Sự tôn trọng đâu tự nhiên mà có

QUẾ VIÊN 14/08/2015 01:08 GMT+7

LTS: Sau năm tuần diễn đàn (xem TTCT từ số ra ngày 5-7), nhiều bạn đọc đã góp ý về việc người trẻ cần được tôn trọng nhưng phải trên cơ sở họ là người trẻ nào. TTCT mời bạn đọc bài viết của CTV TTCT từ Đan Mạch.

Sinh viên Đan Mạch làm công tác xã hội, dạy học tại Việt Nam. Ảnh Projekt-abroad.dk

Khi nói tới dấu ấn của tuổi trẻ thì kỳ bầu cử Quốc hội Vương quốc Đan Mạch 2015 là một thí dụ sinh động. Kết quả của kỳ bầu cử này đã dẫn đến một tình huống hiếm thấy trên chính trường thế giới là Đảng Dân chủ xã hội của nữ Thủ tướng Helle Thorning-Schmidt tuy giành được nhiều phiếu nhất, 26,3% số phiếu của cử tri, nhưng lại mất quyền lập chính phủ mới vào tay đối thủ chính là Đảng Tự do của nguyên thủ tướng Lars Loekke Rasmussen chỉ được 19,5%.

Liên minh “Xanh” (gồm bốn đảng hữu khuynh và trung hữu) của ông Rasmussen giành được 90/179 ghế trong quốc hội, hơn liên minh “Đỏ” của bà Thorning-Schmidt (tả khuynh và trung tả) đúng một ghế, và vừa đủ đạt đa số tối thiểu trong quốc hội.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình huống tréo ngoe này là thành công vượt bậc của các nhân tố trẻ trong cả hai phe, từ những đảng phái thành lập chưa lâu tới những nhà lãnh đạo còn trẻ tuổi đời, như cô Johanne Schmidt-Nielsen, 31 tuổi, linh hồn của Đảng Enhedslisten, tập hợp hai khuynh hướng xã hội và môi trường.

Trong bất cứ xã hội nào thì thế hệ trẻ cũng là tương lai, nhưng sự tin tưởng, tôn trọng không bao giờ tự nhiên mà có. Thiết nghĩ khi những người trẻ muốn được tôn trọng, muốn xóa bỏ định kiến “trẻ người non dạ” thì cần phải chứng tỏ mình xứng đáng được như thế

Tuy nhiên trẻ không có nghĩa là thiếu kinh nghiệm, cô Schmidt-Nielsen đã tham gia các hoạt động chính trị khi mới 13 tuổi và đắc cử vào quốc hội năm 21 tuổi. Kristian Thulesen-Dahl, 46 tuổi, chủ tịch Đảng Nhân dân Đan Mạch, đảng về nhì trong kỳ bầu cử vừa qua, cũng đã gia nhập Đảng Fremskridtpartiet Thanh niên năm 13 tuổi và trở thành thành viên sáng lập Đảng Nhân dân Đan Mạch khi 24 tuổi.

Còn tân chủ tịch chính đảng lớn nhất tại đây, Dân chủ xã hội, bà Mette Frederiksen, 37 tuổi, nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp trong chính phủ Thorning-Schmidt, cũng đã là đại biểu quốc hội từ năm 24 tuổi.

Hành trang của tuổi trẻ

Cũng như các nước phát triển tại Tây và Bắc Âu khác, sinh suất của Đan Mạch không cao. Hơn 90% phụ nữ bản xứ đi làm toàn thời gian nên mỗi gia đình thường chỉ có 1, 2 con do vậy dân số đang trong tình trạng lão hóa. Tuổi về hưu do vậy cũng cao, nữ có thể làm việc tới 65 tuổi, nam tới 70 mới nghỉ.

Tuy nhiên điều này không gây trở ngại cho sự thăng tiến của lớp người trẻ vì trong môi trường làm việc tại đây thì tuổi tác và thâm niên không phải là vấn đề quan trọng, trừ một số lĩnh vực mà yếu tố kinh nghiệm là cần thiết, thí dụ như ngoại giao, tư vấn pháp luật...

Hơn thế nữa, thanh niên Bắc Âu nói chung, nhất là thanh niên bản xứ, thường có tinh thần tự lập cao, có tính chủ động trong mọi việc, nên người khác không cảm thấy băn khoăn, e ngại khi giao việc cho họ.

Tất nhiên tính tự lập không phải tự nhiên mà có. Thí dụ như tại Đan Mạch, dù ở nhà hay ở nhà trẻ, các bé 3-4 tuổi đã được tập tự xúc ăn, tự rửa tay, thay quần áo, mang giày dép. Người lớn chỉ hướng dẫn hoặc giúp đỡ khi thật cần thiết, thí dụ như giữ vệ sinh răng miệng. Họ cũng không ngại chuyện các bé làm đổ vãi hay tỏ ra vụng về vì tự thân trẻ sẽ dần tìm ra cách làm tốt hơn.

Từ rất nhỏ trẻ đã được dạy về cách hành xử nơi công cộng như không được chạm vào cái gì không phải của mình, khi tập đi xe đạp thì được người lớn dạy về luật đi đường. Do vậy trẻ em tại đây phát triển tư duy độc lập từ rất sớm nhưng vẫn rất ngoan, lễ phép, không hay đòi hỏi hay quấy rầy người khác.

Các trường học, từ cấp I-III, trường dạy nghề thì dành nhiều thời gian cho các hoạt động thể thao, giáo dục thể chất, rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống như thuyết trình trước đám đông, làm việc tập thể, kiến thức cơ bản về luật pháp, dinh dưỡng, tính dục...

Cho dù có tiền trợ cấp từ khi ra đời cho đến 18 tuổi, vào các mùa nghỉ hè, nghỉ Giáng sinh, nhiều học sinh cấp III, sinh viên vẫn đi làm thêm tại các siêu thị, cửa hàng, nhà hàng hay nông trại. Ngoài việc có thêm tiền túi để chi tiêu, đi du lịch...., đó còn là cơ hội cho họ tích lũy kinh nghiệm làm việc, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, quản lý...

Mads Faurholt-Joergensen, 30 tuổi, đồng sở hữu Công ty dịch vụ tài chính Nova Founders Capital, thu hút các nhà đầu tư như tỉ phú Li Ka Shing, Ngân hàng Goldman Sachs, đã có công việc đầu tiên là đi giao hàng năm 11 tuổi. Tới 23 tuổi thì anh đã là một trong những cộng tác viên trẻ nhất trong lịch sử công ty tư vấn nổi tiếng thế giới McKinsey & Co. (Thụy Sĩ).

Con nhà khá giả cũng đi làm thêm vì người ỷ lại vào cha mẹ bị xem là kém cỏi. Nhiều thanh niên còn bỏ tiền túi đến những vùng đất xa xôi như Tanzania, Campuchia, Việt Nam... làm công tác xã hội để có thêm vốn sống.

Cách giáo dục này tuy vậy cũng làm nảy sinh một số vấn đề trong nhiều gia đình gốc nhập cư từ các nước ngoài châu Âu, nhất là trong những cộng đồng Hồi giáo. Sự khác biệt giữa cách giáo dục, đối xử với người trẻ trong gia đình với trường học và ngoài xã hội dễ đưa tới mâu thuẫn, thậm chí xung đột giữa các thành viên trong gia đình hoặc với môi trường họ đang sinh sống.

Để những người trẻ được tôn trọng

Mỗi xã hội có những đặc thù riêng nhưng dường như nhiều người trẻ Việt Nam hiện nay thiếu bản lĩnh lẫn kiến thức về cuộc sống, dẫn tới những cách hành xử xốc nổi, thậm chí thiếu kiềm chế khiến họ phải hối hận về sau như đâm chém nhau chỉ vì một cái nhìn, quan hệ tình dục vô trách nhiệm, lạm dụng chất gây nghiện, sử dụng ma túy...

Đây là một hiện tượng rất đáng buồn nếu chúng ta nhớ lại là trong những năm 1960, 1970 thanh niên cả hai miền đều được xem là thành phần nòng cốt của xã hội, như tại miền Nam thì sinh viên học sinh, các trí thức trẻ luôn đi đầu trong các phong trào đấu tranh đòi thực thi dân chủ.

Khi ra đường người ta thấy nhan nhản những biểu hiện thiếu tôn trọng pháp luật ở nhiều người trẻ, từ vi phạm luật lệ giao thông tới chống người thi hành công vụ cho dù mình rõ ràng có lỗi. Chính thói quen xem thường luật pháp này là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng không ít thanh niên Việt vi phạm pháp luật nước sở tại khi ra nước ngoài du lịch hay học tập.

Chúng ta không thể đổ thừa cho cái nghèo vì không ít người có điều kiện kinh tế không kém nhưng khi ra nước ngoài vẫn tìm cách trốn vé metro, vé tham quan, trộm cắp vặt... khiến người bản xứ coi thường. Đó là chưa nói tới tình trạng những người trẻ muốn kiếm tiền thật nhanh chóng và dễ dàng mà sa vào những đường dây trộm cắp tại Nhật, Singapore, trồng cần sa ở Anh, Đan Mạch, Thụy Điển, nấu rượu lậu tại Dubai... gây tiếng xấu cho đất nước.

Cô Johanne Schmidt-Nielsen, 31 tuổi, đồng chủ tịch Đảng Enhedslisten, đảng về thứ tư trong bầu cử Quốc hội Đan Mạch vừa qua, tiếp xúc với cử tri. Johanne là một trong những chính trị gia được ưa thích nhất tại Đan Mạch và có ảnh hưởng lớn tới giới trẻ tại đây. Ảnh: Berlingske

Cũng vì những hành vi xốc nổi, thiếu suy nghĩ, lối sống buông thả đang gia tăng trong một bộ phận người trẻ hiện nay mà nhiều người lớn tuổi, trong gia đình cũng như ngoài xã hội, sinh ra thiếu tin tưởng vào họ. Những biểu hiện quá đà của một số người trẻ như cúi hôn ghế thần tượng ngồi, kêu khóc thảm thiết khi nhìn thấy họ, níu kéo thô bạo khiến thần tượng cũng phải sợ... khiến người khác có ấn tượng họ chỉ là những đứa trẻ lớn xác.

Cũng vì những hành vi xốc nổi, thiếu suy nghĩ, lối sống buông thả đang gia tăng trong một bộ phận người trẻ hiện nay mà nhiều người lớn tuổi, trong gia đình cũng như ngoài xã hội, sinh ra thiếu tin tưởng vào họ. Những biểu hiện quá đà của một số người trẻ như cúi hôn ghế thần tượng ngồi, kêu khóc thảm thiết khi nhìn thấy họ, níu kéo thô bạo khiến thần tượng cũng phải sợ... khiến người khác có ấn tượng họ chỉ là những đứa trẻ lớn xác. Và mỗi khi có điều gì không hay xảy ra, nhiều bạn trẻ trên 18 tuổi - tuổi chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình, lại lấy lý do tuổi trẻ ra để bào chữa. Thế nên có thể nói chính nhiều người trẻ đã tự làm giảm giá trị sức trẻ của mình. 

Và mỗi khi có điều gì không hay xảy ra, nhiều bạn trẻ trên 18 tuổi - tuổi chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình, lại lấy lý do tuổi trẻ ra để bào chữa. Thế nên có thể nói chính nhiều người trẻ đã tự làm giảm giá trị sức trẻ của mình.

Trong bất cứ xã hội nào thì thế hệ trẻ cũng là tương lai nhưng sự tin tưởng, tôn trọng không bao giờ tự nhiên mà có. Thiết nghĩ khi những người trẻ muốn được tôn trọng, muốn xóa bỏ định kiến “trẻ người non dạ” thì cần phải chứng tỏ mình xứng đáng được như thế. Cũng không thể đổ mọi trách nhiệm cho môi trường sinh sống hay xã hội vì hành vi của mỗi người chủ yếu là do quyết định của bản thân.

Thay vì phàn nàn là những người lớn tuổi hiện nay không xem trọng giới trẻ thì hãy làm một điều gì đó có ý nghĩa, có thể chỉ là những chuyện đơn giản như số thanh niên thành phố giúp thu dọn rác rưởi trên phố đi bộ Nguyễn Huệ sau khi lễ hội pháo hoa kết thúc hay nhặt rác của mình xả ra trên khán đài sau khi xem đá bóng tại SEA Games Singapore.    

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận