Quỳ gối

VĂN CƠ 19/12/2015 02:12 GMT+7

TTCT - Cúi xuống, quỳ xuống để cảm ơn, để trọng thị, để phục vụ đâu phải là những điều tiêu cực.

Minh họa: La Khuê
Minh họa: La Khuê

Mỗi khi nói đến chữ quỳ gối, ai cũng nhạy cảm khi liên hệ với điều gì đó nhục nhã, tủi hổ, hèn kém, thế nhưng vừa rồi người ta lại ca ngợi hết lời chàng sinh viên tân cử nhân Thái Lan Kalangnalong vừa tốt nghiệp Đại học Chulalongkorn khi anh quỳ gối trước xe rác của cha để cảm ơn công sinh thành dưỡng dục, và cô hoa hậu Thái Lan 2015 Mint Kanistha cũng quỳ gối trước người mẹ quét rác của mình với lý do tương tự.

Có lẽ có người từng ngại ngần trước cử chỉ cúi rạp mình xuống chào của người Nhật, nó có vẻ hạ thấp mình quá đáng, nhưng thật giật mình khi biết lối chào đó được dạy dỗ thành một nội dung hẳn hoi ở nhà trường và trong gia đình người Nhật, ý nghĩa không chỉ là sự tôn trọng người khác mà còn thể hiện lòng tự trọng bản thân của một cá nhân có giáo dục, trong một quốc gia có tính kỷ luật và tổ chức cao nhất thế giới.

Trong chương trình truyền hình Gương mặt thân quen nhí 2014, chàng ca sĩ Mỹ Kyo York lần nào trao đổi với ban giám khảo cũng quỳ một gối, để chân còn lại làm điểm tựa cho cô học trò nhỏ Uyên Nhi ngồi lên. Việc quỳ xuống để nâng người khác lên đã giúp anh ghi điểm về sự thân thiện trong lòng khán giả.

Một cậu thiếu niên Việt đi du học Singapore, một trong những bài học về giáo dục kỹ năng sống mà cậu được dạy là làm việc thử giày cho khách trong một tiệm giày. Khách sẽ ngồi trên ghế cao, đặt chân lên ghế thấp, còn cậu thì gần như quỳ gối một chân để giúp khách thử giày, lúc này chân khách gần như ngang với người cậu.

Nếu cậu làm khách vừa lòng, khách sẽ ghi vào bảng đánh giá và gửi cho chủ tiệm, căn cứ vào đó cuối tuần cậu sẽ được trả lương và có thể có thưởng nếu làm tốt. Sau đợt thực tập, chủ tiệm sẽ báo cáo về trường hợp của cậu với nhà trường. Đó là bài học “cúi xuống phục vụ người khác” ở một trong những quốc gia phát triển nhất thế giới.

Trong một lễ ra trường, các bé được thầy cô tổ chức hẳn một ngày giã từ tiểu học rất xôm tụ, mời cả phụ huynh đến dự, trong đó có nghi thức các bé sẽ quỳ xuống để cảm ơn cha mẹ mình. Chỉ là việc quỳ gối thôi mà phải họp mặt phụ huynh trước đó, quán triệt đường lối cả tuần, thuyết trình thuyết minh đủ cả mà có cha mẹ cứ giãy nảy lên bảo là... phong kiến (!?), cổ hủ, bất công, lạc hậu, màu mè, hình thức, tội nghiệp tụi nhỏ...

Thế nhưng cuối cùng mọi việc vẫn cứ diễn ra và thật bất ngờ, khi con trẻ quỳ gối ngân nga đọc bài thơ cảm ơn công ơn cha mẹ thầy cô, nhiều phụ huynh nước mắt cứ tự nhiên trào ra vì cảm động, thấy việc làm của mình thật sự có giá trị và được ghi nhận. Đó chẳng phải là một niềm hạnh phúc lớn lao sao.

Cúi xuống, quỳ xuống để cảm ơn, để trọng thị, để phục vụ đâu phải là những điều tiêu cực. Dường như ta quá quen với việc ngẩng cao đầu và thể hiện sự vượt trội như một thế mạnh phải đạt được bằng mọi giá, như một vị thế, một danh dự, một sự bất khuất lớn lao mà quên mất ý nghĩa tốt đẹp của việc cúi xuống để nhìn lại chính mình.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận