Phía bên ngoài Brussels

KIỀU BÍCH HƯƠNG 07/04/2016 02:04 GMT+7

TTCT - Sáng chủ nhật trước lễ Phục sinh, tôi hỏi một chị bạn ở Brussels: “Giờ em lên cửa hàng Việt ở đó mua chút đồ được không?”. “Đi Antwerp, Leuven... mua tạm đồ Thái đồ Tàu chứ Brussels quân đội đầy đường, súng ống đầy người, con trẻ nhìn thấy không khéo ám ảnh đấy”.

Cảnh sát Bỉ bảo vệ một khu tưởng niệm những nạn nhân của vụ tấn công Brussels -abc7.com
Cảnh sát Bỉ bảo vệ một khu tưởng niệm những nạn nhân của vụ tấn công Brussels -abc7.com


 Khái niệm tạm thời “bình yên phía bên ngoài Brussels” cũng nhanh chóng lung lay khi cảnh sát lần theo dấu vết khủng bố - khám nhà lan sang cả Mechelen, Duffel, còn các nhóm hooligan xuất phát từ Vilvoorde đã kịp hẹn tuần này lại gặp nhau chính ở Molenbeek để biểu tình.

Hậu Brussels: sau cực đoan là cực hữu?

Sau Paris là Brussels. Người ta đã nói vậy sau sự kiện 22-3-2016 đau thương xảy ra với Brussels. Vậy sau Brussels là...? Chưa kịp qua một tuần choáng váng, khoảng 450 hooligan - các thành phần cực hữu - đã đổ về Brussels gây náo loạn.

Thành phố Vilvoorde có khoảng 25% dân số là người Hồi giáo, vốn nổi tiếng là hang ổ của những phần tử cực đoan giờ cũng là nơi hình thành nhiều nhóm hooligan nhất. Sống giữa cực hữu và cực đoan, bình yên còn chốn dung thân?

Còn nhớ sau khi Paris bị khủng bố khoảng một tháng, giáo viên chọn tôi và M.E - người Bỉ gốc Morocco - cùng vào phòng thi vấn đáp để kết thúc một khóa học tiếng địa phương. “Anh muốn làm nghề gì khi thành thạo tiếng địa phương?” - tôi hỏi M.E. Người đàn ông trung niên sôi nổi: “Tôi thấy cha mẹ ở Bỉ cho con ăn đồ fast-food nhiều quá.

Ẩm thực của người Hồi giáo chúng tôi chủ yếu là món ăn từ rau quả, hải sản, rất tốt cho sức khỏe. Tôi muốn mở một nhà hàng chế biến món chay phù hợp khẩu vị trẻ em”. Tôi và giáo viên người Bỉ đều hào hứng: “Tuyệt quá, làm ngay thôi M.E”. M.E khổ sở vặn vẹo những ngón tay khô vào nhau vài giây mới nói: “Nhưng tôi có cảm giác người ta không thoải mái, hay lảng tránh mỗi khi tôi ra phố.

Do mặt tôi khó gần hay còn lý do nào khác?”. Đến lượt chúng tôi lúng túng trước M.E: “Anh nhạy cảm quá thôi M.E”.

Nhưng ngay việc làm một người châu Âu bây giờ có sung sướng gì hơn không? Bọn trẻ Bỉ nghĩ gì khi nghe chiến binh Hicham Chaib của IS phát biểu trong video đe dọa mới bằng chất giọng Antwerp thứ thiệt - ngôn ngữ chính của vùng Flanders thuộc Bỉ?

Nora - 13 tuổi, con gái của bạn tôi - đứng trước màn hình thời sự phiên dịch cho người mẹ nhập cư gốc Á: “Anh ta là dân Antwerp nhưng lại nói Bỉ không học được gì từ khủng bố ở Paris. Brussels bị khủng bố chính vì vẫn tiếp tục cuộc chiến chống lại đạo Hồi và người Hồi giáo...”.

Dịch xong, Nora chợt hỏi: “Khi bọn con cãi nhau hoặc đánh nhau ở trường, giáo viên hay yêu cầu giải thích, thầy hiệu trưởng cũng lắng nghe chúng con nói lý do rồi hòa giải. Chúng con lại chơi với nhau. Sao người lớn không làm như vậy?”.

Gần đây tôi hay xem chương trình truyền hình thực tế Trở lại bản quán của kênh Vier: Sáu nhân vật nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực và tham gia hoạt động chính trị tại Bỉ cùng đến các trại tị nạn, trò chuyện với kẻ buôn lậu người và trải nghiệm con đường vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hi Lạp - đúng hành trình nhiều dân tị nạn đã liều mạng sống mong cập bờ thiên đường Âu châu.

Trước khi vào tìm hiểu một trại tị nạn, họ được cảnh báo phải luôn đi cùng nhau, nếu rơi vào tay bọn bắt cóc hoặc khủng bố, giá chuộc mạng một người Âu da trắng là 10 triệu đôla. Ở Thổ, Zuhal Demir - 35 tuổi, người gốc Thổ - Kurd nhưng sinh ra và lớn lên ở Bỉ, hiện là luật sư - đã hỏi mấy thanh niên Syria cố gắng tìm đường vào Bỉ: “Tại sao các người nghĩ vào Bỉ cuộc sống sẽ tốt hơn?

Bỉ hiện có khoảng 600.000 người thất nghiệp, không dễ tìm việc, liệu cuộc sống có dễ dàng hơn không?”. Một người Thổ hỏi: “Các người có thể giúp 1,2 triệu người tị nạn Syria ở đây sang châu Âu không?”. Nhóm người mang quốc tịch Bỉ lắc đầu: “Giải pháp tốt nhất chính là chấm dứt chiến tranh”.

Gửi đứa con chưa ra đời

Thời điểm này, bộ phim Batman v Superman: Dawn of Justice của Mỹ cũng phát hành ở Bỉ. Tài tử Ben Affleck - vai Batman - trong phần trả lời phỏng vấn phóng viên Bỉ đã bày tỏ sự tiếc thương nạn nhân vụ khủng bố ở Brussels: “Những nơi tuyệt đối an toàn trên thế giới này ngày càng hiếm dần.

Chúng ta cảm thấy sợ hãi hơn nếu đánh mất kiểm soát. Phim siêu nhân nổi tiếng vì tạo cảm giác các anh hùng sẽ giúp thế giới an toàn hơn. Có lẽ cần có nhiều siêu nhân và người dơi hơn nữa”. Phần chia sẻ của nữ diễn viên Amy Adams tham gia phim này gần gũi hơn: “Tôi có một con gái và thỉnh thoảng cũng thấy sợ khi đi du lịch.

Trái tim người mẹ như tôi cảm thấy thật khó khăn để nuôi nấng và bảo vệ con mình trong thế giới đang trở nên thật khác lạ”.

Nhưng tôi tâm đắc hơn cả với dòng nhận xét của một khán giả Việt về bộ phim này - Batman v Superman: Dawn of Justice: Fanboy sẽ phát cuồng, người thường thì chưa chắc.

Ở đời thực, trước mắt tôi không có ai bay lượn mà lúc này chỉ thấy một người bạn Singapore hằng ngày vẫn lái xe chở con vào Brussels học tâm sự: “Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ đưa con về Singapore để được an toàn hơn. Cuộc sống của tôi bây giờ là ở Bỉ”.

Còn Sneha Mehta đang mang bầu 16 tuần, thoát chết trong vụ khủng bố ở Brussels tuần trước đã viết thư cho đứa con chưa ra đời đăng trên một tờ báo địa phương: “Con thân yêu. Mẹ không biết khi nào con mới đọc được những dòng này.

Nhưng khi con mới 16 tuần tuổi, mẹ và cha đã thoát chết trong vụ khủng bố ở Brussels. Chính lúc đó mẹ cảm thấy sự tồn tại của mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết và mẹ bình tĩnh vì biết rằng phải bảo vệ con... Mẹ hi vọng con sẽ ra đời, lớn lên trong một thế giới tốt hơn hiện tại. Nhưng nếu thế giới khi ấy vẫn không thật sự như ý thì mẹ mong rằng con sẽ làm tất cả để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận