Chuối Laba, từ hẻm núi đến Nhật

MAI VINH 07/11/2018 07:11 GMT+7

TTCT - Những thương nhân Hàn Quốc, Nhật Bản cùng những người am hiểu nông sản VN tìm đến tận vùng núi Phú Sơn (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) tìm mua chuối Laba. Họ đi vào những hẻm núi để được tận tay chạm vào những buồng chuối được người dân gọi bằng cái tên kiêu hãnh: chuối “tiến vua”.

Chuối Laba ở Phú Sơn được mặc áo kỹ lưỡng. -Ảnh: M.VINH
Chuối Laba ở Phú Sơn được mặc áo kỹ lưỡng. -Ảnh: M.VINH

Sau khi được người dân mời ăn những quả chuối chín cây, họ quyết định: có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu, miễn đạt các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và quy cách.

Mặc áo mưa cho chuối

Mới đây, Hợp tác xã (HTX) thương mại Laba Phú Sơn (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đã chuyển 30 tấn chuối Laba đến Nhật Bản. Tiếp đó, HTX đại diện nông dân ký các hợp đồng xuất bán 80 tấn chuối/tháng sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Nông dân hồ hởi bởi cánh cửa lớn đã mở ra cho những quả chuối ở vùng nghèo, ở nơi xa heo hút.

Nhưng họ cũng nhìn thấy phía sau đó là những đòi hỏi không dễ dàng đáp ứng. “Nhật Bản, Hàn Quốc đòi hỏi ngặt lắm, quả to không lấy, quả nhỏ cũng không, chỉ lấy quả trung trung. Họ muốn chu vi quả chừng 42-50mm thôi, dài hơn một gang tay” - ông Nguyễn Tấn Chơi, chủ nhiệm HTX Laba Phú Sơn, kể chuyện tuyển lựa chuối xuất khẩu.

Ông Nguyễn Sĩ, thành viên ban chủ nhiệm HTX Phú Sơn, cười nói: “Hồi đầu khi nghe họ sẽ mua chuối giá tốt hơn giá thị trường nhưng chỉ mua chuối có mặt vỏ không lấm tấm chấm đen, mình cứ tưởng họ nói giỡn”. Dẫu có hơn 30 năm bám ruộng vườn, nhưng ông Sĩ vẫn nhẫn nại lắng nghe những yêu cầu có phần “kỳ cục” ấy. Ông vẫn nghĩ người ta mua chuối lựa trái “ăn sương” lấm chấm đen đều khắp quả, là vì cho rằng đó là chuối ngon đã trải đủ sương gió.

Trong thời gian lần mò tìm cách thực hiện những đòi hỏi của đối tác mới, họ mới hiểu: chấm đen lấm tấm trên vỏ chuối là nấm bệnh và dấu vết côn trùng để lại. Với nông sản xuất khẩu đến các nước phát triển, dấu côn trùng và nấm bệnh thuộc về những điều tối kỵ.

Hiện nay ở Phú Sơn và những vùng lân cận, chuối được mặc áo mưa là những tấm nilông lớn. Buồng chuối vừa trổ là được mặc áo mưa để che sương, che gió. Nhờ vậy mà vỏ chuối xanh bóng, khi trái chín lên màu vỏ vàng óng thiệt đẹp, không bị thâm đen.

Cái khó nhất là phải có phương án điều tiết kích cỡ quả chuối nhưng không được dùng thuốc hay phân bón hóa học. Những người trồng chuối ở Phú Sơn đi tìm lại những cán bộ nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng thực hiện công trình phục tráng giống chuối Laba cách nay 10 năm để tìm hiểu kỹ thuật trồng.

Ông Chơi nói: “Trước giờ bà con muốn trồng ra trái càng to càng tốt, giờ phải điều tiết kích cỡ không to không nhỏ, nghe cứ như chuyện đùa. Đất ở Phú Sơn tốt quá, chỉ tưới nước thôi mà chuối lớn như thổi”. Phương pháp điều tiết kích cỡ chuối cuối cùng cũng tìm ra sau khi nhiều hộ nông dân cùng tham gia thử nghiệm trên nhiều vườn chuối ở nhiều địa điểm có độ cao và thổ nhưỡng tương đối khác nhau.

Trồng dày, tăng lượng chồi trên cùng một gốc chuối là mấu chốt của phương pháp điều tiết kích cỡ chuối của người trồng chuối ở Phú Sơn. “Muốn chuối to thì chặt bớt chồi. Muốn chuối nhỏ hơn thì để chồi ra thoải mái” là giải pháp sinh học mà bà con đang áp dụng, năng suất cả vòng đời cây chuối (5 năm) không thay đổi.

Ông Phan Văn Hùng - người từng tham gia phục tráng chuối Laba cách nay gần 10 năm, giờ là một trong những nông hộ trồng chuối xuất khẩu - tâm sự: “Dùng thuốc hóa học hãm sẽ mau có kết quả nhưng làm vậy chẳng khác nào khóa luôn tương lai của chuối Laba và nông dân ở đây. Tên tuổi cây chuối có được không dễ”.

Đạt tiêu chuẩn Nhật Bản

Một buồng chuối Laba đạt chất lượng nặng hơn 50kg, thu hoạch khi còn xanh để có thể bảo quản lâu và được ủ chín tại nơi tiêu thụ. Ảnh: M.VINH
Một buồng chuối Laba đạt chất lượng nặng hơn 50kg, thu hoạch khi còn xanh để có thể bảo quản lâu và được ủ chín tại nơi tiêu thụ. Ảnh: M.VINH

Để trái chuối Laba được lên đường ra cảng còn nhiều công đoạn nhiêu khê, khác biệt so với lối trồng và thu hoạch chuối bấy lâu nay. Nhưng với những nông dân đã sống dựa vào vườn chuối từ khi cha ông đến vùng Phú Sơn lập làng thì những đòi hỏi khắt khe của đối tác xuất khẩu là những thử thách giúp nâng chất lượng chuối. Hiện nay, mạng lưới vườn cung cấp chuối Laba đạt chuẩn đã hơn 300ha trải khắp các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh của tỉnh Lâm Đồng. Những thương nhân Hàn Quốc, Nhật Bản khẳng định “có bao nhiêu mua hết” nhưng các vựa chuối và HTX chỉ tiếp nhận đơn hàng bằng nửa sức cung cấp, tức khoảng 80 tấn/tháng.

Đã nhiều lần chứng kiến chuối Laba ngon nức tiếng dội chợ phải bán rẻ hơn cho, ông Chơi nhận định: “Xuất khẩu ngon thiệt nhưng dồn hết vô một cửa rủi ro vô cùng. Chi bằng, một phần mình xuất khẩu, một phần chuyển đi khắp nơi trong nước. Xuất khẩu mình cũng không dám dồn vô một mối nữa, phải chia ra mà bán”.

Ban đầu khi phổ biến phương pháp trồng, nhiều người thắc mắc với ông Chơi xuất khẩu bao nhiêu thì mặc áo mưa bấy nhiêu cho tiết kiệm. Ông nói cà rỡn: “Họ ký mua rồi, đừng lo. Mà lỡ có dư ra mình có bán ra chợ cũng dễ. Hàng đẹp thì không lo không có ai mua. Với lại, chẳng lẽ mình làm đồ ngon xuất khẩu còn bán đồ dở cho bà con ngoài chợ. Ai mua cũng trả giá vậy thôi mà”.

Đến tháng 10-2018, đã 3 lần đầu mối nhập khẩu của Nhật Bản đến Phú Sơn lấy mẫu chuối ngẫu nhiên trong mạng lưới hợp tác sản xuất chuối Laba để phân tích dư lượng theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. “Dù đều nằm trong ngưỡng an toàn theo các tiêu chuẩn của Nhật Bản nhưng lo lắm, chỉ một nông hộ lén dùng thuốc hóa học mà bị phát hiện là cánh cửa xuất khẩu lớn coi như đóng không biết ngày nào mở - ông Sĩ nói - Anh em trồng chuối kèm nhau làm cho đúng cam kết với người ta. Ai vi phạm thì loại ngay để giữ nồi cơm chung”.

Cội nguồn chuối “tiến vua”

Chuối Laba từng được xuất khẩu đi Úc 500 tấn vào năm 2011 nhưng là chuối cấp đông, giá trị không cao. Năm 2013, chuối Laba được xuất sang Nhật khoảng 100 tấn. Các đối tác Nhật Bản muốn mua nhiều hơn nhưng đơn vị cung ứng và nông dân lắc đầu.

Khi ấy, tổng diện tích chuối Laba toàn Lâm Đồng khoảng 100ha, bằng 1/3 hiện nay. Sau hơn 5 năm, chuối Laba mới xuất ngoại trở lại. Lần này, những hợp đồng bao tiêu dài hạn được ký với thời gian bằng đúng vòng đời 5 năm của cây chuối. Hợp đồng sẽ tiếp tục được ký với nông dân nếu diện tích trồng chuối tiếp tục được mở rộng.

Khi cái tên chuối Laba được nhiều người am hiểu về nông sản nhắc đến, chúng tôi đi tìm lai lịch của giống chuối này. Ông Hoàng Văn Hùng từng làm việc tại Phòng nông nghiệp huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), người tham gia trực tiếp công trình phục tráng chuối Laba, kể: “Trước năm 2008, chuối Laba gần như bị xóa xổ. Tôi tham gia tìm và nhân giống loại chuối này. Phải mất 2 tháng mới tìm được cây giống thuần để nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô”. Từ khi tìm được cây giống gốc cho đến khi hoàn thiện quy trình tạo ra giống thuần, có phẩm chất tốt, ông Hùng và những đồng nghiệp mất tròn 4 năm.

Theo ông Phan Văn Hùng (kỹ sư nông nghiệp, từng tham gia phục tráng chuối Laba), chuối Laba thực chất là chuối già Nam Mỹ (Cavendish AAA). Người Pháp sang VN vào cuối thế kỷ 19 mang theo và trồng nhiều ở vùng Ninh Bình. Giống chuối theo những di dân đến vùng Laba nay thuộc xã Phú Sơn (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng).

Khi trồng ở thổ nhưỡng mới, giống chuối này phát triển với những ưu điểm thơm, dẻo, vỏ mỏng, ngọt khác biệt nhiều giống chuối khác, giống gốc nên xem như một giống chuối mới, lấy địa danh Laba đặt tên. Dưới sự chỉ huy của người Pháp, giống chuối này được trồng rộng rãi và được chuyển ra Huế, có mặt trong những bữa ăn cung đình nên còn được gọi là chuối “tiến vua”. ■

Phân biệt chuối Laba

Chuối Laba buồng dài, quả chuối thon có hình dáng đẹp, dài và hơi cong, khi chín có vỏ mỏng, màu vàng tươi. Thịt quả có màu vàng sánh, dẻo, ngọt và có mùi thơm đặc trưng. Giữa trái chuối giống như có mật. Chuối dẻo chứ không xốp như chuối nhập khẩu đang bán nhiều ở siêu thị hiện nay. Buồng chuối tới lúc thu hoạch nặng từ 50-70kg.

Cơ bản chuối Laba có hình dáng giống với chuối xanh, chuối lùn nhưng khi chín có màu vàng, cuống ngắn hình thang (chuối lùn cuống dài, nhỏ). Đưa nải chuối lên trước mặt nhìn từ trước ra sau ở phần cuống (giống đưa bàn tay lên trước mặt nhìn lòng bàn tay) sẽ không thấy khe hở do quả chuối ở các lớp trên dưới của nải chen vào nhau kiểu so le.

Ảnh. M.Vinh
Ảnh. M.Vinh

Tài liệu xác định thời gian di dân đến vùng Laba khi đó thuộc đạo Dalat (Đà Lạt - PV) nay là xã Phú Sơn (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) lập làng ấp. Theo văn bản này, các làng ấp chính thức thành lập tại Laba vào năm 1938 và giống chuối về sau mang tên Laba cùng được trồng tại đây trong khoảng thời gian này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận