Orlando - Trước và sau những lời cầu nguyện

THI BAY MIRADOLI (Từ Mỹ) 27/06/2016 04:06 GMT+7

TTCT - Tới giờ vẫn chưa có thông tin chính thức về động cơ của tay súng Omar Saddiqui Mateen trong vụ thảm sát kinh hoàng ngày 12-6 khiến 49 người thiệt mạng ở Orlando, Florida. Nhưng dù nguyên nhân có là gì: liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), sự căm ghét người đồng tính hay thủ phạm có vấn đề tâm thần... thì nước Mỹ cũng đang phải tự đặt ra rất nhiều câu hỏi sau vụ xả súng tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia tự do này.

Bao giờ thì nước Mỹ mới có thể có tiếng nói dứt khoát về sự tràn lan tai họa của súng đạn?-youtube.com
Bao giờ thì nước Mỹ mới có thể có tiếng nói dứt khoát về sự tràn lan tai họa của súng đạn?-youtube.com


Sáng 12-6, Mateen, 29 tuổi, bước vào Pulse - một hộp đêm của người đồng tính ở Orlando, Florida, xách theo một khẩu súng trường AR-15 và một súng ngắn Glock. Mateen đã sát hại 49 người vô tội, làm bị thương 53 người trước khi bị một nhóm đặc nhiệm tiêu diệt.

Hợp pháp và không hợp pháp

Mateen đã mua cả súng ngắn và súng trường quân đội hoàn toàn hợp pháp. Khi tôi đọc được dòng chữ “...vũ khí sát thương được mua hợp pháp” giữa bạt ngàn tin tức trong vài giờ sau tuyên bố đầu tiên về tấn thảm kịch, dòng chữ đó cứ nhấp nháy trước mắt tôi.

Khi mà việc đếm thi thể người thiệt mạng vẫn còn chưa xong và những câu hỏi mới chỉ bắt đầu được đặt ra, tôi đã biết một điều chắc chắn lẽ ra không điều gì trong thảm kịch của sự thù hận không thể hiểu nổi này là hợp pháp trong một xã hội “văn minh”. Hành động đó không hợp pháp. Động cơ không hợp pháp. Và chắc chắn phương tiện lẽ ra không hợp pháp.

Tới giữa ngày 12-6, các lãnh đạo chính trị và cộng đồng bắt đầu lên tiếng về thảm kịch, trong khi những người khác tận dụng sự chú ý của truyền thông để tranh thủ cho mục đích của họ hay củng cố cơ sở tranh cử. Nhiều người, theo truyền thống Mỹ, chia sẻ sự cảm thương và những lời cầu nguyện.

Tối 12-6, hạ nghị sĩ bang Connecticut Jim Himes, giống như nhiều người đã úp mở trên truyền hình và nhiều người khác lên tiếng trên mạng xã hội, lên án điều đó là đạo đức giả và vô ích bằng cách tuyên bố từ chối “một phút mặc niệm”, thay vào đó ông kêu gọi phải có sự thay đổi trong chính sách của chính quyền.

Tổng thống Mỹ Barack Obama, người đã vận động không mệt mỏi cho luật pháp chặt chẽ và hợp lý hơn về sở hữu súng, lại có bài phát biểu toàn quốc về một vụ xả súng giết người hàng loạt, lần thứ 15 trong 8 năm ông nắm quyền.

Lần thứ 15, với một vẻ ngoài bất lực, buồn rầu thật sự, thất vọng và rõ ràng là rất mệt mỏi, ông nói những lời an ủi gia đình, bạn bè và các cộng đồng của 49 người Mỹ vô tội đã thiệt mạng một cách không thể hiểu nổi bởi một người Mỹ khác đầy thù hận được vũ trang những công cụ giết người hàng loạt mua hợp pháp.

Bài phát biểu của ông ngay lập tức bị chỉ trích và bác bỏ bởi những đối thủ chính trị cố tình không chịu hiểu, những kẻ sợ rằng thừa nhận trách nhiệm chung của chúng ta sẽ phá tan tành những nền tảng vốn đã lung lay của họ dựa trên những lời dối trá, sự ngu dốt và thù hận.

Tổng thống đã bày tỏ lời chia buồn với các nạn nhân và sự khinh miệt lòng thù hận dẫn tới hành động đó, trong khi cảnh báo đừng lặp lại sự căm ghét đó bằng những ý định trả thù vô nghĩa và tự hủy hoại bản thân. Ông hứa sẽ tìm ra sự thật, lúc đó vẫn còn chưa rõ ràng, bất chấp những kẻ hung hăng không chịu nghe lý lẽ có tuyên bố những gì.

Khi nhà chức trách vẫn đang nỗ lực tìm hiểu liệu thảm kịch ở Orlando có phải là một hành động khủng bố Hồi giáo cực đoan hay không, chúng ta vẫn nợ các nạn nhân việc tập trung vào những gì chúng ta có thể làm để ngăn chặn điều đó, chứ không phải những lời cầu nguyện hay mặc niệm - điều không thể ngăn được một người Mỹ điên loạn hay hận thù tiếp theo hoặc hành động khủng bố tiếp theo, dù từ trong nước hay từ nước ngoài.

Vụ xả súng ở Orlando diễn ra chỉ 4 tháng sau khi Syed Rizwan Farook và vợ Tashfeen Malik tiến hành vụ tấn công khủng bố khiến 14 người thiệt mạng và 22 người bị thương ở San Bernardino, California.

Những vụ việc đó có thể là do thù hận, do thủ phạm bị tâm thần, do sự cực đoan, đôi khi là ngẫu nhiên, những khi khác nhắm vào một nhóm người cụ thể như trẻ em các trường tiểu học, những giáo dân người Mỹ gốc Phi hay các phụ nữ đòi quyền nạo phá thai.

Không còn nơi nào ở Mỹ là an toàn, từ rạp phim, trường học, trường đại học, bệnh viện, những nơi thờ tự cho tới không gian công cộng. Giờ thì cực khó để tiên đoán khi nào và tại sao sẽ lại có kẻ tiến hành những hành động tàn ác như thế này.

Cũng cực khó trong việc ngăn chặn một người sở hữu vũ khí, nhất là các khẩu súng tự động vốn chỉ dành cho quân đội khi ra chiến trường. Nhưng có một việc thật dễ dàng: đảm bảo rằng những người mà hành vi không thể đoán trước hay không thể kiểm soát không được tiếp cận dễ dàng với những công cụ cho phép biến tư duy khó lường của họ thành hành động.

Thật ra, nhiều vụ xả súng hàng loạt gần đây trên đất Mỹ, bao gồm hai vụ mới nhất năm nay, có hai điểm chung: vũ khí được sử dụng và sự dễ dàng để người ta có được chúng.

Thống kê cho thấy vũ khí được sử dụng trong các vụ xả súng hàng loạt 60% là súng ngắn, 27% là súng trường và 10% là súng hoa cải. Cụ thể hơn, chương trình Evening News của Đài CBS cho thấy những thảm kịch như ở Orlando (49 người chết), Roseburg (9), Newton (20 trẻ em lớp 1 và 6 người lớn), San Bernardino (22) và Aurora (12) được thực hiện với súng trường chuyên dụng của quân đội AR-15 hay các vũ khí tương tự.

Loại súng trường này được chế tạo cho quân đội sử dụng từ năm 1959, có thể mua được dễ dàng trên mạng và ở các buổi triển lãm súng. Việc bán các vũ khí sát thương dùng cho quân đội hiện chỉ được pháp luật điều chỉnh ở 6 bang tại Mỹ và bị cấm duy nhất ở bang Illinois.

Mà ngay cả ở bang này, một bác sĩ nhi khoa đã đệ đơn kiện đòi hủy lệnh cấm do cho rằng nó vi phạm Tu chính án thứ 2 của hiến pháp cho phép người Mỹ quyền sở hữu vũ khí. Ông này dường như không thấy có gì mâu thuẫn giữa lời thề Hippocrates yêu cầu không được hại người của ông với việc sở hữu thứ vũ khí mà ngày 14-12-2012 đã cướp đi mạng sống của 20 học trò lớp 1.

Theo Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA), súng trường AR-15 là loại vũ khí phổ biến nhất ở Mỹ và người Mỹ hiện đang sở hữu khoảng 5 triệu khẩu súng như thế. Một biểu đồ đáng sợ trên báo The New York Times, các vũ khí được sử dụng trong 16 vụ xả súng gần đây nhất đều được mua hợp pháp, thường xuyên là sau khi đã trải qua kiểm tra theo tiêu chuẩn liên bang.

Tối thiểu 8 tay súng từng có tiền án hay vấn đề về tâm thần được ghi nhận trong hồ sơ.

Căn bệnh cần được chữa

Nước Mỹ hẳn phải là quốc gia công nghiệp phát triển duy nhất, mà khi bạn nhìn thấy một đứa trẻ chơi với thứ gì đó giống như súng thì giả định nghiễm nhiên sẽ là: đó là súng thật. Đó là một căn bệnh thật sự.

Nhưng cách chữa trị cho căn bệnh lẽ ra dễ chữa và có thể phòng ngừa được này, thông qua các chính sách của nhà nước, lại gây tranh cãi một cách đáng thất vọng và không mang lại lợi lộc gì cho nhiều người nắm quyền khi triển khai nó.

Đồng ý là những ai đã làm giàu nhờ bán những công cụ cho các vụ xả súng giết người hàng loạt sẽ mất nhiều lợi lộc nếu các chính sách hạn chế súng được triển khai mạnh tay, nhưng thật khó để lập luận logic chống lại những chính sách như thế. Trang Vox đã đưa ra một so sánh về thực tế sở hữu vũ khí ở Mỹ và các nước phát triển có chỉ số phát triển con người tương đương.

Từ năm 2000-2014, Mỹ chứng kiến 133 vụ xả súng giết người hàng loạt, không kể tội phạm băng đảng và khủng bố, cao nhất theo tỉ lệ bình quân đầu người ở các nước phát triển. Phần Lan xếp thứ 2 với 2 vụ trong khoảng thời gian đó. Từ năm 2000-2013, số người thiệt mạng do súng ở Mỹ cao hơn số người chết vì AIDS, ma túy, khủng bố và chiến tranh cộng lại.

Số người sở hữu súng ở Mỹ vượt xa các nước giàu khác bao gồm Hà Lan, Thụy Sĩ, Na Uy, Canada, Đức, New Zealand, Ireland, Úc và Đan Mạch. Tất cả các nước đó đều đòi hỏi giấy phép nếu muốn sở hữu vũ khí, hồ sơ người sở hữu và lý do mua súng được tập hợp thành một bộ dữ liệu quốc gia, cũng như yêu cầu nghiêm ngặt về việc cất giữ và sử dụng an toàn.

Mỹ không đòi hỏi bất cứ điều nào trong số đó ở cấp độ liên bang. Các nhà nghiên cứu ở Trường y tế công Harvard và Đại học Northeastern đều đã xuất bản các nghiên cứu hợp tác với FBI chỉ ra rằng những vụ xả súng ở Mỹ đang xảy ra ngày càng thường xuyên.

Từ năm 1984-2011, trung bình mỗi 200 ngày có một vụ, trong khi sau năm 2011 thời gian rút lại còn 64 ngày một vụ. Cứ cho rằng vụ xả súng ngày 12-6 là một hành động khủng bố có tổ chức thì tại sao chỉ 14 ngày sau vụ San Bernardino, một quốc hội mà phe Cộng hòa chiếm đa số lại bỏ phiếu chống lại một dự luật nhằm ngăn chặn những kẻ bị tình nghi là khủng bố mua vũ khí?

Tôi xin được nhắc lại rằng dù thuộc về một mạng lưới khủng bố hay là một kẻ cực đoan hành động đơn độc, Mateen từng bị FBI điều tra hai lần vì tình nghi liên hệ với khủng bố vào các năm 2013 và 2014.

Chúng ta phải và có thể làm hơn thế để ngăn chặn những Omar Mateen, Adam Lanza hay Dylann Roof tiếp theo, để thúc đẩy một nền văn hóa cùng một thực tế mà một đứa trẻ 12 tuổi chơi súng đồ chơi thì không ai nghĩ đó là súng thật và để tạo ra một xã hội mà quyền học tập, thờ phụng, quyền sống và yêu thương của chúng ta không bị lòng tham và tham vọng quyền lực của một số ít chính trị gia, hay của nhóm vận động cho quyền sở hữu súng hùng mạnh và không biết liêm sỉ bóp nghẹt.■

Những kẻ xả súng trong vụ San Bernardino cũng đã mua hai khẩu súng ngắn ở một cửa hàng súng hợp pháp và hai vũ khí sát thương khác từ một người hàng xóm. Christopher Harper-Mercer - kẻ vào ngày 1-10-2015 đã sát hại 9 người ở Đại học cộng đồng Umpqua, Oregon - sở hữu 14 khẩu súng đều hợp pháp. Ngày 17-6-2015, Dylann Roof giết chết 21 người ở một nhà thờ của người Mỹ da đen bằng một khẩu súng mua hợp pháp dù đã có tiền án về tội tàng trữ ma túy. Adam Lanza sát hại 20 trẻ nhỏ và 6 người lớn bằng súng trường Bushmaster XM-15 và súng trường Savage Mark II 22 li, cả hai nằm trong bộ sưu tập vũ khí rất lớn của mẹ. Hắn cũng đã giết cả mẹ mình bằng súng trong bộ sưu tập của bà ấy.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận