Theo tiếng gọi Hội sách

LAM ĐIỀN 30/03/2014 23:03 GMT+7

TTCT - Buổi trưa ở quán cơm trên đường Điện Biên Phủ (TP.HCM) mé ngoài hội sách, anh bạn dừng tay nghe điện thoại và quay lại bảo: “Có người bạn gọi báo vừa thấy gian hàng NXB Văn Học có bày bán các bộ tuyển tập Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Phan Tứ, để lát vào mua vì ngày thường khó tìm thấy các loại sách này...”.

Khách chọn mua sách tại gian hàng Nhã Nam - Ảnh: L.Điền

Đó chỉ là một trong nhiều lý do khiến mỗi kỳ Hội sách TP.HCM tổ chức tại công viên Lê Văn Tám (Q.1) “hút” rất nhiều dạng bạn đọc bất kể là dân Sài Gòn hay các tỉnh thành lân cận.

Quyến rũ

Sách chính là tiếng gọi cần thiết cho một sự nghiệp, một khía cạnh cuộc đời, không đơn thuần là chuyện bán - mua

Ông Nguyễn Cương, 85 tuổi, tay chống gậy dạo quanh các gian hàng Đông Tây, Fahasa, NXB Trẻ tại hội sách ngay từ sáng sớm hôm 23-3, tức trước khai mạc một ngày. “Tôi nghe tụi nhỏ nói với nhau, nghĩ thế nào năm nay các gian hàng cũng bán sách trước ngày khai mạc - nên tranh thủ đến sớm - ông hấp háy cười rồi nói thêm: “Nhà tôi ở tận cư xá Ngân Hàng bên Q.7, phải đi hai chặng xe buýt mới đến được công viên Lê Văn Tám này nghen. Nhưng kỳ hội sách nào tôi cũng đi”.

Và rồi ông say sưa nói về các loại sách thường đọc, rằng năm qua có quyển sách của ông Trần Văn Thủy rất hay, đọc xong ông muốn tìm đọc thêm các sách viết về mặt trái xã hội hôm nay, về một lớp người nghèo mới mà ông “không biết hiện nay các nhà văn phản ánh vào trong sách truyện như thế nào”. Có người nghe vậy liền mua tặng ông quyển Đảo - tập truyện mới nhất của Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn được xem là có nghề nhất trong việc phản ánh cuộc sống người nghèo hôm nay. Xung quanh, có gian hàng đang lắp kệ trưng bày sách, có gian đã bán mua nhộn nhịp, và trong lớp lớp người đang “trẩy hội sách sớm” ấy có ông già 85 tuổi đang chầm chậm bước đi với hình ảnh của từng quyển sách trong đầu.

Lâu nay, có một dòng chảy lưu chuyển sách giữa Sài Gòn và Hà Nội trong giới những người chơi sách. Ấy là những nhóm bạn thân, người trong Nam nhờ người ngoài Bắc săn tìm quyển nọ quyển kia rồi gửi ra hoặc chuyển vào. Ngay từ tháng 2 năm nay, một người bạn mê sách ở Hà Nội nhắn cho nhóm bạn chơi sách Sài Gòn rằng: sách tìm được khoan gửi ra, để đến tháng 3 vào hội sách rồi mình mang ra luôn. Thế thì, hội sách đã định vị trong lòng người mê sách như một kỳ hẹn với bạn bè thân, như một dịp để nhẩn nha gặp gỡ, tìm kiếm những gì mình thiếu, cập nhật những quyển sách mới thuộc “dòng mình quan tâm”.

Có anh bạn ngồi trong mưa gió lạnh ở Hà Nội mà chộn rộn nghe cái nóng của Hội sách TP.HCM, cầm lòng không được bèn kêu lên trên trang cá nhân: “Chao ôi, muốn vào hội sách cùng anh em Sài Gòn quá”. Và cũng có người thu xếp công việc, bay thẳng vào TP.HCM chỉ để dự hội sách. Ông này muốn giấu tên, nhưng là người vừa mê sách, mê khảo cứu, lại bạn bè với dân sách vở từ Nam ra Bắc, sang tận hải ngoại. Kỳ hội sách trước ông cũng có mặt nên lần này mà không vào được với anh em hẳn lòng bứt rứt không yên.

Đáng kể nhất là có anh bạn nghe lời “quyến rũ” của cô em gái đã tình nguyện bay từ Hà Nội vào thẳng hội sách, tham gia làm chân bán hàng cho một góc sách cũ - độc nhất vô nhị của Hội sách TP.HCM lần này. Hội sách quyến rũ anh, và anh, với góc sách cũ bày “ké” chỗ gian hàng nhà sách Đông Tây, lại trở thành điểm quyến rũ nhiều người mê sách khác.

Có anh bạn ồ lên mừng rỡ khi thấy chỗ này có bán hai quyển nghệ thuật tuồng của GS Hoàng Châu Ký, giá chỉ 80.000 đồng, mua ngay. Những nhà sưu tập thì tấm tắc trước bộ Sử địa tập san in từ trước năm 1975, còn tốt, đủ cả quyển đặc khảo về Hoàng Sa - là tập cuối cùng ra kỷ niệm một năm ngày Hoàng Sa thất thủ. Bộ này ra hội mang tính trưng bày, nhưng nếu ai mua thì chủ sách yêu cầu phải để lại 20 triệu đồng.

Nhiều sự lựa chọn

Đúng như dự đoán của giới đọc sách và Công ty Bách Việt, tác phẩm mới nhất của Dan Brown - Hỏa ngục - ngay lập tức là quyển best-seller của hội sách từ... trước giờ khai mạc, và giữ vị trí quán quân trong mấy ngày sau đó. Một trong những duyên cớ để quyển này đạt best-seller là nó đồng loạt được bán tại nhiều gian hàng. Và mỗi gian hàng, với mục tiêu và nghệ thuật kinh doanh của mình, đã có nhiều cách để thu hút khách hàng.

Trong khi đơn vị chủ sách bán giảm giá 20% thì các gian hàng mạnh dạn nhích lên khoảng 5% nữa, hoặc dùng các hình thức quà tặng để khách đến hội cảm thấy hài lòng. Theo đó, khách hàng sẽ cân nhắc lựa chọn giá bán và hình thức khuyến mãi của các gian hàng khi mua những quyển đang được chú ý như Chúc một ngày tốt lành của Nguyễn Nhật Ánh, Con chim khát tổ của Rowling do NXB Trẻ phát hành.

“Tâm lý của “dân” mua sách thường xuyên là phải tranh thủ đến hội sách, vì đây là dịp để cân nhắc mua một quyển nào tại gian hàng nào thì có lợi nhất, tiết kiệm nhất” - Bảo Ngọc, học sinh lớp 12 Trường Nguyễn Thị Minh Khai, nói về kinh nghiệm của em qua các kỳ hội sách.

Do đó, hội sách trở thành cơ hội để một quyển sách được bán ra nhiều bản nhất trong một khoảng thời gian cố định. Cơ hội song hành với đòi hỏi và thách thức, Nhã Nam tung ra hàng loạt quà tặng, từ bookmark đến túi đựng sách may rất công phu, sổ tay mang tên các danh tác...; Tiki và Vinabook đều tích cực giảm giá để phát hành các sách “hot”; Phương Nam bố trí các hình mẫu nhân vật trong truyện để các bạn trẻ đến chụp hình; Alphabook chỉ bằng một sô thuyết trình của Quách Tuấn Khanh đã thu hút bạn đọc đến gian hàng nhiều đến không chỗ chen chân vào trưa ngày khai mạc.

Lại cũng có những sự lựa chọn khác, như ông chủ nhà sách Hà Nội tự tổ chức một chiếu trà phục vụ bạn bè và khách hàng. Trà Tân Cương loại tốt, pha đúng điệu, bày dưới gốc hồng đào trong những ngày tháng 3 nắng như đổ lửa hóa ra lại là một lựa chọn của rất nhiều người khi đến hội sách. “Mua ở đâu cũng vậy, nhưng mua ở đây còn được ngồi uống trà, chẳng phải khoan khoái hơn sao” - anh bạn nguyên ở báo Sài Gòn Tiếp Thị hoan hỉ nói về sự chọn lựa của mình.

Lắng nghe và nhớ

Ở quán cà phê dưới tán cụm cây dầu trong buổi sớm ngày thứ hai của hội sách có một nhóm học giả đang tề tựu. Họ đến từ Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh vừa diễn ra vào đêm trước tại TP.HCM. Và như một lẽ tất nhiên, họ không thể không vào hội sách. Tại đây, có những hẹn hò trao đổi sách, có câu chuyện bàn bạc về tiêu chí cho một hạng mục mới của giải thưởng năm sau.

Và quan trọng hơn cả là câu chuyện về ước mơ từ trăm năm trước của cụ Phan Châu Trinh khi đề xướng khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Câu chuyện đó gắn liền với sách, nhóm bạn trẻ tham gia chỉ biết ngồi nghe, nhưng tâm sự của những trí thức lão thành như vậy đang có tác dụng khơi gợi, như nhắc nhở về hiện trạng của nước nhà đang rất cần bàn tay của những người biết đọc sách và biết vận dụng từ trang sách cho cuộc đời tươi đẹp hơn.

Hóa ra, trong vô vàn ồn ã náo nhiệt của hội sách, người ta vẫn lắng nghe được nhiều điều thú vị. Đó là cuộc gọi của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân từ Cái Bè, Tiền Giang, bảo “ngày mai sẽ bắt xe đò lên với hội”. Là một người bạn khi nghe bảo hội sách lần này có xuất hiện quyển Mục lục Châu bản triều Gia Long và Minh Mệnh vội vã dặn “để dành cho tui một quyển nhé”. Người mua sốt sắng, người bán cũng hối hả, quyển Thiền uyển tập anh của NXB Hồng Đức vừa in xong được lệnh “chở ngay ra hội”. Và còn nữa, khi tập thơ mới của Du Tử Lê được chuyển từ Hà Nội vào hội sách, giới sưu tập lập tức í ới gọi nhau và gọi nhà phát hành hỏi xem sao không thấy ấn bản đặc biệt của tập thơ này xuất hiện tại hội...

Sau khi dạo mấy vòng tìm sách, nhóm bạn cựu sinh viên báo chí Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM ngồi lại nơi chiếu trà. Chợt có người nhắc anh Q. khiến cả bọn bồi hồi nhớ lại người bạn vong niên đã khuất. Anh Q. mê sách và đã truyền niềm yêu thích ấy cho hai người con. Hội sách năm 2012, anh dẫn cả nhà đi chọn sách, không ngờ là hội sách cuối cùng của anh. Hội sách, với gia đình anh, giờ là một kỷ niệm đặc biệt, như tâm sự của hai đứa con anh nay đang học phổ thông và tiếp tục duy trì niềm yêu thích sách vở từ người cha đáng kính.

Và từ hội sách có người bạn trong làng sách đã nhìn ra nhiều chuyện của cuộc đời. Anh tự nhận mình đã “lớn lên rất nhiều” qua mỗi kỳ hội sách, từ việc tổ chức sự kiện đến cách ứng xử với truyền thông. Đặc biệt là đoán định thị hiếu bạn đọc để ra sách tạo điểm nhấn trong hội sách được xem là nghệ thuật của giới làm sách chuyên nghiệp. Với anh, hội sách như tiếng gọi của nghề, như sự thôi thúc để rướn lên dù thị trường đang gặp khó. Cái nhìn ấy cũng chính là điểm gặp nhau giữa người làm sách và người đọc sách. Sách với họ chính là tiếng gọi cần thiết cho một sự nghiệp, một khía cạnh cuộc đời, không đơn thuần là chuyện bán - mua.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận