Ô nhiễm không khí: Ý thức kém ở những vùng nghiêm trọng nhất

LOAN PHƯƠNG 17/04/2019 03:04 GMT+7

Khu vực Nam và Đông Nam Á, cùng Trung Quốc, luôn chiếm gần như toàn bộ các vị trí đáng báo động nhất trong nhiều danh sách những đô thị ô nhiễm không khí nhất thế giới. Nhưng điều đáng lo ngại là dân chúng ở các khu vực này cũng ít ý thức nhất về vấn nạn đang bao phủ gần như mọi thành phố lớn này.

Khu vực Nam Á và Đông Nam Á là vùng ô nhiễm không khí trầm trọng bậc nhất thế giới ở các đô thị lớn. Ảnh: Getty Images
Khu vực Nam Á và Đông Nam Á là vùng ô nhiễm không khí trầm trọng bậc nhất thế giới ở các đô thị lớn. Ảnh: Getty Images

Báo Indonesia Jakarta Post đầu tháng 4 dẫn một nghiên cứu của nhóm tư vấn y tế công Vital Strategies nói hầu hết người dân ở Nam và Đông Nam Á không biết về những nguyên nhân rất đa dạng và các rủi ro dài hạn lên sức khỏe của tình trạng ô nhiễm không khí, vấn nạn được cho là cướp đi sinh mạng của 1,5 triệu người mỗi năm tại khu vực này.

Vital Strategies phân tích hơn nửa triệu các bài báo, bản tin và bài đăng trên mạng xã hội về ô nhiễm không khi ở 11 quốc gia trong khu vực giai đoạn 2015-2018 để rút ra kết luận trên. “Chúng ta nhìn thấy rất nhiều nội dung về ô nhiễm không khí liên quan tới môi trường, biến đổi khí hậu hay phá rừng, nhưng không có mấy liên quan tới sức khỏe con người” - Aanchal Mehta, tác giả của báo cáo, nói.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí dẫn tới các bệnh làm 7 triệu người chết mỗi năm và 9/10 người trên toàn thế giới hiện đang hít thở bầu không khí ô nhiễm. Các tác động với sức khỏe của ô nhiễm không khí bao gồm đột quỵ, ung thư phổi và bệnh tim mạch, có thể tương đương với việc hút thuốc lá, theo lời các chuyên gia y tế.

Phân tích của Vital Strategies cho thấy tranh luận của công chúng về ô nhiễm không khí ở Nam và Đông Nam Á chủ yếu tập trung quanh khí thải của phương tiện giao thông, khiến giới làm chính sách chỉ tập trung vào nguyên nhân thay vì nhìn thấy cả hậu quả của tình trạng ô nhiễm.

Theo Mehta, ở một phần lớn khu vực Nam và Đông Nam Á, khói xe cũng không phải là nguồn lớn nhất hay duy nhất gây ô nhiễm không khí. Các nguyên nhân lớn khác, thay đổi tùy theo nước, bao gồm nhà máy nhiệt điện than, ngành xây dựng, bắn pháo hoa trong lễ hội, phá rừng, đốt đồng, cháy rừng và rác thải.

Khi nói tới hệ quả, phần lớn các bài đăng trên mạng xã hội chẳng hạn, tập trung vào các tác động tức thời của ô nhiễm không khí như đau ngứa mắt, ho, hắt hơi thay vì những rủi ro lâu dài và nguy hiểm hơn nhiều. “Điều này chỉ ra thực tế rằng người dân không gắn ô nhiễm không khí với những tác động y tế dài hạn” - Mehta, điều phối nghiên cứu từ Singapore, chia sẻ thêm với Reuters.

Đó là chưa kể những tác động tinh vi hơn như tác động lên tâm lý, sức khỏe trẻ nhỏ hay thai phụ hầu như không được nhắc tới. ■

Loay hoay đối phó

Ngày 7-4, chính quyền đô thành Seoul đã công bố thành lập một cơ quan mới thuộc quyền trực tiếp của thị trưởng Park Won Soon để đối phó với tình trạng ô nhiễm bụi mịn gia tăng ở thủ đô Hàn Quốc.

Cơ quan mới này sẽ có đại diện của 15 sở ban ngành cũng như 25 văn phòng quận của Seoul. Một tổ chức nghiên cứu gồm 21 chuyên gia môi trường và giao thông cũng sẽ được thành lập để tư vấn cho chính quyền thành phố về vấn đề bụi mịn, tác hại, các biện pháp cải thiện chất lượng không khí cũng như phòng ngừa.

Chính quyền Seoul đã hành động sau khi Hàn Quốc được xác định đứng đội sổ về chất lượng không khí, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm bụi mịn, trong 35 nước thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận