Sao phải tự trói buộc mình?

VŨ THỦY (ghi) 29/06/2016 22:06 GMT+7

LTS: Diễn đàn “Giới trẻ lười kết hôn” tiếp tục nhận được những ý kiến bảo vệ cho quan điểm “không thích kết hôn”. Lý lẽ nào khiến nhiều người trẻ lựa chọn cách sống này?

Minh họa: Bảo Tâm
Minh họa: Bảo Tâm


Tôi thích sống như hiện nay

Năm nay tôi 36 tuổi, cái tuổi mà cha mẹ già luôn giục giã phải cưới, phải lấy chồng, giục đến mỏi cả miệng rồi. Tôi sống chung với người yêu hiện tại đã ba năm nay, hạnh phúc, gắn bó như vợ chồng. Nhưng tôi lại không thích ràng buộc, không thích bị trói buộc bởi con cái.

Anh ấy có công việc của anh ấy, tôi làm công việc của mình dù thỉnh thoảng hai đứa cũng chia sẻ với nhau. Tôi làm kinh doanh cho công ty xe hơi của Đức, lương vài chục triệu đồng mỗi tháng nên cuộc sống hiện tại rất thoải mái. Khi cần đi công tác là tôi có thể đi ngay, thỉnh thoảng lại đi Đức công tác cả tuần liền. Tôi thích cuộc sống như bây giờ nên không có ý định thay đổi gì để xáo trộn.

Mọi người nhận xét tôi là cô gái ưa nhìn, hoạt ngôn, lúc nào cũng nồng nhiệt, vui vẻ nên nhiều người yêu mến. Tôi hiểu rõ bản thân mình là người sống phóng khoáng, tự do. Hiện tại tôi có nhà riêng cũng là do ba mẹ bắt mua để ổn định, không muốn gây quá nhiều lo lắng cho ông bà, chứ thật tình tôi có thể ở nhà thuê mà vẫn thấy thoải mái.

Bạn bè hỏi tôi chuyện chồng con, tôi vẫn thường bảo: “Sao phải tự trói mình bằng tờ giấy kết hôn? Sống với nhau nếu không yêu nhau nữa thì ra đi nhẹ nhàng, sao phải ràng buộc nhau bằng một tờ giấy rồi lôi nhau ra tòa dù lúc đó không còn muốn nhìn mặt nhau”.

(Chị Vũ Thị Thu Trang - 36 tuổi, Q.Gò Vấp, TP.HCM)

Không cưới, thế giới này có đảo lộn không!

28 tuổi, tôi vẫn dùng toàn bộ quỹ thời gian có được chia cho công việc, bạn bè, du lịch và yêu đương. Nhưng yêu thôi, không cưới. Mỗi lần ai nhắc đến chuyện cưới xin tôi chỉ cười nhạt, không phản ứng gì càng làm mọi người sốt ruột.

Lần nào về nhà, cả gia đình từ bà ngoại đến chú dì và anh em họ đều nhắc đến chuyện “Lam cưới chồng đi, con gái có thì...”. Tôi không hề sốt ruột nhưng ba má thì quá lo lắng, hết thúc giục đến giận hờn để gây áp lực... Tôi không ám ảnh hay lo sợ mọi người nói về mình nhưng không muốn làm ba má thất vọng về thái độ bàng quan của mình.

Càng ngày càng thưa dần những lần tôi về thăm nhà. Nhưng sức ép của ba má không hề giảm đi, không về nhà thì gọi điện, mười lần gọi thì hết mười lần nói đến chuyện phải cưới.

“Tại sao phải cưới, cưới để được gì? Hay chỉ là để giống mọi người cho dù cưới nhau về rồi cũng không tránh được chuyện cãi nhau, đánh nhau, bao nhiêu thứ trách nhiệm đã giết chết tình cảm dành cho nhau, còn lại chỉ là nghĩa vụ và toan tính, thậm chí tính cả việc thủ thân nếu phải ly dị.

Vậy tại sao phải cưới?”, đó là lần đầu tiên tôi phản ứng lại. Sau này áp dụng cho hết thảy mọi người, mỗi lần nhắc đến tôi đều hỏi: “Tại sao phải cưới?”. Và đỉnh điểm là “nếu ba má còn nhắc đến chuyện này một lần nữa thì con sẽ không bao giờ về nhà nữa. Mọi chuyện là của con và do con quyết định”.

Chưa ai trả lời để tôi thỏa mãn được câu hỏi trên. Nhưng ai hỏi tại sao không cưới thì tôi có 1.001 lý do. Hơn hết thảy là sự ám ảnh về mối quan hệ gia đình. Mỗi nhà mỗi cảnh, gia đình tôi cũng không ngoại lệ dù hàng xóm ai cũng ngưỡng mộ gia đình tôi mẫu mực, con cái giỏi giang lại hiếu thảo. Nhưng “ở trong chăn mới biết chăn có rận”.

Quan sát nhiều gia đình hàng xóm xung quanh, chứng kiến vợ chồng đánh nhau, tranh giành của cải, ngoại tình đủ kiểu, chửi rủa không ngớt lời, con cái tổn thương tâm lý..., tôi cảm thấy mình không đủ sức đảm đương.

Má tôi vẫn dạy chị tôi “vợ chồng tương kính như tân” để hành xử với nhau lúc là vợ chồng cũng như lúc đang yêu. Nhưng nhiều lần vẫn xảy ra “cơm không lành canh không ngọt”, suốt ngày đem chuyện ly hôn ra hù dọa nhau.

Lớn hơn một tí, tôi chứng kiến hệ lụy của một gia đình có bố nhậu nhẹt bê tha, đánh vợ đập con đã gây nên sang chấn tâm lý cho đứa con gái đầu, tự tử hết lần này đến lần khác, gia đình tan đàn xẻ nghé cũng khiến tôi ám ảnh. Về bản thân, tôi không muốn bị ràng buộc cuộc đời mình với bất kỳ ai. Con cái sinh ra đã khó, nuôi dạy thành người là cả một quá trình kinh khủng mà bản thân tôi thấy không chút hứng thú, chỉ thấy sợ hãi...

Tôi vẫn có người yêu. Nhưng ai đặt chuyện cưới xin tôi đều dần có khoảng cách và rời xa. Nhiều người phớt lờ đi ý định chỉ yêu không cưới của tôi mà sẵn sàng tiến tới, đến lúc tôi cương quyết lại tỏ ra nghi ngờ “con này có bị hâm không?”, “Thế giới có bị đảo lộn không khi con trai ngày càng muốn có gia đình yên ổn, còn con gái chả màng gì đến hôn nhân?”.

(Ngọc Lam - 29 tuổi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

Hôn thú chỉ là tờ giấy!

Tôi đi học ở Mỹ về Việt Nam, gặp cô ấy đi du học tại Thụy Sĩ về rồi làm chung phòng thí nghiệm. Thời gian đầu làm bạn bè rồi hợp nhau, ở với nhau. Chúng tôi không có gì ám ảnh chuyện hôn nhân, cũng không sợ hôn nhân.

Chỉ là hôn nhân đối với tôi bây giờ không còn quan trọng nữa. Hiện tại tôi thấy rất ổn, không cần phải thay đổi gì cả. Tôi vốn là một người thích lông bông và không thích sự ràng buộc. Chúng tôi đến với nhau xuất phát điểm không phải là để tiến tới hôn nhân.

Gặp nhau, chúng tôi không đặt câu hỏi liệu chúng tôi có phải là bạn đời của nhau hay không. Tôi nghĩ cuộc sống luôn thay đổi, tình cảm con người cũng vậy. Hôn thú chỉ là một tờ giấy, còn mọi thứ hôm nay muốn hướng đến ngày mai phải có sự cam kết.

Cam kết thì chúng tôi đã có rồi: hai đứa con, con gái 3 tuổi, con trai 6 tháng tuổi. Có con, chúng tôi biết rằng chắc chắn chúng tôi sẽ không bao giờ thù nhau một ngày nào đó vì lợi ích của con phải đặt lên trên hết. Tất nhiên nếu không còn hòa hợp, nếu bất đồng, chúng tôi có thể chấm dứt. Nếu bạn hỏi có hàn gắn hay không, tôi nghĩ nếu mình còn tình cảm thì nên giữ nó.

Đứa con đầu tiên đến với chúng tôi bất ngờ, đứa thứ hai thì trong dự tính. Có con mình cũng thay đổi nhiều lắm: trẻ con dạy cho mình biết thương. Yêu và thương khác nhau ở chỗ yêu thì có tính sở hữu, có sự ích kỷ, còn thương là vô điều kiện.

Lúc có con cũng vất vả vì thủ tục làm khai sinh cho con khi ở Việt Nam, việc không có hôn thú mà đứng tên người cha trong giấy khai sinh con gặp không ít trở ngại nhưng rồi cũng qua. Có lúc cũng nghĩ hay là kết hôn để đứa con sau dễ dàng hơn nhưng rồi hai người cùng nghĩ không thể nào vì muốn có một đứa con mà phá vỡ lập trường ban đầu.

(Anh Nghiêm Xuân Hiền - 34 tuổi, chủ quán cà phê tại Q.3, TP.HCM).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận