Sân chơi cho trẻ em: Sự khác biệt của thú vui và niềm vui

LƯU VĨ LÂN 31/05/2014 21:05 GMT+7

TTCT - Công nghệ, giao thông và những cách thức sử dụng đất đô thị đã làm thay đổi hoàn toàn lãnh địa vui chơi của trẻ em.

Trẻ em thả diều ở khu đô thị Nam Ân, quận 7, TP.HCM - Ảnh: Lê Thanh Hải

Sự thiếu vắng chỗ chơi cho trẻ không chỉ là một điều phiền muộn cũ nhàm đối với những đại đô thị như TP.HCM hay Hà Nội, mà còn là thực tế đang lan rộng đối với trẻ em ở khắp một Việt Nam đang đô thị hóa ào ạt. Các em chơi ở đâu bây giờ?

Khi cùng tòa soạn Tuổi Trẻ Cuối Tuần thảo luận về đề tài “Sân chơi cho trẻ em ở đô thị”, tôi cứ ngẫm nghĩ mãi về ba chủ thể của câu chuyện và nhận ra dường như cả ba: trẻ - đô thị - sân chơi khó mà ăn nhập vào nhau. Tại sao vậy?

“No country for... children”

Bộ phim đoạt giải Oscar năm 2007 với tựa No country for old men (Không chốn dung thân cho người già) không ăn nhập gì với nội dung bài viết trừ cái tên mượn tạm dùng cho tựa nhỏ nêu trên, bởi tôi luôn linh cảm “đô thị” và “trẻ em” là hai khái niệm hàm chứa sự mâu thuẫn tự thân.

Thử nghĩ xem, đô thị là nơi tập hợp người tứ xứ, càng nhiều người lui tới càng là một đô thị thành công; còn trẻ em lại non nớt và phải được chăm sóc ở nơi thân quen, an toàn. Đô thị thì rộng lớn, phong phú, đa dạng, phức tạp; trẻ em thì chỉ mới là mầm, cần được ươm và chăm sóc trong một cộng đồng nhỏ thanh bình: từ nhà qua hàng xóm, đường đi học, trường lớp, cây cỏ, các con thú cưng...

Đô thị là nơi cọ xát, cạnh tranh, thường là hung dữ; còn trẻ em thì bất lực, yếu ớt, ngây thơ... Chính vì đô thị là một môi trường khắc nghiệt với trẻ thơ nên Liên Hiệp Quốc phải đề ra ý tưởng xây dựng “Những thành phố thân thuộc với trẻ em” (Child friendly cities - CFC) và xem đây là một nội dung quan trọng nhằm cụ thể hóa Công ước về quyền trẻ em mà gần 200 thành viên của tổ chức này, trong đó có Việt Nam, đã thông qua.

Các CFC ngoài việc nhấn mạnh đến những quyền “to tát” của trẻ em trong thành phố (quyền có thể ảnh hưởng vào quyết định của thành phố, có thể phát biểu quan điểm về nơi mình sống, nhận được những chăm sóc cơ bản như giáo dục, y tế, nước sạch, vệ sinh phù hợp, được bảo vệ...) còn nhắm đến những điều rất đơn giản: quyền được đi bộ an toàn một mình trên phố, quyền được gặp và chơi với bạn bè, quyền có không gian xanh cho cây cỏ và súc vật, quyền tham gia các hoạt động văn hóa xã hội...

Tập trung vào những điều đơn giản này, tôi đã nhiều lần thử nghiệm đi bộ ở các quận 5, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh, tiến sâu vào hai quận nội thành sang trọng là quận 3 và quận 1, để rồi thấm thía rằng chỉ trừ vài con đường ở trung tâm quận 1 và quận 3, những nơi khác đều không thể đi bộ an toàn: không lề đường, hoặc lề đường gồ ghề, bị chiếm dụng hết, các dốc tự phát để dẫn xe lên lề cao thấp lố nhố...

Khi băng qua đường thì quá nguy hiểm, quá đông xe, đường quá hẹp, chạy lộn xộn, ngay cả khi đèn xanh cũng không qua được vì các xe liên tục quẹo phải, thái độ của người lái xe làm cho người lớn còn thấy bị đe dọa, đừng nói là “an toàn cho trẻ”.

Thành phố có quá ít cây mới được trồng, quá ít công viên được bảo toàn nguyên vẹn. Cả Sài Gòn chỉ còn cụm cây xanh ở khu dinh Thống Nhất, nối qua công viên Tao Đàn, hồ Con Rùa và vài con đường ở quận 3, quảng trường 23-9 ở quận 1 bị mở đường cắt ngang, công viên Lê Văn Tám nhỏ bé, công viên Lê Thị Riêng đông đúc và đầy xe... Rất khó tìm được một công viên nhỏ có cây xanh để tản bộ ở các quận khác.

Bấy nhiêu công viên, cây xanh làm sao gánh nổi lượng cư dân đang dần tiến đến con số 10 triệu người? Chỉ cần một đợt tái bùng nổ địa ốc nữa, nguy cơ lặp lại của hiện tượng biến các công viên thành mặt tiền cao ốc, đe dọa cắt xén công viên Gia Định hay ý đồ di dời Thảo cầm viên rất có thể sẽ xuất hiện ngay...

Thế hệ sinh ra trong những năm 1970 lùi đến người ngoài ngũ tuần như người viết bài đã trải nghiệm tuổi thơ như thế nào? Ít nhiều chúng tôi hiểu sân chơi của tuổi thơ thuở ấy: “Quê hương là đường đi học, quê hương là con diều biếc, tuổi thơ con thả trên đồng” của Đỗ Trung Quân, hay: “...Những ngày trốn học, đuổi bướm cạnh bờ ao, mẹ bắt được chưa đánh roi nào đã khóc!” trong Quê hương của Giang Nam, “Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy - bầy chim non khua nước bên sông - Tôi giơ tay ôm nước vào lòng” trong Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh...

Tất cả là một tuổi thơ đồng nội, những sân chơi hào sảng thiên nhiên. Ai lớn lên ở Sài Gòn những năm trước 1975 có thể có một trải nghiệm về tuổi thơ nửa đô thị, nửa ven đô.

Đô thị lúc ấy vẫn đậm nét của một khu vực rộng lớn ven đô tràn ngập cây rừng, đất hoang và sông rạch: Đa Kao (nay là khu phố dọc tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, vẫn còn tên phường Đa Kao, quận 1) vốn là một dải đất ven đô với một bên là trung tâm Sài Gòn và bên kia là tỉnh Gia Định, với sông rạch cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Thị Nghè - những cái tên nghe là biết quê liền - và đi một chút đến Lăng Ông là thấy cảnh Việt Nam cổ xưa ngay (ngày xưa cảnh quan Lăng Ông là một danh thắng cổ vốn là điểm du lịch ven đô nổi tiếng được in trên các sách du lịch đô thành Sài Gòn).

Biết là rất khó so sánh và không nên so sánh, nhưng không thể không thấy trải nghiệm của tuổi thơ Sài Gòn hôm nay là bé sơ sinh bị ôm kẹp giữa cha và mẹ trên xe máy, đầu trùm một chiếc khăn voan mỏng chống bụi để đi thăm... ông bà; là những năm đầu đời ngồi trên chiếc ghế mây kê trên chỗ để chân chiếc xe máy mẹ chở, ngủ gục trên chiếc gối hình con gấu đỡ đầu khỏi đụng tay lái để đến nhà trẻ, mẫu giáo; là bé 6-7 tuổi mà niềm vui duy nhất được biết đến thiên nhiên là các buổi chen chúc đến thăm cảnh nhân tạo ở Đầm Sen, Suối Tiên.

Suốt 12 năm học tập, nhiều cháu đến lớp 11, 12 (lớp “đệ nhị, đệ nhất” vào thời đấu tranh đô thị, nhiều học sinh đã là những lãnh tụ phong trào) rồi mà vẫn có bố mẹ đưa đón đến trường vì đường phố không an toàn...

Chuẩn bị cho một tuổi thơ thời “bêtông hóa”?

Số liệu của Liên Hiệp Quốc cho thấy số trẻ em ở thế kỷ 21 có trải nghiệm tuổi thơ ở đô thị ngày càng tăng: hiện hơn 1 tỉ trẻ em trên toàn cầu đang sống và lớn lên trong thành phố. Ở Việt Nam, thế hệ sinh từ năm 2000 (thế hệ của thiên niên kỷ thứ ba) và sẽ trưởng thành vào vài năm tới là thế hệ có trải nghiệm trọn vẹn một tuổi thơ đô thị chật chội.

Đợt bùng nổ địa ốc quá mạnh, đô thị hóa ào ạt và dòng nhập cư đông đảo của giai đoạn này đã lấy đi rất nhiều thơ mộng và tự nhiên còn sót lại của đô thành Sài Gòn.

Người ta dường như đã thôi nói về những “con đường đầy lá me bay”, hay những “cánh hoa dầu xoay tít bay bay”, những “con đường tình”, những chiều tan trường đạp xe, những con đường biệt thự yên bình, công viên Hồ Con Rùa hiền hòa..., bởi quá nhiều nhà cao tầng xây chen vào, quá nhiều xe cộ, quá nhiều nhà hàng quán nhậu chen vào khu dân cư, trường học, quá nhiều hàng quán trên vỉa hè...

Tuổi thơ giờ chở theo những ký ức lướt chạy qua phố phường trên xe máy để tránh kẹt xe, những buổi sinh nhật tại nhà hàng thức ăn nhanh, những buổi lăn lê bò toài trong các khu nhà trò chơi trải thảm nhựa nhân tạo, các khu chơi game ầm ầm trên lầu thượng của khu mua sắm hoặc ngồi bên màn hình game, đeo tai nghe nhạc, dần dần là cắm đầu vào iPad, smartphone, Facebook...

Nói như giáo hoàng Francisco đương nhiệm thì “Xã hội kỹ thuật có thể gia tăng nhiều dịp vui thú, nhưng khó tạo được niềm vui”.

Đó là một hiện thực đã rồi mà chúng ta phải đối phó. Và nhiều điều đang dần thấy được: trẻ con không thể và không được tự mình khám phá thành phố nữa, chúng lớn lên thành những thanh niên khỏe mạnh và lúng túng trong guồng quay của xã hội hiện tại. Nhiều cháu bước vào tuổi 16, 17 mà có rất ít bạn bè và gần như không có bạn thân.

Dõi theo chúng, tôi nhận ra chính điều kiện để “gặp gỡ” ở đô thị quá khó khăn đã không thể giúp củng cố tình bạn sâu đậm như các thế hệ của thuở trước... Nếu tiếp tục khảo sát, chúng ta sẽ còn nhận ra rất nhiều đặc điểm “lạ” đã hình thành trong nhân cách thế hệ tuổi thơ thời “bêtông hóa” này, chưa nói tốt xấu, nhưng chắc chắn sẽ rất khác với những gì mà chúng ta từng biết.

Một cuộc thảo luận nhỏ tại tòa soạn đã trở thành không hề nhỏ chút nào, nếu ta trở lại một lần nữa những gì Tổ chức Sáng kiến cho các thành phố nhắc nhở: “Chính sự phát triển khỏe mạnh của trẻ em là chỉ số quan trọng nhất thể hiện về một nơi sống khỏe mạnh, một xã hội dân chủ và một nền quản trị tốt (the well-being of children is the ultimate indicator of a healthy habitat, a democracy society and good governance)”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận