Thế giới sẽ an toàn hơn?

HẢI MINH - HIẾU TRUNG 21/10/2013 04:10 GMT+7

TTCT - Với việc trao giải Nobel hòa bình cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (Organisation for the Prohibition of Chemical Weapons - OPCW), Ủy ban Nobel đã thừa nhận hơn 16 năm lao động nặng nhọc, nguy hiểm và thầm lặng của một trong những tổ chức đa phương trên con đường đầy chông gai giúp thế giới trở thành nơi an toàn hơn.

Phóng to
Các chuyên gia OPCW và Liên Hiệp Quốc (đeo mặt nạ chống độc) thu thập bằng chứng về vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus, Syria hôm 28-8

Thầm lặng mà hiệu quả

Trước khi cuộc xung đột Syria hiện giờ đưa OPCW ra sân khấu lớn, tổ chức này từ lâu hoạt động khá âm thầm. Trụ sở của tổ chức ở thành phố The Hague, chỉ cách trụ sở Tòa án tội ác chiến tranh quốc tế tại miền bắc Hà Lan vài mét. Rất ít người từng nghe tới tên vị tổng giám đốc đương nhiệm người Thổ Nhĩ Kỳ của tổ chức này - Ahmet Uzumcu.

OPCW giữ họ tránh xa ánh đèn sân khấu chính trị tới mức chính Ủy ban Nobel cũng đã khá khó khăn mới liên lạc được với họ để báo tin mừng.

Theo nhà phân tích chính trị Martin McCauley, nếu cho rằng vấn đề giải giáp vũ khí hóa học Syria là bước tiến lớn của năm nay thì lẽ ra Ủy ban Nobel hòa bình nên trao giải thưởng cho ông V. Putin, người đã khởi động thương lượng với Tổng thống Syria Al Assad. Còn nếu không thích ông Putin, ủy ban có thể trao cho Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, những người ngồi vào đàm phán. Nhưng ủy ban này đã chọn “không dính dáng vào chính trị, mà chỉ liên can tới chuyện tiêu hủy vũ khí hóa học, một quyết định quá dễ dàng cho tổ chức này”.

Nhưng có lẽ vì không tập trung quá nhiều sự chú ý của công chúng nên OPCW đã có thể tiến hành công việc của họ với hiệu quả đáng ngạc nhiên. Từ khi thành lập vào năm 1997, OPCW đã giám sát việc tiêu hủy hơn 80% số vũ khí hóa học đã tuyên bố trên toàn thế giới, bắt đầu với một căn hầm đầy hơi cay và khí arsenic (As) ở Albania.

OPCW cũng đã giám sát việc phá hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học của Ấn Độ và Hàn Quốc, gần toàn bộ kho vũ khí của chế độ Muammar Gaddafi tại Libya và hơn 90% kho vũ khí hóa học của Mỹ. Nga hiện đã xử lý xong hai phần ba kho vũ khí hóa học 40.000 tấn từ thời Xô viết của họ trong sự hợp tác với OPCW và tổ chức này cũng đang nỗ lực xử lý số vũ khí hóa học Nhật Bản bỏ lại Trung Quốc trong Thế chiến thứ hai.

Hơn một thế kỷ trước, trong những đường hào của Thế chiến thứ nhất, vũ khí hóa học được sử dụng không kiểm soát đã trở thành mối đe dọa cho chính con người. Chế độ Saddam Hussein từng sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến với Iran, rồi sau đó là với người Kurd vào cuối những năm 1980.

Nhiệm vụ của OPCW ở Syria là nguy hiểm nhất, khi các thanh sát viên của tổ chức phải hoạt động giữa vùng chiến sự. Nhưng xưa nay chưa có nhiệm vụ nào của họ là dễ dàng, khi luôn phải làm việc với những loại thiết bị nổ cực nhạy bên trong đầy các khí độc giết người.

20 thanh sát viên của OPCW tới từ hơn mười nước. Ngoại trừ sự kiện năm 2002 khi giám đốc người Brazil lúc đó của OPCW là Jose Bustani tìm cách đạt một thỏa thuận về giải giáp vũ khí hóa học riêng rẽ với Iraq, tổ chức này nhìn chung tránh xa chính trị và nhận được sự tin tưởng dù là ở Đông hay Tây, Bắc hay Nam.

Giải Nobel cho OPCW cũng là áp lực lớn lên vài nước còn lại vẫn chưa tham gia hiệp định không phổ biến vũ khí hóa học: Israel, Ai Cập, CHDCND Triều Tiên, Myanmar, Angola và Nam Sudan. Nếu giải thưởng có thể khiến một trong những nước này gia nhập hiệp định thì đó có thể là thành công lớn nhất lịch sử của Ủy ban Nobel.

Không phải là câu chuyện lãng mạn

Năm nay, nhiều người ủng hộ cô gái 16 tuổi người Pakistan Malala Yousafzai đã thất vọng vì cô gái trẻ can đảm, mạo hiểm tính mạng thách thức những lực lượng tàn nhẫn như Taliban để cất lên tiếng nói cho nữ quyền và quyền được giáo dục cho trẻ em gái, không được trao giải.

Nhiều lựa chọn của Ủy ban Nobel trong những năm gần đây đều bị cộng đồng quốc tế chỉ trích là “thiên kiến” và “thiếu thuyết phục”, như cho Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2009 hay Liên minh châu Âu năm 2012. Chính vì vậy Ủy ban Nobel đã nỗ lực hết sức để khẳng định rằng giải Nobel hòa bình năm 2013 hoàn toàn phù hợp nguyện vọng của Alfred Nobel với giải thích: “Giải trừ quân bị là yếu tố lớn trong di chúc của Alfred Nobel”.

Nhưng tranh cãi vẫn bùng lên. F. William Engdahl, nhà nghiên cứu địa chính trị Đức gốc Mỹ - tác giả quyển Myths, lies and oil wars - phân tích: “Tôi cho rằng việc trao giải cho OPCW là một đòn lẩn tránh chính trị của Ủy ban Nobel hòa bình Oslo... Nếu nhìn vào khuôn mẫu của giải thưởng Nobel hòa bình nhiều thập niên qua, bạn có thể có cảm giác sai rằng ủy ban này nhấn mạnh chương trình nghị sự của phương Tây hơn”.

Theo F. William Engdahl, trên thực tế OPCW chỉ làm việc phá hủy vũ khí nhưng không phải là người đưa ra sáng kiến (phá hủy vũ khí hóa học Syria).

Nhưng có lẽ Ủy ban Nobel đã đúng. OPCW không phải là chuyện người hùng cá nhân cứu thế giới, mà là câu chuyện về một định chế quốc tế làm tốt công việc của mình, lặng lẽ nhưng hiệu quả, với ngân sách khiêm tốn chỉ 95 triệu USD mỗi năm. Các thanh sát viên của họ bị thương khá thường xuyên, nhưng từ khi thành lập chưa thành viên OPCW nào thiệt mạng.

Theo chuyên gia W. P. S. Sidhu thuộc Trung tâm Hợp tác quốc tế, ĐH New York (Mỹ), có ba lý do giúp OPCW hoạt động hiệu quả dù âm thầm. Thứ nhất, không giống như Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, OPCW kêu gọi phá hủy toàn bộ vũ khí hóa học trên thế giới, không có bất cứ ngoại lệ nào. Thứ hai, sứ mệnh của OPCW là phá hủy vũ khí hóa học, ngăn chặn phổ biến.

Khác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), OPCW không có nghĩa vụ thúc đẩy các ứng dụng hòa bình, dân sự. Cuối cùng, do ít bị chú ý như IAEA nên OPCW tránh được những cãi cọ chính trị và thực hiện nhiệm vụ tiêu hủy vũ khí hóa học một cách êm ả.

Dù vậy, cũng không thể phủ nhận một thực tế rằng nhờ sứ mệnh tại Syria nên OPCW mới được Ủy ban Nobel tôn vinh. Giới quan sát đánh giá Ủy ban Nobel muốn khuyến khích nỗ lực giải trừ vũ khí hóa học không chỉ ở Syria mà trên phạm vi toàn cầu. Khi công bố giải, chủ tịch Ủy ban Nobel Thorbjoern Jagland “nhắc nhở” một số quốc gia có kho vũ khí hóa học lớn như Mỹ và Nga rằng các nước này cần nhanh chóng phá hủy hết vũ khí hóa học khi đòi hỏi người khác làm như vậy.

“Chúng ta có cơ hội loại bỏ hoàn toàn một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đó sẽ là một thành công mang tính lịch sử” - báo New York Times dẫn lời ông Jagland khẳng định.

Công việc của OPCW không lãng mạn, không truyền cảm hứng, không tạo nước mắt trên truyền hình, nhưng thật sự quan trọng và cứu sinh mạng của rất nhiều người, khiến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp và an toàn hơn. Cho tới trước khi giải Nobel hòa bình được công bố, có lẽ không mấy ai biết OPCW là ai, công việc của họ gì, cũng như quan tâm đủ tới vấn đề vũ khí hóa học.

OPCW được thành lập để triển khai Công ước không phổ biến vũ khí hóa học, có hiệu lực từ năm 1997 và đã được 189 nước (bao gồm Việt Nam) phê chuẩn. Trong số đó, bảy nước Albania, Ấn Độ, Iraq, Libya, Nga, Mỹ và một nước nữa mà OPCW không tiết lộ (được cho là Hàn Quốc) đã công khai kho vũ khí hóa học của họ. Tính tới nay, OPCW đã tiến hành hơn 5.000 cuộc thanh sát ở 86 quốc gia, khẳng định 100% vũ khí hóa học được khai báo đã được họ nhận dạng và theo dõi.

Theo OPCW, 57.740 tấn vũ khí hóa học, tương đương 81,1% kho vũ khí hóa học (đã khai báo), đã bị tiêu hủy. 13 thành viên OPCW cũng đã kê khai 70 cơ sở sản xuất vũ khí hóa học và cả 70 cơ sở này đã được xử lý, bao gồm 43 bị phá hủy và 21 chuyển sang phục vụ các mục đích hòa bình. OPCW hoạt động bằng ngân quỹ do các thành viên đóng góp, với khoảng 500 nhân viên ở trụ sở The Hague.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận