​Thư gửi những đứa con... bỗng thành xa lạ!

LÂM MINH TRANG (Gò Vấp) 23/04/2015 05:04 GMT+7

LTS: Tham gia loạt Câu chuyện cuộc sống “Bỗng nhiên, người lạ!” (trên TTCT từ số ra ngày 8-3-2015) kỳ này là thư của một bạn đọc tự nhận là ”người già” gửi đến những bạn trẻ trở thành “người lạ” trong gia đình, cùng một ý kiến phản biện bài “Là đối tác để tranh luận” (trên TTCT số ra ngày 22-3). TTCT trích giới thiệu.

 

Các bạn trẻ thương mến!

Không ai ngay lập tức sau khi được sinh ra đời đã trở thành... cha mẹ. Chúng tôi cũng từng là những đứa bé - con cái như các con. Và cũng giống y như các con bây giờ, thuở bé chúng tôi cũng đã luôn nhìn thấy giữa thế hệ mình và các bậc phụ huynh của mình một khoảng cách không thể bắc cầu.

Nói vậy để các bạn hiểu, khi viết bức thư này, chúng tôi cũng đặt mình vào vị trí các bạn, đặt vào trong tâm cảm của người nhìn lại quá khứ của mình như một kiểm thảo, để mong gan ruột này có thể đến được với gan ruột kia. Để mong các bạn trong suy nghĩ của mình, cho dù sự trách móc, lòng hờn giận có còn hằng hà sa số về người lớn thì cũng có những thể tất nhất định cho cái gọi là “quay đầu là bờ” nơi chúng tôi.

Người lớn là người đã đi qua tuổi nhỏ. Tất nhiên giai đoạn tuổi nhỏ của người lớn hôm nay không giống như giai đoạn các bạn đang sống. Không sao cả, ta khác nhau nhiều về không gian, thời gian, song giống nhau lắm ở cùng một điểm: ta từng có thời kỳ muốn khẳng định tuổi trẻ của mình là... tuổi trẻ.

Lúc đó ta luôn muốn xông tới và luôn nghĩ rằng mình hành động không sai. Thường trực trong tuổi trẻ của chúng tôi lúc đó là những câu hỏi mà không có trả lời rằng: Sao cha mẹ chả hiểu gì mình? Sao cha mẹ cứ thích áp đặt, bắt buộc và... cưỡng ép mình làm theo ý họ? Sao cha mẹ lúc nào cũng cho là mình đúng?

Và sau những câu hỏi đó luôn là cái ấm ức, cái bực bội mà chúng tôi mang đến chia sẻ với bạn bè. Chia sẻ để được một an ủi xiết bao đó là: bạn bè mình cũng... bị giống mình!

Quả báo đâu cần chờ kiếp sau mà nó nhãn tiền ngay trước mắt, ngày hôm nay chúng tôi trở thành nhân vật của các con với bất tận thắc mắc, bất tận bức xúc. Giờ chúng tôi hiểu ra: cha mẹ chúng tôi cũng từng qua thời tuổi trẻ và bất kỳ cha mẹ nào cũng mong muốn mang lại cho con mình điều tốt nhất, muốn con mình tránh được nhiều sai lầm nhất và giúp con có một cuộc đời tử tế nhất từ chính những kinh nghiệm của mình khi còn trẻ.

Giờ chúng tôi nhận ra những điều mà chúng tôi cho là tốt đẹp, mong muốn con mình nhận lãnh, thật ra không phải là điều mà các con mình cần. Sự an toàn mà chúng tôi muốn bao bọc con cái mình, cho dù bằng tình yêu - tôi nghĩ vậy - thì với các con, nó đã trở thành một cái lồng giam hãm, một cái lưới thít chặt những tự do, trói buộc mọi ước mơ của người trẻ (người trẻ thì gọi đó là ước mơ, cha mẹ chúng tôi và giờ là chúng tôi - cha mẹ - gọi đó là những điều càn rỡ, ngông cuồng!).

Khó chấp nhận điều gì đó tức là tư tưởng không thông, khi tư tưởng đã không thông thì thường dẫn đến những hành vi khó chấp nhận. Những hành vi này đã đẩy chúng tôi trước đây và bây giờ là các bạn dần trở nên có khoảng cách, xa lạ với cha mẹ mình. Cái vòng luẩn quẩn này e là sẽ không bao giờ chấm dứt, e là sẽ lại tuần hoàn khi các bạn bước vào tuổi làm cha mẹ như chúng tôi hôm nay.

Tuổi trẻ thương mến và cả những tuổi già tội nghiệp!

Tôi mong muốn gửi bức thư này không chỉ đến những người trẻ, mà còn mong tuổi già dành vài giây để đọc nó. Bởi chính chúng ta, chứ không phải tuổi trẻ, là người phải giải quyết những gì mà bọn trẻ bức xúc. Chúng ta phải tháo chính cái nút mà chúng ta đã buộc.

Hãy chấp nhận một sự thật rằng: khi ta lo lắng cho bọn trẻ bằng trái tim bị cày nát vì cuộc đời để mong muốn mang đến cho chúng một sân cỏ êm mượt cao cấp, thì chúng vẫn thích chạy chơi cùng nhau trên bãi sình lổm nhổm miểng chai đâu đó.

Khi chúng ta chỉ cho chúng những hố voi, ổ gà trên con đường đời gập ghềnh mà ta vừa đi qua thì chúng vẫn thản nhiên muốn trượt ski cùng bạn bè qua nó, để nghĩ rằng chỉ với một cái nhún chúng sẽ vượt qua. Ta sợ chúng sẽ vấp ngã, còn chúng thì cho rằng đi vòng qua con đường khác hoặc chạy tránh cái hố đó là... hèn nhát, là không đáng mặt anh hùng.

Khi ta cho chúng thấy tri thức sẽ mang lại nghề nghiệp ổn định, những vị trí tốt đẹp ở nơi nào đó và rồi từ đó sẽ có một cuộc đời tử tế, thì chúng sẽ thờ ơ nhìn ngó những viễn cảnh đó bằng con mắt chán chường. Đó đâu phải là mục đích của cuộc sống mà tuổi trẻ hướng tới. Cái chúng muốn biết là cuộc đời cao rộng ngoài kia. Càng cao và càng rộng thì càng thỏa chí. Nhưng việc làm sao có đủ đôi cánh để đi cùng cao rộng lại là cái chúng không quan tâm.

Tuổi già hãy chấp nhận những điều đó đi, để mỗi ngày trong ngôi nhà chúng ta vẫn còn có con cái và một gia đình. Suy cho cùng, khi chúng ta có con cái và gia đình thì những thất bại mà bọn trẻ phải nhận lãnh chắc chắn chúng sẽ mang về chia sẻ với chúng ta. Gia đình là vậy, là có mặt đúng lúc trong những thành công lẫn thất bại của các thành viên.

Và điều này có thể đem đến niềm vui, hay nhiều khi chỉ là sự an ủi căn cứ vào việc hôm nay chúng ta - người già - cha mẹ biết chấp nhận một cách run rẩy những quyết định của con mình. Những quyết định đầy rủi ro (theo ý ta) mà chúng sẵn sàng và thích thú đón nhận.

Nói từng ấy chuyện với người già - cha mẹ, trong một cái thư gửi cho người trẻ - các con, hình như có điều chi khập khiễng. Nhưng bằng vào những gì hôm nay chúng tôi chấp nhận và nói với nhau rằng chúng tôi chấp nhận một cách minh bạch trước tuổi trẻ để các bạn trẻ thấy chúng tôi muốn trả lại con đường mà các bạn đã chọn.

Trả lại nhưng không buông hết, bởi chúng tôi muốn các con nhận ra rằng: điều mà chúng tôi chấp nhận chỉ để giúp chúng tôi gìn giữ được các bạn trở thành những người tử tế, lương thiện và có ích - trước hết cho cuộc đời các bạn và sau nữa cho xã hội mà các bạn sẽ đi cùng.     

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận