Sài Gòn vài góc chơi riêng

YẾN TRINH 23/09/2015 21:09 GMT+7

TTCT- Dù “đất chật người đông”, giới trẻ Sài Gòn bao năm qua vẫn có những sân chơi riêng đề cao tính cộng đồng và tinh thần hướng thiện. Hôm nay hay ngày mai, bạn trẻ lại có tin vui khi một sân chơi mới mở, một nhóm thiện nguyện ra đời...

Biểu diễn trượt ván ở khu tổ hợp giải trí En Dee-En Dee
Biểu diễn trượt ván ở khu tổ hợp giải trí En Dee-En Dee

4g chiều thứ bảy, không gian 1.200m2 của khu tổ hợp En Dee (huyện Nhà Bè, TP.HCM) nhộn nhịp hẳn lên bởi tiếng cười, tiếng nói và những âm thanh hào hứng xuất phát từ những gương mặt trẻ quanh các sân trượt ván, xe đạp biểu diễn, hip hop...

Bên trượt ván, bên đọc sách

Trượt ván (skateboarding) có lẽ là sân chơi “hot” nhất ở En Dee bởi chỉ sau vài màn biểu diễn ván trượt của một số người chơi, bạn trẻ đã tụ lại quanh sân theo dõi và trầm trồ. Sau khi làm động tác đẩy ván để di chuyển trên sân trượt, Hùng Phong (24 tuổi) điều khiển ván qua vài khúc cua, xoay người thực hiện động tác bay lên cao (blindside) điệu nghệ, nhiều tiếng vỗ tay vang lên.

Phong cho biết bản thân theo môn này được chín tháng nhưng ở Sài Gòn không có không gian thích hợp, nay En Dee có sân nên hầu như tuần nào Phong cũng đến.

“Tôi rất thích sân trượt ở đây vì thiết kế cho phép mình được thoải mái di chuyển và thực hiện các động tác khó” - Phong nói. Jim Clark (người Mỹ), cũng tham gia trượt với “đồ nghề” đầy màu sắc, cười tươi: “Tôi qua Việt Nam du lịch và được bạn bè giới thiệu nơi này. Tôi thấy hay đấy chứ!”.

Trượt ván là môn thể thao khá mới ở Sài Gòn nên khi Nguyễn Đức (28 tuổi) mở khu En Dee đã thu hút bạn trẻ tìm đến. Đức chia sẻ: “Thời gian học ở Úc, tôi thấy người ta có thể thoải mái trượt ván và xem đó như một phương tiện di chuyển, còn ở Việt Nam thì rất nguy hiểm khi mang ván trượt ra đường”.

Sau khi về nước, với sự giúp đỡ từ bạn bè, Đức đã tìm khu đất không quá xa trung tâm để dựng lên En Dee hồi tháng 1-2015. Không gian xanh của En Dee giúp người dân đến đây có thể chơi xe đạp biểu diễn, nhảy hip hop, vẽ graffiti (tranh phun sơn)... và thoải mái lựa chọn khu vực mình muốn với giá vé vào cổng 35.000 đồng/người.

Vẽ graffiti ở khu En Dee thu hút khá đông bạn trẻ tham gia-En Dee
Vẽ graffiti ở khu En Dee thu hút khá đông bạn trẻ tham gia-En Dee

Điều thú vị ở En Dee là nếu bạn không phải tín đồ của các môn thể thao hay nghệ thuật đường phố, bạn vẫn có thể đem theo một vài quyển sách hay chiếc máy tính và chọn chiếc bàn nơi góc vườn ngồi từ sáng đến chiều. Thu Thảo, sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM, cùng hai người bạn thỉnh thoảng ra đây thư giãn hoặc làm bài tập.

“Tuy hơi xa nhưng ở đây mát mẻ nên làm bài tập trung hơn và cũng là cách xả stress hiệu quả. Sài Gòn có được một địa điểm thư giãn như vậy để giới trẻ lui tới, nhất là dịp cuối tuần, chính là nguồn gió mát, tạo sự mới mẻ trong nhịp sống đô thị vốn dĩ quá ngột ngạt” - Thảo cho biết.

Ra đời đầu năm 2013, Saigon Outcast (Q.2) cũng sôi động không kém với những màn biểu diễn hip hop, vẽ graffiti và tổ chức các buổi biểu diễn ca nhạc, chiếu phim, triển lãm văn hóa... Trên ba thùng container được thiết kế thành ba ngôi nhà lệch tầng, bạn trẻ tìm thấy không gian cho những hoạt động sôi nổi, tìm thấy một cái tôi khác biệt giữa chốn thị thành.

Thư Huỳnh, 19 tuổi, vừa chớm đam mê với những đường vẽ đầy màu sắc graffiti cho biết khi đến với Saigon Outcast, Huỳnh được học hỏi rất nhiều từ các hội nhóm thuộc môn nghệ thuật đường phố này. Và dù ở En Dee hay Saigon Outcast, bạn trẻ muốn luyện tiếng Anh có thể bắt chuyện thoải mái với người nước ngoài, như lời Đức chia sẻ: “Thỉnh thoảng tôi tổ chức ngày “English day” cho mọi người cùng nói tiếng Anh. Sân chơi dành cho tất cả, bạn chỉ cần mở lòng là sẽ tìm thấy nhiều thứ hay ho”.

“Sàn catwalk” miễn phí

Nguyễn Thế Anh (27 tuổi, trưởng nhóm công tác xã hội Lá Đen) khi thấy một số thành viên có nhu cầu tập tành làm người mẫu đã nảy ra ý định mở lớp dạy catwalk miễn phí. Mượn phần không gian ở nhà hát Quân Đội (quận Tân Bình) và nhờ một người mẫu nam làm hướng dẫn, đều đặn mỗi tuần hai giờ vào chủ nhật, hơn 20 bạn trẻ lại đến tập từng động tác cho ước mơ người mẫu của mình.

“Ngày đầu các bạn được tập cách tạo dáng, nhìn thẳng phía trước, cách bước chân khi đi trên sàn diễn. Rồi dần dần học biểu lộ nét mặt, cách di chuyển phù hợp với trang phục...” - Thế Anh nói.

Người đến với lớp học này còn vì mục đích muốn bản thân tự tin hơn. Nguyễn Thị Vân, 22 tuổi, cho biết: “Tham gia lớp này thật sự rất có ích, mình đã biết cách bước đi tự tin ở chốn đông người thay vì sợ mọi người nhìn như trước đây”. Hết lớp này đến lớp khác, thành viên trong nhóm Lá Đen thấy hay lại rủ thêm bạn bè ở ngoài đến học, tạo một sân chơi thú vị mỗi cuối tuần.

Song song hoạt động catwalk, nhóm Lá Đen mở lớp dạy trang điểm từ tháng 3-2014. Thứ tư hằng tuần, các học sinh tề tựu tại nhà cô giáo Lưu Thị Tuyết ở đường Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận). Ai có son môi, mỹ phẩm thì mang theo, thiếu thì cô giáo cho mượn. Cứ vậy qua vài buổi, học viên có thể biết cách trang điểm cơ bản rồi nâng cao thành trang điểm dự tiệc, trang điểm theo các phong cách khác nhau...

Mới đây, lớp học làm diễn viên vào thứ bảy và chủ nhật mỗi tuần do Lá Đen tổ chức cũng khá thu hút bạn trẻ. Thế Anh cho biết lý do mở lớp xuất phát từ nhu cầu của nhiều bạn yêu thích diễn xuất nhưng không có điều kiện theo học trong trường điện ảnh. Lớp học mời một số diễn viên, nghệ sĩ có kinh nghiệm giảng dạy. Học viên có thể học từ 3-6 tháng tùy nhu cầu với mức học phí khoảng 500.000 đồng/tháng.

Nhóm thiện nguyện trẻ đang chơi nhạc xoa dịu nỗi đau các bệnh nhi ở Bệnh viện Ung bướu-YẾN TRINH
Nhóm thiện nguyện trẻ đang chơi nhạc xoa dịu nỗi đau các bệnh nhi ở Bệnh viện Ung bướu-YẾN TRINH

Chơi để người khác vui

Sôi nổi với lớp dạy catwalk và trang điểm, nhưng hoạt động chính của nhóm Lá Đen là những công tác thiện nguyện... không đụng hàng. 3g chiều, ở tầng hai khu bệnh nhi của Bệnh viện Ung bướu (Q.Bình Thạnh), tiếng guitar vang lên lúc dìu dặt, lúc sôi động.

Các bệnh nhi ngồi xung quanh hai thành viên đang chơi đàn là A San và Văn Việt, líu lo hát bài Trống cơm, Hoa hồng nhỏ. Cạnh đó, thành viên Tấn Huy thổi sáo phụ họa. Em Hoàng Văn Minh (14 tuổi, quê Đồng Nai), ở bệnh viện đã gần một năm, cho biết: “Có mấy anh chị đến đây em vui lắm. Em được hát và được nghe kể chuyện. Mấy anh chị còn làm bong bóng hình chú chó, bông hoa... tặng tụi em”.

Lúc nào đông thành viên tham gia thì có 6-7 cây guitar vang tiếng ở các phòng bệnh, lúc bận rộn thì nhóm còn 2-3 cây. “Mình mà không đến thì các bé lại mong ngóng, buồn xo. Vì vậy chiều thứ bảy nào mình cũng có mặt. Âm nhạc lạ lắm, mang niềm vui cho các bé rất đỗi tự nhiên” - A San chia sẻ.

Khởi đầu từ một buổi chiều cách đây một năm ghé bệnh viện đàn thử một bài cho các bệnh nhi nghe, thấy các bé yêu thích, Thế Anh rủ thêm thành viên nhóm đến và duy trì tới nay. Anh còn mày mò học cách làm bong bóng nghệ thuật, lần nào cũng tới sớm để cùng các thành viên tạo hình đủ loại con vật và đồ chơi.

Dần dần hoạt động của nhóm được cư dân mạng biết đến. Họ gửi những món quà, quần áo, bánh kẹo... nhờ nhóm trao cho bệnh nhi. “Gần đây nhóm còn có thành viên chơi trống, thổi harmonica nên các em rất thích. Nhóm sẽ cố gắng đem niềm vui đến cho cuộc sống chịu nhiều đau đớn của các em” - Thế Anh bộc bạch. Khi nào nhóm góp đủ tiền, xin được tài trợ, Thế Anh và các thành viên lại lên đường đến những vùng xa ở Kon Tum, Bình Phước, Đồng Nai... để trao quà và tổ chức vui chơi cho các thiếu nhi.

Nhóm thiện nguyện Hơi ấm Sài Gòn với hàng trăm thành viên tham gia dưới sự chỉ huy của “thủ lĩnh” Huỳnh Lê Tuấn (25 tuổi). Ngoài những hoạt động xã hội như chăm sóc người vô gia cư, quà cho bà con nghèo tỉnh xa..., Tuấn và các thành viên thường xuyên đến những nơi có hoàn cảnh khó khăn để ghi nhận các trường hợp cụ thể. Sau đó, Tuấn đăng những thông tin, hình ảnh ấy lên mạng xã hội.

Nhờ vậy, những mảnh đời bất hạnh nhận được sự chung tay giúp đỡ từ cộng đồng mạng. “Mỗi chuyến đi, tôi cảm nhận được sự chia sẻ mà bà con dành cho mình dù cuộc sống của họ rất khó khăn. Tôi mong tìm đến nhiều hơn với những mảnh đời mà ít người biết, giúp họ bớt khổ” - Tuấn nói.

Hội thiện nguyện Trái tim yêu thương do anh Lê Trương Thanh Tiến (36 tuổi) lập ra từ năm 2009 hiện có 50 thành viên chủ chốt và hơn 600 tình nguyện viên trên cả nước. Hội của anh chủ yếu giúp đỡ trẻ em khó khăn ở các tỉnh xa với nhiều chuyến đi đến các tỉnh như Đồng Tháp, Phú Yên, Đắk Lắk... Trung thu này, hội sẽ tổ chức chương trình “Trăng yêu thương” vui chơi và tặng quà cho khoảng 500 em thiếu nhi ở huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai. T

rước chuyến đi, hội đã gây quỹ bằng cách tổ chức tiệc buffet chay, đấu giá một số vật phẩm. Đồng thời các tình nguyện viên chia nhau đi thu nhận quần áo cũ, đồ chơi, truyện tranh... do cộng đồng ủng hộ.

Còn với CLB Nắng ấm yêu thương, sau ba năm ra đời, CLB đã tổ chức chương trình thiện nguyện cho bà con nghèo ở hơn 10 tỉnh thành. Tại TP.HCM, các thành viên thường giúp đỡ những người khó khăn thông qua thông tin trên mạng hoặc người quen giới thiệu. Để có kinh phí hoạt động, CLB tự mua nha đam về nấu nước bán mỗi tuần, rồi gom góp sau ba tháng lại tổ chức một chuyến đi.

“Chúng tôi tận dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin về kế hoạch thiện nguyện của mình, kêu gọi quyên góp sách vở, bánh kẹo cho trẻ em nghèo... Tuy nhiên, các thành viên luôn đề cao nguyên tắc tự kiếm tiền làm thiện nguyện. Ngay cả kinh phí di chuyển, ăn ở trong các chuyến đi mọi người cũng tự bỏ tiền túi” - Phạm Văn Tiên, thành viên ban chủ nhiệm của CLB, chia sẻ.

Chỉ vài ngày nữa CLB sẽ đến huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) để trao học bổng và tổ chức vui chơi cho các em học sinh. Tiên nói mỗi chuyến đi là một lần được trải nghiệm, được làm hết khả năng của mình để đem niềm vui đến cho người nghèo.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận