​Thứ bậc cho người trẻ trong xã hội

TS LÊ THANH HẢI 20/08/2015 01:08 GMT+7

TTCT- LTS: Sau gần hai tháng (xem TTCT từ số 25, ra ngày 5-7-2015), những ý kiến tham gia loạt Câu chuyệncuộc sống “Tôn trọng người trẻ” đã nhấn mạnh sự bình đẳng tuổi tác cần thiết cho phát triển, khi Việt Nam chẳng bao lâu sẽ bước qua giai đoạn dân số vàng. Bên cạnh đó là nỗ lực của chính những người trẻ để sự bình đẳng này thật sự là một ghi nhận, tôn trọng của xã hội hơn là sự chiếu cố. Kết loạt diễn đàn này, TTCT mời bạn đọc xem ý kiến của TS xã hội học Lê Thanh Hải, từng làm việc ở Ba Lan và nay là ở Anh.

 

Tôi không thích được sinh viên gọi là thầy, bởi vì thói quen khi đứng lớp từ thời làm nghiên cứu sinh ở Ba Lan. Sau này, khi nhận dẫn luận văn cho sinh viên ở Việt Nam thì việc đầu tiên tôi làm là yêu cầu họ không gọi tôi là thầy, bởi vì nếu hoàn tất chương trình học thì họ trở thành đồng nghiệp, còn nếu học không xong thì cũng không ngại bị người lười biếng nhận vơ là học trò.

Điều này càng hợp lý hơn khi tôi tổ chức khóa bổ túc kiến thức cho một chủ công ty một phòng ban nào đó, vì sau khi nắm bắt những nguyên tắc cơ bản nhất thì chính họ mới là thầy để tôi học cách vận dụng khoa học vào cuộc sống để tạo ra sản phẩm và lợi nhuận.

Bình đẳng tuổi tác- cơ chế của nền văn minh

Khi xã hội còn trong cơ chế sản xuất nông nghiệp truyền thống thì người già - tích lũy và lưu truyền kinh nghiệm theo năm tháng - giữ tiếng nói quyết định. Nhưng lúc xã hội đã tiến vào giai đoạn công nghiệp hóa và nhất là công nghệ hóa như hiện nay, thì khả năng xử lý nhiều nguồn thông tin khác nhau và cập nhật kiến thức mới là chìa khóa để tồn tại và phát triển. Khi đó thế hệ trẻ trở thành người được trân trọng và tạo điều kiện để đưa thế giới phát triển.

 

Bill Gates với công nghệ phần mềm hay Mark Zuckerberg với kỹ thuật mạng xã hội chính là một vài ví dụ tiêu biểu, bên cạnh rất nhiều nhân vật trẻ khác trong đủ mọi ngành nghề đang là mũi nhọn trên thế giới - từ công nghệ vi sinh cho đến kỹ thuật nano, thậm chí ngành chế biến thực phẩm. Nhiều trường đại học ở Anh không ngại mở thêm công ty kinh doanh để tận dụng nguồn chất xám do chính mình đào tạo.

Trường đại học và cơ sở kinh doanh rất chú trọng đến cơ cấu thứ bậc bởi vì họ thấu hiểu nhất về hiệu suất công việc hay hiệu quả kinh tế do tái cơ cấu tổ chức đem lại. Ở Anh thời công nghiệp hóa, thay vì để mỗi người công nhân tự lắp ráp từ đầu đến đuôi và trả lương theo bậc thợ tức là bề dày kinh nghiệm theo năm tháng, người ta đã xếp tất cả ngang nhau vào một dây chuyền và kết quả là sản lượng bất ngờ tăng gấp 2.000 lần so với trước.

Đó cũng là lý do khiến hãng xe Ford ở Mỹ hạ giá thành xuống đến nỗi người dân bình thường cũng đủ tiền để mua và tạo ra sức đẩy kinh tế cho toàn xã hội. Thay đổi vị trí và sắp xếp lại thứ bậc trong xã hội tất nhiên sẽ bị phản đối nhưng tạo ra giá trị thặng dư cho cộng đồng và luôn là xu thế áp đảo thời phát triển.

Những người phụ nữ Anh khi trở thành lực lượng lao động chính thời Thế chiến thứ hai đã nhanh chóng giành vị thế ngang hàng với nam giới trong xã hội. Ngành công nghệ chế biến ở Nhật khi xưa và sau đó là Hàn Quốc đã thu hút rất nhiều lao động nữ và tạo ra thay đổi hoàn toàn về vai trò của người phụ nữ trong xã hội.

Đàn ông Hàn Quốc ngày nay rất khó lấy vợ vì phải phấn đấu rất nhiều mới đạt được tiêu chuẩn của phụ nữ Hàn Quốc. Họ đang tìm sang Việt Nam nhưng không lâu nữa sự phát triển của các khu chế xuất và quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam cũng sẽ tạo ra điều tương tự trong quan hệ xã hội.

Nhiều người Việt lo lắng với tỉ̉ lệ ly hôn ngày càng cao nhưng điều đó thể hiện sự tự tin của phụ nữ Việt, nhất là những bà mẹ đơn thân nhưng vẫn thành đạt và được kính nể trong xã hội. Một cơ cấu xã hội ngang bằng đang dần hình thành theo nhịp độ phát triển kinh tế và toàn cầu hóa.

Từ một sản phẩm phụ của thời công nghiệp hóa, sự bình đẳng trong xã hội nay trở thành tiêu chí của nền văn minh và được cộng đồng quốc tế mở rộng thông qua các loại công ước và liên kết văn hóa. Bên cạnh bình đẳng về giới tính, yêu cầu bình đẳng về tuổi tác cũng đặc biệt được chú trọng.

Ngay cả trẻ em cũng phải được tôn trọng quyền không chỉ được học mà còn được vui chơi, không bị ép buộc phải đi theo tôn giáo khác hay văn hóa khác, như quy định trong công ước quốc tế của Unicef.

Ở Anh, trẻ em trong các trường mà Unicef công nhận là đạt chuẩn này được thầ̉y cô giáo đối xử như bạn bè, chia sẻ tâm sự để giúp các em biết sống tự lập trong xã hội, hơn là kiểu nạt nộ thị uy bắt học trò lúc nào cũng phải khép nép sợ hãi âu lo.

Quen sống trong không khí nặng nề áp đặt trong trường học, các em sau này dễ trở thành những công dân hèn kém trong xã hội, không dám lên tiếng bảo vệ điều tốt, và khi ra nước ngoài thì càng thể hiện rõ thái độ nhược tiểu thấp hèn khi được đứng ngang hàng với bạn bè trong khu vực hay trên thế giới.

Tôn trọng người trẻ trở thành một tiêu chí quan trọng để phát triển cho một quốc gia, bởi vì đạo đức không chỉ đơn thuần là chuyện của quá khứ mà chính là phương tiện để đi đến tương lai. 

Trong mỗi gia đình, sự bình đẳng về tuổi tác đang dần trở thành hiện tượng đáng chú ý, nhưng hoàn toàn tùy thuộc vào nhận thức của mỗi bậc phụ huynh và hiểu biết xã hội của từng thành viên trẻ. Thông thường tác động đến từ bên ngoài, như là thay đổi về thu nhập hay sức khỏe, và đặc biệt nhất là phim ảnh.

Phim Hàn Quốc đi theo trào lưu phim Mỹ chỉ lấy người trẻ để làm nhân vật chính và diễn viên dù có già nhưng vẫn cố giữ nhan sắc nhập vai một người còn trẻ khỏe. Văn hóa thiên vị người trẻ ở các nước phương Tây mạnh đến nỗi chính phủ phải ra luật để bênh vực người già, cấm các quảng cáo tìm việc giới hạn độ tuổi của ứng viên.

Vị trí của người trẻ trong xã hội phương Tây thay đổi mạnh nhất là từ phong trào hippies ở các trường đại học lớn của Mỹ và những làn sóng tương tự trong chính trị xã hội ở Pháp và sau này là Tiệp Khắc và Ba Lan.

Tổng thống Alexander Kwasniewski trước đó là bí thư Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Ba Lan, và bây giờ thì chuyện một người bạn học cũ của tôi ở Trường đại học Tổng hợp Warszawa lên làm bộ trưởng năm 39 tuổi cũng không đủ trẻ để khiến báo chí quan tâm. Ở Đức, phó thủ tướng gốc Việt cũng là một người trẻ, giống như thế hệ lãnh đạo hiện nay ở các nước châu Âu.

Ngay cả Tổng thống Barack Obama ở Mỹ cũng phải thể hiện phong thái trẻ trung khi ra tranh cử và trong suốt thời gian làm việc ở Nhà Trắng.

Tìm điểm cần bằng phù hợp

Tuy nhiên, tích cực đi kèm với ngu dốt và quá khích sẽ trở thành phá hoại. Mỗi xã hội cần một điểm cân bằng phù hợp về quyền lực của thế hệ trẻ để có thể vừa phát triển vừa duy trì cơ cấu xã hội. Việt Nam cứ mỗi năm lại có thêm 1 triệu dân, tức là một tỉnh mới, và cứ tầm một tháng lại có thêm một khu đô thị mới, nên bộ máy lãnh đạo và hành chính ở địa phương chắc chắn phải là những người rất trẻ để theo kịp nhịp độ của cuộc sống.

Điều đó có nghĩa là phải giảm bớt khung sườn trung gian trong cơ chế và tăng trình độ quản lý, khả năng giải quyết công việc của mỗi cán bộ. Nhu cầu không đơn thuần là trẻ mà còn là cả lượng kiến thức ngang bằng với những người trẻ khác trên thế giới, không chỉ đo bằng bằng cấp mà cả những kỹ năng mềm như giao tiếp, biết lắng nghe, có trình độ phân tích và phân loại vấn đề, cũng như là hiểu biết sâu về văn hóa địa phương trong hệ tọa độ toàn cầu.

Những người trẻ như vậy ở Việt Nam thì lại chưa nhiều, và đa số thanh niên ra nước ngoài học không quan tâm gì mấy đến các ngành chính trị xã hội, càng không muốn sau này trở thành công chức chuyên nghiệp.

Đó là bài toán mà xã hội Việt Nam một cách vô thức đang vật vã tìm lời giải, mà kết quả sẽ là một điểm cân bằng về sự tôn trọng của người già dành cho người trẻ, lẫn của người trẻ dành cho người già. Cách giải truyền thống vẫn luôn là văn hóa, từ gia đình ra xã hội và trở thành chuẩn mực cho toàn quốc, cần nhiều thời gian để điều chỉnh và tái tạo.

Có một phương pháp để tăng tốc quá trình này là diễn đàn xã hội, như chuyên mục này trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần, giống như một chất xúc tác để khiến các bên nắm ý của nhau rõ hơn và dễ trình bày đòi hỏi của mình hơn, nhanh chóng đi đến thỏa thuận.

Ở các nước phát triển còn có thêm sự trợ giúp từ những công trình nghiên cứu của các chuyên gia xã hội học. Khá nhiều chuyên gia nước ngoài đã nghiên cứu sự thay đổi của cơ cấu xã hội Việt Nam trong thời gian qua, nhưng đích đến của họ là hệ thống lý thuyết cho cộng đồng hàn lâm hơn là thực tiễn ứng dụng cho Việt Nam. Đây là đoạn đường còn lại mà chính các bạn trẻ Việt Nam đang có trình độ chuyên môn trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn phải đi tiếp.

Thay đổi vị trí và sắp xếp lại thứ bậc trong xã hội tất nhiên sẽ bị phản đối, nhưng tạo ra giá trị thặng dư cho cộng đồng và luôn là xu thế áp đảo thời phát triển
 

...Đa số thanh niên Việt Nam ra nước ngoài học không quan tâm gì mấy đến các ngành chính trị xã hội, càng không muốn sau này trở thành công chức chuyên nghiệp. Đó là bài toán mà xã hội Việt Nam một cách vô thức đang vật vã tìm lời giải, mà kết quả sẽ là một điểm cân bằng về sự tôn trọng của người già dành cho người trẻ, lẫn của người trẻ dành cho người già.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận