Tại sao không ăn côn trùng?

GS NGUYỄN VĂN TUẤN 18/12/2010 16:12 GMT+7

TTCT - Một nghiên cứu mới công bố gần đây cho thấy ăn côn trùng có thể là một cách chống bệnh đường ruột.


Đuông chà là món ăn khoái khẩu và đắt tiền


Vào cuối thế kỷ 19, nhà nghiên cứu sâu bọ người Anh Vincent M. Holt đã viết một cuốn sách ngắn với tựa đề Tại sao không ăn côn trùng?. Trong bối cảnh khủng hoảng thịt trên thế giới và môi trường ngày càng ô nhiễm, côn trùng đang được xem như một nguồn thực phẩm.

Côn trùng không ghê tởm

Đối với phần lớn người phương Tây và Việt Nam, ăn côn trùng là chuyện ghê tởm, bất bình thường. Cảm nhận đó có lẽ xuất phát từ nhận thức côn trùng là những sinh vật dơ bẩn, hôi hám, độc hại. 

Trong một lần về miền Tây, tôi có dịp thưởng thức món “gián chiên giòn” - một “món độc” của nhà hàng. Dù không mặn mà mấy nhưng tôi vẫn thử qua cho biết, và phải nói rằng món ăn rất đặc biệt.

Nhưng thói quen ăn côn trùng không mới và cũng không phải chỉ có ở những nước châu Á hay châu Phi. Mười ngàn năm trước, người Hi Lạp, La Mã từng dùng côn trùng như là thực phẩm. Riêng ở nước ta và một số nước châu Á, chưa ai biết thói quen ăn côn trùng hình thành từ lúc nào, nhưng chắc chắn không phải gần đây. Ở Việt Nam, chúng ta biết rằng đuông dừa và đuông chà là những món ăn khoái khẩu và... đắt tiền.

Côn trùng cũng không ghê tởm như chúng ta tưởng. Đứng trên phương diện dinh dưỡng, côn trùng có cùng thành phần dinh dưỡng như thịt heo, bò, cá. Tùy vào chủng loại, côn trùng thường có khoảng 30-70% protein, đồng thời là nguồn chất béo, vitamin (đặc biệt là vitamin B), chất khoáng (như sắt và kẽm). Mỗi 100 gam thịt bò chứa khoảng 23,5 gam đạm, và con số này cho dế là 13 gam. Nhưng thịt bò có đến 288 calories/100 gam, cao gấp 2 lần so với calories của dế. Hàm lượng chất béo trong thịt bò cũng cao gấp 4 lần so với dế! 

Do đó, phân tích một cách khách quan và khoa học, côn trùng là loại thức ăn lành mạnh. Một lợi ích của ăn côn trùng so với ăn thịt là côn trùng thuộc loài vật có máu lạnh và chúng không sử dụng năng lượng để duy trì một cơ nhiệt bất biến. Vì thế, chúng chuyển hóa thành trọng lượng một cách hiệu quả.

Ăn côn trùng để... phòng bệnh

Côn trùng có thể là một thực phẩm chức năng. Một nghiên cứu gần đây phát hiện rằng trẻ em thuộc bộ lạc Burkina Faso (châu Phi) ăn mối, có những vi khuẩn trong ruột giúp tiêu hóa chất sợi thực vật và chống lại tiêu chảy, bệnh viêm đường ruột như Crohn. 

Ngược lại, trẻ em Ý ăn thức ăn giàu đạm động vật, đường, chất béo, có ít vi khuẩn trong ruột, dễ bị tiêu chảy và viêm ruột. Đây là một công trình nghiên cứu khá lạ lùng nhưng kỳ thú, vì nó cho thấy ăn côn trùng có thể giúp chống lại một số bệnh phổ biến như tiêu chảy ở các nước nghèo. 

Đại học Wageningen ở Hà Lan đang nghiên cứu việc chiết, tinh chế và sử dụng protein của côn trùng như một nguồn thực phẩm cho con người.

Ăn côn trùng có thể giúp giảm ô nhiễm môi trường. Hiện nay, 70% đất đai đã dành cho nông nghiệp và chăn nuôi. Kỹ nghệ chăn nuôi có thể gia tăng nhưng chúng ta phải trả cái giá cho sự ô nhiễm môi trường và sức khỏe, vì kỹ nghệ này thải ra môi trường những kim loại nặng và mầm bệnh; axit hóa hệ sinh thái (do thải chất ammonia) và sử dụng rất nhiều nước (40.000 lít cho mỗi kilogam thịt bò). 

Ngoài ra, kỹ nghệ chăn nuôi với mật độ chăn nuôi quá cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tăng kháng sinh. Tuy gián và bọ cũng có thể sản xuất methane, phần lớn côn trùng có thể ăn được thì không thải methane.

Tuy nhiên, việc khai thác côn trùng từ thiên nhiên có thể gây mất cân bằng cho hệ sinh thái. Vì vậy, chúng ta có thể phát triển kỹ nghệ chăn nuôi côn trùng.

Nhưng nói chung người tiêu thụ vẫn chưa quen với ăn côn trùng. Để thuyết phục người tiêu thụ, cần phải cung cấp thông tin về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, giải thích lợi ích về môi trường, phát triển những món ăn từ côn trùng, làm cho sản phẩm trở nên hấp dẫn hơn và dễ tiếp cận hơn, cũng như có hệ thống kiểm tra bằng luật pháp. 

Có lẽ một cái nếm thử là bước đầu tiên để vượt qua tâm lý của người tiêu thụ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận