Sao chân lại mọc gai?

TTCT - Mấy tháng nay tôi bị đau dưới gót chân rất khó chịu, nhất là buổi sáng lúc mới ngủ dậy. Tôi tự mua thuốc uống không bớt nên đi chụp phim, kết quả là bị bệnh gai xương gót chân. Tại sao tự nhiên chân tôi lại mọc gai? Có cần phải đi mổ lấy gai ra không?

Phóng to
Ảnh: strongspace.com

Cân gan chân là một lớp màng gân mỏng và dài chạy dọc theo chiều dài của bàn chân, từ gót chân đến tận nền của các xương bàn chân. Lớp cân này có vai trò nâng đỡ vòm gan chân, chịu lực nhún khi chúng ta đi lại, chạy nhảy. Khi lớp cân gan chân này bị tổn thương sẽ dẫn đến bệnh lý gọi là bệnh viêm cân gan chân mà dân gian thường gọi là bệnh gai xương gót, vì khi chụp phim X-quang thường nhìn thấy hình ảnh của một cái gai ở ngay dưới xương gót.

Đi giày, dép đế cứng dễ mắc bệnh

Có khoảng 10% người bình thường có gai xương gót trên phim X-quang mà không hề có biểu hiện bệnh.

Viêm cân gan chân là một bệnh lý rất phổ biến, bất kỳ ai cũng có thể bị, nhất là những người mà nghề nghiệp đòi hỏi phải đi bộ nhiều, đứng lâu, hoặc hay có thói quen ngồi chồm hổm, đi chân đất, đi giày dép đế quá cứng, béo phì. Một số trường hợp là do dị tật của cẳng bàn chân như tật vòm gan chân quá cao, co rút cơ cẳng chân...

Dấu hiệu nổi bật nhất của bệnh viêm cân gan chân là đau phía dưới gót chân với tính chất rất đặc biệt. Người bệnh thường mô tả có cơn đau buốt rất khó chịu khi vừa ngủ dậy bước chân xuống giường, hoặc khi đang ngồi lâu đứng dậy đi thì bị đau. Tuy nhiên, chỉ cần vận động đi lại một lát thì tự nhiên cơn đau lại biến mất, cứ như là “bệnh giả vờ” vậy. Các cơn đau có thể tăng lên sau khi vận động đi lại nhiều, khi nghỉ ngơi thì giảm. Sau khi ngủ một đêm dậy thì các triệu chứng lại tái diễn theo trình tự kể trên.

Chụp X-quang xương gót thường thấy hình ảnh gai xương giống như gai hoa hồng ngay dưới xương gót. Tuy nhiên, trái với suy diễn thông thường của đa số người, gai xương gót lại không phải là nguyên nhân gây ra đau trong bệnh viêm cân gan chân mà thường chỉ là hậu quả của quá trình viêm kéo dài dẫn đến vôi hóa. Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách thì bệnh sẽ trở thành mãn tính, kéo dài dai dẳng nhiều tháng nhiều năm, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Điều trị bệnh phải kiên trì

Các phương pháp điều trị cơ bản gồm có: thay đổi thói quen đi đứng, dùng thuốc giảm đau chống viêm dạng uống hoặc tiêm tại chỗ, mang nẹp chỉnh hình và vật lý trị liệu. Người bệnh cần lưu ý bệnh lý viêm cân gan chân cho dù điều trị đúng phương pháp cũng thường lâu khỏi, có khi phải mất nhiều tháng cho đến hàng năm trời. Tuy nhiên, đa số trường hợp bị bệnh viêm cân gan chân đều có thể điều trị thành công với các phương pháp kể trên.

Khoảng 10% bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật khi các phương pháp điều trị không mổ tỏ ra không hiệu quả và bệnh đã kéo dài ít nhất trên một năm. Do gai xương gót không phải là nguyên nhân gây bệnh nên không cần phải mổ lấy gai này. Phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất là cắt một phần cân gan chân, có thể mổ mở hoặc mổ nội soi. Phẫu thuật này tương đối đơn giản và ít biến chứng.

Để điều trị bệnh và phòng bệnh tái phát, người bị bệnh viêm cân gan chân cần phải thay đổi các thói quen đi đứng hằng ngày. Không nên đi chân đất, đứng lâu, ngồi chồm hổm, đi bộ đường xa. Nên đi giày dép đế mềm bằng phẳng, giảm cân nặng nếu thừa cân hoặc béo phì và thường xuyên luyện tập thể dục thể thao hợp lý để tăng cường sự dẻo dai của bàn chân và cân gan chân.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận