Thế giới không chạm và những ô vuông đen trắng

HOA KIM 30/09/2021 17:25 GMT+7

TTCT - Một thiết kế hình vuông với những mảng đen trắng loang lổ như bàn cờ vua bị sắp xếp lộn xộn đã trở thành định dạng chuẩn cho các giao tiếp giữa thế giới thực và không gian số. Mã QR đã chứng tỏ sự hữu dụng trong một xã hội phi tiếp xúc thời đại dịch, và với những gì đang diễn ra thì nhiều khả năng nó sẽ còn ở lại ngay cả khi COVID đã qua đi.

 
 Ảnh: W Hotels

Dù chỉ nhỏ bằng chiếc tem thư, lượng thông tin lớn mà nó chứa đựng cũng như khả năng truy xuất dễ dàng chỉ với chiếc điện thoại thông minh là những ưu điểm đã giúp mã QR trở thành một công nghệ trụ cột trong các giải pháp phòng chống dịch và khi phải chung sống với virus.

Thăng trầm của những ô vuông

QR là viết tắt của Quick Response, nghĩa là phản hồi nhanh. Loại mã này được kỹ sư người Nhật Masahiro Hara phát minh vào năm 1994, với mục đích ban đầu là để quản lý hàng tồn kho cho Công ty Denso Wave nơi ông làm việc. Ban đầu công ty sử dụng mã vạch truyền thống, nhưng loại mã một chiều này sớm bộc lộ hạn chế đối vì số lượng thông tin có thể lưu trữ là quá ít so với nhu cầu.

Mã QR về cơ bản là một phiên bản cải tiến hai chiều của mã vạch; thay cho các đường dọc có độ dày mỏng khác nhau là một lưới vuông dạng bàn cờ gồm các ô nhỏ màu đen hoặc trắng (thay cho số 0 và 1 trong mã nhị phân). Bổ sung này cho phép dung lượng có thể lưu trữ trên cùng diện tích tăng đáng kể: mã vạch tiêu chuẩn có thể mã hóa được trung bình 20 ký tự thông tin trong khi mã QR có thể chứa 4.000 ký tự hoặc nhiều hơn tùy vào phiên bản được sử dụng. Cũng với thiết kế mới này, chỉ cần tăng kích thước mã lên một chút thì số lượng đơn vị thông tin có thể chứa đã tăng gấp nhiều lần, giúp tiết kiệm không gian cho các nhu cầu lưu trữ lớn.

Các ô vuông trong mã QR được sắp xếp theo thứ tự định trước, và khi quét thì thiết bị sẽ đọc các chữ số nhị phân theo thứ tự phù hợp, tự sửa lỗi (nếu có) và khôi phục đoạn văn bản gốc - có thể là thông tin một món hàng, đường dẫn đến trang web của một đơn vị, hay thậm chí là thông tin khai báo y tế hay “thẻ xanh COVID” của người dân.

Ứng dụng của mã QR từ lúc nó ra đời mãi cho đến năm 2010 chỉ quanh quẩn trong các ứng dụng công nghiệp như quản lý kho hàng, kiểm kê... với các đầu đọc mã chuyên dụng. Sự thay đổi lớn đến từ đầu thập niên trước, khi các dòng điện thoại thông minh bắt đầu có khả năng đọc mã QR và dịch chúng thành các đường dẫn đến trang web, nhưng phải cài ứng dụng riêng (chỉ làm duy nhất chuyện quét mã). Một công ty cho đăng mã QR trên biển quảng cáo để người dùng có thể truy cập vào web nhanh, nhưng nhiều khả năng chẳng ai quét vì quá phiền.

Trong khi công nghệ này bị chìm vào quên lãng sau thời gian đầu hào hứng ở phương Tây, mã QR lại chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc, nơi nó được hai ông lớn WeChat và AliPay áp dụng để nhanh chóng mở rộng mảng kinh doanh thanh toán di động. Trong một chuyến thăm Trung Quốc năm 2014, CEO Snapchat Evan Spiegel đã vô cùng choáng ngợp trước sự thành công của mã QR tại đây đến nỗi anh đã lập tức tập hợp một nhóm kỹ sư trong công ty để tích hợp mã QR trong ứng dụng của mình, đặt tên là Snapcodes, cho phép người dùng dễ dàng thêm bạn mới chỉ bằng cách quét mã của người khác. Công nghệ này nhanh chóng được chú ý trở lại và xuất hiện ở khắp nơi, từ danh thiếp đến trang web chính thức của Nhà Trắng cũng như khiến Facebook, Twitter, Spotify và Amazon cũng phải tạo ra các phiên bản mã QR khác nhau cho ứng dụng của họ.

Đột phá thực sự chỉ đến vào năm 2017, khi các bản cập nhật cho hệ điều hành iOS và Android cho phép gần như tất cả các điện thoại thông minh đều có thể dễ dàng quét mã QR từ ứng dụng chụp ảnh có sẵn của máy mà không phải cài đặt thêm bất kỳ ứng dụng chuyên biệt nào. “Mã QR không phải là một sự thất bại đến từ quá khứ. Chúng là tương lai. Lần này là thật sự” - trang Wired nhận xét trong một bài viết năm 2017.

Không chỉ lưu được nhiều hơn, mã QR còn có độ chính xác và độ tin cậy vượt trội. Mã có thể được quét theo bất kỳ hướng nào và tích hợp sẵn đoạn thông tin sửa lỗi, nhờ đó mà nếu hình ảnh có bị mờ hoặc nhòe một phần thì thông tin trên mã vẫn có thể được truy xuất một cách đầy đủ. Trên thực tế, tùy vào cách thiết kế mà một mã QR có thể bị hư hại đến 30% mà vẫn có thể đọc được toàn bộ, theo báo Wall Street Journal

COVID-19 và QR

Dù với tất cả thuận lợi trên, dữ liệu từ Scanova cho thấy số hộ gia đình ở Mỹ sử dụng mã QR chỉ tăng rất ít, khoảng 7% trong năm 2018 - 2019, theo trang Quartz. Giờ đây khi đại dịch COVID-19 buộc mọi người phải hạn chế hết mức tiếp xúc và nhu cầu cấp thiết đòi hỏi nhà chức trách phải có giải pháp quản lý việc di chuyển, khai báo y tế cũng như lịch sử tiêm chủng của cư dân, người ta lại một lần nữa chứng kiến sự phổ biến của mã QR trên các công cụ chống dịch.

Nhiều cửa hàng ở Mỹ đã chuyển sang dùng mã QR để khách tiện tra cứu thông tin sản phẩm thay vì phải thuê nhân viên tư vấn trực tiếp. Bà Alexa Allamano từng phải trả tiền để thuê một nhân viên bán hàng bán thời gian tại cửa hàng trang sức của bà ở Washington. Nhưng khi cửa hàng mở cửa trở lại sau một tháng đóng cửa vì dịch COVID-19 hồi tháng 10 năm ngoái, công việc của nhân viên ấy đã được thực hiện bằng mã QR. Allamano đã tái cấu trúc cửa hàng của mình để khi những người qua đường nhìn vào cửa sổ kính, họ có thể sử dụng điện thoại thông minh để quét mã QR bên cạnh mỗi món hàng để xem thông tin và chọn mua mà thậm chí không cần bước chân vào cửa hàng. “Nó không khác gì mua hàng trực tuyến, nhưng là ở ngoài đời thực” - bà Allamano nói với báo Financial Times.

 
 Ảnh: CNN

Nhiều quán ăn ở Mỹ cũng đã chuyển sang sử dụng mã QR thay thế cho thực đơn giấy, và thực khách thậm chí có thể đặt món ăn và trả tiền mà không cần tiếp xúc với người phục vụ. Các cửa hàng tạp hóa thì tăng cường đầu tư vào các kiôt tự thanh toán thay thế nhân viên thu ngân. Ở phương diện quản lý, mã QR đang được nhiều nước sử dụng trong các ứng dụng “thẻ xanh COVID” và khai báo y tế, giúp thuận tiện trong việc lưu giữ và truy xuất thông tin chỉ với chiếc điện thoại thông minh.

Số liệu thống kê cũng phản ánh thực tế này. Theo một nghiên cứu của Statista, tính đến tháng 9-2020 chỉ còn chưa đến 15% người được khảo sát tại Anh và Mỹ là chưa từng sử dụng mã QR, trong khi hơn 30% người trả lời có quét mã QR trong vòng một tuần trước đó. Một khảo sát khác của Payment Journal cho biết 24% người ở khu vực Bắc Mỹ có quét mã QR trong đại dịch, tăng đáng kể so với chỉ 13% trước dịch.

Hiệp hội Nhà hàng Mỹ thống kê rằng có đến một nửa số nhà hàng ở nước này có sử dụng mã QR trong năm 2020. Ở châu Âu, tính đến cuối năm 2020 có khoảng 10,1 triệu người đang sử dụng mã QR, theo khảo sát của Beaconstac. Tại Ý, mã QR còn được sử dụng phổ biến tại các địa điểm du lịch và bảo tàng để mang lại trải nghiệm tham quan có tính tương tác cao và hạn chế tiếp xúc với hướng dẫn viên. Statista thống kê có hơn 30% phòng trưng bày tranh và hiện vật ở Ý có ứng dụng mã QR dành cho du khách trong khi thêm 40% nữa có hứng thú với việc ứng dụng công nghệ này trong tương lai.

Mặt trái của sự tiện lợi mà mã QR mang lại là doanh nghiệp có thể xây dựng cơ sở dữ liệu về lịch sử đặt hàng cũng như thông tin liên hệ của khách hàng, hoặc thiết kế các ưu đãi được cá nhân hóa phục vụ mục đích tiếp thị, dẫn đến nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư. “Nhiều người không hiểu rằng khi sử dụng mã QR, giữa bạn và bữa ăn ở nhà hàng là cả một bộ máy theo dõi trực tuyến. Một hoạt động tưởng chừng “offline” như ngồi xuống dùng bữa bỗng nhiên trở thành một phần của đế chế quảng cáo trực tuyến” - anh Jay Stanley, nhà phân tích chính sách cấp cao tại American Civil Liberties Union cảnh báo. 

Dịch đi qua, QR ở lại

Sự chuyển dịch các công việc cần nhân sự sang thay thế bằng mã QR tiện lợi và rẻ tiền như trường hợp của bà chủ cửa hàng trang sức Allamano không phải là cá biệt. Sau đợt khủng hoảng tài chính cuối thập niên 2000, các công việc mang tính lặp đi lặp lại và không đòi hỏi chuyên môn đại học là những vị trí dễ bị thay thế nhất, theo một nghiên cứu của Warman. Lịch sử đó dường như đang lặp lại khi ô vuông nhỏ xíu có thể thay một nhân viên trong ngành bán lẻ, nhà hàng, khách sạn...

Các chủ doanh nghiệp cũng có nhiều lý do khác ngoài đại dịch để thuyết phục họ ứng dụng mã QR về lâu dài. Mã QR cho phép họ hiểu rõ khách hàng hơn: các dịch vụ đặt chỗ nhà hàng hoặc thực đơn điện tử có thể lưu lại thói quen gọi món của thực khách và gợi ý các món ăn có thể họ muốn thử. Việc đưa thực đơn lên không gian số cũng giúp thuận tiện cho việc cập nhật món ăn cũng như giá bán theo ngày.

“Nếu bạn điều hành một nhà hàng không nhận đặt chỗ, bạn sẽ không biết khách của mình là ai cho đến khi họ trả tiền. Những gì mã QR có thể cho phép bạn làm là hiểu vị khách của mình ngay khi họ ngồi xuống” - anh Bo Peabody, đồng sáng lập và CEO của dịch vụ đặt chỗ nhà hàng Seated giải thích với Đài CNBC.

Anh Ben Bleiman, chủ một quán bar ở San Francisco, cho biết trong 13 năm trong nghề đây là lần đầu tiên anh chứng kiến một làn sóng thay đổi mạnh mẽ và được đại đa số khách hàng hưởng ứng nhanh đến như vậy. Giờ đây, khách của Bleiman chuộng gọi món và thanh toán bằng mã QR ngay tại bàn hơn là đến quầy bar trả bằng tiền mặt hoặc cà thẻ mỗi khi gọi đồ uống, một điều anh chưa từng nghĩ sẽ thành hiện thực 2 năm về trước.

“Đối với những người giữ được việc làm, nó (mã QR) có thể cải thiện công việc của họ. Nhưng những người khác có thể bị sa thải... Với tự động hóa, luôn có kẻ chiến thắng và người thua cuộc” - Warman nhận xét.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận