Sapa: du lịch phát triển ồ ạt nhưng cần giữ 'tinh khiết'

VŨ VIẾT TUÂN - QUỲNH TRUNG 08/12/2016 22:12 GMT+7

TTCT - Người sáng lập Công ty lữ hành Sapa O’Chau, chị Tẩn Thị Shu, cho rằng "Sa Pa nên phát triển du lịch từ từ và chắc chắn hơn, đồng thời cần quan tâm bảo tồn văn hóa của đồng bào bản địa".

Trung tâm Sa Pa cuối thập niên 1990 nhìn từ núi Hàm Rồng -Nguyễn Thọ
Trung tâm Sa Pa cuối thập niên 1990 nhìn từ núi Hàm Rồng - Ảnh: Nguyễn Thọ

Chị Tẩn Thị Shu (người H'Mông, Lào Cai) - chủ nhân Công ty du lịch Sapa O'Chau (Cám ơn Sapa) - vừa đi Anh vào đầu tháng 11 để nhận giải bạc của giải thưởng Du lịch trách nhiệm thế giới 2016 về hạng mục “Best for Poverty Reduction and Inclusion”.

Du lịch trách nhiệm thế giới 2016 là một giải thưởng uy tín do Công ty du lịch lữ hành Responsible Travel (Du lịch trách nhiệm) sáng lập năm 2004 nhằm tưởng thưởng cho những dịch vụ trải nghiệm du lịch truyền cảm hứng và có trách nhiệm nhất.

Tôn vinh sự tiếp cận sáng tạo

Ban tổ chức cho biết hạng mục “Best for Poverty Reduction and Inclusion” năm nay được trao cho tổ chức du lịch có cách tiếp cận sáng tạo và dài hạn đối với việc giảm đói nghèo trong các cộng đồng địa phương, gồm người dân địa phương và những người bị gạt ra bên lề xã hội, cũng như cung cấp dịch vụ du lịch theo hình thức bao trùm, sao cho tất cả các bên tham gia đều được hưởng lợi ích.

Dựa vào những tiêu chí này, ban tổ chức đã trao giải vàng cho Công ty Tren Ecuador (Ecuador) và hai giải bạc cho Công ty Sapa O'Chau (Việt Nam) và Xaus Lodge (Nam Phi).

Nhận xét về Sapa O'Chau, ban tổ chức cho biết khi du lịch tăng trưởng nhanh chóng ở Việt Nam, có một bộ phận trong xã hội bị bỏ lại đằng sau sự phát triển kinh tế: những nhóm dân tộc thiểu số.

Không ai nhận ra rõ điều này hơn người sáng lập Công ty lữ hành Sapa O’Chau, chị Tẩn Thị Shu, từng là một người bán rong các sản phẩm thủ công và hướng dẫn viên du lịch.

Tẩn Thị Shu và công ty của chị chuyên cung cấp dịch vụ đi bộ khám phá (trekking) ở Sa Pa. Đây là một lĩnh vực du lịch điển hình ở Sa Pa, nơi mà nhiều người dân địa phương thậm chí không có cơ hội đến trường.

Mark Zuckerberg, CEO của Facebook đến Sapa tháng 12-2011 và đi bộ khám phá bản làng, cùng bạn gái đạp xe, cưỡi trâu... - Ảnh: HỒNG THẢO

Do vậy, đằng sau chuyện làm kinh tế du lịch, bước đi đầu tiên của Shu là tạo cầu nối đưa trẻ em đến lớp học. Shu nhận ra giáo dục chính là chìa khóa cho hầu hết mọi thứ trong cuộc sống và đặc biệt là trong một khu vực sống dựa vào du lịch như Sa Pa.

Vì trường học nằm quá xa, bước đầu tiên của Shu là xây dựng một ngôi nhà nội trú gần trường học để những đứa trẻ có thể đến trường.

Tại ngôi trường này, những hướng dẫn viên du lịch làm việc cho công ty có thể gửi con cái của họ đến học. Đây là ngôi trường mà trẻ em sẽ được dạy những ngành học chính giúp chúng có được nghề nghiệp bền vững, du lịch hoặc một ngành nào khác, sau này.

Với việc xây dựng một nền tảng giáo dục đầy đủ, Sapa O'Chau của Shu còn giúp đào tạo và tuyển dụng các hướng dẫn viên địa phương, các nghệ nhân thủ công, các nhà sản xuất sản phẩm địa phương, và những người cung cấp dịch vụ du lịch homestay.

Những du khách đến tham quan cũng có cơ hội làm tình nguyện viên trong ngôi nhà nội trú, nơi Shu thiết kế thêm các chương trình giáo dục phụ đạo ngoài chương trình học chính thức cho bọn trẻ. Kết quả là những đứa trẻ địa phương có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch trekking, kế toán viên, nhân viên tiếp thị, phát triển cộng đồng...

Chị Tẩn Thị Shu tại Anh, khi đi nhận giải thưởng về du lịch -Nhân vật cung cấp
Chị Tẩn Thị Shu tại Anh, khi đi nhận giải thưởng về du lịch - Ảnh nhân vật cung cấp

Sứ mệnh làm du lịch bền vững

Muốn gặp chị Shu thật khó, vì chị đi đi về về liên tục giữa Sa Pa với Hà Nội, vừa điều hành công việc ngồn ngộn, vừa tranh thủ học thêm những ngày cuối tuần.

Khá khó khăn, chúng tôi gặp được Shu trong khoảng thời gian tranh thủ nghỉ trưa. Trong câu chuyện của mình, Shu luôn nhắc đi nhắc lại rằng sứ mệnh của mình là làm du lịch bền vững cho quê hương Sa Pa.

“Có nhiều đơn vị làm du lịch không chỉ vì mục đích thu lợi nhuận trước mắt mà còn muốn dùng nguồn thu từ du lịch để đầu tư lại cho địa phương. Chúng tôi thuộc vào số đó. Khi phát triển du lịch chắc chắn sẽ có hai mặt xấu và tốt.

Nhưng tôi chú ý đến những người bị thay đổi cuộc sống một cách bị động khi bị cuốn vào guồng quay phát triển du lịch. Giải thưởng này là điều rất tốt để quảng bá du lịch ở nơi tôi đang sinh sống” - Shu chia sẻ.

Chị nói thêm: “Khi sang Anh nhận giải thưởng, tôi cũng được biết thêm từ những người ở Mexico, Ecuador... những bài học về làm du lịch trách nhiệm, bền vững.

Tôi nhìn thấy những dự án du lịch mà họ thành công là khi họ lấy sứ mệnh đóng góp cho quê hương và số tiền có thể thu được từ du lịch sẽ được quay trở lại đầu tư cho địa phương.

Giải thưởng nào thì cũng là cái tên thôi, nhưng đây là cơ hội để những nhóm khác biết chúng tôi nhiều hơn, chấp nhận chúng tôi để chúng tôi được tiếp thêm những động lực trên con đường thực hiện sứ mệnh làm du lịch có trách nhiệm, du lịch bền vững của mình”.

Bạn trẻ thích thú với tuyết ở Sapa - Ảnh tư liệu TT

Còn gì thú vị hơn khi du khách được chính những người dân bản địa hướng dẫn để được trải nghiệm một cách chân thực nhất những lễ hội, những phong tục tập quán, những bộ trang phục và những câu hát mượt mà.

“Sau những bộn bề lo toan của cuộc sống, họ sẽ được lắng mình lại trong một không gian yên bình, đơn giản, nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần thú vị. Họ sẽ có cảm giác được gần gũi với thiên nhiên, với những con người thật thà, chất phác, với những nét văn hóa độc đáo đã được lưu giữ qua bao đời.

Họ sẽ được lắng nghe những câu chuyện để hiểu rằng chúng tôi khác họ ở điểm nào, và tại sao lại có sự khác biệt ấy... Họ sẽ hiểu thêm về quan niệm của chúng tôi về cuộc sống nhân sinh.

Tôi nghĩ đó là những điều họ tìm kiếm và chúng tôi sẽ cố gắng để họ thực sự được trải nghiệm, thực sự được thư giãn. Theo chúng tôi, đây chính là hoạt động du lịch và quảng bá văn hóa” - chị Shu chia sẻ.

Thị trấn Sa Pa chìm trong rét lạnh trong đợt gió mùa đông bắc đầu tiên xuất hiện tại đây tháng 10-2016 - Ảnh: HỒNG THẢO
Thị trấn Sa Pa chìm trong rét lạnh trong đợt gió mùa đông bắc đầu tiên xuất hiện tại đây tháng 10-2016 - Ảnh: HỒNG THẢO

Ước mơ du lịch Sa pa công bằng hơn

Trong hai năm gần đây, lớp học của Sapa O’Chau tiếp tục phát triển và có thêm 20 em tốt nghiệp lớp 12 cùng 16 em đã đi học tại các trường đại học, cao đẳng về du lịch, văn hóa.

Nhiều người trở thành hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch từ lớp học này. Nhưng khi nói về du lịch Sa Pa hiện nay, người phụ nữ H'Mông này không giấu được nhiều trăn trở:

“Hiện nay ở Sa Pa, tôi đang nhìn thấy hình ảnh của sự phát triển ồ ạt. Sa Pa cần những người bên ngoài đến đầu tư, nhưng giữa người đến và người bản địa cần có sự liên kết, hiểu biết lẫn nhau. Tiếc là chưa có được điều ấy nên tôi lo lắng du lịch rồi sẽ không phát triển bền vững được.

Chưa kể văn hóa của người bản địa cũng đang bị mất dần sự tinh khiết. Chẳng hạn trước đây có những câu chửi người bản địa không nói bao giờ, nhưng bây giờ họ sử dụng bởi nhiều người cùng sử dụng... Tôi sợ rồi đây không còn màu sắc của người dân bản địa nữa rồi”.

Shu kể tiếp câu chuyện đáng buồn nữa về du lịch Sa Pa: trước đây, người dân bản địa chủ yếu làm ra hàng hóa để bán cho du khách và rất chú ý đến chất lượng của từng chiếc túi, chiếc khăn, chiếc áo... Nhưng giờ đây họ chủ yếu mua hàng Trung Quốc về để bán lại.

“Chúng ta cũng không thể trách họ bởi sức ép quá mạnh từ bên ngoài. Tôi mong muốn sẽ tìm thấy sự công bằng hơn, để không còn tình trạng người dân bản địa sống trên mảnh đất của họ nhưng được hưởng lợi từ du lịch rất ít.

Tôi nghĩ đó là mặt xấu của việc phát triển du lịch Sa Pa hiện nay. Sa Pa nên phát triển du lịch từ từ và chắc chắn hơn, đồng thời cần quan tâm bảo tồn văn hóa của đồng bào bản địa từ ruộng bậc thang, bãi đá cổ, các giá trị di sản vật thể và phi vật thể...

Đó là vấn đề mà những nhà quản lý, những người kinh doanh dịch vụ du lịch, những người dân bản địa và bản thân mỗi người tham gia du lịch cần suy nghĩ” - Shu chia sẻ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận