Nút Home và ranh giới thực - ảo

DƯƠNG TRỌNG HUẾ 21/04/2014 10:04 GMT+7

TTCT - Có bao giờ trước bữa ăn gia đình, chúng ta yêu cầu con cái ngưng sử dụng điện thoại, iPad hay một thiết bị kết nối Internet nào đó để có thể tập trung vào bữa ăn? Có bao giờ người bạn đời của chúng ta phải ôm gối ngủ một mình trong khi ta vẫn mải mê lang thang online?


Minh họa: Bích Khoa


Có người đã chấp nhận sự thay đổi đó như một phần của cuộc sống hiện đại và cũng có người cảm thấy nuối tiếc khung cảnh truyền thống khi những chiếc iPhone, iPad chưa phải là một thành viên trong bữa ăn tối hay bên giấc ngủ của mình.

Khi chúng ta đều là những “độc giả”

Khái niệm audience (khán giả hay độc giả) đã thay đổi rất nhiều trong thời đại Internet và các mạng xã hội. Trước đây, đã có lúc cách hiểu về audience là tập hợp một nhóm người có chung trải nghiệm về một sản phẩm truyền thông nào đó (chẳng hạn như một bộ phim). 

Ngày nay khái niệm này trở nên phức tạp hơn nhiều trong các thảo luận liên quan, đặc biệt là trên khía cạnh audience chủ động hay thụ động.

Bản thân thuật ngữ audience cũng chuyển dần sang tên gọi “người dùng” (users) để khẳng định vai trò chủ động của cá nhân tham gia việc tạo ra và duy trì các câu chuyện trên các kênh truyền thông, nhất là các trang mạng xã hội.

Kenneth Burke gọi con người là “động vật biết sử dụng các biểu tượng” (symbol using animal) trong khi George Gerbner cho rằng con người là “động vật kể chuyện” (story telling animal) (*). 

Có lẽ vì thế mà chúng ta luôn bị lôi cuốn bởi những câu chuyện và thích viết lên những câu chuyện bằng cách nào đó. Có lẽ cũng vì thế mà lâu nay chúng ta thường bị cuốn hút bởi các câu chuyện trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Những bộ phim hay hoặc cuốn sách bán chạy luôn là những sản phẩm mà tác giả của chúng kể được những câu chuyện có nội dung hấp dẫn với độc giả.

Sản phẩm truyền thông ngày nay trở nên xô bồ hơn khi các tiêu chí định lượng thu hút khán giả trở thành áp lực cho không chỉ báo giới mà cả các trang mạng xã hội. Các câu chuyện trên mạng Internet do đó mang tính giật gân, câu view và ít đòi hỏi người dùng phải sử dụng nhiều trí tuệ để phân tích nội dung hơn. Người dùng vì thế có cảm giác mình cũng có thể viết lên những câu chuyện như vậy mà không cần có chuyên môn hay trải nghiệm nghề nghiệp nhất định gì cả.

Thêm vào đó, các cơ chế hoạt động của những trang mạng hay diễn đàn xã hội lại tìm mọi cách đem lại những công cụ đơn giản “users” chủ động, rằng chính chúng ta tạo ra các câu chuyện trên thế giới ảo và cũng chính chúng ta, khi cần thiết, sẽ chủ động chấm dứt các câu chuyện đó.

Một số nghiên cứu về ảnh hưởng của truyền thông đối với audience đã chỉ ra là các cá nhân thường cho rằng bản thân họ ít bị ảnh hưởng bởi nội dung trên các phương tiện truyền thông hơn so với các cá nhân khác. Tuy nhiên, có một thực tế chúng ta vẫn là độc giả của những câu chuyện trên mạng Internet, cho dù đó là những câu chuyện do chính chúng ta tạo ra.

Trong thế giới Internet cởi mở và chằng chịt những tương tác trực tuyến, sẽ không khó khăn để những người bạn ảo của chúng ta tham gia những câu chuyện chúng ta kể. Và rồi bản thân họ cũng sẽ cố gắng viết lên những câu chuyện mới dựa trên những ý kiến, tâm sự hay trải nghiệm của cá nhân mình.

Kết quả là chúng ta bị cuốn hút vào những câu chuyện mới, đi từ câu chuyện này tới những câu chuyện khác mà có khi không hề liên quan gì đến nội dung ban đầu. Đôi lúc chúng ta bị cuốn hút đến mức không dứt ra được, ngay cả khi bụng đã đói meo hay khi cơn buồn ngủ đang đến.

Nhà nghiên cứu truyền thông Marshall Poe cho rằng các phương tiện truyền thông đã đem lại sự mới mẻ thỏa mãn các giác quan của chúng ta, nhưng không đóng góp nhiều cho đời sống tinh thần của chúng ta. Đó là điều tích cực, cho đến khi sự tham gia của chúng ta vào thế giới ảo lấy mất đi thời gian và không gian mà lẽ ra được sử dụng để mang lại không khí ấm áp, hạnh phúc cho một bữa ăn tối hay một cuộc trò chuyện thương yêu trước giấc ngủ.

Hãy nhấn nút “Home”

Liệu chúng ta có sẵn sàng bấm nút “home” thoát khỏi các trang mạng xã hội và để trò chuyện với các thành viên gia đình trong bữa ăn để ngôi nhà của chúng ta thật sự là “home” không?

Khi du học ở Mỹ, người viết có dịp đến thăm và sống cùng một gia đình người Mỹ ở Bainbridge, tiểu bang Washington. Hai vợ chồng Joel và Kathy có cuộc sống khá bận rộn và thời gian chủ yếu họ bên nhau là buổi tối. Cả hai đã không dùng tivi nhiều năm nay. Họ cũng hầu như không đọc báo và sử dụng Internet vào buổi tối. Joel bảo những thứ đó sẽ lấy đi thời gian và ý nghĩa cuộc sống vợ chồng của ông.

Một nhà hàng ở Israel đã giảm giá đến 50% cho khách hàng không sử dụng điện thoại di động khi vào quán. Lý do là chủ nhà hàng cho rằng thực khách của ông tốt nhất là nên dành thời gian cho nhau thay vì những chiếc điện thoại.

Gần đây, một video clip trên YouTube đã giới thiệu một sản phẩm được gọi là “người bảo vệ bạn khỏi mạng xã hội” (social media guard). Sản phẩm này thực chất rất đơn giản, nó giống như một cái phễu lớn có lỗ hổng để bạn chui đầu vào. Một khi đầu bạn đã ở trong cái phễu đó thì mắt bạn sẽ không thể nhìn xuống phía bên dưới được nữa. Điều này gây khó khăn trong việc sử dụng các thiết bị điện thoại hay máy tính bảng và do đó bạn sẽ quan tâm hơn đến việc giao tiếp với người xung quanh.

Đến bao giờ thì đây sẽ là câu chuyện của gia đình chúng ta? Liệu chúng ta có thể bấm nút “home” để tập trung vào những câu chuyện trong không gian thực tế, hay là chúng ta cần có những cái phễu chụp vào cổ để hỗ trợ cho những quyết tâm của mình?

Ai đó đã nói: “Thật dễ nuối tiếc về một điều gì đó đã mất đi nhưng sẽ rất khó nhận ra và trân trọng những gì ta đang có”. Vì thế, điều quan trọng là chúng ta nên luôn tỉnh táo để nhận ra rằng những gì chúng ta đang có trong thế giới thực luôn nhiều hơn và ý nghĩa hơn ở thế giới ảo.

Thư tay

Chiều nào cũng vậy, tôi thường có thói quen lên mạng vào trang Facebook xem tình hình bạn bè có gì mới để bình luận, chọc ghẹo nhau. Tiếp đó là thơ thẩn, mơ mộng ngồi gõ lóc cóc những câu chuyện vui buồn của bản thân đưa lên trang cá nhân. Và rồi cần mẫn ngồi chờ đến hàng giờ chỉ để đọc ý kiến phản hồi của bạn bè.

Mỗi ngày như mọi ngày, tôi chăm chỉ làm công việc ảo với một tâm trạng háo hức dù đôi khi chẳng có bạn bè nào trên đó rảnh rang để cùng tôi trò chuyện. Nhưng không sao, tôi vẫn còn đàn gia súc, còn hồ cá đang chờ đợi tôi cho ăn và nông trại đang chờ tôi thu hoạch... trong trò chơi.

Tôi say mê đến mức khi quay về với thế giới thực lúc nào cũng gần mười hai giờ đêm. Thời gian luôn trôi nhanh mỗi khi tôi sắm vai con người khác, sống trong không gian khác.

Rồi bất ngờ, một ngày không có điện, nghe nói người ta sửa điện ngoài đường nên tạm ngắt. Không mạng, không bạn bè, không trò chơi. Tôi ngồi đó bên máy tính nhìn màn hình sẫm đen. Rảnh rỗi, tôi sắp xếp lại hộc tủ đầy nghẹt tạp chí, sách báo. Chợt tôi tìm thấy vài lá thư của nhỏ bạn vẫn hằng ngày chat trên mạng gửi về cho tôi hồi nó mới sang Nhật.

Những dòng chữ thân quen, những lời hỏi thăm đầy tình cảm, những tâm sự chất chứa nỗi lòng. Đọc lại tôi thấy sao thương bạn quá! Giờ đây, chỉ cần online là gặp được nhau, nghe được giọng nhau nhưng chỉ còn là những lời hỏi thăm qua loa có lệ.

Rứt một tờ giấy đôi giữa cuốn tập, tôi nắn nót gò từng chữ, cây viết nhẹ tênh là thế nhưng hôm nay cầm trên tay sao thấy nằng nặng. Dòng đầu, ngày, tháng, năm. Dòng thứ hai chào bạn, dòng thứ ba hỏi thăm, dòng thứ tư, thứ năm... đến khi cả hai trang giấy đặc kín chữ thì cũng là lúc có điện trở lại.

Bỏ thư vào phong bì, tôi chạy tới bưu điện trong tâm trạng hồi hộp. Chắc bạn sẽ bất ngờ lắm khi nhận được thư tay của tôi. Cũng có thể nó sẽ cười bảo: “Mày màu mè quá! Cần gì lên mạng nói với tao là được rồi”. Nhưng biết đâu nó cũng sẽ như tôi, vừa vui vừa hồi hộp.

Hơn hai tiếng cúp điện tôi phát hiện mọi việc không tệ như mình nghĩ. Trước hết là cho cái máy tính ở nhà được nghỉ ngơi lâu hơn. Sau là tôi đã tặng một bất ngờ cho bạn và cho cả chính tôi. Không chỉ vậy, tôi còn nhận ra được mình đã đắm chìm quá sâu trong thế giới ảo và đến lúc phải quay về với thực tại.

Về với gia đình, bạn bè, với những người đang sống bên tôi và quan tâm tới tôi.

BÚT NAM (Tôn Đản, TP.HCM) 


(*): Kenneth Burke là nhà lý luận - phê bình văn học và ngôn ngữ hàng đầu ở thế kỷ 20 và là tác giả của thuyết Dramatism. George Gerbner là giáo sư truyền thông tại Đại học Pennsylvania và là tác giả của lý thuyết truyền thông nổi tiếng Cultivation Theory.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận