Rémy Camus và cuộc bơi dọc sông Mekong tìm giải pháp

QUANG THÁI 26/04/2014 20:04 GMT+7

TTCT - Vừa đến TP.HCM ngụ tại nhà một người bạn đồng hương ở quận 2 sau khi “lên bờ” ngày hôm trước, Rémy Camus tìm cách bắt nhịp trở lại cuộc sống bình thường của một người chỉ ngủ 4-5 giờ/ngày trong suốt hành trình.

Ngoài ra, anh phải làm quen với sự săn đón của giới truyền thông, như cuộc hẹn riêng với TTCT tại một quán cà phê ở quận 1.

Gần như kiệt sức khi đến Cửa Tiểu, Tiền Giang

 Trong bốn năm nữa, Trung Quốc sẽ đưa vào sử dụng tám đập thủy điện. Khi đó, chắc chắn vùng hạ lưu sông Mekong sẽ bị ảnh hưởng nặng vì những thay đổi về dòng chảy, dẫn đến những đảo lộn trong đời sống các loài cá, sinh hoạt của người dân hai bên bờ, thậm chí tai hại hơn là người dân đi tìm nơi khác để sinh sống. Tôi gọi thảm họa đó là sự ngu xuẩn của con người vì cứ liên tục muốn có nhiều hơn"

Rémy Camus

Rémy vui mừng sau hành trình

Năm nay 28 tuổi, từng chạy bộ xuyên nước Úc 5.400km trong 100 ngày, chàng trai người Pháp này rút ngắn hành trình của chuyến đi thứ hai xuống còn 4.400km, nhưng với thời gian dài hơn gấp đôi và dưới một hình thức mạo hiểm hơn: bơi xuôi dòng Mekong từ thượng nguồn ở Trung Quốc ra đến biển Đông.

Khởi đầu từ một quyển sách

Là quản lý một nhà hàng gần Geneva, Thụy Sĩ, Rémy nghĩ đến những chuyến đi từ cuối năm 2010 sau khi có dịp đọc suốt đêm một quyển sách viết về người đàn ông đã một mình chạy suốt chiều dài nước Mỹ. “Tôi vốn là người yêu thích thể thao và du lịch. Tôi nghĩ tại sao không tổ chức những chuyến đi tương tự mang tính nhân đạo” - anh kể.

Nghĩ là lên kế hoạch, năm 2011 Rémy lên đường sang Úc chạy bộ một mình từ Melbourne đến Darwin để vận động quyên góp tiền giúp những trẻ em bị một chứng bệnh di truyền có tên là hội chứng Lowe. Dưới thời tiết khắc nghiệt của khí hậu sa mạc và thiếu nước uống ở Úc, anh nghĩ đến đề tài tiếp cận nước sạch cho chuyến đi tiếp theo.

Không ít người thắc mắc vì sao Rémy chọn sông Mekong cho chuyến đi mà không phải là con sông nào khác, rằng liệu anh có mối liên hệ nào đó với con sông này, anh giải thích: “Về mặt đa dạng sinh học, sông Mekong chỉ thua sông Amazon ở Nam Mỹ, nhưng sông Mekong có tầm quan trọng đặc biệt về mặt xã hội, kinh tế, văn hóa… khi chảy xuyên qua sáu quốc gia gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, với khoảng 70 triệu dân sống hai bên bờ. Chỉ cần ở thượng nguồn có những hoạt động làm thay đổi môi trường sinh thái thì phía hạ lưu sẽ lãnh đủ tác hại”.

Rémy đã vượt qua khoảng 4.400km trên dòng Mekong, từ địa phận miền núi ở Trung Quốc ra đến biển Đông với điểm đến là Xóm Cửa Tiểu, Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang vào ngày 15-4.

Chỉ trên đoạn hành trình dài khoảng 205km ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Rémy mất hơn 15 ngày để ra đến biển Đông vì chế độ thủy triều không cho phép anh bơi như dự kiến, thậm chí có lúc “bơi tại chỗ” vì ngược dòng nước và phải bơi lúc trời tối thủy triều xuống dưới cái nhìn sửng sốt của những ngư dân đánh bắt cá ban đêm.

Để chuẩn bị cho chuyến đi bắt đầu từ ngày 8-10-2013 và kéo dài hơn sáu tháng này, trong đó tính cả một tháng bốn ngày bị kẹt tại Vientiane (Lào) do những rắc rối về quy định thủ tục và hiểu lầm của chính quyền địa phương, Rémy đã tập luyện mỗi ngày 1 giờ chạy bộ, bơi 10km và tập thể lực ở công viên.

“Tuy thực tế trải nghiệm rất khác xa, nhưng ít ra tôi cũng chuẩn bị được về mặt thể lực và tinh thần, vì đã bơi vài chục kilômet/ngày thì điều quan trọng chính là ý chí tinh thần” - anh khẳng định.

Với hành lý khoảng 30kg, trong đó có những thiết bị phục vụ chuyến đi, mỗi ngày Rémy bơi tùy theo kết cấu dòng chảy của Mekong. Những đoạn có đập thủy điện ở Trung Quốc, dòng sông chảy mạnh với vận tốc 25-30km/giờ, nhanh nhất là 36km/giờ theo như ghi nhận từ thiết bị GPS, Rémy bơi 45-50km/ngày mà không dám bơi nhiều hơn:

“Mỗi khi có tiếng động thật to nào đó là tôi dừng lại quan sát vì biết đâu có thể gặp thác ghềnh. Tôi mất nhiều thời gian kiểm tra như thế để tránh nguy hiểm vì chỉ có một mình. Khi dòng chảy chậm đi do phía Trung Quốc đang xây nhiều hồ tích nước và đập thủy điện, tôi chỉ bơi 25km/ngày”.

Hành trình trên sông Mekong của Rémy là nhằm tác động đến nhận thức của người dân về tiếp cận nước sạch và nạn ô nhiễm. Theo anh, đây không chỉ là vấn đề của các nước dọc theo sông Mekong mà của cả châu Á và thế giới.

“Tôi nghĩ có hai châu lục đang đối mặt với vấn đề tiếp cận nước sạch một cách tương phản: châu Phi và châu Á. Nếu như châu Phi thiếu nước trầm trọng thì châu Á lại rất dồi dào nguồn nước nhưng đang bị ô nhiễm ngày càng tăng” - anh nói.

Cùng với “chiếc bè“ này, Rémy đã bơi trên 4.400km - Ảnh: nhân vật cung cấp

Có nước sạch nhưng vẫn gây ô nhiễm

Trong chuyến đi của mình, Rémy mang sẵn tài liệu để ở những điểm dừng chân anh có thể tuyên truyền cho người dân địa phương về vấn đề tiếp cận nước sạch và tình trạng ô nhiễm. “Ở Trung Quốc, tôi có gặp một bác sĩ tại một ngôi làng nói được chút tiếng Anh. Qua tiếp xúc với người dân, tôi hiểu họ cũng muốn có những chuyển biến về môi trường vốn đang ngày càng ô nhiễm hơn.

Ở Lào, việc giao tiếp thuận lợi hơn vì sự cố bị kẹt lại ở thủ đô Vientiane hơn một tháng mang đến cho tôi cơ hội gặp được nhiều tổ chức, nhiều người dân. Ở Campuchia và Việt Nam, báo chí giúp tôi rất nhiều trong việc đưa tin sự kiện và gây sự chú ý của người dân mỗi khi họ bắt gặp tôi đang bơi”.

Về mặt chất lượng, nước sông Mekong ở thượng nguồn rất sạch, thậm chí Rémy có thể uống nước sông và nhìn thấy cá to bơi bên cạnh. Càng về hạ lưu thì nước càng đục và ở địa phận Campuchia và Việt Nam thì dòng sông giống như cái thùng chứa rác khổng lồ.

“Điểm chung trên dòng Mekong là ở đâu người dân cũng ném đủ thứ rác thải xuống dòng sông, ngay cả trước mặt tôi, cho dù ở một số vùng nông thôn người dân đã có hệ thống nước máy để dùng. Họ không phải dùng nước sông trong sinh hoạt, nhưng vẫn gây ô nhiễm nguồn nước như một thói quen bắt chước từ những người đi trước” - anh nói.

Khi được hỏi làm thế nào để đánh động ý thức người dân về ô nhiễm môi trường, Rémy nghĩ ngợi một lúc rồi nói: “Kim loại nặng trong nước thì không thể nhìn thấy được (theo một báo cáo của Lonely Planet năm 2012, lượng kim loại nặng gây ô nhiễm trên dòng Mekong đã vượt mức cho phép cả ngàn lần).

Rất nhiều người dân sống hai bên bờ sông Mekong không tiếp cận được với Internet và báo chí. Vậy thì tôi dùng máy tính cá nhân chỉ họ xem hình ảnh người ta đổ rác xuống sông mà tôi đã ghi hình ở những nơi khác để họ hiểu được mức độ ô nhiễm ra sao và cần phải hành động như thế nào.

Nếu phải thực hiện lại chuyến đi, tôi sẽ ghi hình những dòng sông ở Pháp hiện nay sạch ra sao. Cả chục năm trước đây, các cống rãnh đều dẫn chất thải đổ trực tiếp xuống sông. Vài năm gần đây, nước thải được thu hồi để xử lý trước khi dẫn ra sông. Kết quả là có loài cá chỉ sống trong môi trường nước sạch đã xuất hiện trở lại”.

Tại Pháp, Rémy hợp tác với bảy trường học để giải thích cho các học sinh hiểu rõ hơn những gì đang diễn ra ở nơi khác, qua đó anh hi vọng các bạn trẻ ý thức hơn về việc tiết kiệm nước sạch. Tại Việt Nam, anh đánh giá người dân khá nhạy cảm hơn với thông điệp bảo vệ môi trường, chẳng hạn anh nhìn thấy nhiều thùng rác đặt trên đường ở nông thôn. Thậm chí nhiều người nhắn gửi anh trên Facebook nếu như có làm dự án về nước sạch ở Việt Nam thì hãy liên hệ họ để được giúp đỡ.

“Trong cuộc sống còn có giải pháp chứ không phải chỉ có vấn đề. Khi tôi thông báo kế hoạch sẽ bơi trên dòng Mekong, rất nhiều người hoài nghi nhưng rồi tôi đã làm được. Tôi nghĩ công việc mình đang làm có chút ảnh hưởng nhất định. Có cả trăm người muốn làm điều gì đó để mọi việc thay đổi” - Rémy nhấn mạnh.

Sau hành trình bơi trên sông Mekong được tài trợ khoảng 20.000 euro cho việc chuẩn bị và mua thiết bị, Rémy dự tính trở lại châu Á vào đầu năm 2015 bằng một dự án liên quan đến việc cải thiện chất lượng nước, nếu như anh tìm được nhà tài trợ.

Rémy Camus dự kiến chỉ mất bốn tháng để bơi dọc sông Mekong từ Trung Quốc ra đến biển Đông. Anh đã chuẩn bị sẵn visa cho từng quốc gia. Nhưng tại Lào, anh gặp trục trặc do không có giấy phép đặc biệt để “bơi trên sông”, bị cảnh sát tịch thu hành lý, thiết bị và chỉ được trả lại sau một tháng.

Từ đoạn sông Mekong ở Campuchia, anh bị nhiều vết mẩn đỏ trên chân do ô nhiễm. Sau chuyến đi, anh phải hẹn gặp bác sĩ ở Việt Nam để thử máu xác định nguyên nhân các vết thương.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận