Tập mỗi ngày: Hãy thử nói về mình như ngôi thứ ba

T.L. (*) 11/03/2020 08:03 GMT+7

TTCT - Một việc tưởng là ngớ ngẩn lại giúp ta thành khôn ngoan. Bằng cách nào?

 

 Minh họa

Khi học ngoại ngữ, trước tiên ta học về đại từ nhân xưng. Ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai, ngôi thứ ba... 

Khi nói về bản thân là dùng ngôi thứ nhất chứ không dùng tên. Nếu một anh Thomas nào đó bảo: “Thomas không thích ăn rau!” thì người ta sẽ hiểu hai anh Thomas này khác nhau, cái anh không thích ăn rau là một ngôi thứ ba đang được anh Thomas kia nói đến.

Điều này thật khác với ta, ta (mà thường là người trẻ) hay xưng tên khi nói về mình; ca sĩ, diễn viên trả lời phỏng vấn mà xưng “tôi” là nghe có vẻ hơi “nghiêm nghị”, ai nấy xưng tên nghe ra gần gũi, hiền lành. Chuyện tự xưng bằng tên là bình thường. Ta có xưng tên thì vẫn là... “tôi”.

Nhưng với Tây, nói về mình mà lại bằng tên riêng thì đích thị kỳ quái. Họ có thuật ngữ illeism (ille trong tiếng Latin = “anh ta”) trong tâm lý học để chỉ “tình trạng” tự gọi mình, tự nói về mình như ngôi thứ ba. 

Người ta đa phần coi illeism là một “chứng”, hoặc là do quá yêu mình nên âu yếm gọi mình bằng tên, hoặc là rối loạn kiểu đa nhân cách, thường chỉ người nổi tiếng, vĩ nhân hay chính khách (như Tổng thống Donald Trump chẳng hạn) mới hay mắc. Thậm chí có người còn cho rằng, ai cứ tự nói về mình như người thứ ba thì nên... đi gặp bác sĩ.

Gọi “ta” bằng “nó” cũng dăm bảy đường

Phàm ở đời, cùng một chủng loại nhưng bao giờ cũng có thứ xịn, thứ rởm. Illeism “rởm”, như đã nói, bị coi là một loại narcissism - tự yêu mình. Trong khi đó, illeism “xịn”, tuy cũng nói về mình, gọi mình ở ngôi thứ ba, nhưng là tinh thần “thứ ba” thực sự. Gọi mình (và coi mình) “cô ấy/bà ấy/anh ấy/ông ấy/nó...” là một hình thức đứng lùi xa khỏi mình để nhìn rõ hơn toàn cảnh, bớt thiên vị, rất giống như ta đi xem một bức tranh to, có lúc tiến lại gần nhưng có lúc phải lùi ra xa. 

Lùi xa bản thân để được “ngoài ta”, là để có một cái nhìn khách quan hơn về mình, phán xét cho đúng tình hình; từ đó giúp tìm ra cách thỏa hiệp với vấn đề. Đây chính là một công dụng then chốt được các bác sĩ tâm lý áp dụng trong nhiều phương pháp điều trị hành vi.

Bạn bất đồng với một người. Thông thường bạn sẽ kể với ai đó, hoặc viết nhật ký, mở đầu bằng: “Tôi...”. Trong câu chuyện này, cuộc đấu tranh diễn ra giữa hai nhân vật chính: tôi (ngôi thứ nhất) và hắn (ngôi thứ ba). 

Với cấu trúc này, theo các chuyên gia, bạn sẽ tuân theo bản chất của con người, rằng “tôi” là đúng, “tôi” phải chiến thắng, “tôi” có lý, còn “hắn” vô lý. Khi kể lại câu chuyện, bạn sẽ tự che chở, bảo vệ mình trong từng câu. Bạn chọn những chi tiết hiền hòa cho mình, ác độc dành cho kẻ kia. Dù kết cục có thể nào, bạn cũng đã chiến thắng một nửa.

Với illeism, bạn cũng sẽ viết nhật ký, kể lại câu chuyện bất đồng kia cho ai đó nghe, hoặc cho chính bạn nghe, với hai nhân vật chính đều ở ngôi số ba: cô ta/anh ta và hắn; trong đó cô ta/anh ta chính là... bạn. 

Tự tách mình ra khỏi mình như thế, bay vút lên và nhìn xuống như một quan tòa phân xử hai đứa trẻ con hờn dỗi, bạn sẽ nhận ra (phần nào) cái lý của người kia, cái vô lý của bạn, và cái khoảng chung hai người có thể thương lượng mà thỏa hiệp với nhau.

Theo Authenticuplifting, năm 2014, Ethan Kross cùng tám cộng sự ở Đại học Michigan (Mỹ) công bố một nghiên cứu, trong đó Kross thấy rằng chỉ cần đổi vai “tí ti” khi nói về mình, về các vấn đề của mình, người ta có thể điều tiết được các suy nghĩ, cảm xúc, hành vi. 

Và việc này hiệu quả ngay cả với những người mỏng manh nhất.

 

 Minh họa

Nói có sách, mách có chứng

Đã là khoa học thì không thể nói vo. Cây bút chuyên về khoa học David Robson kể lại, ở Trường đại học Waterloo (Canada) có ông Igor Grossmann chuyên nghiên cứu về “tâm lý học của sáng suốt”. Bằng thí nghiệm, Grossmann khẳng định rằng ta có thể đo được độ khôn ngoan trong lập luận, và điểm số này cũng quan trọng không khác gì IQ.

Thoạt tiên, Grossmann đề nghị những người tham gia thí nghiệm nói ra một vấn đề rắc rối, của cá nhân hay của xã hội, rồi ông quan sát mà cho điểm dựa trên nhiều yếu tố khác nhau của suy nghĩ - những yếu tố từ lâu đã được cho là “cốt tử” của khôn ngoan, từng trải; đó là: khiêm nhường về trí tuệ, biết đặt mình vào vị thế người khác, biết nhận ra cái không chắc chắn, và có khả năng đi đến thỏa hiệp. 

Grossmann thấy rằng, để đoán được ai lành mạnh về cảm xúc cũng như thỏa mãn trong các mối quan hệ, thì dùng điểm số của các mục này còn tốt hơn các bài trắc nghiệm về trí thông minh thông thường (kiểu hãy xem trong hình này có mấy con voi...). 

Ông cho rằng sự khôn ngoan - là thứ hội tụ bởi những đặc điểm trên - chính là “một cấu trúc độc đáo quyết định việc ta xoay xở với những trắc trở đường đời thế nào”.

Điểm số này có thể cải thiện không? Và cải thiện thế nào?

Cùng một cộng sự, Grossmann tìm hiểu điều này, và ông nghĩ tới sức mạnh của illeism. Hai ông cho thực hiện một loạt thí nghiệm, và nhận thấy rằng: sau khi mô tả mình cùng những vấn đề mình gặp ở ngôi thứ ba, người ta thường trở nên khiêm nhường hơn, cầu thị hơn, biết nghĩ đến người khác hơn.

Để chắc chắn, nhóm nghiên cứu của Grossmann đã đề nghị gần 300 người tham gia tả lại một tình huống xã hội “khó nhằn” mà họ gặp phải. Cách lập luận và hành xử của họ được chấm điểm. Đây là điểm số lần 1.

Sau đó, những người tham gia ghi nhật ký trong suốt bốn tuần. Mỗi ngày, họ phải tả lại một tình huống vừa gặp, thí dụ như bất đồng với ai đó, hoặc nghe được tin xấu... Họ được chia làm hai nhóm. Một nhóm viết ở ngôi thứ nhất, trong khi nhóm kia áp dụng illeism khi viết. Sau bốn tuần, họ làm lại bài kiểm tra về hành xử và được chấm điểm lần 2.

Kết quả đúng như Grossmann hi vọng: những người viết nhật ký ở ngôi thứ nhất có điểm số hành xử khôn ngoan không thay đổi, trong khi những người dùng illeism tăng rõ ràng về điểm khiêm nhường, điểm biết người biết ta, cũng như điểm về khả năng thỏa hiệp.

Khoa học là tham lam, là chỉ chịu dừng lại khi... hết tiền tài trợ. Grossmann thực hiện tiếp thí nghiệm, để chứng minh rằng “trí khôn nhờ đóng giả tha nhân” kia tập luyện mãi về lâu về dài có thể đem lại tâm tính bình ổn và cảm xúc điều hòa.

Sau khi đã xong 4 tuần ghi nhật ký, những người tham gia phải dự đoán sau một tháng nữa, cảm xúc yêu/ghét, tin/bất tin của mình đối với các thành viên gia đình cũng như bạn bè thay đổi ra sao.

Sau một tháng, họ báo cáo và so sánh lại với dự đoán. Với những người chuyên “ngôi thứ nhất”, sau một tháng họ nhận ra, quả là khi dự đoán mình đã thổi phồng những cảm xúc tích cực và xem nhẹ các cảm xúc tiêu cực. 

Ngược lại, những người áp dụng illeism dự đoán chính xác hơn. Họ chừng mực, ít hồng hào cũng như ít đen tối hơn nên kết quả ra khá sát. Dường như việc lập luận khôn ngoan hơn đã giúp họ khi trở về sống hài hòa hơn với bạn bè và người thân.

Vẫn chưa chịu dừng ở đó, các nhà nghiên cứu còn khảo sát thêm, xem việc tập luyện “nghĩ mình là tha nhân” có thể áp dụng cho các việc khác ra tiền không. Theo tác giả David, trên thực tế người ta thấy, những tay chơi bài lạnh lùng sẽ đi các nước bài tốt hơn, và trên thị trường chứng khoán, kẻ chừng mực biết trước biết sau, tách mình ra xa mà xét đoán... thường hay thắng.

Làm người, dễ nhất là với mình mà khó nhất cũng là với mình. Mình có thể tự xỉ vả dằn vặt mình ngày này qua ngày khác vì một lỗi cỏn con, nhưng mình lại không cho phép người khác thấy mình sai, dù cái sai ấy to cồ cộ. Mình chiến đấu hết mình vì mình, trước người khác; nhưng mình cũng lại dập vùi và thất hứa với chính mình không ai bằng. Ngôi thứ nhất số ít là nguồn gốc của mọi niềm vui cũng như khổ não, với phần khổ não nhiều hơn, và người ta loay hoay bứt khỏi “cái tôi” như con hổ cố tự lột da.

Vì thế, bạn nên thực tập illeism, cũng chẳng có gì khó, có thể âm thầm làm một mình, ngày này qua ngày khác. Bạn sẽ thấy, chưa cần đạt tới “cảnh giới” thần tiên là “coi mình như chẳng có”, chỉ cần tách ra được một chút mỗi khi gặp khó, để quan sát và bình tĩnh trước được/thua của mình, cũng đã là một giải pháp để đời sống được nhẹ nhõm hơn; hay nói cho đúng, đó chính là một cách để ngôi thứ nhất không tự hành hạ ngôi thứ nhất.■

(*) tổng hợp và dịch.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận