Thảm họa “mái tóc nhà làm”

TRÚC ANH 19/04/2020 16:04 GMT+7

TTCT - Có ai ngờ lại có lúc ta phải thêm tôngđơ, kéo cắt vào giỏ hàng trên trang mua sắm trực tuyến, và dành thời gian học cách “cúp tóc” cho chính mình hoặc người thân.

Ảnh: metro.co.uk
Ảnh: metro.co.uk

Vì COVID-19, các hiệu làm đầu và salon cắt tóc ở nhiều nơi trên thế giới đã phải đóng cửa, chưa biết khi nào mở lại, trong khi tóc tai thì chẳng vì dịch bệnh mà ngừng dài ra. Chẳng thế mà “cắt tóc tự tôi” (DIY haircut) trở thành từ khóa hot trên mạng xã hội, các bài viết, video hướng dẫn cách có “mái tóc nhà làm” cho mình hoặc cho người khác cũng bùng nổ trong thời gian qua.

Chuyện tóc tai cũng gây sốt trên mạng thông qua trào lưu chia sẻ cái mà tờ Independent của Anh gọi là “những thất bại cắt tóc mùa cách ly” trên mạng xã hội kèm lời bình tự giễu và các hashtag hài hước #coronahaircut, #covidcut hay #pandemicbangs (tóc mái thời đại dịch). Nạn nhân của những “siêu phẩm cắt tóc nhà làm” là chính khổ chủ hay vợ chồng, con cái, người thân, bạn bè.

Giả sử có anh A nọ vừa trở về nhà từ tiệm cắt tóc vào ngày 12-3, đúng lúc Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, thì thời điểm hiện nay là lúc anh ta cần quay lại gặp bác phó cạo. Nhưng giờ anh chỉ còn lựa chọn hoặc để tóc dài, hoặc tham gia trào lưu “cắt tóc tự tôi”.

Nếu “tầm Internet học đạo” mà vẫn chưa thông hoặc chưa đủ tự tin mang chính quả đầu của mình ra làm chuột bạch, chi bằng vời thầy đến giúp. Nhưng ở thời mà mọi khoảng cách phải là 2 mét thì thầy đâu thể đến nhà kẻ tầm sư rồi cầm tay chỉ việc. May mà có công nghệ gọi video, thứ giúp cúp tóc ảo (virtual haircut) trở thành hiện thực.

Nhà báo Mỹ Erin Griffith của tờ New York Times đã kể lại trải nghiệm cắt tóc ảo cho chồng mình hôm 13-4. Sau nhiều tuần “sống chung với bù xù”, vợ chồng nhà Griffith đã quyết định dùng dịch vụ do Collentine - chuyên gia làm tóc ruột của người vợ - chào mời với giá 55 USD/một “tua” hướng dẫn từng bước một bằng cách gọi video qua FaceTime.

Là nhà báo, Griffith quá hiểu thảm họa cắt tóc thời cách ly là như thế nào, nên tự nhủ cắt tóc nghiệp dư dưới sự hướng dẫn của chuyên gia chắc không đến nỗi khiến chồng mình phải cạo trọc vì nỗ lực trở thành thảm họa. Cô còn mộng mơ rằng biết đâu lại giành thêm một thành tích sống sót mùa đại dịch hoặc sẽ trở thành những người chỉ cắt tóc ở nhà mà không cần ra tiệm sau khi hết dịch.

Thực tế là vạn sự khởi đầu nan: tôngđơ, kẹp và kéo chuyên dụng “cháy” hàng, đặt mua trên mạng cũng phải chờ vài tuần vì “cả nước ai cũng đang tự cắt tóc mình”. Cuối cùng, với bộ dụng cụ đi mượn, Griffith bắt đầu gọi cho “thầy” qua FaceTime, sau khi gửi ảnh chụp tứ phía phần đầu của ông chồng để chuyên gia lấy làm giáo cụ.

Griffith mô tả quá trình tác nghiệp trên mái tóc của chồng như thể “lần đầu lái xe với đầy đủ cha mẹ trên xe”, còn Collentine thì kiên nhẫn chỉ từng bước một, không quên động viên khách hàng rằng “cô làm tốt lắm”. “Tôi hỏi liệu thấy một kẻ nghiệp dư lóng ngóng như thế có khiến Collentine muốn bay xuyên qua màn hình điện thoại mà đến đây để tự làm cho xong không thì cô ấy thừa nhận cũng muốn điên một chút” - Griffith viết.

Nữ nhà báo kiêm thợ cắt tóc nghiệp dư dần tự tin và cuối cùng hoàn thành nhiệm vụ với kết quả không đến nỗi tồi, trừ phần tóc sau gáy. Thì đã sao, đằng nào khổ chủ cũng không nhìn thấy được, và lỡ ai có họp trực tuyến với anh ta cũng không. Griffith, vốn cũng chi thêm 20 USD để Collentine hướng dẫn tỉa lại phần tóc mái, bỏ luôn ý định hớt tóc tại gia, còn mạnh dạn đề xuất giới phó cạo, thợ làm đầu nên thu tiền gấp 3 ngay khi mở cửa sau đại dịch.

Theo Edward Rees, người quay các video hướng dẫn cắt tóc sau khi phải đóng cửa hai salon tóc vì dịch bệnh ở xứ Wales, người tóc ngắn nên đi cắt sau mỗi 5-6 tuần, hoặc 8 tuần với người tóc dài hơn. Dịch bệnh khiến chúng ta có thể phải chờ lâu hơn thế. Rees khuyên cách tốt nhất là nên nhờ ai đó cắt. Còn không thì cứ thử “phiêu lưu” tự tay cầm kéo, vì dẫu sao trong thời giãn cách xã hội, ta có gặp ai nhiều đâu mà sợ bị chê cười.■

Cơn cuồng tích trữ đồ thời đại dịch ở Mỹ đã chứng kiến chuyển biến khi chuỗi siêu thị Walmart cho biết người dân đã chuyển từ gom mua giấy vệ sinh, nước rửa tay sang tôngđơ và thuốc nhuộm tóc. Walmart không đưa số liệu cụ thể nhưng dữ liệu của Nielsen cho thấy doanh số tôngđơ đã tăng 166%, còn thuốc nhuộm tăng 23% trong tuần thứ 2 của tháng 4 so với cùng kỳ năm trước.

tông

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận