Phục hồi loài báo đốm ở Mỹ thì có sao?

LÊ MY 16/05/2022 16:05 GMT+7

TTCT - Liệu việc gắn bản sắc dân tộc cho một loài động vật có thực sự đảm bảo sự trường tồn của chúng, hay như trong trường hợp của báo đốm Mỹ là sự hồi sinh?

Báo đốm (tên khoa học Panthera onca) là loài mèo lớn duy nhất được tìm thấy ở lục địa Mỹ, với khoảng 99% môi trường sống tập trung ở Trung và Nam Mỹ. Về phía bắc, báo đốm cũng từng lang thang đến tận Grand Canyon (Hẻm núi lớn) của Hoa Kỳ, nhưng đó là quá khứ. Một số nhà khoa học đang muốn thay đổi điều này.

Loài báo cần hồi cố hương

Thoắt ẩn thoắt hiện ở vùng biên giới, những con báo đốm đơn độc không hay biết rằng bản thân đã là “người nổi tiếng” với những cái tên rất kêu, chẳng hạn như El Jefe (Ông Chủ) và Sombra (Bóng Tối).

Ở Mỹ, mỗi lần có ai đó bắt gặp hoặc chụp được ảnh báo đốm - và sau cái gật đầu của cơ quan chức năng, báo chí địa phương và mạng xã hội sẽ được dịp rộn ràng. Vì sao ư? Bởi chúng là những con báo đốm hoang dã duy nhất còn sống trên đất Mỹ. Tất nhiên, chỉ bấy nhiêu là không đủ, nên Hoa Kỳ quyết định đã đến lúc đưa loài Panthera onca trở lại “quê cha đất tổ”.

Theo tính toán của một nghiên cứu năm 2021 trên tạp chí học thuật Conservation Science and Practice, tối đa 150 con báo đốm có thể sống sót trên một vùng đất rộng 20 triệu mẫu (khoảng 8 triệu ha), cụ thể là Khu vực phục hồi trung tâm Arizona/New Mexico (CANRA). Ý tưởng chủ đạo là bắt một số cá thể báo đốm ở quốc gia khác - Mexico hoặc Argentina, đem về Mỹ, thả vào địa bàn của các bộ lạc bản địa và đất của chính phủ liên bang.

CANRA đại diện cho một môi trường sống hoàn toàn khác biệt với các khu rừng rậm Nam Mỹ và Mexico, khiến nó có “giá trị độc đáo” trong việc phục hồi loài báo đốm, theo Eric Sanderson, nhà khoa học cấp cao tại Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS), tác giả chính của các nghiên cứu về CANRA. “Loài này (báo đốm) đã ở đây hàng ngàn năm, Chính phủ Mỹ và người dân Mỹ đã khiến chúng tuyệt chủng. Hành động cho thấy phải có trách nhiệm mang chúng trở lại", vị này nói với Vox.

Hiện nay, môi trường sống của loài báo đốm dưới sự bảo vệ của liên bang Mỹ nằm ở vị trí tiếp giáp với một khu bảo tồn thuộc bang Sonora của Mexico, ước tính có khoảng 200 cá thể. Chìa khóa để giúp phục hồi loài mèo lớn dũng mãnh này là liên kết hai quần thể lại: quần thể ở Sonora và một số cá thể được cho là đang sống ở Mỹ. Cả hai sẽ hợp thành một địa bàn rộng lớn hơn, trải dài hai phía biên giới Hoa Kỳ - Mexico. (Mà trở ngại đầu tiên trong nỗ lực này là “bức tường biên giới” của Donald Trump).

Nhưng có nên làm thế?

Không phải ai cũng tin rằng nỗ lực đưa báo đốm trở lại Mỹ là một việc làm có ý nghĩa về mặt chính trị lẫn khoa học.

Theo phe phản đối, nguồn lực nên được tập trung vào việc nuôi dưỡng quần thể báo đốm hiện có ở miền bắc Mexico, hy vọng chúng sẽ gia tăng số lượng đến mức có thể chủ động di cư sang đất Mỹ. 

So với ý tưởng bắt/thả nhân tạo khá thô bạo và tốn kém ở trên, cách tiếp cận này thuận tự nhiên hơn. Theo Howard Quigley, giám đốc nhóm bảo tồn các loài mèo lớn toàn cầu Panthera, đề xuất của CANRA thật "đẹp" và đáng được thảo luận thêm. Dẫu vậy, riêng Panthera vẫn sẽ tập trung vào công tác bảo tồn báo đốm ở bên ngoài nước Mỹ.

Mặt khác, có ý kiến cho rằng còn lâu mới có chuyện xuất hiện một cặp báo đực - cái (có khả năng sinh sản) trên đất Mỹ. Bởi vì những con đực thường thích lang thang khắp một khu vực rộng lớn, địa bàn của chúng có thể trải dài hơn 50 dặm vuông (khoảng 130 cây số vuông). Trong khi đó, những con cái có xu hướng quanh quẩn gần khu vực sinh sản của chúng.

Trang Vox dẫn số liệu của Cơ quan Cá và động vật hoang dã Hoa Kỳ (USFWS): tất cả 7 cá thể báo đốm đực được phát hiện ở Mỹ kể từ năm 1996 đều đến từ phía nam biên giới, và hiện không có cặp sinh sản nào được phát hiện ở quốc gia rộng lớn này.

 
 Một con báo đốm đực được ghi nhận qua bẫy ảnh tại dãy núi Chiricahua ở Arizona vào năm 2017. Ảnh: BLM

Nguyên nhân khiến câu chuyện phục hồi báo đốm ở Mỹ trở nên đặc biệt phức tạp là vì cả hai phe của cuộc tranh luận hầu như sử dụng cùng một nguồn thông tin có phần thiếu sót: ghi nhận về những lần người ta phát hiện báo đốm. 

Ngoài ra, nếu báo đốm thực sự đã từng lang thang qua các vùng của nước Mỹ ngày nay thì cảnh quan thời đó trông rất khác so với hiện tại: không có vùng ngoại ô trải dài, không có những bức tường biên giới cản đường động vật hoang dã, và có ít xe cộ chạy trên đường cao tốc hơn.

“Của Mỹ” thì được bảo vệ kỹ

Bên cạnh các thuật ngữ sinh học cao siêu, tương lai của những con báo đốm dường như còn đang phụ thuộc rất nhiều vào hai chữ “của Mỹ”. Đây cũng là lý do có câu hỏi liên quan đến “bản sắc dân tộc cho động vật” ở đầu bài.

Khi biến đổi khí hậu và tình trạng mất mát môi trường sống hoang dã đang ảnh hưởng đến hầu như tất cả sự sống trên Trái đất, câu hỏi đặt ra là: Loài người sẽ ưu tiên bảo tồn loài nào? Nếu hình tượng báo đốm Mỹ lâu nay được xây dựng đầy “tính Mỹ”, liệu điều đó có khiến chúng đáng được cứu vớt hơn những loài khác hay không?

Với bộ sưu tập của WCS, bao gồm hàng trăm lượt ghi nhận báo đốm trong vòng 200 năm qua, Sanderson và các chuyên gia động vật hoang dã khác hy vọng có thể thay đổi nhận thức của người dân Mỹ về vị trí của báo đốm trong câu chuyện lịch sử Hoa Kỳ. Với nguồn lực bảo tồn có hạn và một danh sách các loài bị đe dọa ngày càng dài thêm, ý nghĩa văn hóa của một loài có thể tăng sức nặng cho câu chuyện bảo vệ loài đó.

Một ví dụ khác cho chiến thuật “bản sắc quốc gia” là chim hồng hạc ở Florida, Mỹ. Các nhà khoa học tại Sở thú Miami đã dành nhiều năm để nghiên cứu những lần hồng hạc được phát hiện ở Florida, với mục đích chứng minh đây là loài bản địa, từ đó chúng xứng đáng có cơ hội “tái xuất giang hồ”. 

Tuy vậy, bất chấp các nỗ lực vận động, hồi tháng 5-2021, Ủy ban Bảo tồn động vật hoang dã và cá Floria đã bỏ phiếu không chấp thuận tăng mức độ bảo vệ cho hồng hạc. Trong khi đó, những nghiên cứu đột phá về hệ gene cũng đã giúp thuyết phục được các quan chức rằng sói xám Mexico là một loài riêng, bản địa, của miền tây Hoa Kỳ và do đó đáng được bảo vệ.

Phải nói thêm rằng sự đồng thuận của công chúng cũng rất quan trọng đối với bất kỳ nỗ lực phục hồi động vật hoang dã nào, đặc biệt là với các loài có khả năng làm hại gia súc. Tỉ như chiến dịch đưa những con sói xám trở lại Vườn quốc gia Yellowstone (Mỹ) vào những năm 1990 đã bị các chủ trang trại và thợ săn phản đối dữ dội.

Cuối cùng, câu chuyện phục hồi của loài bò rừng ở Great Plains (Đại Bình nguyên) của Mỹ có thể là một mô hình tiềm năng cho báo đốm. Hàng chục năm sau khi những người định cư da trắng đẩy bò rừng đến sát bờ tuyệt chủng, hiện có hơn 60 bộ lạc cùng quản lý đàn bò rừng 20.000 con. 

Roger Fragua, giám đốc điều hành của Flower Hill Institute, một nhóm môi trường làm việc với các bộ lạc, nói với Vox: ý tưởng ở đây là xem bò rừng như một loài “quốc thú” và điều đó sẽ giúp kéo chúng khỏi bờ vực tuyệt chủng.■

Vào thế kỷ 20, Chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu công cuộc… tiêu diệt những kẻ săn mồi, trong đó có báo đốm, nhằm bảo vệ sự bành trướng của đô thị và ngành chăn nuôi của phương Tây. Cùng lúc đó, môi trường sống của báo đốm cũng giảm đáng kể. Thế là đến những năm 1960, loài mèo hoang dã lớn nhất Bắc Mỹ đã vắng bóng ở nước này.

Ban đầu, USFWS không xếp báo đốm “nội địa” vào Đạo luật về các loài nguy cấp (ESA) năm 1973. Nhưng tổ chức này lại xếp báo đốm “nước ngoài” - từ Mexico và Nam Mỹ - vào ESA năm 1975, dù trên thực tế, chỉ có duy nhất loài báo đốm! Trong mắt chính phủ liên bang thời bấy giờ, bất kỳ con báo đốm nào được trông thấy ở phía bắc biên giới hẳn phải di cư từ Mexico, chứ không phải “của Mỹ”. Ngày nay, báo đốm được liên bang bảo vệ ở một phần phía nam Arizona và New Mexico.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận