​Phía sau những ký hiệu

NGUYỄN LƯƠNG HẢI KHÔI 23/06/2015 23:06 GMT+7

Khổng Tử suốt thời là một người đi từ nơi này sang nơi khác kiếm một chỗ làm quan nhưng không thành. Như Sử ký Tư Mã Thiên đã chép, Khổng Tử thích thú khi có người nói đúng bản chất của mình là “chó nhà tang” - kẻ chưa từng tìm được sự tự tại trong tâm trí, tinh thần bơ vơ như chó khi chủ nhà có tang, không ai đoái hoài tới.

Ảnh: Lê Thiết Cương

Trong số những người thầy cổ đại, thầy Khổng không đủ thông minh nhìn ra “thế của sự vật” như Hàn Phi để biết cách thay đổi xã hội một cách thực tiễn. Tư duy bị cầm tù trong các thiết chế xã hội đương thời, thầy không nhận ra tính ký hiệu của chúng như Lão Tử, Trang Tử để tinh thần phiêu du nơi miền tuyệt đối. Thầy không có cái dũng “uy vũ bất năng khuất” của Mạnh Tử, mà hành xử nương theo quyền lực “thời thịnh trị thì dấn thân, thời loạn thì lui về ẩn”. Thầy không mạnh mẽ “dân vi trọng”, “quân vi khinh” như Mạnh Tử. Tư duy về chữ “nhân” khi lạc trong mạng lưới các ký hiệu xã hội, thầy không đủ cảm xúc và trí tuệ để quan niệm một cách hệ thống về “tình yêu cao cả” như Mặc Tử.

Ở Trung Quốc, Khổng Tử chỉ trở thành “thánh” từ thời Đổng Trọng Thư, tức tận mấy trăm năm sau. Họ Đổng chấm dứt tự do ngôn luận, bãi bỏ bách gia, xây dựng chiến lược xiển dương “Khổng thánh” nhưng trị người bằng trí tuệ của Hàn Phi, thiết kế xã hội thành một nhà tù mà mỗi tù nhân chỉ nhìn thấy phòng giam của mình, còn kẻ gác tù thì thấy tất cả. Chiến lược của Đổng Trọng Thư được các triều đại Trung Quốc ngàn đời tiếp nối. Khổng Tử bị lịch sử biến thành một ký hiệu xã hội ảo, tức một “cái biểu đạt” mà “cái được biểu đạt” của nó chỉ tồn tại trong tâm trí đám đông, được xây dựng bởi hệ thống diễn ngôn chính trị, mà không biểu đạt bất kỳ thực tại có thật nào.

Những người tin rằng Hàn Quốc phát triển được nhờ văn hóa Khổng giáo… đã không nhìn thấy rằng chính Khổng giáo là vòng kim cô tinh thần nặng ngàn cân đội lên đầu những dân tộc thất bại trong cuộc hiện đại hóa hai thế kỷ trước. Nước Nho giáo duy nhất hiện đại hóa thành công, Nhật Bản, là nước đã “thoát Á” một cách triệt để, từ khoa học, giáo dục đến tinh thần. Bước chuyển mình mạnh mẽ của Hàn Quốc nửa sau thế kỷ XX và của Trung Quốc gần đây được tạo nên bởi cái phần hiện đại hóa - Tây phương hóa của nó, không phải bằng cái di sản đã ngàn năm kìm hãm họ. 

Không thể phủ nhận những đóng góp của Khổng Tử, ông đã để lại văn hóa hiếu học, nhưng sự học của ông là sự học để “làm người” thích hợp với cấu trúc xã hội có sẵn. Các học trò ngoan của ông không thể kiến tạo tương lai bởi họ ôm một niềm tin những gì cao quý nhất đều nằm ở quá khứ “Nghiêu Thuấn” trong huyền thoại. Yêu mến quá khứ, và với tư cách là ký hiệu trung tâm của Khổng giáo, ông thúc đẩy một truyền thống chép sử khổng lồ. Nhưng cái “sử học” của ông chưa từng là sự khám phá quá khứ thuần túy, mà là một công cụ phục vụ cho “giáo dục”. Các đệ tử của ông sẵn sàng chỉnh sửa lịch sử để phục vụ cho “giáo dục” mà hoàn toàn không cảm thấy có vấn đề gì về “đạo đức”. 

Với tư cách là một ký hiệu xã hội, ông góp phần tạo ra văn hóa “người quân tử” - luôn tự gán cho mình trách nhiệm gánh vác xã hội, “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Nhưng ngay trước và cùng thời Khổng Tử đã có bao nhà tư tưởng và nhà hành động đã gánh vác trách nhiệm xã hội theo cách của riêng họ. Vấn đề là từ ngày ông trở thành ông “thánh” độc tôn, mô hình người quân tử vốn dĩ hết sức phong phú và đa dạng ở Trung Hoa cổ đại đã thu hẹp thành “quân tử Khổng giáo”, mà mục tiêu lớn nhất của sự dấn thân là trở thành “quân sư” của kẻ nắm quyền lực, quân cờ danh giá nhất trên bàn cờ, bất kể kẻ nắm quyền lực ấy là ai.

Đền thờ là một ký hiệu xã hội. Ý nghĩa của nó nằm bên ngoài nó. Bức ảnh chụp 1 tỉ đôla không phải là bản thân 1 tỉ đôla. Nếu nghĩ một miếu thờ có thể “khuyến khích” tinh thần “hiếu học” thì cũng giống như hoan hỉ nhìn bức ảnh chụp 1 tỉ đôla mà tưởng tượng mình đang giàu có vậy.

Con người, ở cả quy mô cá nhân lẫn xã hội, thường nhầm lẫn “cái biểu đạt” và “cái được biểu đạt”. Ta thường bị tác động mạnh khi bức ảnh chụp chính ta bị đốt, dù ta biết bức ảnh không phải là bản thân ta. Ở quy mô xã hội, người ta cần những ký hiệu gần gũi để nghĩ mình sở hữu những thứ xa vời. Xây đền thờ Khổng Tử để phát huy học phong chỉ phản ánh một sự thật là học phong đất ấy đã không còn trong thực tại. Nếu tin rằng có thể phục hưng học phong xứ mình bằng cách xây đền thì thử nghĩ thêm xem quý vị có thể đem bức ảnh chụp 1 tỉ đôla vào gửi tiết kiệm ngân hàng được không?

Người ta sống với thế giới ký hiệu ấy cứ như thể chúng là bản thân thực tại, và chìm trong ấy họ không còn nhận ra một điều “đơn giản” rằng ngón tay chỉ về phía vầng trăng không phải là bản thân vầng trăng và không bao giờ biến thành vầng trăng được. Thiền sư Câu Chi đã chặt đứt ngón tay chỉ trăng của đệ tử để giúp chàng bừng tỉnh. Còn chúng ta, liệu chúng ta có thể tự vén đám mây mù của thế giới ký hiệu trong tư duy để nhìn thấy bầu trời thực tại? Để sống, để hít thở với thực tại này, vì hiện tại?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận