Sự cố "Y2K" của tôi

THIÊN PHÚC 28/09/2011 04:09 GMT+7

TTCT - LTS: Sau bài “Câu hỏi của một bác sĩ”, TTCT nhận được bài viết của hai độc giả như những lời đáp gián tiếp cho câu hỏi này. TTCT trích giới thiệu.

Chuyện y đức nhìn từ những viên thuốc bị lột vỏ

1. Đó là một ngày cuối tháng 12-1999. Khắp nơi trên thế giới đều lo lắng và chuẩn bị đối phó sự cố máy tính (còn được gọi là sự cố Y2K, lỗi thiên niên kỷ) diễn ra vào thời khắc đầu tiên bước sang năm 2000. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Điều này có thể cảm nhận một cách rõ ràng hơn khi ai đó đang ở bệnh viện. Người nhà bệnh nhân mang theo rất nhiều mì ăn liền và nến.

Phóng to
Ảnh minh họa

Với đa số người, sự cố Y2K gì đó đơn giản là sẽ cúp điện và không có thức ăn. Một chút mơ hồ về công nghệ thông tin cộng với sự lo lắng về người thân đang nằm viện của họ khiến những người nhập viện như tôi càng thêm hoang mang.

Tôi đang mang thai con trai đầu lòng ở giai đoạn cuối. Sáng ấy đi làm chẳng may uống phải hộp sữa tươi hết hạn, tôi bị nôn nhiều nên chồng tôi đã đưa vào bệnh viện phụ sản và tôi phải sinh con sớm hơn dự tính. Sau khi tham khảo nhiều người có kinh nghiệm, chúng tôi chọn sinh dịch vụ dù tôi có thẻ bảo hiểm. Tôi nghĩ mình đã mua sự bình an nên thấy yên tâm phần nào.

Làm thủ tục nhập viện xong, tôi được đưa vào phòng cách ly. Trong phòng cách ly, hàng chục sản phụ đang chờ sinh rên la đau đớn mà không người thân bên cạnh. Vậy mà phía trước phòng cách ly với cửa kính trong suốt là bữa tiệc cuối năm của các y bác sĩ ở bệnh viện, với những tiếng reo hò, cụng ly và “dzô” hết cỡ.

Hai hình ảnh đối lập: những nụ cười vui tất niên của họ và tiếng khóc vì những cơn đau hành hạ của các sản phụ. Tôi hoang mang, thất vọng. Sao y, bác sĩ có thể vô cảm thế kia khi quanh mình là trách nhiệm cần lo lắng và tình cảm cần chia sẻ?!

2. Tôi còn nhớ như in khi được yêu cầu lên bàn sinh, tôi nằm rất lâu, lo âu, đau đớn nhưng không ai thăm khám. Chỉ có tôi cùng chiếc máy đo điện tâm đồ bên cạnh. Đã hai ngày vào viện nhưng tôi không được ăn uống bất cứ thứ gì. Mẹ và chồng tôi nhiều lần xin mang sữa vào nhưng người gác cửa không cho.

Sức của tôi đuối dần. Huyết áp hạ. May mà chiếc máy đã thay tôi “lên tiếng”. Một ai đó đi ngang vấp phải đống giấy cao nghệu chạy ra từ chiếc máy điện tim đã đứng lại xem. Sau đó vội vàng gọi vài người khác đưa ngay tôi vào phòng mổ cấp cứu...

Chuỗi ký ức buồn tiếp theo tôi được nghe từ mẹ và chồng tôi. Từ phòng mổ, y tá đẩy xe ra, trên chiếc mâm có ba bé. Chỉ có hai bé da dẻ hồng hào và khóc rất lớn, còn một bé da tím tái, nằm im. Đó là con tôi. Chồng tôi đã rất giận và muốn phản ứng một điều gì đó nhưng họ đã đẩy các bé đi rất nhanh vào phòng nhi.

Dù sao mọi chuyện đã qua khi thiên thần của tôi được đưa về nằm cạnh mẹ. Và tôi lại có mẹ ruột bên cạnh chăm sóc. Từ quê, nghe con rể báo tin bà liền xách giỏ vội lên Sài Gòn lo cho con gái. Nhưng có vẻ mọi việc đều nằm ngoài khả năng kiểm soát của bà, bởi mẹ không có kỹ năng ứng phó với “người của bệnh viện”.

Chưa kịp hoàn hồn sau hai ngày mất liên lạc với con gái, mẹ lại thêm một phen bẽ mặt. Đó là khi cô dọn vệ sinh vào phòng. Sau khi hét lớn làm cả hai bà mẹ lẫn hai trẻ sơ sinh trong phòng đều giật mình: “Ra ngoài hết để dọn vệ sinh!”, cô này nhìn qua nhà vệ sinh thấy cửa đóng (mẹ tôi đang trong phòng vệ sinh), nhào đến đập cửa ầm ầm và la lớn: “Trốn hả! Trốn hả!”.

Không chịu nổi, dù vết mổ rất đau tôi phải ngồi dậy phản ứng: “Chị không được xúc phạm mẹ tôi! Chị thật quá đáng!”. Mẹ tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Bà chỉ lặng lẽ đi ra hành lang.

3. Đến ngày thứ tư, tôi được thông báo đi rút chỉ ở vết mổ và làm thủ tục xuất viện. Gia đình tôi thở phào nhẹ nhõm rời bệnh viện. Thế nhưng rủi ro đã theo chúng tôi về nhà. Một tháng trôi qua nhưng con tôi không rụng rốn. Vết mổ của tôi bị sưng tấy đầy mủ...

Tôi vừa lo, vừa trách êkip y bác sĩ trong ca sinh mổ của tôi. Sao họ có thể để nhiều sự cố như thế xảy ra trong một ca sinh?! Nhưng rồi người thân tôi bảo: “Thân mình, mình lo. Họ tất niên xong còn tân niên nữa. Làm lớn chuyện chỉ rước họa vào thân...”.

Tôi tự nhủ lòng không bao giờ bước tới bệnh viện phụ sản đó dù trong hoàn cảnh nào. Với tôi, đó là một sự cố của đời người, nó ám ảnh tôi suốt thời gian dài. Và có lẽ cả với mẹ tôi nữa, bởi câu nói của bà từng làm tôi lặng người khi sức khỏe tôi đã ổn: “Một mình con mà mẹ đã khóc cho hai lần đau đẻ”.

Tôi cảm nhận được tình yêu từ trái tim người mẹ. Nhưng khách quan mà nói, bà có đáng để bị đau lần hai như thế không?!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận