Phong Nha - Kẻ Bàng và cái giá của du lịch đại trà

TTCT - UBND tỉnh Quảng Bình đã cho phép Tập đoàn FLC khảo sát thăm dò, xây dựng tuyến cáp treo dài 5,2km đến Hang Én. Hội Cổ sinh - địa tầng Việt Nam, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam đã kiến nghị dừng dự án cáp treo tại Phong Nha - Kẻ Bàng.

Các nhà khoa học khuyến cáo hệ sinh thái trong Hang Én cần được bảo tồn nghiêm ngặt. -Ảnh: Ryan Deboodt
Các nhà khoa học khuyến cáo hệ sinh thái trong Hang Én cần được bảo tồn nghiêm ngặt. -Ảnh: Ryan Deboodt

 

Sơn Đoòng được công nhận lớn nhất thế giới, Hang Én lớn thứ 3 thế giới. Cả hai đều nằm ở vùng lõi cần bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Các khuyến cáo này hoàn toàn có cơ sở và phải được thực hiện nếu muốn bảo tồn kỳ quan thiên nhiên này.

Rất cần hiểu rõ xu hướng ngành du lịch trên thế giới, cái giá của du lịch đại trà và lý do ngành du lịch sinh thái bền vững xuất hiện và tồn tại, để từ đó thấy rằng mỗi quyết định phát triển du lịch không đơn thuần là quyết định mang tính kinh tế vì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khác.

Du lịch đại trà và hệ lụy

Ngành du lịch trên thế giới ngày nay đang chuyển hướng từ du lịch đại trà giá rẻ (mass tourism) lấy số đông để tăng doanh thu sang du lịch số ít, tạo giá trị gia tăng cao với trọng tâm bảo vệ môi trường vốn là đầu vào chủ yếu của ngành du lịch.

Theo Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), ngành du lịch có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, hơn cả ngành dịch vụ tài chính và ôtô trong thập niên vừa qua, chiếm đến 10% GDP toàn cầu, tạo ra 277 triệu việc làm (WTTC 2015), nghĩa là cứ 11 công việc trên thế giới thì có 1 công việc trong ngành du lịch.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng luôn tạo ra mặt trái. Ngành du lịch cũng có tác động tiêu cực lên môi trường tự nhiên và con người vì đây là đầu vào chủ chốt của ngành này, đặc biệt là du lịch đại trà.

Cũng như các ngành khác, luôn có sự đánh đổi trong phát triển du lịch. Một báo cáo của Tổ chức Liên Hiệp Quốc gần đây cho biết nếu nội hóa tất cả chi phí thì không ngành nào có lợi về mặt kinh tế cả (Trucost 2013).

Với du lịch đại trà, cái giá lớn nhất chính là môi trường. Có hai tác động rõ rệt. Thứ nhất là để đáp ứng nhu cầu thu hút du khách, cơ sở hạ tầng du lịch như đường sá, cáp treo, nhà hàng - khách sạn sẽ được xây dựng ồ ạt, tàn phá cảnh quan và môi trường ở địa phương chẳng may được chọn làm đích đến.

Tiếp theo là lượng du khách ồ ạt kéo đến. Môi trường đột ngột bị thay đổi, khả năng tiếp nhận (carrying capacity) của hệ sinh thái sẽ bị quá tải, dẫn đến khả năng tái tạo tự nhiên bị triệt tiêu. Thái Lan là một quốc gia có ngành du lịch phát triển mạnh đã và đang trả giá cho thành công này.

Hòn đảo xinh đẹp Koh Tachai trong công viên quốc gia Similan ở phía tây nam Thái Lan là một ví dụ. Toàn bộ hòn đảo đã bị đóng cửa vô thời hạn do lượng du khách quá đông, khiến toàn bộ hệ sinh thái nơi đây bị tiêu hủy và không còn khả năng tái tạo.

Ở đảo Koh Tachai, đã có lúc số du khách tăng lên đến 1.000 người, trong khi ngưỡng tiếp nhận của nó chỉ có tối đa 70 khách.

Nếu đi sâu vào những thành tích của ngành du lịch, ta sẽ thấy một bức tranh kinh tế khác hẳn. Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc từng ước tính doanh thu của ngành du lịch phần lớn chạy ra khỏi nền kinh tế địa phương ở mức trung bình là 55%.

Đối với những cộng đồng ở điểm đến sinh thái, con số này có thể lên đến 90%. Vậy phần lớn nguồn thu từ du lịch vào tay ai? Đó là các nhà điều hành tour, chủ đầu tư khách sạn hay cơ sở hạ tầng du lịch, hãng máy bay...

Ngoài tác động về môi trường và phân phối lợi ích theo hướng có lợi cho nhà đầu tư, du lịch đại trà còn ảnh hưởng đến văn hóa, lối sống của người dân bản địa khi tiếp xúc với du khách nước ngoài.

Mae Kampong là ngôi làng nổi tiếng nhờ cảnh quan và du lịch homestay vùng đông bắc Thái Lan, dù là điển hình về du lịch bền vững nhưng vẫn trả giá vì những thay đổi về giá trị, bản sắc và văn hóa bản làng theo hướng Tây hóa.

Cửa Hang Én phía dưới. Ảnh: Ryan Deboodt
Cửa Hang Én phía dưới. Ảnh: Ryan Deboodt

 

Du lịch bền vững và bảo tồn

Chính vì vậy, tính bền vững dần trở thành trọng tâm của ngành du lịch. Phát triển du lịch phải dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững của Ủy ban Thế giới về môi trường và phát triển, trong đó “sự phát triển đáp ứng nhu cầu của các thế hệ hiện tại mà không phương hại đến khả năng các thế hệ tương lai đáp ứng nhu cầu của họ”.

Theo đó, ngành du lịch thế giới đã dần chuyển hướng chú trọng vào quy mô nhỏ, giá trị cao, giảm tối đa tác động của con người lên môi trường thiên nhiên, bảo vệ được di sản văn hóa của cộng đồng địa phương và đảm bảo phúc lợi kinh tế cho các bên liên quan.

Với loại hình du lịch sinh thái, Tuyên bố Quebec 2002 đã đưa ra bốn nguyên tắc như sau:

- Bảo tồn di sản thiên nhiên và văn hóa.

- Phải có sự tham gia của cộng đồng địa phương vào quy hoạch, phát triển và vận hành du lịch, góp phần phát triển phúc lợi của họ.

- Phải chuyển tải được ý nghĩa di sản văn hóa và tự nhiên của điểm đến cho du khách.

- Thích hợp với khách lữ hành độc lập và nhóm nhỏ du khách có tổ chức.

Nguyên tắc bảo tồn được đưa lên hàng đầu trong tuyên bố này, được thừa nhận rộng rãi và trở thành kim chỉ nam cho các nước và ngành du lịch phát triển dựa vào môi trường sinh thái tự nhiên. Sự nhạy cảm của hệ sinh thái với các yếu tố ngoại lai đặc biệt được chú trọng.

Khái niệm năng lực hấp thụ do đó trở nên quan trọng khi quyết định phát triển du lịch được đưa ra ở những khu di sản tự nhiên như rừng hay công viên quốc gia.

Theo định nghĩa thì đây là ngưỡng chịu đựng các hoạt động du lịch mà nếu bị phá vỡ, môi trường của điểm đến sẽ dần bị triệt tiêu, sự thụ hưởng của du khách cũng sẽ giảm đi. Trường hợp ở Koh Tachai là ví dụ rõ rệt, khi năng lực hấp thụ tự nhiên bị phá vỡ mà nguồn thu từ du lịch không thể mua lại được.

Thái Lan là quốc gia phát triển du lịch chuyên nghiệp và thành công, nhưng vẫn phải trả giá về mặt môi trường vì đã lấy số đông làm mục tiêu.

Do đó, họ đã có quy hoạch và áp dụng triệt để nguyên tắc bảo tồn đối với các di sản mà thiên nhiên ban tặng cho mình.

Với Việt Nam thì sao? Không khó để thấy được xu hướng khuyến khích du lịch số đông đang diễn ra ở Sa Pa (Lào Cai) hay Bà Nà (Đà Nẵng).

Ai từng đến những nơi này đều dễ dàng nhận thấy rừng cây và hệ sinh thái bị phá bỏ như thế nào để dọn đường cho cáp treo và cơ sở hạ tầng du lịch. Việc quản lý môi trường yếu kém, tư duy khai thác của chủ đầu tư cùng ý thức bảo tồn kém của du khách sẽ dẫn đến những Koh Tachai ở Việt Nam.

Những di sản sinh thái nhạy cảm như Hang Én ở Phong Nha - Kẻ Bàng chắc chắn không thể là điểm đến du lịch đại trà, ngay cả việc phát triển du lịch sinh thái nơi này cũng đòi hỏi phải có kiến thức và ý thức bảo tồn ở mức cao nhất.

Chắc chắn năng lực hấp thụ của Hang Én và môi trường xung quanh là không lớn, nếu muốn duy trì vẻ đẹp sơ khai của nơi này.

Trước khi hiểu rõ năng lực hấp thụ tự nhiên cùng với lợi ích bảo tồn hay đóng góp phúc lợi cho người dân địa phương mà hoạt động du lịch mang lại so với tổn thất di sản, việc xây cáp treo chính là cách mở đường hiệu quả nhất cho loại hình du lịch phá hoại nhiều hơn đóng góp, vốn chỉ làm giàu cho nhà đầu tư theo như kinh nghiệm các nước.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận