​Phục kích “hàng bay”

HOÀNG KHANG 20/05/2015 01:05 GMT+7

Một buổi trưa trước cổng đoàn tiếp viên hàng không (đường Hồng Hà, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM) tôi nhìn thấy hình ảnh không bình thường: một nữ tiếp viên hàng không (TVHK) vừa kéo hai chiếc vali to đùng ra cổng thì có hai phụ nữ ào đến. Một người nhanh tay đón hai chiếc vali lên xe, người còn lại móc xấp tiền dày cộm trao cho cô TVHK rồi đường ai nấy đi...

Đầu nậu nhận hàng từ chợ..... đưa về quán cà phê.......... TVHK và đầu nậu "mổ" hàng...

Nhiều ngày “phục kích” tại đây tôi nhận ra đó chính là cảnh mua bán “hàng bay” (hàng xách tay từ nước ngoài về bằng đường hàng không) giữa TVHK và các đầu nậu. Do hàng hóa ở nước ngoài rẻ hơn tại VN nên các TVHK tranh thủ mua về bán kiếm lời.

Sôi động chợ "hàng bay"

15g25 ngày 29-4, trước cổng đoàn TVHK có khoảng năm đầu nậu (hai nam, ba nữ) đang nôn nóng chờ hàng về. Thấy xe đoàn TVHK quẹo vào cổng, cả nhóm nhốn nháo như cái chợ. Khoảng 10 phút sau, một nữ TVHK vẫn còn nguyên bộ áo dài truyền thống lặc lè kéo một vali to và một túi màu đen từ trong cổng đi ra.

Một người đàn ông đang chờ sẵn nhanh tay đón hàng đưa lên xe, buộc dây cẩn thận. Hai người to nhỏ gì đó rồi chia tay. Người đàn ông xuất phát từ đường Hồng Hà, quẹo Bạch Đằng, Nguyễn Văn Công, Hạnh Thông, Phạm Ngũ Lão rồi thẳng hướng Nguyễn Oanh lên Phan Văn Trị (Gò Vấp).

Đến trước một trường mầm non trên đường Thống Nhất, người đàn ông dừng xe móc điện thoại gọi cho ai đó rồi tiếp tục chạy đến trước tiệm bán đồ điện cách đó 1km. Chừng như đã thông thuộc, chiếc xe chạy thẳng vào sân. Người đàn ông đưa hàng vào trong nhà. Cánh cửa đóng sập lại.

Trở lại “chợ hàng bay” trời đã chạng vạng. “Chợ” vẫn “họp” công khai trước cổng đoàn TVHK. Cảnh giao nhận hàng giữa TVHK và đầu nậu trở thành một hình ảnh quen thuộc. “Ấn tượng” nhất vẫn là những nữ TVHK luôn tất bật với những chiếc vali ngoại cỡ trên tay.

Họ bận rộn đến mức lúc nào cũng diện nguyên bộ đồng phục áo dài truyền thống để giao dịch với đầu nậu. 18g10, một nữ TVHK đẩy một chiếc vali về phía một thanh niên đang đứng đợi bên kia đường. Cô TVHK mở vali lôi ra hai gói đồ đưa cho người thanh niên. Anh này nhanh tay nhét vào balô rồi móc tiền trả cho cô TVHK. Cuộc giao dịch diễn ra hết sức nhanh gọn. Cả người bán, người mua vui vẻ niềm nở, thậm chí chẳng cần kiểm tra hàng, đếm tiền.

Ông Lê TuẤn Bình (chi cục phó Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất):

KHÓ KIỂM SOÁT “HÀNG BAY”

Lâu nay phi công và TVHK của các chuyến bay quốc tế luôn nằm trong diện kiểm tra trọng điểm của hải quan. Tuy nhiên “hàng xách tay” vẫn lọt về VN là do đi qua nhiều đường, lực lượng hải quan rất khó kiểm soát, có khi ngoài tầm với. Một trong những đường đi của hàng xách tay là thông qua kho nội địa của các hãng hàng không. Hàng về sân bay sau đó nhờ các lực lượng làm nhiệm vụ mặt đất mang vào kho nội địa rồi tuồn ra ngoài. Lúc này hải quan không có trách nhiệm kiểm tra. Ngoài ra, một con đường khác khá phổ biến là từ các chuyến bay nước ngoài về hạ cánh ở một sân bay nội địa khác (transit), sau đó mới về tới điểm cuối. Lúc này các lực lượng chức năng lơi lỏng trong khâu kiểm tra, trong đó không loại trừ sơ hở ở khâu hải quan tại sân bay nội địa nên “hàng xách tay” vẫn có thể lọt qua. Tới đây hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất tăng cường hơn nữa công tác rà soát, kiểm tra trọng điểm đối với các đối tượng trong tổ bay để ngăn chặn “hàng xách tay” về VN.

Càng về đêm “chợ hàng bay” càng tấp nập. Lúc này các cuộc giao dịch thường diễn ra bên trong các hàng quán gần đoàn TVHK. 20g20, hai nữ TVHK mặc đồng phục khệ nệ kéo ra hai chiếc vali băng qua đường vào một quán ăn.

Có một phụ nữ và hai thanh niên đang đợi sẵn. Hai nữ TVHK bật nắp vali. Chiếc đầu tiên đựng đầy rượu ngoại. Chiếc vali còn lại chứa iPhone còn nguyên hộp, mỹ phẩm.

Sau khi xem hàng, người phụ nữ ra hiệu cho hai thanh niên chuyển hàng ra chiếc xe Honda Civic đang đậu trước cửa quán. Người phụ nữ rút chiếc ví móc một xấp tiền đưa cho hai TVHK. Hai người vừa ra khỏi quán thì có ba TVHK (một nam, hai nữ) bước vào.

Người phụ nữ nhanh nhẹn đỡ ba chiếc túi xách trên vai các TVHK mở ra xem rồi đưa cho hai thanh niên. Một xấp tiền dày cộp được chuyển sang cho ba TVHK.

Một số TVHK không giao hàng cho “đầu nậu” ngay tại cổng mà thuê xe ôm, taxi hoặc đưa cho người nhà “đánh” hàng về điểm tập kết (nhà riêng, quán cà phê...), sau đó mới đưa đi tiêu thụ.

Chiều 11-4, một cặp nam nữ đi SH chở chiếc vali kèm theo ba bao hàng từ “chợ hàng bay” về đến quán cà phê không tên trên đường Đống Đa (Tân Bình). Tại đây có một nữ TVHK còn mặc trên người bộ đồng phục ra tận cổng nhận hàng. Thấy tôi bước theo, một người đàn ông chặn lại “hôm nay quán không bán”.

Cô TVHK lúi húi mở vali lôi ra từng chiếc hộp iPhone, bọc kim loại màu trắng và nhiều gói hàng nhỏ đặt lên bàn. Trong khi đó người phụ nữ móc tờ giấy kiểm tra từng món đồ.

Mỗi chuyến bay nước ngoài, các TVHK được mang theo một vali hành lý to và một vali xách tay. Một số TVHK đã dùng những chiếc vali này làm phương tiện “đánh” hàng về bán.

Có TVHK tranh thủ giờ nghỉ giữa chuyến bay mua hàng về bán hoặc mua theo đơn đặt hàng của các đầu nậu. Một số đầu nậu còn có đầu mối ở nước ngoài mua sẵn, chỉ nhờ TVHK mang về và trả tiền công vận chuyển.

"Hàng bay" trên đường đi tiêu thụ

“Hàng bay” về đâu?

Ở “chợ hàng bay” có khoảng 20 đầu nậu hoạt động ngày đêm. Ngoài ra, mỗi đầu nậu có thêm 2-3 “đệ tử” làm nhiệm vụ đeo bám các TVHK, đóng hàng và chở hàng đi bỏ mối cho các chợ, trung tâm thương mại... Mỗi người có một mối hàng riêng, không ai tranh giành của ai.

Vợ chồng L., P., H. chuyên “đánh” mỹ phẩm, rượu ngoại, quần áo thời trang... T., M. “ôm” các loại smart phone, máy tính bảng, ống kính máy ảnh... V., M. “su” “canh tác” hàng trang sức... Một số đầu nậu còn đặt hàng TVHK mang cả vàng, kim cương. H. do bận buôn bán (kiôt hàng mỹ phẩm) ở chợ Bến Thành nên thỉnh thoảng xuất hiện kiểm hàng và chỉ đạo đàn em.

Vợ chồng L., P. do dám “đánh” lớn và chịu chơi đẹp (dám ứng tiền trước cho TVHK) nên nắm đa số các mối hàng lớn của TVHK.

Hằng ngày, các đầu nậu này nắm rõ lịch bay của các chuyến bay quốc tế để đón hàng về. Các chuyến bay từ châu Âu về thường “ăn” mạnh các mặt hàng thời trang hàng hiệu, mỹ phẩm, đồ trang sức, tân dược... Châu Á với các chuyến bay Singapore, Nhật, Hàn Quốc... chuộng các mặt hàng điện tử nhỏ gọn như iPhone, iPad, ống kính chụp ảnh, đồng hồ, máy quay phim chuyên dụng...

Tùy từng chuyến bay, các TVHK xách tay các mặt hàng “ve chai” (rượu, quần áo, sâm, nấm linh chi...) cho đến những mặt hàng có giá trị cao. H., một chủ tiệm điện thoại trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cho biết cách đây vài tháng anh lấy iPhone với giá cực rẻ của một nam TVHK. Nhưng gần đây nguồn hàng này bị “đứt” do TVHK này không còn làm việc nữa.

Hàng “xách tay” vừa xuống sân bay sẽ được các đầu nậu bao tiêu sản phẩm hết sạch. Từ đây, “hàng bay” tiếp tục cuộc hành trình đến nơi tiêu thụ, như trường hợp chiếc Hyundai bốn chỗ chở hai vali, ba thùng cactông, hai túi xách đến một trung tâm thương mại. Một phụ nữ cùng tài xế chuyển hàng vào một kiôt ở tầng 1.

Hay như trường hợp một chiếc Toyota đến “chợ hàng bay” chở đi năm bao màu xanh và hai vali hàng mà đầu nậu gom từ trước. Đến ngã tư Phú Nhuận chiếc xe vòng ra hướng ngã tư Hàng Xanh rồi dừng lại trước một tiệm bán thùng cactông. Tài xế bỏ xuống hai bao hàng rồi lên xe chạy ngược về hướng sân bay Tân Sơn Nhất. Một người làm công ở tiệm bán thùng cactông cho biết: “Họ chở hàng đến đây nhờ đóng thùng, dán băng keo kín mít, không biết đó hàng gì...”.

Sau khi hàng xách tay được thu gom về, các đầu nậu mang trực tiếp đến các cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại, quán bar, vũ trường... giao cho bạn hàng. Chợ Bến Thành được giới TVHK chọn làm nơi tiêu thụ đầy tiềm năng của “hàng xách tay”. Trong một ngày có đến bảy cuộc giao dịch diễn ra tại đây. Mặt hàng “ăn” nhất vẫn là mỹ phẩm.

Một số đầu nậu “đánh” số lượng lớn tập kết tại nhà riêng, sau đó mang đi tiêu thụ ở Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh miền Tây. Các mặt hàng rượu, mỹ phẩm, thời trang hàng hiệu, đồ trang sức, đồng hồ, máy ảnh, máy quay phim, iPhone, iPad... khi vào các cửa hàng, trung tâm thương mại có giá ngang bằng hàng nhập khẩu. Người tiêu dùng rất chuộng hàng xách tay của TVHK vì cho rằng đó mới là hàng ngoại, hàng chính hãng.

Không chỉ nhộn nhịp ngoài chợ, “hàng bay” còn quảng cáo, rao bán tràn ngập trên các cửa hàng trên mạng với giá chỉ bằng 2/3 giá tại các đại lý chính hãng. Có trang mạng còn giới thiệu những “tiết lộ gây sốc” về những mánh lới, kinh nghiệm “đánh hàng” của TVHK để tạo niềm tin với khách hàng. Một số TVHK còn nhờ người thân lập trang web đứng tên giao dịch, mua bán trên mạng...

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận