Tết quê chồng

BẢO NHI 08/02/2016 20:02 GMT+7

TTCT - Tôi và chồng đều là dân quê ra làm cư dân thành phố. Chồng tôi là anh cả trong một gia đình bảy anh em. Các em chồng, sáu đứa thì hết năm cũng là những người bỏ quê lên phố và đã có gia đình riêng, nên chỉ có ngày Tết là lúc anh em gặp nhau sum vầy, đông đủ.

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa


 Cứ mỗi cái Tết, tất cả anh em lại háo hức đưa con cái về thăm bố.

Quê chồng tôi là một vùng ruộng vườn dân Bắc di cư 1954, một “xứ đạo” điển hình nằm trong vùng tứ giác Long Xuyên. Vùng đất trũng và sáu tháng nước ngập này thuộc TP Cần Thơ, một mặt giáp An Giang, một mặt giáp Kiên Giang.

Muốn vào đến nhà nội, vợ chồng tôi phải đi 12km đường đò, một chiếc đò máy dầu kêu phành phạch và chậm như rùa, ngoài ra không có phương tiện nào khác nếu không muốn lội bộ 12km trên những con đường quê nhỏ xíu và trơn trượt.

Đây là xứ đạo nên cứ chừng vài cây số, chúng tôi lại nhìn thấy một cái nhà thờ rất đẹp mà tháp chuông cao vươn lên khỏi những hàng tre, rặng dừa xanh ngắt. Nhà cửa hai bên dòng kênh khang trang, nhà ai cũng trồng hoa kiểng. Thỉnh thoảng lại nhìn thấy những cây mai cổ thụ vàng rực trước sân nhà ai đó.

Nhà cửa đã được các em trang hoàng từ trước rất đẹp, bàn thờ Chúa có những bình hoa tươi tắn, rực rỡ. Các cô con dâu (mà dâu trưởng là tôi) tíu tít làm cơm từ sớm với những món đồng quê như cá lóc hấp bầu, gà vườn nấu cháo, cà pháo thịt luộc... Bữa cơm sum họp gia đình được dọn ra đêm giao thừa, từng cặp vợ chồng nâng ly rượu chúc sức khỏe bố chồng (mẹ chồng tôi đã mất từ lâu). Những lời chúc tụng hài hước, vui nhộn khiến bố chồng cười hết buổi.

Chuyện ngủ của bảy gia đình cũng là đại sự. Nhưng bố chồng tôi giải quyết rất tốt bài toán này khi ông đã may một cái mùng to bằng phòng khách và lùa hết các con, cháu vào nằm trong cái mùng ấy. Thật là thú vị. Trẻ con ngủ rất nhanh vì mệt. Người lớn thì cứ rì rầm, rì rầm nói chuyện tận gần sáng.

Gà gáy canh ba, canh tư, ai có sức cũng ráng ngồi dậy uống cà phê với bố chồng vì bố có thói quen thức sớm lúc 3g sáng. “Tiệc cà phê” của bố chồng tôi cũng là một nghi thức lạ lùng không thuộc về tập tục mà thuộc về nếp nhà. Những khó khăn, khúc mắc, mọi người đem ra hỏi bố mong một lời khuyên bảo... Và những lời của ông bao giờ cũng minh triết và bao dung.

Chưa 5g sáng, chuông nhà thờ đã đổ dồn và rồi những bài thánh ca ngân nga. Cả đồng quê thức dậy. Trời còn tối lắm nhưng mọi người trong xóm đã lục tục đi lễ nhà thờ. Từng đoàn người đi cùng nhau trong mờ mịt sương sớm, họ đi trong im lặng, vài người vừa đi vừa lần chuỗi hạt và đọc kinh Kính mừng.

Tết ở quê tôi không chỉ là Tết của người già mà là của ba thế hệ, khi tất cả cùng cảm thấy vui và gắn bó, thấy sợi dây huyết thống bền chặt theo thời gian

 

Sau bữa ăn sáng, người lớn, trẻ con diện đồ đẹp, chỉnh tề ra phòng khách đứng khoanh tay chúc tuổi bố chồng tôi và nhận lì xì, tuần tự từng gia đình từ lớn tới nhỏ. Chồng tôi là con trai trưởng nên tôi và chồng thay bố đi chúc Tết người trong họ.

Chúng tôi xách một cái giỏ đựng quà nặng trĩu, kèm một cái đĩa. Cứ tới mỗi nhà trong dòng họ, chúng tôi lại để lên đĩa một gói bánh, một gói trà. Với ông bà, cô bác, chúng tôi lại hỏi han, chúc tụng gia chủ và nhận lại những lời chúc năm mới.

Sau đó chủ nhà sẽ lấy một món quà trên đĩa của tôi và để lại một món, đó là tập tục lâu đời. Dòng họ bên chồng khá đông nên khi về tới nhà thì hai chân tôi cũng rã rời. Tuy nhiên, tôi và chồng vẫn cảm thấy lòng tràn niềm vui khi mình có thể thay bố làm những nghĩa cử đẹp lưu giữ tình cốt nhục.

Những ngày Tết tôi phải thường xuyên nấu nước pha trà, mang bánh mứt cho bố chồng tôi tiếp khách. Những người trong dòng họ qua lại nhà nhau, chào hỏi, chúc tụng nhau, uống với nhau chén trà chén rượu, nói chuyện con cái học hành, chuyện mùa màng, chuyện mua sắm, cưới xin... Bố chồng tôi có bệnh tim, hay ủ dột và buồn phiền.

Nhưng những ngày Tết này ông vui và khỏe hẳn ra. Ông vừa tiếp khách, vừa cười đùa, vừa khoe chuyện con cái về thăm, đứa này mua tặng ông cái áo, đứa kia mua tặng ông mấy ký tôm khô, đứa mang cho ông chai thuốc bổ... Người già mà, chỉ cần cháu con quây quần hay quan tâm, chăm sóc là thấy tinh thần phấn chấn, sức khỏe dồi dào ngay.

Tết miền quê vẫn là cái Tết lưu giữ những phong tục tập quán lâu đời, cái hồn của Tết Việt vẫn còn đó, không mai một theo thời gian. Thích nhất là tối tối, người lớn trải chiếu ra sân ngồi hóng gió trời, ngắm sao trời, trò chuyện rôm rả, cắn hạt dưa, ăn bánh mứt. Trẻ con chạy chơi rồng rắn lên mây, chơi u chơi keng, chơi trốn tìm...

Những trò chơi dân dã ấy đã gợi nhớ một thời thơ ấu, những ngày tháng hạnh phúc bên cha mẹ mà cuộc sống áo cơm đã khiến mình quên đi. Người lớn như tôi, chồng tôi và các em chồng chợt rưng rưng khi “nhìn thấy” mình trong hình ảnh con mình.

Tết ở miền quê là vậy đó, là dịp hiếm hoi để cha mẹ, con cái, anh em đoàn tụ. Tết ở quê tôi không chỉ là Tết của người già mà là của ba thế hệ, khi tất cả cùng cảm thấy vui và gắn bó, thấy sợi dây huyết thống bền chặt theo thời gian.

Người già quê tôi chờ Tết và hạnh phúc với Tết đã đành, người trẻ ra đi rồi vẫn ý thức được Tết chính là thời điểm trở về, là thời điểm tâm hồn mỗi người tưới tắm trong niềm vui và tình thương gia đình, chung sức giữ gìn tình thân, tình cốt nhục, những phong tục tập quán của quê hương mình.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận