữa những gam nóng và lạnh...

Cuộc họp diễn ra sôi nổi, nhiều lời “chất vấn” về lý do sử dụng màu sắc, kiểu dáng, hoa văn và một số đặc điểm khác lạ của mẫu mới, một số ý kiến thắc mắc về thị trường. Cuối cuộc họp, mọi người bàn bạc để thống nhất giá cả...

Từ nhiều năm nay, các cuộc họp với tinh thần hết sức dân chủ ấy thường diễn ra tại HTX lanh Lùng Tám, khi thành viên đưa ra ý tưởng sáng tạo hay mẫu mã mới.

Những sáng tạo mới lạ tạo nên sản phẩm hút khách và bán được giá đều được tính vào thi đua khen thưởng định kỳ. Mọi ý kiến góp ý xác đáng, dù có gay gắt đều được ghi nhận. “Luật chơi” nói trên do chính Vàng Thị Mai đặt ra.

Lúc đầu, HTX nhận được nhiều ý kiến ra vào, vì khá “chỏi” với cách làm theo quán tính của người vùng cao sống trên núi đá. Dần dà, HTX ăn nên làm ra, thu nhập xã viên tăng thêm thấy rõ, mọi quyền lợi được đảm bảo nên mọi người cũng dần thích nghi.

Để mọi người tin theo như một “thủ lĩnh” trong nghề như thế, ngoài việc quản lý, Vàng Thị Mai là một người thợ giỏi trong hầu hết các công đoạn nghề lanh, từ bóc tách, giã, nối, quay, dệt, nhuộm cho đến thiết kế sản phẩm...

“Mừng là tôi lãnh đạo HTX từ năm 2006 đến giờ chưa thấy có cái đơn kiện tụng nào cả!” - bà Mai tự tin nói về mô hình quản lý của mình.

Cũng nhờ lanh mà đời sống của người dân trong HTX giờ đã khác, các xã viên đã có thu nhập thường xuyên, không còn trông chờ vào nguồn thu duy nhất là những nương ngô trên triền núi đá như trước kia.

Những mái nhà tôn dần thay thế bằng nhà mái lá, từ chỗ cuộc sống khó khăn nay đã có 60% hộ trong thôn là hộ khá, không còn hộ nghèo đói.

Người dân ở đây có thể giao lưu với du khách muôn phương bởi HTX lanh Lùng Tám là điểm đến không thể bỏ qua trong cung đường lên cao nguyên đá Đồng Văn của các tour du lịch Hà Giang.

Cảm động trước khối thịnh tình...

Ngày chúng tôi đến thăm xưởng lanh của HTX ngay trước UBND xã Lùng Tám, trên chiếc chiếu rộng trải giữa sân rất đông trẻ em đang chăm chú khâu khâu vá vá theo hướng dẫn của hai cô gái nước ngoài và một cô gái người Việt.

Họ trong nhóm khách đến Lùng Tám đã hơn một tuần, đang ở tạm trên căn gác nhà bà. Đó là Kelly, nữ thiết kế thời trang đến từ Brazil và Anouk, nữ sinh viên kiến trúc đến từ Đức.

Trong nhóm còn có Adrien, nam nhà báo đến từ Pháp đang chơi bóng chuyền với thanh niên Mông ngoài bãi...

Sau hành trình khám phá một số nơi của VN, nhóm khách này chọn Lùng Tám làm điểm dừng dài ngày để trải nghiệm. Rồi cô gái Sài Gòn tên Lê Thị Nhật Duyên, sau chuyến phượt cao nguyên đá thấy Lùng Tám quá duyên nên quyết định ở lại cùng nhóm bạn nước ngoài...

Ngay trong ngày đầu, họ tìm hiểu cuộc sống của người dân và nhận ra sự thiếu thốn mọi mặt của các em học sinh nên bàn nhau dạy tiếng Anh giao tiếp và khơi gợi các em Lùng Tám cách thiết kế những sản phẩm lanh nho nhỏ nhưng bán được tiền.

Thực ra, nhóm bạn trẻ còn có khá nhiều lý do khác để trải nghiệm Lùng Tám, từ bờ tre xanh ngát bên dòng sông Miện, những nương ngô, đến cả thung lũng trải dài giữa hai dãy núi đá tuyệt đẹp.

Nhưng hơn hết vẫn là sức hút quá lớn từ sự độc đáo lẫn bí hiểm của nghề lanh, quan trọng hơn là sự cảm động trước khối thịnh tình “không thể cưỡng” của gia chủ Vàng Thị Mai...

Trong căn nhà của mình, cũng là nơi trưng bày các sản phẩm dệt lanh của HTX, bà Mai dành hẳn một phòng lớn trên tầng 2, trang bị giường nệm, tủ quần áo để du khách có thể lưu trú bất cứ khi nào. Không chỉ cho ở miễn phí, bà còn nấu nướng ngày ba bữa miễn phí cho du khách.

“Họ yêu Lùng Tám, họ mê vải lanh của người Mông mà đến đây nên không có lý do gì mà tôi phải lấy tiền. Bù lại, họ sẽ là người trở về quê hương để quảng bá, kể về những câu chuyện đẹp của vải lanh nơi đây” - bà Mai nói.

Các sản phẩm dệt lanh thổ cẩm trưng bày tại phòng khách gia đình bà Vàng Thị Mai -NGỌC HIỂN
Các sản phẩm dệt lanh thổ cẩm trưng bày tại phòng khách gia đình bà Vàng Thị Mai -NGỌC HIỂN

 

Câu chuyện quốc tế

Năm 2013, chúng tôi đã có dịp chiêm ngưỡng tài nghệ dệt vải, xe lanh của các xã viên này tại Festival nghề truyền thống Huế tổ chức bên dòng sông Hương.

Những công đoạn rườm rà, tinh xảo... để làm nên tấm vải lanh đã thu hút sự tò mò của nhiều du khách.

Chính sức hút tự thân của vải lanh và 41 công đoạn tỉ mẩn để làm nên một tấm vải lanh đã mang chất liệu truyền thống này và những người làm ra nó đến với hàng chục sự kiện thời trang, văn hóa trong nước và quốc tế.

Với hàng chục bằng khen, chứng nhận tham dự các sự kiện quốc tế, bà Mai chia sẻ hành trình đưa lanh ra với thế giới của mình: mấy mẫu thiết kế của bà vừa được các xã viên bàn bạc là kết quả sau chuyến đi nước Pháp về.

Trong các chuyến đi, bà tận dụng thời gian để tìm hiểu thị trường thời trang, mua tất cả những sản phẩm thời trang cần thiết đem về Lùng Tám để mọi xã viên cùng nhìn ngắm, tháo tung ra học hỏi.

Câu chuyện quốc tế của bà thực sự sôi nổi, nào là các nước châu Âu như Đức, Anh, Bỉ..., ngay ở châu Á, những nơi bà từng đến như Nhật Bản, Hàn Quốc hay toàn bộ các nước khu vực ASEAN... đều mang lại những bài học mới.

Quan trọng hơn, bà Mai tích cóp từ nhiều nơi thành quan điểm “thương mại công bằng”, áp dụng cho mô hình hoạt động của HTX, đảm bảo sự công bằng tối đa cho mọi xã viên.

“Tôi đi nhiều, học được rất nhiều điều. Những điều gì hay ho tôi về nói với tất cả cộng sự làm việc ở đây. Tất cả, từ mẫu mã và màu sắc của sản phẩm cho đến cách giới thiệu, bán hàng, quảng bá và nhất là cách tổ chức vận hành bộ máy, mình đều phải chú ý ghi chép để còn có thể vận dụng!” - bà Mai nói.

Đặc biệt, lần trình diễn tại Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 ở Hà Nội vào tháng 3-2015, từ các mối quan hệ thiết lập được sau sự kiện ấy, bà Mai “ở Hà Nội nhiều hơn ở nhà”, bà tìm đến các cơ quan sứ quán và văn phòng tổ chức quốc tế để mời mọi người đến Lùng Tám.

Rất nhiều vị chức sắc ngoại giao nước ngoài đã tìm đến Lùng Tám, chứng kiến mọi công đoạn sản xuất lanh truyền thống... và bày tỏ sự kính phục trước một sản phẩm lanh trước khi mua hàng...■

Dạy nghề cho lớp trẻ

Lanh gắn bó với người Mông cả trong đời sống thường nhật lẫn đời sống tâm linh. Đi lễ hội, về nhà chồng hay về bên kia thế giới, người Mông đều mặc những bộ đồ lanh để tổ tiên nhận ra và chấp nhận.

Vì thế, để cho lớp trẻ vừa kế tục truyền thống vừa tạo ra đồng tiền từ lanh, cứ đến hè bà mở ba lớp học cho hơn 100 học viên và mời những cao niên trong thôn đến truyền nghề. Lớp dạy chuyện trồng hạt lanh, chăm sóc cây, tước vỏ, nối sợi, quay guồng, phối màu hay cách vẽ các họa tiết bằng sáp ong trên vải...

Bà còn phối hợp với trung tâm dạy nghề tạo ra quy trình chuẩn, cấp chứng chỉ nghề cho các học viên để các em có thể làm thêm các sản phẩm thời trang bán lại cho HTX hoặc tự mình tạo ra sản phẩm bán cho du khách.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận