Sống đúng là chính mình

ĐẶNG ANH 10/09/2013 02:09 GMT+7

TTCT - Khi đọc bài viết của Quỳnh Trân, tôi rất thích thú với mục 1 và 2 của bạn, đó là điều đáng mừng khi thế hệ trẻ của Việt Nam bây giờ ngày càng hội nhập với bạn bè thế giới, các em ngày càng năng động, ngày càng giỏi ngoại ngữ.

Nhưng “các em” ở đây có phải là số đông không, hay chỉ rơi vào những em được ở thành thị, có điều kiện hơn, và trong số các em ở thành thị lại rơi vào một số ít, rất ít các em mới có được năng lực, bản lĩnh như em.

Đi, để hỏi

Phóng to
Giới trẻ cần được tạo điều kiện để nói điều mình nghĩ và được lắng nghe. Trong ảnh: các em thiếu nhi đối thoại với lãnh đạo TP.HCM năm 2013

Trẻ = “non dạ”?

Chúng ta cần thừa nhận rằng khi chúng ta được tự do về mặt tinh thần và thể xác thì tư duy, trí tuệ và năng lực mới có thể phát triển một cách toàn diện nhất. Tôi không nói rằng con đường mà gia đình hướng ra cho chúng ta là sai, nhưng nếu con đường đó chỉ là định hướng và chúng ta tự đi theo ý của mình thì chắc sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều.

Đến mục số 3 thì bài viết của em thật sự làm tôi trăn trở. 17 tuổi, nghĩa là tôi cách đây 10 năm. Quỳnh Trân nói rất đúng, 17 tuổi “những gì bạn được người lớn khuyên bảo hầu như chỉ là học thật tốt để thi đại học, kiếm bằng cấp, kiếm việc làm và... thu nhập cao”. Thậm chí cho tới bây giờ 27 tuổi, tôi vẫn đang đi trong cái guồng đó, tốt nghiệp cấp III, vào đại học, tốt nghiệp đại học, đi làm, công việc ổn định, lấy chồng và sinh con, chứ nói gì lúc 17 tuổi mà có được cái quyền “được nói, được hỏi, được tự lập”.

Tôi ưa nói, ưa tranh luận, nhưng khi tôi 17 tuổi nếu tôi giơ tay phát biểu trước lớp về một vấn đề không đồng ý với quan điểm của thầy cô, tôi bị dòm ngó, tẩy chay, cười mỉa... Hình như ở Việt Nam, người ta rất khó chấp nhận chuyện người nhỏ hơn mình “sửa sai” hay tranh luận thẳng thắn với người lớn.

Khi lớn, tôi có đọc “Cơ sở văn hóa Việt Nam” của GS Trần Ngọc Thêm, ông có giải thích về văn hóa của người Việt là làng xã, văn hóa trọng người lớn tuổi, “sống lâu lên lão làng”... Tôi không rõ lắm, nhưng nói như vậy để thấy 17 tuổi tôi không được ủng hộ cho chuyện được nói lên suy nghĩ của bản thân, nếu tôi nói khác với số đông, tôi lập tức là “cá biệt” mà không cần biết đúng hay sai.

Còn ở nhà, 17 tuổi tôi phải nhất nhất làm theo tất cả những gì bố mẹ sắp đặt, nếu tôi dám tranh luận lại (dù là tranh luận rất nhỏ nhẹ và lễ phép), lập tức bị khép vào “hỗn hào và bất hiếu”.

Bao giờ mới trưởng thành?

Cho đến khi tốt nghiệp đại học, tôi thật sự thấy mình đã trưởng thành (22 tuổi mới thấy trưởng thành, có lẽ khá muộn so với độ tuổi của bạn bè trên thế giới), khi đã có công việc và tự lập với thu nhập kiếm được. Tôi nghĩ có lẽ cuộc sống của mình đã “dễ thở” hơn. Đó cũng là lúc tôi thấy con đường mà tôi đã đi như ý gia đình là không sai, nhưng thật tình như bạn nói: rất tẻ nhạt.

Tôi luôn có cảm giác không được sống đúng với sở thích, cá tính của bản thân. Nói đến đây, chắc rất nhiều bạn hỏi sao tôi không đấu tranh, không đủ dũng khí sống với cá tính, đam mê của mình mà lúc nào cũng nhất nhất nghe theo gia đình. Cũng “khởi nghĩa” vài lần, nhưng kết quả thì lần nào cũng thất bại, vì bố mẹ bao giờ cũng là... chân lý.

Khi tôi thấy cuộc sống mình “dễ thở” hơn như đã nói thì tôi cũng tự cho phép mình được làm vài điều mình mong muốn, tôi khao khát được đi đây đi đó. Vậy là lâu lâu tôi cũng “xê dịch” 15 ngày, một tháng. Lần thứ nhất, bố mẹ không vui nhưng không phản đối, lần thứ hai không thèm để mắt, lần thứ ba ra chỉ thị cấm, lần thứ tư không nhìn mặt, đến lần thứ năm thì chuyến đi bị hoãn, mẹ tôi vì tức giận chuyện cấm không được mà tăng huyết áp.

Đừng nói là 17 tuổi, đến 27 tuổi tôi vẫn chẳng thể tự do quyết định cuộc sống của mình. Và tôi biết có rất nhiều bạn trẻ giống tôi.

Tất cả những sự thay đổi trong tư tưởng đều cần rất nhiều thời gian. Tôi sẽ không thể thay đổi mình, thay đổi hoàn cảnh năm tôi 17 tuổi, nhưng tôi hi vọng thế hệ sau tôi có được điều đó, khi các em có được những người bố người mẹ là chúng tôi.

Nếu 17 năm nữa, con gái tôi đọc quyển Xách balô lên và đi của em Huyền Chíp và nói với tôi “Con muốn đến châu Phi”, tôi sẽ hỏi con vì sao con muốn đi, đi vì mục đích gì. Nếu cháu trả lời và quyết tâm đi, tôi sẽ giúp con chuẩn bị hành trang, tìm cho cháu những lớp học về kỹ năng sống, chỉ cho con xem các chương trình Dual Survival trên Discovery để con có thêm những kỹ năng cần thiết nơi đất lạ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận